6.12.1. Việc lắp đặt và vận hành thiết bị điện hệ thống điện trên công trường cầu cần đáp ứng yêu cầu an toàn của TCVN 7447-4-41:2010 – Phần 4-41: Bảo vệ an toàn, bảo vệ chống điện giật.
6.12.2. Máy phát điện, động cơ điện và các thiết bị phụ tùng như tủ điện, đồng hồ, dây dẫn v.v… đều cần đặt ở nơi khô ráo, thoáng mát, mái không dột, mưa không hắt. Tuyệt đối không đặt nơi cần dầm mưa dãi nắng.
Nếu vì hoàn cảnh đặc biệt do tiến độ thi công khống chế chưa thực hiện đầy đủ các điều kiện trên thì tối thiểu cũng cần kê cao cách mặt đất ít nhất 0,30 m, che tạm bằng bạt, cót ép hoặc lợp mái; nhưng không được kéo dài quá 3 tháng.
6.12.3. Khi sử dụng, vận hành động cơ điện, máy phát điện cần tiến hành các quy định sau: a) Lau chùi sạch sẽ.
b) Tra dầu mỡ vào các chỗ quy định.
c) Dùng đồng hồ kiểm tra độ cách điện của các cuộn dây, giữa cuộn dây với vỏ, nếu thấy điện trở trên 0,5 mΩ thì được, nhỏ hơn thì cần sấy lại trước khi sử dụng.
d)Kiểm tra lại tụ điện, dây dẫn v.v…
Các công tác lau chùi, tra dầu mỡ, vặn ốc vít chỉ thực hiện khi máy không vận hành.
6.12.4. Các máy phát điện, động cơ điện đều cần tiếp đất đúng quy cách. Trường hợp các động cơ điện lắp trên các thiết bị di động thì cần thường xuyên kiểm tra đầu dây điện đấu vào động cơ. Khi vận hành cần kiểm tra điện ở vỏ máy.
6.12.5. Sau khi kiểm tra máy phát điện an toàn, cho máy chạy thử khi phát điện chạy, công nhân điều khiển cần kiểm tra theo dõi các đồng hồ báo có phù hợp không? có sự cố cần lập tức ngừng vận hành để sửa chữa.
Khi làm việc ổn định, các đồng hồ báo an toàn mới được đóng cầu dao cho máy làm việc.
6.12.6. Trong quá trình máy làm việc, thấy máy có sự cố cần ngừng máy, thì ngoài thợ điện ra, những người không thông thạo về điện không được sửa chữa điện. Công nhân vận hành và sửa chữa điện khi làm việc cần có trang bị đủ dụng cụ phòng hộ theo quy định.
6.12.7. Trước khi đóng cầu dao để đưa điện vào mạng điện, công nhân vận hành điện cần kiểm tra toàn bộ mạng điện. Việc đóng cầu dao điện chỉ do công nhân vận hành mạng điện làm.
6.12.8. Các trạm biến thế điện cần đặt ở nơi cao ráo, bằng phẳng, cách xa đường đi lại ít nhất 15 m, cách xa khu vực nhà ở và khu vực làm việc ít nhất 30 m. Cần tuân thủ các điều quy định chặt chẽ về trạm biến thế của cơ quan chuyên môn quy định về biển báo, nghiệm thu và bảo dưỡng v.v…
6.12.9. Để đảm bảo an toàn cần có các biển báo phòng ngừa dùng để: - Cảnh báo và ngăn không cho người tới gần các trang thiết bị có điện.
Tùy theo mục đích, các loại biển báo có thể chia làm 4 nhóm:
- Biển báo ngăn ngừa: “Không sờ mó – chết người”, “Điện cao áp – nguy hiểm chết người”…
- Biển báo Không: “Không đóng điện – có người làm việc”, “Không đóng điện – làm việc trên đường dây”, …
- Biển báo loại cho phép: “Làm việc ở đây” để chỉ rõ chỗ làm việc cho công nhân,… - Biển báo loại nhắc nhở để nhắc nhở về các biện pháp cần thiết: “Nối đất”,…
- Các loại biển báo di động dùng trong các trang thiết bị có điện áp trên và dưới 1000 V cần làm bằng vật liệu cách điện hoặc dẫn điện xấu (chất dẻo hoặc bìa cứng cách điện). Không dùng sắt tây làm biển báo. Phía trên biển báo cần có lỗ và móc để treo.