Kết luận rút ra từ những nghiên cứu về phát triển thị trường điện lực và

Một phần của tài liệu Luan an 8.8-nhn (1) (Trang 33 - 37)

TRƯỜNG ĐIỆN LỰC VÀ HƯỚNG NGHIÊN CỨU CỦA LUẬN ÁN

1.3.1. Những vấn đề đã thống nhất

Các nghiên cứu, đề án phát triển TTĐ đã thống nhất trên một số điểm như sau:

Phát triển TTĐ cần giảm dần sự điều tiết của Nhà nước và tự do hóa một số khu vực của ngành điện

Các nghiên cứu về phát triển TTĐ về cơ bản có quan điểm thống nhất về định hướng và lộ trình giảm sự can thiệp của nhà nước vào thị trường và dần tự do hóa ở một số khâu như sản xuất hoặc bán lẻ điện. Quá trình này có liên hệ chặt chẽ với cải thiện cơ chế cạnh tranh. Khi tính cạnh tranh trên thị trường càng thấp, hay tính độc quyền càng cao, thì vai trò của “bàn tay vô hình” càng giảm đi; lúc đó cần phải tăng cường vai trò của “bàn tay hữu hình” hay sự can thiệp của nhà nước vào thị trường. Ngược lại, khi tính cạnh tranh trên thị trường càng cao, vai trò của “bàn tay vô hình” phát huy tác dụng, thì cần phải hạn chế sự can thiệp của nhà nước vào thị trường. Do vậy quá trình xây dựng TTĐ cạnh tranh tại nhiều quốc gia được xem là quá trình phi điều tiết ngành điện.

Định hướng xây dựng thị trường điện lực tại Việt Nam vận hành hiệu quả hơn trên nhiều mặt:

Thứ nhất, cơ chế định giá hiệu quả: giúp đạt được mục tiêu tối thiểu hóa chi phí

mua điện tại bất cứ địa điểm và trong các chu kỳ giao dịch. Cơ chế định giá thị trường cần khuyến khích các đơn vị phát điện thực hiện các hành vi chào giá phát điện một cách hiệu quả, khuyến khích các đơn vị phát điện hoạt động theo định hướng tối ưu chi phí; và đưa ra tín hiệu giá hiệu quả cho khách hàng tham gia thị trường.

Thứ hai, khuyến khích đầu tư hiệu quả: một trong số các mục tiêu quan trọng của TTĐ Việt Nam là thu hút đầu tư phát triển nguồn điện mới. Để đạt được mục tiêu này, TTĐ cạnh tranh cần phải: i) Đưa ra được tín hiệu về giá, phản ánh đúng nhu cầu hệ thống cho nhà đầu tư; ii) Đảm bảo tính minh bạch trong vận hành hệ thống điện - TTĐ; iii) Khuyến khích nâng cao hiệu quả vận hành để khai thác tối ưu các nguồn điện hiện có.

Thứ ba, vận hành hệ thống điện và TTĐ cần hiệu quả, minh bạch hơn: Một khía cạnh quan trọng của tất cả các TTĐ là hiệu quả vận hành cũng như tính minh bạch trong quá trình vận hành TTĐ và hệ thống điện. Một TTĐ có thể được thiết kế tốt, nhưng thực tế hoạt động lại không đặt hiệu quả như dự kiến nếu như không đảm bảo việc thực hiện nguyên tắc vận hành thị trường hiệu quả và minh bạch. Để đảm bảo nguyên tắc trên, TTĐ Việt Nam cần đảm bảo các yêu cầu sau:

- Có cơ chế, công cụ định giá thị trường và điều độ, vận hành hệ thống điện cũng như TTĐ hiệu quả;

- Khai thác và sử dụng các nguồn cung điện năng hiện có một cách hiệu quả; - Vận hành hệ thống truyền tải và phân phối điện hiệu quả;

- Có các quy định về đảm bảo tính minh bạch để tạo niềm tin đối với nhà đầu tư: công bố đầy đủ thông tin, đảm bảo tính độc lập của đơn vị vận hành hệ thống điện và TTĐ; kiểm toán độc lập các công cụ tính toán; cơ chế giám sát thị trường…;

- Đảm bảo tính nhất quán, không chồng chéo giữa quy định vận hành thị trường và các quy định có liên quan khác.

Thứ tư, nâng cao tính cạnh tranh trong ngành điện: để đảm bảo tính cạnh tranh trong ngành điện, trước hết cần phải đảm bảo cấu trúc ngành điện phù hợp, theo đó, cần hình thành nhiều đơn vị mua điện và nhiều đơn vị bán điện, các đơn vị cung cấp dịch vụ (Đơn vị vận hành hệ thống điện và TTĐ, Đơn vị truyền tải điện, Đơn vị phân phối điện….) cần độc lập với bên mua và bên bán.

1.3.2. Những vấn đề chưa thống nhất

Một số vấn đề chủ yếu chưa đạt được sự thống nhất giữa các nghiên cứu liên quan về TTĐ và phát triển TTĐ là:

Thứ nhất, các nghiên cứu chưa xem xét đầy đủ bối cảnh, điều kiện cũng như triển vọng xây dựng và phát triển TTĐ tại Việt Nam, trong đó đâu là yếu tố tiên quyết và căn bản để hỗ trợ và quá trình chuyển đổi của thị trường.

Thứ hai, các nghiên cứu về phát triển TTĐ hiện tập trung phần lớn các nỗ lực vào giải pháp cải thiện mức độ cạnh tranh, xây dựng lộ trình và thiết kế TTĐ và các nền tảng phục vụ giao dịch trên TTĐ mà chưa xem xét sự phát triển của TTĐ gắn với sự phát triển tổng thể của ngành điện, cụ thể là gắn với cung, cầu, bảo đảm cân bằng cung cầu điện hay những nguy cơ có thể xảy ra đối với an ninh hệ thống điện, an ninh kinh tế nếu xảy ra các sự cố gián đoạn cung cấp điện trên quy mô lớn khi đẩy mạnh quá trình tự do hóa ngành điện. Điều này dẫn đến việc thiếu các nghiên cứu đầy đủ về các cơ chế thu hút đầu tư phát triển chuỗi cung ứng điện năng, đặc biệt là các cơ chế gỡ bỏ các rào cản về thể chế, chính sách và thị trường đối với các DN tham gia đầu tư vào sản xuất điện;

Thứ ba, định hướng tổng quát và lộ trình tự do hóa một số khâu khu vực của ngành điện, nâng cao hiệu lực quản lý và điều tiết thị trường, thể chế vận hành thị trường phù hợp, cải thiện sự độc lập tương đối của các cơ quan điều tiết, quản lý thị trường chưa được làm sáng tỏ.

1.3.3. Hướng nghiên cứu của luận án

Về cách tiếp cận: luận án nghiên cứu phát triển TTĐ tại Việt Nam dưới góc nhìn kinh tế phát triển, trong đó xem xét sự phát triển của TTĐ không tách rời khỏi sự phát triển tổng thể của ngành điện. Theo đó, luận án không chỉ nghiên cứu về phát triển TTĐ như giải pháp về xây dựng lộ trình và thiết kế TTĐ và các nền tảng phục vụ giao dịch trên TTĐ mà còn xét đến các nội dung, bộ phận thiết yếu nhất của TTĐ như cung, cầu, yếu tố trung gian kết nối cung - cầu.

Về mặt lý luận: Luận án hệ thống hoá cơ sở lý thuyết về TTĐ tại Việt Nam. Cụ thể, luận án sẽ làm rõ: Khái niệm, đặc điểm và vai trò của TTĐ; Nội dung, các chỉ tiêu đánh giá và các nhân tố ảnh hưởng đến phát triển TTĐ.

Về mặt thực tiễn: trước hết luận án khảo cứu kinh nghiệm phát triển TTĐ để từ đó rút ra các bài học cho phát triển TTĐ tại Việt Nam. Trên cơ sở này luận án phân tích, đánh giá thực trạng phát triển TTĐ tại Việt Nam trên cơ sở lý thuyết đã xây dựng ở Chương 2. Các nội dung, bộ phận thiết yếu nhất của TTĐ là cung, cầu, hạ tầng cho TTĐ bao gồm nền tảng và cơ chế phục vụ giao dịch TTĐ, cơ chế cạnh tranh và cơ chế giá qua đó nhận dạng được các giải pháp thúc đẩy sự phát triển chuỗi cung ứng điện năng tại Việt Nam. Luận án sẽ chỉ ra những ưu điểm, nhược điểm của các khía cạnh, nội dung của phát triển TTĐ tại Việt Nam.

Trên cơ sở phân tích, đánh giá thực trạng TTĐ, luận án đề xuất khuyến nghị để phát triển TTĐ tại Việt Nam trong thời kỳ tới. Các khuyến nghị này định hướng vào minh bạch hóa thị trường, thu hút đầu tư phát triển nguồn điện và sắp tới là lưới điện, nâng cao dịch vụ cung cấp đến người tiêu dùng.

Chương 2

CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ KINH NGHIỆM THỰC TIỄN VỀ PHÁT TRIỂN THỊ TRƯỜNG ĐIỆN LỰC

Một phần của tài liệu Luan an 8.8-nhn (1) (Trang 33 - 37)