Điều 29. Trách nhiệm UBND các cấp, các sở, ngành và người sử dụng đất
1. Ủy ban nhân dân cấp huyện:
a) Chỉ đạo, tổ chức, tuyên truyền, vận động mọi tổ chức, cá nhân về chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và thực hiện giải phóng mặt bằng theo đúng quyết định thu hồi đất, quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
b) Chỉ đạo Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng lập và thực hiện phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; thực hiện phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo Quy định.
c) Giải quyết các vướng mắc về đất đai và tài sản gắn liền với đất của hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư. Nội dung này thuộc trách nhiệm và thẩm quyền của Ủy ban nhân dân cấp huyện.
d) Phối hợp với các sở, ban, ngành, các tổ chức và chủ đầu tư thực hiện dự án đầu tư xây dựng, phương án tạo lập các khu tái định cư tại địa phương theo phân cấp của pháp luật quy định.
đ) Giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo thẩm quyền; ra quyết định cưỡng chế và tổ chức cưỡng chế theo quy định của pháp luật.
e) Báo cáo Sở Tài nguyên và Môi trường kết quả thực hiện thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trước ngày 01 tháng 11 hàng năm.
g) Thực hiện các nhiệm vụ khác theo Quy định này và các quy định của pháp luật có liên quan.
2. Ủy ban nhân dân cấp xã:
a) Tổ chức tuyên truyền về mục đích thu hồi đất, chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư của dự án.
b) Ủy ban nhân dân cấp xã chịu trách nhiệm về nguồn gốc, thời điểm sử dụng đất, thời điểm tạo lập nhà, công trình xây dựng, đối tượng sử dụng đất, tình trạng sử dụng đất và các thông tin tại Mẫu số 10/PABTHTTĐC.
c) Phối hợp với Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng trong quá trình lập, thực hiện phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư.
d) Thực hiện các nhiệm vụ khác theo Quy định này và các quy định của pháp luật có liên quan.
3. Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng:
a) Chủ trì tổng hợp xây dựng kế hoạch triển khai công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; lập, trình thẩm định và thực hiện Phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo quy định, chịu trách nhiệm phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư do đơn vị mình lập.
b) Có trách nhiệm nộp vào ngân sách Nhà nước khoản tiền đã khấu trừ tiền chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính của hộ gia đình, cá nhân hoặc tổ chức.
c) Thực hiện các nhiệm vụ khác theo Quy định này và các quy định của pháp luật có liên quan.
4. Cơ quan thuê đơn vị tư vấn đo đạc:
a) Cơ quan thuê đơn vị tư vấn đo đạc (đối với khu vực thu hồi đất phải trích đo địa chính hoặc đo chỉnh lý bản đồ địa chính) hoặc cơ quan trích lục bản đồ địa chính (đối với trường hợp trích lục bản đồ địa chính) yêu cầu đơn vị tư vấn đo đạc và cùng chịu trách nhiệm phối hợp với chính quyền địa phương xác định diện tích,
đối tượng sử dụng đất, loại đất theo hiện trạng sử dụng đất, theo giấy tờ pháp lý về quyền sử dụng đất.
b) Thực hiện các nhiệm vụ khác theo Quy định này và các quy định của pháp luật có liên quan.
5. Sở Tài nguyên và Môi trường:
a) Chủ trì thẩm định đối với trường hợp phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thuộc thẩm quyền phê duyệt của Ủy ban nhân dân tỉnh.
b) Hướng dẫn giải quyết hoặc tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét giải quyết các vướng mắc khi Nhà nước thu hồi đất của tổ chức.
c) Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét giải quyết các vướng mắc về cơ chế, chính sách trong công tác bồi thường, hỗ trợ về đất, hỗ trợ tái định cư theo đề nghị của Ủy ban nhân dân cấp huyện.
d) Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường kết quả thực hiện thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trước ngày 01 tháng 12 hàng năm.
đ) Thực hiện các nhiệm vụ khác theo Quy định này và các quy định của pháp luật có liên quan.
6. Sở Tài chính:
a) Thẩm định dự toán kinh phí tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và kinh phí dự phòng tổ chức thực hiện cưỡng chế kiểm đếm, cưỡng chế thu hồi đất đối với dự án, tiểu dự án do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, bao gồm cả trường hợp dự án, tiểu dự án được ứng vốn từ Quỹ phát triển đất hoặc tạm ứng vốn từ Kho bạc Nhà nước;
b) Phê duyệt quyết toán và có văn bản thông báo số quyết toán được duyệt cho chủ đầu tư hoặc Quỹ phát triển đất đối với dự án, tiểu dự án do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
c) Thực hiện các nhiệm vụ khác theo Quy định này và các quy định của pháp luật có liên quan.
7. Sở Kế hoạch và Đầu tư:
a) Hướng dẫn trình tự, thủ tục và giải quyết các thủ tục liên quan đến thực hiện các dự án đầu tư có liên quan đến việc thu hồi đất theo quy định pháp luật về đầu tư.
b) Tham mưu bố trí vốn đầu tư để thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư các dự án đầu tư sử dụng nguồn vốn đầu tư công theo đúng trình tự quy định của Luật Đầu tư công.
c) Hướng dẫn và thẩm định trình cơ quan cấp thẩm quyền phê duyệt về việc tách nội dung bồi thường, hỗ trợ và tái định cư thành tiểu dự án riêng và tổ chức thực hiện độc lập theo quy định của pháp luật.
8. Sở Xây dựng:
a) Hướng dẫn việc xác định quy mô, diện tích, tỷ lệ chất lượng còn lại, tính chất hợp pháp, không hợp pháp của các công trình xây dựng gắn liền với đất thu hồi theo đề nghị của UBND cấp huyện.
b) Phối hợp với các cơ quan chức năng xác định vị trí quy mô khu tái định cư cho phù hợp với quy hoạch phát triển chung của địa phương, có ý kiến để địa phương trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
c) Có trách nhiệm xây dựng và hướng dẫn thực hiện Bảng đơn giá nhà và công trình xây dựng gắn liền trên đất trên địa bàn tỉnh Phú Yên, cụ thể như sau:
Khi Nhà nước có các cơ chế chính sách mới, hoặc có biến động về giá (giá vật liệu, nhiên liệu, nhân công, máy thi công) làm biến động đến đơn giá đã được ban hành tăng hoặc giảm lớn hơn 10% thì kịp thời tham mưu cho UBND Tỉnh điều chỉnh Bảng đơn giá nhà và công trình xây dựng gắn liền trên đất trên địa bàn tỉnh Phú Yên cho phù hợp.
Trường hợp các đơn giá bộ phận của nhà và công trình chưa có đơn giá đã được ban hành thì Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng có trách nhiệm tổ chức lập các đơn giá này và báo cáo UBND cấp huyện nơi có đất bị thu hồi để UBND cấp huyện đề nghị Sở Xây dựng hướng dẫn giải quyết hoặc tham mưu UBND Tỉnh xem xét, giải quyết.
d) Thực hiện các nhiệm vụ khác theo Quy định của pháp luật.
9. Sở Lao động Thương binh và Xã hội: Lập hoặc hướng dẫn lập, thực hiện phương án đào tạo nghề, tạo việc làm cho các đối tượng bị thu hồi đất theo quy định; giải quyết các vướng mắc về hỗ trợ đối với gia đình chính sách, hộ nghèo và các trường hợp khác theo chức năng, nhiệm vụ của ngành Lao động Thương binh và Xã hội.
10. Sở Giao thông Vận tải: Chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan hướng dẫn, giải quyết hoặc tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét giải quyết các vướng mắc về khối lượng di chuyển, cự ly di chuyển, giá vận chuyển theo đề nghị của Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng.
11. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Chủ trì phối hợp Sở Tài chính hướng dẫn, giải quyết hoặc tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét giải quyết các vướng mắc về bồi thường đối với cây trồng, vật nuôi theo đề nghị của Ủy ban nhân dân cấp huyện.
12. Cơ quan Thuế:
Xác định nghĩa vụ tài chính mà người sử dụng đất phải nộp và các nhiệm vụ khác theo Quy định này.
13. Chủ đầu tư Dự án: Có trách nhiệm phối hợp với các Sở, ngành và địa phương thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ có liên quan theo Quy định này.
14. Người sử dụng đất: Có trách nhiệm phối hợp với tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng thực hiện việc điều tra, khảo sát, đo đạc xác định diện tích đất, thống kê nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất để lập phương án bồi
thường, hỗ trợ, tái định cư; nhận tiền và bàn giao mặt bằng theo Quy định này.
Điều 30. Quy định chuyển tiếp
1. Những phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đã được phê duyệt hoặc đang thực hiện chi trả bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo đúng quy định pháp luật trước khi Quy định này có hiệu lực thi hành thì thực hiện theo phương án đã phê duyệt, không áp dụng hoặc điều chỉnh lại theo Quy định này.
2.Những phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đã lập nhưng chưa được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt trước ngày Quy định này có hiệu lực thi hành thì Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng có trách nhiệm điều chỉnh, bổ sung phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho phù hợp với Quy định này, gửi cơ quan Tài nguyên và Môi trường thẩm định, trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt để triển khai thực hiện.
3. Các nội dung không quy định trong Quy định này thì thực hiện theo các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành.
Trong quá trình thực hiện nếu phát sinh các trường hợp không có trong Quy định này và không có trong các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành hoặc các trường hợp đã có trong Quy định này nhưng chưa phù hợp với thực tế, Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố, các cơ quan, đơn vị có liên quan và các chủ đầu tư phản ánh kịp thời về Sở Tài nguyên và Môi trường tổng hợp và báo cáo trình Ủy ban nhân dân tỉnh để xem xét sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.