VỐN ĐẦU TƯ GIÁN TIẾP TỪ NƯỚC NGOÀI:
Từ năm 1995 đến 2005, nền kinh tế của Việt nam đã tăng trưởng ổn định và cao hơn những nền kinh tế khác trong khu vực bất chấp cuộc khủng hoảng tài chính-tiền tệ tại châu Á xảy ra trong các năm 1997-1998. Việt nam đã không bị tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng này vì chưa hội nhập đủ để bị ảnh hưởng. Bên cạnh đó, Chính phủ Việt nam đã có những giải pháp kịp thời và đúng đắn.
Một trong những chính sách quan trọng trong quá trình đổi mới của Việt nam là thay đổi cơ cấu nền kinh tế theo sự tính toán sẵn nên đã giữ được ổn định, nhưng sự thay đổi này vẫn còn chậm. Tuy nhiện, so với các nước Đông Âu thì Việt nam thành công hơn. Và một trong các thế mạnh của Việt nam là xuất khẩu. Đây chính là động lực để tăng trưởng kinh tế. Các thị trường xuất khẩu quan trọng của Việt nam là châu Âu, Mỹ, Nhật bản, Asean và Trung quốc. Ngoài ra còn một số thị trường khác. Sự đa dạng hóa thị trường xuất khẩu sẽ giúp Việt nam phát triển mạnh hơn trong thời gian tới.
Hiện nay cũng như trong tương lai, Việt nam vẫn giữ được vị thế tốt để thu hút các nguồn vốn đầu tư. Sư thuận lợi của môi trường đầu tư được chứng minh bằng con số thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng cao trong năm 2005. Nếu Trung quốc đựơc xem là thị trường nóng thu hút nhiều FDI thì hiện nay Việt nam được xếp hạng cao hơn cả Trung quốc trong việc thu hút đầu tư. Và một trong những dấu hiệu quan trọng đánh dấu sự tăng trưởng thành công của nền kinh tế là trái phiếu của Việt nam đã nhận được sự quan tâm và đánh giá cao trên thị trường trái phiếu quốc tế.
Bên cạnh đó, các nhà đầu tư sẽ được đảm bảo bằng sự ổn định chính trị, sự công bằng trong cạnh tranh và sự minh bạch trong các thể chế. Mặt khác, một trong những lý do để các nhà đầu tư hướng về Việt nam là Chính phủ Việt nam rất coi trọng khu vực kinh tế tư nhân và luôn khẳng định tầm quan trọng của khu vực kinh tế này. Kết quả của sự chuyển đổi là thu nhập của người dân Việt nam đã tăng gấp đôi. Tăng trưởng GDP của Việt nam có thể duy trì 8%/năm trong 5 năm tới, thậm chí còn có thể nhanh hơn nếu có chính sách cởi mở, thông thoáng hơn. Tuy nhiên, những thách thức còn lại đối với nền kinh tế Việt nam là cơ sở hạ tầng đang có nhu cầu đầu tư rất lớn, sự phân bố nguồn lực về đất đai và tài chính cho khu vực kinh tế nhà nước. Theo kinh nghiệm của các nước trong khu vực, đến giai đoạn nào đó của nền kinh tế, nền kinh tế đó vừa tạo điều kiện vừa có nhu cầu đối với việc thu hút đầu tư gián tiếp nước ngoài (FII). Và Việt nam chúng ta đang bước vào giai đoạn này, gia đoạn cần và có để thu hút FII.
Tuy nhiên để làm được điều này, chúng ta phải nỗ lực rất nhiều, trước tiên là phải tạo ra khung pháp lý cần thiết vì hiện nay chúng ta chưa có luật qui định cụ thể cho việc thu hút FII. Về mặt cơ chế mà nói, chúng ta cũng chưa có cơ chế sẵn sàng. Thị trường chứng khoán Việt nam còn nhỏ bé so với các nước xung quanh và ngay cả chính với nhu cầu của cúng ta. Một thị trường chứng khoán phát triển ổn định và lành mạnh là điều chúng ta phải quan tâm khi có khung pháp lý cần thiết.
Chúng ta cũng phải nghĩ đến vấn đề tranh chấp và xử lý tranh chấp. Đây cũng là một vấn đề mà luật chúng ta đã có nhưng vẫn còn thiếu cơ chế cụ thể. Do luật còn thiếu cụ thể nên cơ chế xử lý tranh chấp còn chưa rõ ràng. Trong Luật doanh nghiệp và Luật đầu tư chung vừa được Quốc hội thông qua đã có những tiến bộ rõ nét về xử lý tranh chấp nhưng cần được cụ thể càng sớm càng tốt bởi các nhà đầu
tư gián tiếp rất nhạy cảm và nhạy cảm hơn các nhà đầu tư FDI đối với mọi sự cố có thể xảy ra vì nó đe dọa đến hiệu quả đầu tư của họ.
Trong Luật đầu tư chung có qui định “không hạn chế tỷ lệ nắm giữ của nhà đầu tư nước ngoài ở những lĩnh vực mà không có điều kiện”, đây là một bước tiến nhảy vọt và những tiến bộ này đang được các nhà đầu tư FII theo dõi rất chặt chẽ, góp phần mạnh mẽ thu hút FII. Tuy nhiên, việc các nhà đầu tư gián tiếp băn khoăn khi bỏ vốn vào Việt nam là việc mang vốn ra có dễ không? Và khi mang vốn ra thì phải tuân thủ những qui định gì, theo những qui chế như thế nào? Sự băn khoăn của các nhà đầu tư cũng chính là những việc chúng ta cần phải làm để đón tiếp các nguồn đầu tư gián tiếp.
Theo Luật đầu tư nước ngoài của Việt nam , các nhà đầu tư nước ngoài được phép chuyển lợi nhuận ra nước ngoài trong khi đang hoạt động cũng như khi chấm dứt dự án đầu tư. Sau những thủ tục thanh lý theo luật định thì nhà đầu tư nước ngoài có quyền mang cả vốn lẫn lãi của mình ra.
Tuy nhiên , đối với các nhà đầu tư gián tiếp thì hơi phức tạp hơn bởi vì một lý do nào đó các đầu tư gián tiếp phải chấm dứt và muốn thu hồi vốn thì họ phải tìm kiếm đối tác để chuyển nhượng hoặc bán lại dự án doanh nghiệp mình đã và đang đầu tư. Để làm được điều này, ngoài những nghị định hướng dẫn cụ thể về qui định đặc thù đối với đầu tư gián tiếp (hiện luật của chúng ta chưa có nghị định hướng dẫn cụ thể cho qui chế này) thì thị trường vốn chúng ta phải phát triển mạnh đủ để có người mua- người bán và cần có nhiều công cụ chuyển nhượng vốn tinh vi hơn.
Tp. Hồ chí Minh là thành phố trọng điểm kinh tế của cả nước, đã đạt được mức tăng trưởng 11,8% trong năm qua so với mức tăng trưởng chung của cả nước là 7,4%. Để thu hút FII, về phần mình trước mắt Tp.HCM phải giới thiệu những lĩnh vực mà các nhà đầu tư quan tâm và có thể bỏ tiền vào; tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các quỹ đầu tư đang hoạt động ở Việt nam ; mở cửa những lĩnh vực mà hiện nay họ đang quan tâm như bất động sản,… Mặt khác, thành phố đang và sẽ kiến nghị với chính phủ mở cửa thêm một số lĩnh vực mà các nhà đầu tư quan tâm đồng thời tạo điều kiện tối đa cho thị trường vốn phát triển.