Tự ti là một loại phiền não, nguồn gốc sâu xa của tự ti là tự cao tự đại. Người tự ti tự thấy tài năng, địa vị, danh dự của mình không bằng người vì thế họ thường thiếu cảm giác an toàn; trên cơ sở thiếu cảm giác an toàn đó họ nghĩ cách và sẽ bất chấp thủ đoạn để chứng minh giá trị tồn tại của mình, kết quả họ không những làm tổn thương chính họ mà còn tổn thương cả người khác.
Vì thế khuynh hướng chung của người tự ti là cao ngạo, hai trạng thái tâm lí đối cực đó song song tồn tại trong họ, nguyên nhân là họ tự cảm thấy mình chẳng ra gì nhưng lại muốn chứng minh mình là người “ra gì”; cũng giống như loài gà rừng, khi hai con đá nhau chúng thường xù lông lên vừa để cho đối phương thấy mình to lớn, không dễ bắt nạt vừa thể hiện sự yếu đuối cần sự ngụy trang của mình. Người tự ti rất đau khổ, họ thường cảm thấy mình chẳng có gì để sánh với người khác, mặt khác họ muốn gồng mình lên để chứng minh sở trường của mình. Gồng mình để chứng minh năng lực là điều vô cùng đau khổ, nhưng họ cam tâm tình nguyện làm thế để ngụy trang, trong Phật giáo ghép tự ti thành “ti liệt mạn — tự ti nhưng lại muốn thể hiện, muốn chứng minh cái ngã của mình”. Ti liệt mạn nghĩa là khi bạn biết rõ mình không thể làm được nhưng lại nói người khác chẳng có gì tài cán hơn mình. Ví dụ người khác đi xe hơi, bạn đi xe đạp, bạn nghĩ bụng người kia đi xe hơi cũng chẳng có gì ghê gớm lắm, bạn đang ngậm bồ hòn rồi tự nhủ nó có vị ngọt. Đây là tâm lí tự ngụy trang, tự lừa dối bản thân để tìm sự an ủi trong đó, thực chất đó là lòng tự ti đang xui khiến bạn làm thế.
Người có tính tự ti thường rất nhạy cảm cũng rất dễ bị tổn thương. Người khác chỉ buột miệng nói vài câu, họ liền nghĩ người đó đang ám chỉ họ. Vì thế, khi sống với người có tính tự ti bạn cần đặc biệt lưu ý đến cảm nhận trong lòng họ. Nếu bạn muốn giúp đỡ người tự ti, tốt nhất bạn phải hạ mình để tán dương khen ngợi, làm bạn với họ.
Nếu biết người tự ti bạn nên hiểu và thông cảm cho họ, nên yêu thương họ thật lòng. Bạn nên đặt mình hoặc là thấp hơn hoặc là ngang họ, tuyệt đối không được thể hiện rằng mình giỏi giang hơn họ, hơn nữa bạn phải tôn trọng, để họ biết mình chỉ là hạng tầm thường thậm chí kém hơn họ nhiều vì thật ra trong mắt họ “chẳng có ai ghê gớm”.
Vì thế khi bạn nói “chẳng có gì ghê gớm” nghĩa là bạn đã có cùng quan điểm với họ như thế mới mong họ chấp nhận sự giúp đỡ của mình.
Nói chung với người có tính tự ti bạn nên yêu thương, khen ngợi, khích lệ họ. Nếu bạn biết cách khen ngợi đúng lúc, biết cách biểu dương ưu điểm của người tự ti, họ sẽ lấy lại được cảm giác an toàn và tự tin. Việc động viên khích lệ người tự ti vừa giúp bạn thay đổi tính xấu, biết nhìn vào ưu điểm của người khác vừa học cách tôn trọng người khác.
Tuy nhiên đây không phải là biện pháp lâu dài, vì lời nói chỉ giúp họ thoát khỏi tâm lí tự ti mặc cảm trong chốc lát, một khi không có lời động viên khích lệ, tâm lí kia lại trỗi dậy. Vì thế bước tiếp theo là chúng ta phải giúp đỡ họ nhìn lại bản thân, giúp họ lấy lại dũng khí nhìn thẳng vào khuyết điểm của mình để tiếp tục phấn đấu, đấy mới là cách khắc phục, giúp đỡ người có tính tự ti một cách hiệu quả.