Kính thưa Quốc hội,
Chiều nay đã có 17/21 đại biểu Quốc hội đăng ký thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật bảo vệ môi trường (sửa đổi). Qua theo dõi Báo cáo tổng hợp ý kiến đại biểu Quốc hội thảo luận tổ và ý kiến thảo luận chiều nay tại hội trường cho thấy đa số đại biểu Quốc hội thể hiện sự đánh giá cao việc chuẩn bị dự án luật để trình ra Quốc hội kỳ này và
tán thành nhiều nội dung cơ bản trong dự thảo luật. Các đại biểu Quốc hội đã tập trung cho ý kiến về các nội dung chủ yếu sau đây:
Đối với những vấn đề chung về phạm vi điều chỉnh đề nghị bổ sung "hộ gia đình" trong phạm vi điều chỉnh. Sự cần thiết phải ban hành Luật bảo vệ môi trường tán thành rất cao. Tuy nhiên, dự thảo luật cần phải bảo đảm tính chặt chẽ và khắc phục những tồn tại hạn chế yếu kém của luật hiện hành, phải đồng bộ và thống nhất với các luật khác có liên quan trong hệ thống pháp luật. Tránh các quy định chồng chéo với các quy định tại các luật khác.
Về những vấn đề cụ thể trong dự thảo luật đề nghị nghiên cứu, rà soát, bổ sung việc đánh giá môi trường chiến lược và đánh giá tác động môi trường rất nhiều ý kiến tập trung vào hai vấn đề này.
Dự thảo luật cần thiết phải quy định việc xây dựng quy hoạch bảo vệ môi trường một cách đồng bộ với các loại quy hoạch khác. Đối với trên từng địa phương và từng vùng, liên vùng, luật cũng cần quy định rõ các chính sách của nhà nước về bảo vệ môi trường một cách phù hợp và có tính khả thi. Có chính sách đẩy mạnh xã hội hóa trong hoạt động bảo vệ môi trường.
Việc bảo vệ các thành phần môi trường cần được quy định rõ và đầy đủ từ môi trương, các nguồn nước, môi trường đất, môi trường không khí cũng như vấn đề bảo vệ môi trường biển và hải đảo. Các nội dung bảo vệ môi trường như môi trường trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, trong đó hoạt động xuất nhập khẩu phế liệu, môi trường kinh doanh, môi trường làng nghề, khu chế xuất, khu công nghiệp v.v... Bảo vệ môi trường trong sinh hoạt ở khu dân cư, tập trung khu đô thị và trong từng hộ gia đình.
Vấn đề quản lý chất thải, nước thải v.v... Vấn đề ứng phó khắc phục và xử lý sự cố môi trường. Vấn đề trồng, bảo vệ và phát triển rừng để bảo vệ môi trường. Nguồn lực bảo vệ môi trường bao gồm cả nguồn tài chính và nhân sự trong đó phí bảo vệ môi trường và quỹ bảo vệ môi trường cần quy định cho rõ và cụ thể.
Về trách nhiệm quản lý nhà nước đối với bảo vệ môi trường của Bộ Tài nguyên và Môi trường, các bộ, ngành liên quan và các cấp chính quyền địa phương cũng như sự phân cấp, phân công cho phù hợp. Quy định trách nhiệm của người đứng đầu, bổ sung trách nhiệm của hệ thống chính trị, của xã hội và của người dân đối với việc bảo vệ môi trường. Bổ sung các hành vi bị cấm và các chế tài xử phạt cụ thể đầy đủ.
Vấn đề tranh chấp về môi trường, khiếu nại, tố cáo, khởi kiện về môi trường cũng được các đại biểu quan tâm đề cập đến, vấn đề bồi thường thiệt hại về môi trường. Đề nghị làm rõ các khái niệm trong dự thảo luật, thiết kế lại các chương, điều, khoản và bổ sung điều chỉnh nội dung cụ thể tại một số điều, khoản. Xem lại một số quy định thiếu thống nhất tại một số điều, khoản cụ thể.
Trên cơ sở ý kiến của đại biểu Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo tổng hợp nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ và sẽ báo cáo lại Quốc hội tại kỳ họp thứ 7. Phiên họp đến đây kết thúc, xin cảm ơn Quốc hội.