TTXVN (Washington) - Trong bối cảnh các cuộc đàm phán thương mại Mỹ-Trung rơi vào tình trạng bế tắc do hai bên không thể giải quyết những khác biệt, Mỹ đã áp dụng mức thuế quan 25% đối với 200 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc và có thể sẽ tiếp tục áp thuế đối với toàn bộ hàng hóa còn lại của Trung Quốc. Có nhiều quan điểm khác nhau về những tác động của cuộc chiến này đối với cả hai nền kinh tế của Mỹ và Trung Quốc. Tuy nhiên, bài viết trên trang mạng Bloomberg cho rằng Trung Quốc sẽ phải hứng chịu hậu quả nặng nề hơn trong cuộc chiến này và đưa ra những lý do giải thích cho quan điểm trên.
Trong cuộc chiến thuế quan này, Tổng thống Trump vấp phải sự chỉ trích của một luồng dư luận khi cho rằng chính người tiêu dùng Mỹ sẽ phải gánh chịu hậu quả. Tuy nhiên, trên thực tế, nền kinh tế của Trung Quốc hiện nay dễ bị tổn thương hơn. Mặc dù nhiều nghiên cứu cho thấy các mức thuế quan mới sẽ khiến người tiêu dùng Mỹ phải mua hàng với giá cao hơn, nhưng câu hỏi đặt ra là liệu những nghiên cứu đó đã cân nhắc và xem xét đầy đủ tất cả những thay đổi trong một thời gian dài hay chưa?
Theo những nghiên cứu đã đề cập ở trên, khi Mỹ áp thuế đối với nguyên liệu đầu vào cho sản xuất công nghiệp từ Trung Quốc, thì các doanh nghiệp Mỹ sẽ tăng giá thành sản phẩm do chuỗi chi phí cao hơn. Như vậy, người tiêu dùng Mỹ sẽ phải gánh chịu giá thành cao hơn trước. Tuy nhiên, cần phải nhớ rằng Trung Quốc không phải là nước sẽ cung cấp mãi những nguyên liệu đầu vào cho Mỹ, đặc biệt nếu như các mức thuế quan vẫn còn có hiệu lực. Trong một vài năm, một quốc gia như Việt Nam sẽ cung cấp các sản phẩm tương tự, có thể với giá rẻ hơn, bởi Việt Nam trả mức lương cho công nhân thấp hơn. Chính vì vậy, việc người tiêu dùng Mỹ phải chịu chi phí cao chỉ là tạm thời, còn việc Trung Quốc mất đi cơ hội kinh doanh sẽ là vĩnh viễn. Ngoài ra, việc áp thuế quan sẽ khiến cho các đối thủ cạnh tranh chính của Trung Quốc trở thành những nhà xuất khẩu tốt hơn. Rõ ràng, dù chưa thể đưa ra một ước tính trong dài hạn ngay ở thời điểm này, nhưng điều có thể thấy là Trung Quốc sẽ chịu thiệt hại lớn hơn chứ không phải Mỹ.
Một rủi ro khác đối với Trung Quốc là khi gặp khó khăn hơn trong việc tiếp cận thị trường Mỹ, Trung Quốc có thể nghĩ đến việc hướng tới châu Âu. Tuy nhiên, vẫn còn phải xem xét liệu EU sẽ áp dụng các biện pháp bảo hộ bổ sung hay không và Trung Quốc phải cân nhắc rằng khả năng này là có.
Trong các thị trường có tính cạnh tranh cao, giá cả phải phù hợp với chi phí và do đó, khi tăng thuế thì giá thành các sản phẩm đương nhiên sẽ tăng cao hơn và điều này đang
đúng với các mức thuế gần đây mà Mỹ áp dụng với hàng hóa của Trung Quốc. Tuy nhiên, đối với các hàng hóa có thương hiệu với lợi nhuận cao thì các nguyên lý kinh tế sẽ không giống như vậy. Ví dụ, nếu Mỹ áp dụng mức thuế quan cao hơn đối với xe Mercedes-Benz, giá của những chiếc xe đó sẽ vẫn vượt quá chi phí sản xuất. Tuy nhiên, nếu Mercedes vẫn muốn duy trì sự chiếm lĩnh trên thị trường, họ có thể sẽ quyết định chịu một số chi phí thuế quan dưới dạng thu lợi nhuận thấp hơn thay vì bắt khách hàng của mình phải mua giá cao.
Trung Quốc cũng có những thương hiệu nổi tiếng, như Huawei trong ngành điện tử hoặc các nhà sản xuất khác với các thương hiệu thực phẩm mà từ lâu đã muốn cạnh tranh và bán nhiều hàng hóa có thương hiệu cho người Mỹ. Trên thực tế, Trung Quốc có chính sách công nghiệp với mục tiêu là cạnh tranh trong các lĩnh lực này hoặc các lĩnh vực khác nữa. Việc áp thuế của Mỹ sẽ làm giảm lợi nhuận cho các công ty này và cản trở các sản phẩm của Trung Quốc có được lợi thế cạnh tranh về giá. Vì vậy, cuộc tấn công về thuế sẽ gây tổn hại tới nền kinh tế của Trung Quốc trong tương lai.
Ngoài ra, còn một lý do khác để lý giải vì sao một cuộc chiến thương mại với Mỹ sẽ làm tổn thương Trung Quốc và nó liên quan đến các thỏa thuận thương mại nói chung. Một thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung (nếu đạt được) sẽ chứng minh rằng Trung Quốc là một quốc gia mà các nhà đầu tư nước ngoài có thể yên tâm đầu tư khi không còn tồn tại việc ăn cắp sở hữu trí tuệ hay đối xử bất công. Triển vọng đạt được sự đảm bảo đó giờ đây bị “đóng băng”. Điều đó khiến các công ty đa quốc gia, chứ không chỉ là các công ty Mỹ, không muốn đầu tư vào Trung Quốc và làm hạn chế sự chuyển giao công nghệ trong dài hạn.
Nhiều người Trung Quốc cũng cho rằng họ bị tổn thương nhiều hơn so với Mỹ trong cuộc chiến này. Điều này về cơ bản là đúng bởi Trung Quốc là nước nghèo hơn với thể chế chính trị mong manh hơn.
TRIỀU TIÊN