đoán. Sự hiện diện quân sự liên tục của Mỹ tại Philippines (trên cơ sở VFA) và ở Đông Á là rất quan trọng trong việc duy trì trạng thái cân bằng quyền lực trong khu vực. Cho dù chưa thật hoàn hảo, liên minh giữa hai nước được cho là tốt hơn đối với Philippines trong việc giảm bớt điểm yếu địa-chính trị của nước này.
Nhìn chung, các nước nhỏ có ít lựa chọn địa-chính trị. Thận trọng và chủ nghĩa thực dụng, chứ không phải chủ nghĩa duy tâm cao cả xa rời thực tế địa-chính trị, cần là định hướng cho chính sách đối ngoại của các nước nhỏ. Trong khi đó, xóa bỏ hoàn toàn sự có mặt của quân đội Mỹ tại Philippines, như những gì đã xảy ra trong các năm đầu thập niên 1990 cho thấy, sẽ gỡ bỏ những hạn chế còn lại đối với Trung Quốc trong việc thực hiện chương trình nghị sự hàng hải bành trướng của cường quốc này.
Các quốc gia nhỏ xem việc thiết lập quan hệ an ninh với các quốc gia khác là một nền tảng chính cho việc theo đuổi lợi ích của chính họ, đặc biệt là trong bối cảnh các thách thức an ninh chung. VFA tạo điều kiện cho mục tiêu này trong việc mở rộng không gian hợp tác an ninh cho Manila. Ví dụ, các cuộc tập trận hàng năm Balikatan của Philippines- Mỹ đã phát triển từ hoạt động song phương sang đa phương, với sự tham gia của các thành viên khác trong hệ thống liên minh và đối tác do Washington dẫn đầu, bao gồm Australia, Nhật Bản và Việt Nam. Không có VFA, tương lai của nền tảng quan trọng này cho hợp tác an ninh trở nên không chắc chắn.
Trong khi cấu trúc của hệ thống quốc tế chủ yếu được quyết định bởi sự cân bằng quyền lực giữa hai hay nhiều cường quốc, các nước nhỏ không thiếu cơ hội. Việc theo đuổi tồn tại và tự chủ quyết định bản chất của sự tham gia với tất cả các cường quốc, bao gồm cả những cường quốc có lợi ích không tương thích. Nhiều quốc gia nhỏ ở Đông Nam Á đã theo đuổi các cách thức phòng ngừa rủi ro trong một môi trường địa-chiến lược trong đó việc liên kết theo kiểu Chiến tranh Lạnh ngày càng trở nên khó khăn hơn. Điều nguy hiểm đối với các quốc gia nhỏ là việc họ tin rằng họ chỉ có lựa chọn hoặc theo bên này hoặc bên kia là chiến lược chung cho tất cả các quyết định chính sách đối ngoại lớn.
III. CÁC VẤN ĐỀ QUỐC TẾTRUNG QUỐC TRUNG QUỐC
Nội bộ Trung Quốc “lục đục” vì COVID -19?
Theo đài RFI, thành phố Vũ Hán, thủ phủ tỉnh Hồ Bắc đã mở cửa lại với thế giới sau 11 tuần bị “giam lỏng” nhằm chặn dịch virus corona chủng mới lây lan. Dịch bệnh xem như được khống chế, Trung Quốc giờ triển khai “ngoại giao khẩu trang” trên toàn thế giới. Thế nhưng, nhà báo Frederic Lemaitre trên tờ Le Monde (11/4/2020) nhận xét rằng có nhiều yếu tố cho thấy cuộc khủng hoảng này tuy là dịch tễ, ngoại giao và kinh tế, nhưng cũng đủ nghiêm trọng để gây ra những căng thẳng chính trị tại Trung Quốc.
Mỹ chỉ trích Trung Quốc che giấu mức nghiêm trọng của khủng hoảng, tranh cãi dấy lên tại Hà Lan và Tây Ban Nha về chất lượng trang thiết bị y tế do Trung Quốc cung cấp và những căng thẳng với Nga do những ca nhiễm bệnh mới xuất hiện ở Đông Bắc Trung Quốc, vùng biên giới giữa hai nước đặt Bắc Kinh trong thế phòng thủ. Ở trong nước, căng thẳng đang chực chờ.
Về mặt chính thức, 5 triệu dân Trung Quốc mất việc làm kể từ đầu năm nay. Trên thực tế, một số nghiên cứu cho thấy gần 180 triệu việc làm đã biến mất trong lĩnh vực dịch vụ. Nhật báo South China Morning Post (Hong Kong) trích lời một nhà kinh tế học thuộc quỹ Upright Assets cho rằng “thất nghiệp tạm thời” dường như tác động đến hơn 200 triệu người. Một mối họa xã hội tiềm tàng tại một đất nước không có hệ thống bảo hiểm thất nghiệp. Xóa bỏ nạn đói nghèo, lẽ ra phải là một trong những thắng lợi lớn của Đảng Cộng sản Trung Quốc năm 2020 này, kể từ giờ khó được bảo đảm. Ông Gérard Araud, cựu Đại sứ Pháp tại Mỹ cho rằng “người ta đã đánh giá thấp các điểm yếu của Trung Quốc”.
Không được quyền chỉ trích
Vũ Hán, tâm dịch COVID -19, nhưng cũng là tâm điểm của những căng thẳng. Lệnh phong tỏa thành phố đúng là đã được chính thức dỡ bỏ, nhưng trở lại Bắc Kinh không phải dễ dàng. Không quá 1.000 người mỗi ngày, trong khi có ít nhất 11.000 người muốn khởi hành về thủ đô.
Chiến dịch tuyên truyền hiện nay ca ngợi những “anh hùng Vũ Hán” cũng chẳng phải là một sự ngẫu nhiên. Đầu tháng 3, Bí thư Thành ủy Vũ Hán, Vương Trung Lâm (Wang Zhonglin), đã có một ý tưởng “tuyệt vời” tổ chức một chiến dịch để cư dân thủ phủ tỉnh Hồ Bắc bày tỏ “lòng biết ơn” đối với Tập Cận Bình (Xi Jinping). Làn sóng phản đối trên mạng xã hội mạnh mẽ đến mức chiến dịch tuyên truyền phải thay đổi. Từ giờ, chính đảng phải biết ơn người dân Vũ Hán.
Tác giả nhắc lại, ngày 3/4, trong một đoạn video, ông Vương Thần (Wang Chen), một chuyên gia về các bệnh đường hô hấp, Chủ tịch Viện các ngành khoa học y Trung Quốc, bị cách ly ở Vũ Hán, mạo muội lên tiếng chỉ trích về cách quản lý khủng hoảng trong một cuộc thảo luận chuyên đề. Ông cho rằng Mỹ và châu Âu đã có một cách quản lý lệnh phong tỏa “hợp lý” hơn. Theo ông, chỉ có các nhà khoa học mới có thể ngăn chặn được dịch bệnh. Một lời phê phán ngầm nói đến một chính sách quản lý khủng hoảng.
Điều ngạc nhiên là đoạn video đó vẫn còn trên mạng ngày 10/4, dấu hiệu cho thấy có thể có những tranh luận trên thượng tầng lãnh đạo. Một nhà ngoại giao phương Tây nhận định: “Cứ mỗi lần trong nước xảy ra khủng hoảng, Đảng Cộng sản Trung Quốc lại chia rẽ. Đó là những gì từng xảy ra vào năm 1976 khi Mao qua đời, và năm 1989 với phong trào sinh viên Thiên An Môn. Lần này cũng vậy”.
Tập Cận Bình “đóng chốt” bộ máy cầm quyền
Trong đối ngoại, những bất đồng này còn hiện rõ. Triệu Lập Kiên (Zhao Lijian), người phát ngôn Bộ Ngoại giao, ngày 12/3 tuyên bố “rất có thể là quân đội Mỹ đã mang virus đến Vũ Hán”. Vài ngày sau, Thôi Thiên Khải (Cui Tiankai) Đại sứ Trung Quốc tại Washington phán rằng một thuyết như thế là “điên rồ” và “chỉ có các nhà khoa học” mới
xác định được nguồn gốc của virus. Rõ ràng, hai tuyên bố này thể hiện hai đường hướng khác nhau.
Theo nhận định của một nhà quan sát với phóng viên nhật báo tại Bắc Kinh, có những hồng quân mang tư tưởng chủ nghĩa dân tộc thật sự, nhưng cũng có những kẻ cơ hội trở thành hồng quân, vì họ nghĩ rằng như vậy sẽ có lợi cho sự nghiệp của họ, và còn có những người lão luyện trong ngành ngoại giao, như Thôi Thiên Khải chẳng hạn, tìm cách kháng cự. Một nhà quan sát khác lưu ý thêm rằng, giữa những người bắt đầu sự nghiệp dưới thời Đặng Tiểu Bình (Deng Xiaoping) luôn xúc tiến mở cửa Trung Quốc, và những người phải hoàn toàn hoặc gần như chịu ơn Tập Cận Bình, là một hố ngăn cách thế hệ.
Việc tờ Nhân dân Nhật báo, cơ quan ngôn luận chính thức của đảng, ngày 2/4 đã để bà Phó Oánh (Fu Ying), một gương mặt tiêu biểu của ngành ngoại giao, Chủ tịch Ủy ban đối ngoại quốc hội Trung Quốc lên tiếng ngầm ủng hộ ông Thôi Thiên Khải, cho thấy rằng những vị lão thành vẫn chưa buông vũ khí.
Trong bối cảnh căng thẳng này, Tập Cận Bình thật sự có thể trông cậy vào ai? Kể từ cuối tháng Hai, 6 thành viên khác của Ban Thường vụ Trung ương Đảng, trung tâm quyền lực, đã giữ im lặng một cách lạ lùng. Một nhà quan sát phương Tây nói “tại đất nước này, khi họ không đồng tình, họ im lặng”.
Ngày 7/4, thông báo mở điều tra của ủy ban kỷ luật đảng nhắm vào Nhậm Chí Cường (Ren Zhiqiang), một “hoàng tử đỏ” - cách gọi con trai của những quan chức chính trị Trung Quốc thời Mao Trạch Đông (Mao Zedong) - và cũng là cựu doanh nhân ngành bất động sản đã trở thành một đề tài để tranh luận. Cuối tháng 2, Nhậm đã mạnh mẽ chỉ trích cách điều hành chuyên chế của Tập Cận Bình.
Lời giải thích hiển nhiên nhất chính là không một ai được phép chỉ trích Tổng Bí thư Đảng mà không bị trừng phạt. Tuy nhiên, chính sự gần gũi, thậm chí quá thân mật giữa Nhậm Chí Cường với Vương Kỳ Sơn (Wang Qishan), phó chủ tịch và là đồng minh chính giúp Tập Cận Bình thâu tóm quyền lực khiến một số nhà quan sát nghĩ đến một giả thuyết khác: Khi hạ Nhậm Chí Cường, chính ông Vương mới là đích nhắm. Về điểm này, nhà báo Frederic Lemaitre nhìn nhận khó có thể khẳng định.
Có điều chắc chắn là, chính Tập Cận Bình giữ quyền bổ nhiệm và sắp đặt người của mình vào các chốt quan trọng. Ông vừa bổ nhiệm hai người thân cận vào các vị trí Chủ tịch thành phố Thượng Hải và Bí thư thành ủy thành phố Tế Nam (tỉnh Sơn Đông, phía đông Trung Quốc). Người thứ nhất thăng tiến sự nghiệp chủ yếu trong ngành hải quan và người thứ hai là kỷ luật và an ninh công cộng. Từ những quan sát này, một nhà phân tích kết luận: “Rõ ràng là Tập đang đóng chốt bộ máy”.
COVID-19: Đòn giáng mạnh vào tham vọng lãnh đạo toàn cầu củaTrung Quốc Trung Quốc
TTXVN (Singapore) - Báo The Straits Times ngày 10/4 có bài phân tích cho rằng mặc dù chính quyền Bắc Kinh đã đẩy mạnh chiến dịch tuyên truyền, nhưng danh tiếng quốc tế của Trung Quốc đã bị ảnh hưởng nặng nề trong đại dịch viêm đường hô hấp cấp
COVID -19 này. Liệu dịch COVID -19 sẽ đem lại cho Trung Quốc cơ hội trở thành nhà lãnh đạo toàn cầu hay không? Giống như cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 đã gây ra tranh cãi về vấn đề phải chăng Mỹ đang rơi vào suy thoái, cuộc khủng hoảng COVID -19 đã đưa đến cuộc thảo luận về mối quan hệ tương lai giữa Trung Quốc và Mỹ.
Quan điểm cho rằng đại dịch đã “đặt dấu chấm hết cho Thế kỷ Mỹ” dường như đang được ưa chuộng ở Trung Quốc. Không thể phủ nhận rằng những cách thức xử lý vụng về ban đầu của Chính quyền Trump đã bộc lộ những yếu kém của hệ thống y tế Mỹ và những sai lầm trong khả năng của Mỹ đối phó một cách hiệu quả trước tình trạng khẩn cấp về chính sách công.
Tuy nhiên, sẽ là quá sớm khi dự đoán rằng cuộc khủng hoảng COVID -19 sẽ đẩy nhanh sự kết thúc vai trò lãnh đạo của Mỹ và đưa Trung Quốc tới vị thế ưu việt toàn cầu. Trên thực tế, khi virus SARS-CoV-2 trở nên hiện hữu, Trung Quốc có thể đã không còn nỗ lực để trở thành một siêu cường toàn cầu.
Các nước trên khắp thế giới đã cảnh giác với sự hối thúc của Đảng Cộng sản Trung Quốc yêu cầu cần có sự phối hợp toàn cầu đối phó với dịch bệnh. Sự hối thúc này có mục đích không chỉ để làm chệch hướng việc đổ lỗi cho Trung Quốc về nguồn gốc và sự lây lan của virus SARS-CoV-2 ở thành phố Vũ Hán, mà còn nhằm tận dụng đại dịch để tăng cường vị thế và ảnh hưởng toàn cầu của Trung Quốc.
Các nhà báo và nhà ngoại giao Trung Quốc tuyên truyền chế độ của Trung Quốc có hiệu quả hơn so với phương Tây trong việc kiềm chế đại dịch và cho rằng Trung Quốc là vị cứu tinh của thế giới. Giả định của Bắc Kinh cho rằng quân đội Mỹ đã tạo ra loại virus này và đưa nó đến Vũ Hán đã bị các nhà khoa học vạch trần. Họ xác nhận rằng cấu trúc của virus SARS-CoV-2 tương tự như cấu trúc của các loại virus được biết đã gây bệnh cho dơi và tê tê, khác với cái mà con người có khả năng tạo ra.
Hơn nữa, ở Mỹ, Anh và các nước khác tồn tại nghi ngờ rằng loại virus này có thể bị lọt ra từ Viện Virus học hoặc Trung tâm kiểm soát bệnh tật Vũ Hán, cả hai cơ sở nằm trong phạm vi 16 km từ chợ động vật nơi được cho là bắt đầu bùng phát dịch bệnh.
Những nỗ lực của Trung Quốc nhằm biện minh cho những hành động của chính phủ dập tắt thông tin về virus đã không thành công ở trong và ngoài nước.
Những biện pháp kiềm chế khắc nghiệt của Đảng Cộng sản Trung Quốc như tập trung và cách ly những người bị nhiễm bệnh, thực hiện giám sát công dân qua các ứng dụng có cài mã, và thậm chí buộc những người ốm yếu phải ở trong nhà… đã bị một số nhà quan sát chỉ trích là quá đáng và vi phạm nhân quyền.
Vai trò là nguồn cứu tinh toàn cầu mà Bắc Kinh hi vọng có được đã bị cản trở bởi các trang thiết bị y tế dưới chuẩn của Trung Quốc, trong đó có khẩu trang và bộ kit xét nghiệm xuất khẩu sang Tây Ban Nha, Thổ Nhĩ Kỳ, Gruzia, Cộng hòa Séc và Hà Lan. Người ta còn hoài nghi về độ tin cậy của các con số thống kê chính thức mà Trung Quốc đưa ra về số ca nhiễm virus và số ca tử vong, khiến các chính trị gia ở Mỹ và châu Âu đổ lỗi cho Trung Quốc thông tin thiếu chính xác một cách có chủ ý và bởi vậy gây trở ngại cho các kế hoạch đối phó của họ.
Việc Trung Quốc đưa tin thiếu thỏa đáng có thể dẫn đến hậu quả không chỉ là mất đi danh tiếng. Mỹ và các nước khác có thể kiện Trung Quốc về tội vi phạm những quy định về y tế của Tổ chức y tế thế giới. Một báo cáo của tổ chức Henry Jackson Society ước tính rằng chỉ riêng Nhóm G7 có thể kiện Trung Quốc gây thiệt hại 4.000 tỷ USD. Người ta đang kêu gọi Trung Quốc xóa nợ cho các nước coi đó như một cách thể hiện tinh thần trách nhiệm và bồi thường cho những phí tổn liên quan đến virus SARS-CoV-2.
Hậu quả kinh tế
Nhiều nhà kinh tế giờ đây đang dự đoán rằng sự chậm lại trong hoạt động kinh tế do kết quả của việc phong tỏa và hạn chế đi lại sẽ dẫn đến suy thoái toàn cầu trong năm nay sâu như cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu bắt đầu xảy ra, Bắc Kinh đã được ca tụng và giành được tiếng tăm khi Trung Quốc tung ra gói kích thích kinh tế trị giá 4.000 tỷ nhân dân tệ để duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cao ở trong nước và chống đỡ cho nền kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, hiện nay Chính phủ Trung Quốc đã chi tiêu ít hơn nhiều do mức nợ cao. Nếu Bắc Kinh bơm nhiều nợ hơn vào nền kinh tế để tránh suy thoái, họ sẽ làm cho việc duy trì tăng trưởng trở nên khó khăn hơn.
Cuộc khủng hoảng COVID -19 đã khiến cho các nguồn cung y tế cùng với trang thiết bị viễn thông trở thành các lĩnh vực an ninh quốc gia có ý nghĩa sống còn mà ít nhất một số chính phủ sẽ quyết tâm sản xuất ở trong nước hay hợp tác với các đối tác tin cậy. Các nỗ lực nhằm làm giảm sự dễ bị tổn thương có khả năng sẽ khiến nhiều chuỗi cung ứng rời khỏi Trung Quốc. Những bước đi như vậy cùng với các nhân tố khác đang làm đảo ngược sự hội nhập kinh tế giữa Trung Quốc và thế giới, đẩy nhanh việc tách rời và phi toàn cầu hóa. Những xu hướng này không có lợi cho nền kinh tế Trung Quốc.
Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI), chính sách đối ngoại quan trọng nhất của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, đang phải đối mặt với khó khăn khi dịch bệnh lan rộng. Sáng kiến này đã mở rộng cơ sở hạ tầng và tăng cường sự kết nối đồng thời triển