Lý do Triều Tiên đẩy mạnh các hành động khiêu khích Hàn Quốc
TTXVN (Tokyo) - Theo hãng tin Kyodo (Nhật Bản), nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un dự kiến sẽ đẩy mạnh các hành động khiêu khích Hàn Quốc nhằm củng cố vị thế của bà Kim Yo Jong - nhân vật số 2 ở nước này, đồng thời là em gái và cũng là phụ tá thân cận của ông.
Ngày 16/6, Bình Nhưỡng đã phá hủy văn phòng liên lạc liên Triều tại thành phố biên giới Kaesong để trả đũa cho thất bại của Seoul trong việc ngăn chặn những người đào tẩu khỏi Triều Tiên phát tán các tờ rơi chỉ trích chính quyền Kim qua biên giới. Việc phá hủy biểu tượng của sự hòa giải liên Triều diễn ra vài tuần sau khi các phương tiện truyền thông Triều Tiên đưa tin trong thời gian gần đây được bà Kim Yo Jong, Phó Trưởng ban thứ nhất của Ủy ban Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên, công bố.
Các nguồn tin ngoại giao cho biết ông Kim Jong-un có thể lo ngại rằng việc không có các tiến bộ về mặt ngoại giao và suy thoái kinh tế, vốn được quy kết một phần là do dịch COVID-19, có thể đang làm xói mòn ảnh hưởng chính trị của mình ở trong nước. Bên cạnh đó, do chưa có người kế vị chính thức nên ông Kim Jong-un - người được cho là có các vấn đề về sức khỏe - có thể muốn chỉ định một người giữ vị trí quyền Chủ tịch hợp pháp nếu có bất cứ điều gì xảy ra với nhà lãnh đạo này.
Một trong những nguồn tin ngoại giao trên nói: "Trong bối cảnh nền kinh tế Triều Tiên bị tác động nặng nề bởi sự bùng phát của dịch COVID-19 nhưng không có bất cứ dấu hiệu nào cho thấy các cuộc đàm phán về phi hạt nhân hóa (bán đảo Triều Tiên) với Mỹ đang tiến triển, Bình Nhưỡng coi Hàn Quốc là mục tiêu tốt để tấn công. Kim Jong-un có thể sẽ duy trì lập trường cứng rắn với Hàn Quốc trong thời gian tới bởi vì ông có thể đang cố gắng tăng cường ảnh hưởng của bà Kim Yo Jong cũng như siết chặt sự kiểm soát của mình ở nước này để duy trì sự kế thừa theo kiểu cha truyền con nối ở Triều Tiên".
Hôm 13/6, bà Kim Yo Jong đã báo hiệu về sự kết thúc của văn phòng liên lạc liên Triều trong một tuyên bố do Hãng Thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) đăng tải rằng "Tôi cảm thấy đã đến lúc phải cắt đứt quan hệ với chính quyền Hàn Quốc”. Bà Kim Yo Jong thúc giục Seoul thực hiện các biện pháp cần thiết để ngăn chặn những người đào tẩu khỏi Triều Tiên phát tán tờ rơi chỉ trích Bình Nhưỡng, đồng thời đe dọa sẽ hủy bỏ một thỏa thuận quân sự với miền Nam.
Sáng 16/6, Triều Tiên đã cảnh báo rằng họ đang chuẩn bị đưa quân tới Khu phi quân sự (DMZ), đồng thời nhấn mạnh rằng hiệu lực của thỏa thuận quân sự giữa hai bên đã trở nên bấp bênh.
Nguồn tin ngoại giao trên nhận định có vẻ như ông Kim Jong-un thực sự tin tưởng em gái. Rõ ràng là ông ấy muốn bà Kim Yo Jong giữ vai trò như “cánh tay phải” của mình và đang sử dụng Hàn Quốc như một công cụ để nâng cao vị thế của bà Kim Yo Jong ở nước này.
Tại hội nghị thượng đỉnh liên Triều tháng 4/2018, nhà lãnh đạo Kim Jong-un và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã ký Tuyên bố Panmunjeom, trong đó hai bên cam
kết thành lập văn phòng liên lạc chung và chấm dứt mọi hành động thù địch, bao gồm cả việc phát tán tờ rơi.
Tháng 9/2018, hai miền Triều Tiên đã đạt được đồng thuận về một loạt biện pháp giảm căng thẳng trên biên giới giữa hai nước như không đưa vũ khí vào Khu vực An ninh chung ở làng biên giới Panmunjeom, và loại bỏ một số đồn biên phòng và vũ khí ở DMZ. Panmunjeom là nơi duy nhất dọc biên giới liên Triều mà quân đội hai nước đối mặt trực tiếp với nhau. Tiến trình phi quân sự hóa đã được hoàn thành vào tháng 10/2018.
Tháng 11/2017, Triều Tiên đã phóng vật thể mà nước này gọi là tên lửa đạn đạo liên lục địa "mạnh nhất" có khả năng mang đầu đạn hạt nhân tới bất cứ nơi nào ở Mỹ, và ông Kim Jong-un tuyên bố đã hoàn thành "lực lượng hạt nhân quốc gia".
Ngày 1/1/2018, nhà lãnh đạo Triều Tiên bất ngờ chìa “cành ô liu” về phía Hàn Quốc trong thông điệp năm mới, và sau đó, đưa ra cam kết sẽ đạt được "phi hạt nhân hóa hoàn toàn" bán đảo Triều Tiên.
Tại Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên lần đầu tiên tại Singapore vào tháng 6/2018, ông Kim Jong-un đã đạt được thỏa thuận với Tổng thống Donald Trump rằng Washington sẽ bảo đảm an ninh cho Bình Nhưỡng để đổi lấy việc Triều Tiên phi hạt nhân hóa.
Trong khi đó, tự gọi mình là "trung gian môi giới" giữa Triều Tiên và Mỹ, Tổng thống Moon đã bày tỏ mong muốn giúp thúc đẩy các cuộc đàm phán hạt nhân này, nhưng cho đến nay, nhà lãnh đạo Hàn Quốc vẫn chưa đạt được bất kỳ thành tựu nào.
Cuối cùng, Bình Nhưỡng đã không thuyết phục được Washington nới lỏng các biện pháp trừng phạt, vốn đang kìm hãm hoạt động thương mại của nước này, trong khi Seoul vẫn do dự trong việc triển khai các dự án hợp tác kinh tế với Triều Tiên do sự phản đối của Mỹ.
Người ta cho rằng nền kinh tế Triều Tiên đang suy thoái do hoạt động thương mại với Trung Quốc - đồng minh thân thiết nhất và có ảnh hưởng nhất về mặt kinh tế - đang trì trệ, chủ yếu do việc Bình Nhưỡng đóng cửa biên giới với nước láng giềng sau khi dịch COVID-19 bùng phát.
Một nguồn tin ngoại giao khác nhận định trước thềm lễ kỷ niệm 75 năm ngày thành lập Đảng Lao động Triều Tiên vào tháng 10 tới, ông Kim Jong-un "vẫn chưa có các thành tựu về ngoại giao và kinh tế". Vì vậy, ông này “đang rất tức giận với Tổng thống Moon Jae-in. Để thực hiện một số mục tiêu của mình, Triều Tiên có thể sẽ tiếp tục có thái độ cứng rắn với Hàn Quốc".
Vì sao Triều Tiên kích hoạt cuộc khủng hoảng vào lúc này?
TTXVN (nationalinterest.org) - Khi Triều Tiên muốn dừng cuộc điện thoại, họ sẽ không chỉ đơn thuần là đặt lại ống nghe vào giá điện thoại. Điều đó là chưa đủ để cắt đứt đường dây liên lạc. Lãnh đạo tối cao Kim Jong-un và người em gái quyền lực Kim Yo Jong của ông còn đẩy thông điệp “đừng gọi cho tôi, tôi sẽ gọi lại sau” lên một mức độ hoàn toàn mới khi đánh sập toàn bộ Văn phòng liên lạc liên Triều tại thị trấn biên giới
Kaesong vào sáng 16/6. Họ thực sự không muốn đàm phán và muốn tất cả đều hiểu ra điều đó.
Vậy điều này liệu có đồng nghĩa với việc những chiếc xe tăng sẽ sớm lăn bánh qua Khu phi quân sự (DMZ)?
Trước đây, các động thái cắt đứt liên lạc có thể mang ý nghĩa một sự khởi đầu của tình trạng thù địch giữa hai quốc gia, song đó là chuyện từ rất lâu rồi, và Triều Tiên không phải một quốc gia bình thường. Trên sân khấu của những điều ngớ ngẩn như là ở Triều Tiên, vụ cho nổ văn phòng liên lạc Kaesong có thể là dấu hiệu của một cuộc đấu đá quyền lực nội bộ dữ dội, hay chỉ đơn thuần mang ý nghĩa rằng tòa nhà này sắp phải nâng cấp, và một trong những người anh chị em của Kim Jong-un thấy rằng có lẽ đánh sập nó bằng bom thì thú vị hơn là chỉ dỡ bỏ nó theo một cách thông thường.
Về phần mình, Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương Mỹ sẽ không mạo hiểm. Cả 3 trong số các nhóm tác chiến tàu sân bay đang tuần tra ở Thái Bình Dương, hai nhóm ở phía Tây và một ở phía Đông, có vẻ như đang tiến về hướng đó. Truyền thông nhà nước Trung Quốc phát điên với mối đe dọa này, tập trung vào các năng lực tên lửa chống hạm của Quân Giải phóng Nhân dân (PLA), nhưng thực tế là sự hiện diện của các lực lượng này ở đó có vẻ giống như một chính sách bảo hiểm trước sự bất ổn ở Triều Tiên hơn là để hăm dọa hay đối đầu với Trung Quốc. Các tàu sân bay này hẳn không mấy hữu dụng trong một cuộc khủng hoảng như ở Hong Kong. Chúng sẽ hữu ích hơn với trường hợp Triều Tiên.
Thực tế là bất cứ điều gì đều có thể xảy ra tại một Triều Tiên đang sục sôi, dù là một vụ phóng tên lửa qua Nhật Bản hay một sự sụp đổ hoàn toàn chế độ Kim. Lý do nhỏ nhoi khiến Triều Tiên cắt đứt các đường dây liên lạc và phát nổ văn phòng liên lạc là vì Hàn Quốc đã tạo điều kiện cho những đối tượng đào ngũ Triều Tiên rải các truyền đơn chống chế độ (cùng với các chai nước và túi gạo) ở khu vực biên giới trong một đợt tiếp tế khẩn cấp, song Hàn Quốc thực tế đã bắt giữ rất nhiều trong số những đối tượng có liên quan trong vụ này. Trên thực tế, các tờ truyền đơn đã không phát tán được xa, hay không cung cấp cho người dân vùng biên bất cứ điều gì mà họ chưa biết. Những lý do thực sự (và cũng là hậu quả tiềm tàng) của tất cả sự ầm ĩ này hẳn phải sâu xa hơn so với những tranh cãi về vụ truyền đơn.
Một lời giải thích khả thi hơn là có điều gì đó đang xảy ra ở Triều Tiên mà những người quan sát bên ngoài vẫn chưa thấy được. Cần nhớ rằng Kim Jong-un đã biến mất trong vòng ba tuần hồi tháng 4-5 vừa qua, và sau đó cũng chỉ xuất hiện rất ít. Em gái ông, Kim Yo Jong, đã bất ngờ xuất hiện nhiều hơn hẳn trong vài trò lãnh đạo đất nước chứ không chỉ trong vai trò quân sự, thậm chí còn đích danh đưa ra các mệnh lệnh cho quân đội. Vậy Kim Jong-un, anh trai bà, liệu có phải đang ốm, và người em gái này đang tiếp quản công việc của gia tộc? Có phải đại dịch COVID-19 đã đánh sập nền kinh tế và khiến cho đất nước không có khả năng hỗ trợ một quân đội quá khổ của mình? Không ai biết rõ câu trả lời, và cũng không ai biết điều gì có thể xảy ra trong bất cứ một cuộc chuyển giao quyền lực nào nếu có, điều có thể đang diễn ra, hoặc là không.
Còn về 3 chiếc tàu khu trục của Mỹ thì sao? Rõ ràng là sẽ không có một vụ tấn công nào của Mỹ vào Triều Tiên. Một hành động như vậy chỉ là sự tưởng tượng trong những giấc mơ (và những cơn ác mộng) của những nhà hoạch định quân sự Triều Tiên. Tuy nhiên, với một Triều Tiên dễ bị kích động để phóng thêm các tên lửa hành trình qua Biển Nhật Bản, thử một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) có khả năng chạm tới Hawaii (hoặc xa hơn), hoặc sẽ có một hành động khiêu khích khác, một sự hiện diện mạnh mẽ của hải quân có thể cải thiện một cách thiết yếu năng lực của Mỹ trong việc dò tìm, phát hiện, và nếu cần là bắn hạ một vật thể nguy hiểm. Đây chỉ đơn thuần là vấn đề triển khai các phương tiện hàng hải đến những nơi mà chúng hữu ích nhất, và ngay lúc này, khó có thể nghĩ đến một địa điểm nào hữu dụng hơn là ở Tây Thái Bình Dương.
Sự triển khai 3 tàu khu trục là một chính sách bảo đảm tốn kém, nhưng cần thiết. Triều Tiên là một trong những quốc gia bất ổn nhất trên thế giới, khiến tất cả trở nên nguy hiểm hơn bởi tính chất khó đoán định. Dù tình trạng của chương trình hạt nhân Triều Tiên đang thế nào, sự bất ổn ở bên trong đất nước này có lẽ còn hơn cả một mối đe dọa, bởi rất khó để lên kế hoạch cho những sự kiện có thể xảy ra khi mà toàn bộ những kịch bản tiềm tàng đều chưa được biết rõ. Gần như chắc chắn là bất kỳ cuộc khủng hoảng nào ở Triều Tiên đều sẽ không cần đến hỏa lực (và năng lực giám sát) của 3 nhóm tác chiến tàu sân bay. Tuy nhiên, vì không có một danh sách những cuộc khủng hoảng tiềm tàng để nghiên cứu, thế giới vẫn đang mò mẫm trong bóng tối. Chúng ta chỉ có thể hy vọng rằng Triều Tiên hiện không mò mẫm trong bóng tối như vậy.
Triều Tiên “thận trọng” trút cơn thịnh nộ lên Hàn Quốc
Theo đài RFI, sau đúng 2 năm tan băng và 3 lần lãnh đạo Triều Tiên bắt tay với tổng thống Mỹ, Washington vẫn duy trì các biện pháp trừng phạt với Bình Nhưỡng, đàm phán hạt nhân Triều Tiên hoàn toàn bế tắc. Phải chăng Triều Tiên cần khiêu khích để quốc tế phải chú ý đến và khởi động lại đàm phán hạt nhân với Mỹ? Chuyên gia Pháp, Antoine Bondaz thuộc Quỹ Nghiên cứu Chiến lược FRS, giảng dạy tại trường Khoa học Chính trị Paris – Sciences Po có bài phân tích cho rằng, trong tính toán của Bình Nhưỡng, cần khai thác lá bài Seoul: Trút cơn thịnh nộ “có chừng mực” lên đầu Hàn Quốc mà vẫn tránh được xung đột quân sự.
Theo bài viết, hình ảnh văn phòng liên lạc liên Triều tại khu công nghiệp Kaesong, biểu tượng của giai đoạn tan băng giữa Bình Nhưỡng và Seoul bốc khói đã thu hút chú ý của công luận và truyền thông quốc tế. Đây là một hành động “có tính toán và cân nhắc cẩn trọng” của Triều Tiên.
Một sự cân nhắc chi ly
Antoine Bondaz, chuyên gia Pháp về Đông Bắc Á, trong cuộc trả lời phỏng vấn dành cho RFI tiếng Việt ngày 16/6 đưa ra nhận định: Điểm thứ nhất, Bình Nhưỡng đã rất khôn ngoan chọn thời điểm để trút cơn thịnh nộ lên Hàn Quốc mà biết rằng hành động “khiêu khích và gây hấn đó ít có khả năng dẫn tới xung đột” liên Triều. Triều Tiên không sợ Hàn Quốc thay đổi chính phủ sau bầu cử Quốc hội vào tháng 4/2020. Đảng của Tổng
thống Moon Jae-in chiếm đa số tuyệt đối. Tổng thống Moon vốn chủ trương chìa bàn tay thân thiên với Bình Nhưỡng. Nhờ vậy, Triều Tiên cầm chắc kịch bản một cuộc đối đầu quân sự với nước láng giềng phía Nam sẽ không xảy ra.
Tuy nhiên, chuyên gia Antoine Bondaz không loại trừ khả năng chế độ Kim Jong- un tiếp tục “có những hành động khiêu khích” cả về mặt quân sự. Đây là kịch bản từng xảy ra vào năm 2010 khi ngư lôi Triều Tiên đánh chìm tàu chiến Cheonan của Hàn Quốc. Cùng năm đó, quân đội Triều Tiên nã pháo vào một hòn đảo thuộc chủ quyền của Hàn Quốc.
Điểm thứ hai, hiện tại Triều Tiên chưa vượt qua “lằn ranh đỏ” mà mới chỉ “tấn công vào một biểu tượng”, phá sập một tòa nhà được xây dựng lên bằng vốn của Hàn Quốc và tiêu biểu cho sự hàn gắn được Tổng thống Moon khởi động vào năm 2018. Trên thực tế văn phòng liên lạc nằm trên lãnh thổ Triều Tiên và hoàn toàn không còn hoạt động từ nhiều tháng qua do tình hình đại dịch COVID-19. Cảnh tòa nhà bốc khói gây ấn tượng nhưng không hề có đổ máu. Ông Bondaz ghi nhận phía Seoul cũng chỉ phản ứng một cách chừng mực.
Điểm thứ ba, đáng chú ý trong bối cảnh căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên hiện nay là Bình Nhưỡng chỉ trút cơn thịnh nộ lên chính quyền Seoul nhưng tránh để Washington can thiệp. Chuyên gia Antoine Bondaz giải thích: “Nếu Triều Tiên khiêu khích quá đáng, gây thiệt hại cho Hàn Quốc, bắt buộc Mỹ, đồng minh quân sự của Seoul, phải lên tiếng dù là tình hình bán đảo Triều Tiên không là mối quan tâm của Nhà Trắng vào thời điểm này”.
Dù vậy trong số tất cả những Tổng thống Mỹ, Donald Trump đã tỏ ra “ít tệ nhất” với chế độ họ Kim. Vẫn theo chuyên gia Bondaz, bất luận chính quyền Mỹ trong 6 tháng nữa thuộc về phe Dân chủ hay Cộng hòa, Triều Tiên sẽ phải trả giá đắt nếu động