Khái niệm nghĩa vụ của người quản lý công ty

Một phần của tài liệu Luận văn Thạc sĩ Luật học: Nghĩa vụ của người quản lý công ty theo pháp luật Việt Nam (Trang 27 - 33)

Khái niệm người quản lý công ty, thoạt tiên có vẻ đơn giản và dường như nội hàm của nó không khác gì hơn là các nghĩa vụ của các chủ thể là người quản lý công ty. Tuy nhiên, thực chất vấn đề không đơn giản như vậy. Nghĩa vụ của người quản lý công ty là một chế định được xây dựng trong luật công ty của các nước theo truyền thống common law. Bản chất và nội dung của chế định này không được xác định rõ ràng ngay từ khi ra đời mà được bồi đắp theo thời gian, qua cả quá trình pháp điển hóa và xây dựng án lệ. Trong pháp luật Việt Nam hiện nay, có thể nói rằng khái niệm này chưa tồn tại một cách chính thức. Có thể nhận định như vậy vì nguyên nhân đầu tiên, bản chất của các nghĩa vụ của người quản lý công ty là loại nghĩa vụ mẫn cán, trung thực, trong khi đó, Bộ Luật Dân Sự 2005 còn chưa hề có một ý niệm nào về cách thức phân loại nghĩa vụ theo mức độ này thì không thể nào tồn tại quy định về loại nghĩa vụ này. Các văn bản pháp lý chuyên ngành hơn như Luật Doanh Nghiệp thì cũng chưa hề coi “nghĩa vụ của người quản lý công ty” là một khái niệm pháp lý cần hiểu rõ về mặt nội hàm. Luật Doanh Nghiệp 2005

thì sử dụng “nghĩa vụ của người quản lý công ty” như một cụm từ ghép giữa nghĩa vụ với người quản lý công ty, trong khi Luật Doanh Nghiệp 2014 cũng chưa hề đưa ra định nghĩa nào, thêm vào đó còn sử dụng một cách lẫn lộn khái niệm nghĩa vụ với trách nhiệm của người quản lý công ty.

Để hiểu rõ hơn và có thể xây dựng được khái niệm nghĩa vụ của người quản lý công ty cho pháp luật Việt Nam, trước hết cần hiểu rõ được các đặc điểm và phân loại được nghĩa vụ của người quản lý công ty vào các cách phân loại truyền thống của họ pháp luật civil law.

Câu hỏi trước tiên phải xem xét, đó là liệu nghĩa vụ của người quản lý công ty có thỏa mãn ba đặc điểm cơ bản của nghĩa vụ như đã phân tích ở trên hay không. Thứ nhất, nghĩa vụ là một quan hệ pháp lý đặc trưng bởi khả năng cưỡng chế thi hành. Nghĩa vụ của người quản lý công ty là nghĩa vụ dân sự, nhiều nội dung được quy định trong Luật Doanh nghiệp và có tính chất quy phạm bắt buộc đối với người quản lý công ty. Thứ hai, nghĩa vụ là quan hệ đối nhân. Nghĩa vụ của người quản lý công ty là quan hệ giữa những người quản lý công ty với công ty/chủ sở hữu công ty mà trong đó, công ty/chủ sở hữu có quyền yêu cầu những người quản lý công ty hành động vì lợi ích của mình. Cuối cùng, nghĩa vụ là một quan hệ tài sản, hay nói cách khác, có thể định giá được bằng tiền. Điều này không hoàn toàn được thể hiện rõ ràng đối với nghĩa vụ của người quản lý công ty. Lấy một ví dụ đơn giản là người quản lý công ty có nghĩa vụ thông báo cho công ty về quyền sở hữu của mình tại các doanh nghiệp khác. Nghĩa vụ này hoàn toàn thỏa mãn hai đặc điểm đầu tiên, tuy nhiên, việc xác định bằng tiền giá trị của nghĩa vụ này hoặc một khoản bồi thường phải trả nếu người quản lý công ty vi phạm nghĩa vụ này là không dễ dàng. Ngoài ba đặc điểm trên, có thể quan sát được một số đặc điểm khác của nghĩa vụ của người quản lý công ty. Nghĩa vụ của người quản lý công ty là nghĩa vụ có đối tượng là hành vi, trong đó yêu cầu người quản lý

công ty có nghĩa vụ thực hiện hành động như tổ chức quản lý công ty hoặc nghĩa vụ không thực hiện hành động, ví dụ như không được sử dụng thông tin, bí quyết của công ty để tư lợi.

Về mặt phân loại, trước hết phải quan tâm đến phân loại về mức độ. Nghĩa vụ của người quản lý công ty có thể bao trùm mọi mặt hoạt động của công ty, cộng với sự đa dạng, phức tạp của loại hình và ngành nghề kinh doanh nên sẽ là không thỏa đáng nếu những nghĩa vụ này là nghĩa vụ thành quả. Sẽ là không cần thiết và không thể cho bất cứ ai muốn xác định một cách định lượng toàn bộ các kết quả cho các nghĩa vụ của người quản lý công ty. Có lẽ vì thế, yếu tố định tính là cần thiết và chủ yếu, nghĩa vụ của người quản lý công ty có thể xếp vào nghĩa vụ mẫn cán, trung thực. Về mặt hiệu lực, nghĩa vụ của người quản lý công ty hiển nhiên là nghĩa vụ dân sự vì nếu thiếu đi tính ràng buộc pháp lý thì những nghĩa vụ này sẽ chẳng có ý nghĩa gì vì không một người quản lý công ty nào lại muốn giới hạn quyền lực của mình. Phân loại nghĩa vụ của người quản lý công ty theo nguồn gốc có lẽ sẽ gặp khó khăn. Bởi lẽ, nhiều luật gia cho rằng nghĩa vụ của người quản lý công ty là nghĩa vụ từ hợp đồng, tuy nhiên điều này không hoàn toàn chính xác. Như sẽ phân tích ở phần tiếp theo, mối quan hệ giữa công ty và người quản lý công ty được xem là quan hệ đại diện. Một cách thông thường nhất, quan hệ đại diện được xác lập trên cơ sở hợp đồng. Tuy nhiên, truyền thống common law cũng thừa nhận những quan hệ đại diện mà trong đó không hề có một hợp đồng đại diện nào được xác lập. Các trường hợp đó bao gồm đại diện ngầm định (implied agency), đại diện đương nhiên (apparent agency) và đại diện do phê chuẩn (ratification). Đại diện ngầm định là thẩm quyền đại diện cần thiết phải có để một người có thể thực hiện nhiệm vụ của mình. Nếu một người được bổ nhiệm làm tổng giám đốc của một công ty thì người đó đã được ngầm định là có thẩm quyền nhân danh công ty xác lập quyền lợi và nghĩa vụ. Đại diện

đương nhiên là các trường hợp mà hành động của người chủ ủy có thể khiến cho bên thứ ba tin rằng một người là thụ ủy của người chủ ủy đó. Điều 146 của Bộ Luật Dân Sự 2005 có quy định giao dịch do người đại diện thực hiện vượt quá phạm vi đại diện sẽ vẫn có hiệu lực nếu người được đại diện biết mà không phản đối, đó chính là một dạng của đại diện đương nhiên. Tuy nhiên, Điều 594 của Bộ Luật Dân Sự 2005 thì lại không nhìn nhận mối quan hệ đó như một dạng thức của đại diện mà quy định rằng đó là thực hiện công việc không có ủy quyền. Việc có được xác định là quan hệ đại diện hay không sẽ dẫn đến những hậu quả pháp lý khác nhau, chủ yếu liên quan đến trách nhiệm của người được đại diện/chủ ủy đối với các quyền và nghĩa vụ được xác lập cho họ. Cuối cùng, đại diện do phê chuẩn là trường hợp mà vào thời điểm thực hiện công việc thì người thụ ủy không có thẩm quyền, tuy nhiên, người chủ ủy đã bằng hành vi pháp lý đơn phương của mình, chấp nhận rằng công việc đó có hiệu lực phát sinh quyền/nghĩa vụ đối với mình. Có thể thấy, nếu nguồn gốc phát sinh nghĩa vụ là đại diện theo hợp đồng dường như phù hợp với những người quản lý công ty chính danh (de jure director) thông qua bổ nhiệm thì đại diện ngầm định hoặc đương nhiên sẽ phù hợp làm phát sinh nghĩa vụ cho những người quản lý công ty thực tế (de facto director) còn những người quản lý công ty trong bóng tối (shadow director) chỉ có nghĩa vụ bởi hiệu lực của luật pháp quy định. Như vậy, có thể thấy phân loại nghĩa vụ của người quản lý công ty theo nguồn gốc dường như không có tính hiệu quả khi không có tính chất phân tách rõ rệt.

Như vậy, sẽ là không chính xác nếu cho rằng nghĩa vụ của người quản lý công ty mặc nhiên hoặc chỉ có nguồn gốc từ hợp đồng. Riêng liên quan đến loại nguồn gốc này của nghĩa vụ của người quản lý công ty cũng có một số điểm phải lưu ý. Thứ nhất, hợp đồng làm phát sinh nghĩa vụ của người quản lý công ty là hợp đồng nào? Tất nhiên không thể là một dạng thức vô hình

như khế ước xã hội mà hợp đồng này phải được thể hiện dưới dạng thức hữu hình cụ thể. Điều lệ công ty có lẽ phải được xét đến đầu tiên. Điều lệ của công ty được xem như một hợp đồng giữa các thành viên, cổ đông của công ty quy định các vấn đề quan trọng của công ty như phần vốn góp, vốn cổ phần, cơ cấu tổ chức quản lý, thể thức ra quyết định… Điểm vướng mắc với “hợp đồng” điều lệ này là về nguyên tắc đối nhân, hợp đồng chỉ ràng buộc các chủ thể tham gia xác lập mối quan hệ đó. Như vậy, những người quản lý công ty mà không phải một bên trong “hợp đồng” điều lệ thì họ có bị ràng buộc bởi các quy tắc, nghĩa vụ trong đó? Các quy định rõ ràng, đầy đủ về nghĩa vụ của người quản lý công ty không phải là một nội dung bắt buộc của điều lệ mà điều lệ hoàn toàn có thể chỉ tập trung điều hòa, phân định mối quan hệ giữa các chủ sở hữu. Trong các trường hợp đó, liệu nhận định nghĩa vụ của người quản lý công ty có căn cứ từ điều lệ có còn chính xác? Loại hợp đồng có liên quan thứ hai là hợp đồng lao động, thường tồn tại trong các trường hợp người quản lý công ty được thuê. Điểm vướng mắc với hợp đồng lao động bao gồm, nghĩa vụ của người quản lý đó sẽ chỉ xác định theo hợp đồng lao động hay phải theo cả điều lệ và trong trường hợp quy định mâu thuẫn giữa hợp đồng lao động và điều lệ thì ưu tiên văn bản nào.

Từ các phân tích ở trên, có thể thấy, trên các mặt cơ bản nhất, nghĩa vụ của người quản lý công ty có thể được phân tích dưới lăng kính chung của nghĩa vụ dân sự và cho thấy các đặc điểm tương đồng. Tuy nhiên, quy định về nghĩa vụ dân sự của Bộ Luật Dân Sự 2005 cho thấy phần khuyết thiếu cơ bản chính là mức độ của nghĩa vụ của người quản lý công ty. Ngoài ra, cũng phải nhìn nhận rằng nghĩa vụ của người quản lý công ty là những nghĩa vụ cụ thể, chi tiết hơn so với mức độ khái quát của nghĩa vụ dân sự.

Tựu chung lại, nghĩa vụ của người quản lý công ty có thể được hiểu một cách khái quát và cơ bản nhất là toàn bộ các nghĩa vụ mẫn cán, trung

thực có nguồn gốc hoặc phát sinh từ hợp đồng, hành vi pháp lý đơn phương, sự kiện pháp lý hoặc quy định của luật mà người quản lý công ty phải thực hiện hoặc không được phép thực hiện với nỗ lực và khả năng cao nhất vì lợi ích hợp pháp tối đa của công ty.

Chế tài do vi phạm nghĩa vụ của người quản lý công ty

Cũng giống như các chế tài áp dụng chung cho sự vi phạm nghĩa vụ dân sự, chế tài đối với việc vi phạm nghĩa vụ của người quản lý công ty cũng nhằm mục đích đảm bảo tình trạng của người trái chủ đạt được giống như trạng thái khi nghĩa vụ được thực hiện đầy đủ. Để làm được điều này, các chế tài chủ yếu cũng bao gồm buộc thực hiện nghĩa vụ và bồi thường thiệt hại. Trong quản lý công ty có rất nhiều nghĩa vụ tuân thủ phải thực hiện hoặc không được thực hiện, vì thế, chế tài buộc thực hiện nghĩa vụ dường như không hẳn là một chế tài mà đã là một phần của nghĩa vụ của người quản lý công ty khi yêu cầu tính chất tiếp diễn, thường trực của nghĩa vụ. Chính vì vậy, chế tài bồi thường thiệt hại dường như có vai trò nổi bật hơn đối với nghĩa vụ của người quản lý công ty. Điều này cũng có thể thấy trong quy định của Luật Doanh nghiệp khi rất nhiều quy định trách nhiệm của người quản lý công ty với thiệt hại của công ty do lỗi của những người này. Tuy nhiên, về mặt chế tài đối với vi phạm của người quản lý công ty ở Việt Nam còn có một vấn đề đáng lưu tâm khác. Đó là hiện tượng hình sự hóa các quan hệ dân sự, khi mà những vi phạm nghĩa vụ của người quản lý công ty và xâm phạm khách thể được bảo vệ bởi pháp luật hình sự trong nhiều trường hợp là rất mong manh. Trong những trường hợp đó, với những tồn tại trong ý thức pháp luật, các cơ quan điều tra thường sốt sắng tham gia vào để xác định sai phạm, định tội danh, áp dụng hình phạt hình sự … hơn là quan tâm đến bản chất vụ việc có phải là vi phạm nghĩa vụ dân sự hay không, biện pháp khắc phục hậu quả, bồi thường thiệt hại là như thế nào. Chính vì thế, hiện tượng hình sự hóa

các quan hệ dân sự dẫn đến một số hậu quả, một là xảy ra nhiều án oan sai khi điều tra hình sự được tiến hành đối với những vi phạm nghĩa vụ dân sự, hai là vấn đề khắc phục hậu quả không được coi trọng, tâm lý “đi tù là hết nợ”, lấy hình phạt hình sự thay thế cho nghĩa vụ bồi thường dân sự.

Một phần của tài liệu Luận văn Thạc sĩ Luật học: Nghĩa vụ của người quản lý công ty theo pháp luật Việt Nam (Trang 27 - 33)