1- Khai thác hải sản.
Ở Việt Nam nghề khai thác hải sản xuất hiện từ rất sớm, tuy nhiên nó lại phát triển rất chậm, chỉ đến một vài năm gần đây mới đạt được một thành tựu đáng kể.
Trước đây, do trình độ phát triển kinh tế còn kém, đất nước lại bị chiến tranh tàn phá, người làm nghề biển không có điều kiện để tiếp cận với khoa học hiện đại vì vậy mà trong một thời gian rất dài nghề đánh bắt, khai thác
hải sản phát triển rất chậm. Hiện nay, khi đất nước đang trong thời kỳ mở cửa, điều kiện chuyển giao công nghệ được thuận lợi, ở Việt Nam đã bắt đầu xuất hiện những hạm tầu đánh bắt cá xa bờ do đó mà khối lượng hải sản khai thác được ngày một nhiều hơn. Đứng trước một thực tế là do tình trạng đánh bắt ven bờ quá bừa bãi dẫn tới những vùng biển ven bờ lâm vào tình trạng cạn kiệt, ô nhiễm, vì vậy mà xu hướng đánh bắt cá ngoài biển khơi là một xu hướng khách quan, tuy nhiên trình độ khai thác hải sản biển của Việt Nam còn khá lạc hậu so với thế giới, chưa khai thác hết được nguồn tài nguyên biển dồi dào mà thiên nhiên đã ưu ái ban tặng cho chúng ta.
Nghề khai thác thuỷ sản biển của Việt Nam còn khá thô sơ. Phương tiện tàu công suất thấp, trang thiết bị ngư cụ nghèo nàn và quy mô nhỏ, lại kiêm nhiệm tất cả các khâu: khai thác, bảo quản, dịch vụ trên một tàu. Công nghệ khai thác chủ yếu tầng mặt nước, thời gian bám biển ngắn, trình độ hợp tác trên biển thấp. Khả năng khai thác tầng nước sâu trên 50 m kém, trong khi rất nhiều loài hải sản quý hiếm, có giá trị kinh tế cao, khả năng xuất khẩu lớn lại chủ yếu sống ở tầng nước sâu. Tính đến hiện nay, cả nước ta mới chỉ có được 7 hạm tầu lớn khai thác xa bờ, nhưng những hạm tầu này cũng không sử dụng hết công suất do trình độ chế biến, bảo quản của ta còn thấp, cá khai thác xong không được bảo quản tốt, thời gian trên biển dài nên khi về đến bờ một lượng cá khá lớn bị hư hỏng không sử dụng được rất lãng phí.
Tiềm năng hải sản biển của nước ta rất dồi dào, diện tích vùng biển rộng lớn, phần nhiều chưa được khai thác nên khối lượng hải sản có thể khai thác là đáng kể. Vấn đề hiện nay là làm sao để khai thác được hết tiềm năng biển dồi dào này để đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng trong nước và trên thế giới. Trước thực trạng trên, ngành thuỷ sản đã tập trung đầu tư cho khai thác hải sản biển trên một số lĩnh vực sau:
- Hiện đại hoá trang thiết bị lưới ngư cụ; bảo quản sau thu hoạch tốt, tổ chức sản xuất, khai thác theo tập đoàn.
- Tổ chức đội tàu dịch vụ hậu cần, tổ chức dịch vụ thu gom sản phẩm trên biển, bảo quản sản phẩm sau thu hoạch để tăng chất lượng và đảm bảo đủ tiêu chuẩn xuất khẩu cá ăn tươi, ngon.
- Tăng cường công tác đào tạo chuyển giao công nghệ cho ngư dân. Cải tiến trang thiết bị bảo quản sau thu hoạch.Nghiên cứu cải tiến ngư cụ hiện có phù hợp với tàu hiện có để phát huy đội tầu của ngư dân.
- Khuyến khích các hình thức thuê mướn chuyên gia, tổ chức cho như dân tham quan học tập kinh nghiệm của đơn vị khai thác thuỷ sản có hiệu quả trong nội bộ địa phương và tỉnh bạn, cũng như của nước ngoài khi có điều kiện.
- Tiếp tục thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi đầu tư và đủ vốn lưu động cho các doanh nghiệp khai thác hải sản xa bờ.
- Biển Việt Nam còn một số loài cá có giá trị xuất khẩu cao, được thị trường thế giới ưa chuộng, cần được tổ chức khai thác tốt, đi đôi với tăng cường hậu cần dịch vụ để đảm bảo chất lượng như: cá Mú, cá Cam, cá Thu, cá Hồng..
2- Chế biến và dự trữ.
Theo xu hướng hiện nay, nhất là các thị trường lớn đang hướng sang tiêu thụ các mặt hàng chế biến giá trị gia tăng và yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm ngày một khắt khe hơn. Các xí nghiệp chế biến hàng thuỷ sản đã và đang nâng cấp, đổi mới trang thiết bị, công nghệ, đáp ứng yêu cầu cao của thị trường, tăng sức cạnh tranh trên thị trường thế giới. Vài năm qua, có nhiều doanh nghiệp chế biến đã tích cực đầu tư đổi mới công nghệ, thực hiện các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm. Đến cuối năm 2000 đã có 61 doanh nghiệp chế biến thuỷ sản Việt Nam được vào danh sách xuất hàng hải sản vào EU.
Hiện nay, sản lượng chế biến ngày càng lớn(7 tháng có trên 30 vạn tấn), để chủ động cho thị trường, cần một kho lạnh hiện đại trong cả nước. Yêu cầu vận tải tăng, vận tải đường sắt cần có toa vận tải lạnh cho hàng thuỷ sản...
Cũng chính vì công tác chế biến thuỷ sản được tổ chức tốt hơn vì vậy mà lượng cá được dự trữ để tránh yếu tố thời vụ và sự dư thừa sản phẩm hàng hoá đã được thực hiện tốt hơn. Lấy ví dụ như trong năm vừa qua, chúng ta đã tiến hành dự trữ một lượng lớn cá tra và cá ba sa do không xuất khẩu được để chuyển sang tiêu thụ tại miền Bắc và miền Trung. Công tác dự trữ tốt đã làm cho khối lượng hàng thuỷ sản cung cấp trên thị trường ổn định và tránh lãng phí một lượng lớn sản phẩm thuỷ sản đem lại hiệu quả kinh tế cao.
3- Tiêu thụ sản phẩm.
Có thể nói, thị trường tiêu thụ sản phẩm thuỷ sản cả trong và ngoài nước đều rất lớn và có nhiều khả năng mở rộng. Đối với thị trường trong nước việc tiêu thụ sản phẩm thuỷ sản có chất lượng cao ở khu vực nông thôn đang rất cần được chú trọng khai thác vì phần lớn dân số Việt Nam sinh sống tại nông thôn. Hơn nữa thị trường này chưa được phát triển một cách thoả đáng, còn rất nhiều tiềm năng, nhất là trong điều kiện đời sống của người nông dân đang ngày càng được cải thiện như hiện nay. Đối với thị trường thế giới, một vài năm gần đây có một số biến động lớn làm cho khối lượng thuỷ sản tiêu thụ xuất khẩu của nước ta giảm đi đáng kể. Nhưng nhìn chung đây vẫn là một thị trường lớn cho sản phẩm thuỷ sản của nước ta, người tiêu dùng trên thế giới có những nhu cầu rất khác nhau và ngày càng tăng về chất lượng và số lượng, vấn đề đặt ra đối với chúng ta để mở rộng thị trường này là phải làm sao tăng chất lượng, quy cách, mẫu mã sản phẩm cho phù hợp với thị hiếu tiêu dùng của từng quốc gia trên thế giới. Và hơn thế nữa là phải tạo cho sản phẩm của nước ta một thương hiệu xác định nhằm xây dựng lòng tin đối với người tiêu dùng. Có như vậy mới mong mở rộng được thị trường xuất khẩu cho sản phẩm thuỷ sản của Việt Nam đưa ngành thuỷ sản Việt Nam lên ngang tầm với các quốc gia phát triển trên thế giới.
KẾT LUẬN
Với những tiềm năng dồi dào và sản phẩm mang lại giá trị kinh tế cao, ngành thuỷ sản đang được một số nhà nghiên cứu kinh tế đánh giá là ngành kinh tế của Việt Nam trong 5 năm tới. Dựa vào giá trị kim ngạch mà ngành thuỷ sản đóng góp vào GDP của cả nước thì nhận định trên là hoàn toàn có cơ sở và có khả năng trở thành hiện thực. Điều này sẽ giúp cho một số lượng lớn người dân làm nghề nuôi trồng thuỷ sản có điều kiện để tăng thêm thu nhập, cải thiện đời sống, một lượng lớn lao động thất nghiệp sẽ có việc làm, qua đó góp phần đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế của cả nước.
Nhưng để làm được điều kỳ diệu trên đòi hỏi những người làm kinh tế nói chung và những người kinh doanh thuỷ sản nói riêng phải có chiến lược kinh doanh phù hợp. Một trong những chiến lược quan trọng nhất đó là làm thế nào để mở rộng thị trường, khai thác hết tiềm năng tiêu thụ rộng lớn trong dân cư và trên thế giới, tạo cho người sản xuất thuỷ sản một thị trường đầu ra ổn định, giúp họ an tâm sản xuất, có như vậy ngành thuỷ sản mới mau chóng trở thành một nền kinh tế trọng điểm tương xứng với tiềm năng sẵn có của nó.
Em chọn đề tài : “ Thị trường đầu ra cho sản phẩm thuỷ sản- thực trạng và tiềm năng “ để phân tích là mong góp một phần nhỏ bé của mình để giải quyết vấn đề trên.
Cuối cùng, em xin được chân thành cảm ơn TS. Vũ Đình Thắng đã nhiệt tình hướng dẫn, giúp em hoàn thành đề án này.
DANH MỤC TÀI LIỆI THAM KHẢO
1- Giáo trình Kinh Tế Nông Nghiệp. 2- Giáo trình Marketinh Nông Nghiệp. 3- Giáo trình Kinh Tế Thuỷ Sản. 4- Tạp chí Thuỷ Sản .
số 5/2001; 5/2002; 6/2003; 7/2003 . 5- Tạp chí Thị Trường Giá Cả Và Dự Báo. số 11/2000; 4/2003.
6- Tạp chí Thương Mại. số 6/1999; 19/2001.
7- Tạp chí Công Nghiệp Việt Nam. số 10/2001.
8- Tạp chí Thương Nghiệp Thị Trường Việt Nam. số 10/2001.
9- Tạp chí Kinh Tế và Dự Báo. số 8/2001.
10-Tạp chí Nông Thôn Ngày Nay. số 121/2003.