“Chuỗi giá trị bao gồm toàn bộ các hoạt động cần thiết để đưa ra một sản phẩm hoặc dịch vụ từ một ý tưởng thông qua các giai đoạn sản xuất khác nhau, phân phối sản phẩm đến người tiêu dùng cuối cùng và vứt bỏ sau khi sử dụng”. (Nguồn: Kaplinsky, 1999, trang 121; Kaplinsky và Morris, 2001, trang 4). Chuỗi giá trị tồn tại khi mà tất cả các tác nhân tham gia vào hoạt động của chuỗi theo cách để tối ưu hoá việc tạo ra giá trị dọc theo chuỗi...
Kaplinsky và Morris (2001) nhấn mạnh rằng không có một phương pháp chuẩn tắc cho việc phân tích một chuỗi giá trị. Xây dựng phương pháp phân tích chuỗi giá trị phụ thuộc vào cách tiếp cận và vấn đề nghiên cứu cũng
như mục tiêu đăt ra. Có nhiều cách tiếp cận trong phân tích chuỗi giá trị, nhưng mỗi cách tiếp cận chuỗi đều có những lợi thế và bất lợi khác nhau. Theo Kaplinsky và Morris (2001), việc phân tích chuỗi giá trị gồm những nội dung sau:
- Xác định tác nhân đầu tiên để bắt đầu thực hiện nghiên cứu;
- Lập sơ đồ chuỗi giá trị: Quá trình lập sơ đồ chuỗi cần xác định và vẽ các quá trình cốt lõi trong chuỗi; Xác định các tác nhân trong mỗi quá trình; Vẽ dòng luôn chuyển sản phẩm giữa các tác nhân dọc theo chuỗi, bao gồm dòng luân chuyển về địa lý; Xác định khối lượng sản phẩm giao dịch luân chuyển giữa các tác nhân; Xác định sự thay đổi giá trị qua mỗi quá trình; Xác định các phương thức liên kết và giao dịch giữa các tác nhân trong chuỗi.
- Xác định những phân đoạn thị trường của sản phẩm và các yếu tố thành công then chốt cho sản phẩm trên thị trường;
- Xác định cách thức nhà sản xuất kết nối với thị trường, đánh giá đặc điểm và vai trò của người mua và người bán trên thị trường;
- Đánh giá và kiểm tra hiệu quả vận hành chuỗi giá trị: Tức là đánh giá khả năng cạnh tranh về chi phí, chất lượng, thỏa mãn nhu cầu đa dạng của khách hàng, năng lực thực hiện cải tiến cho sản phẩm cũng như quá trình tạo ra giá trị;
- Quản trị chuỗi giá trị: Đánh giá sức mạnh của quyền lực chi phối thị trường ở các tác nhân, xác định tác nhân then chốt và quan trọng nhất trong việc xây dựng chuỗi giá trị bền vững;
- Các vấn đề liên quan đến phân phối lợi ích, giá trị gia tăng, rủi ro, rào cản gia nhập ngành…