Phương pháp so sánh

Một phần của tài liệu KT04017_NguyenThiHuyenNga_KT (Trang 31 - 33)

Phương pháp so sánh là phương pháp sử dụng phổ biến và quan trọng trong phân tích kinh doanh nói chung và báo cáo tài chính nói riêng. Khi thực hiện so sánh thường đối chiếu các chỉ tiêu tài chính với nhau để biết được mức biến động của các đối tượng đang nghiên cứu. Kết quả phương pháp so sánh thường thể hiện số tuyệt đối, số tương đối và số trung bình (Nguyễn Ngọc Quang, 2011).

- So sánh giữa số thực tế kỳ phân tích với số thực tế của kỳ kinh doanh trước hoặc trước nữa nhằm xác định rõ xu hướng thay đổi, đánh giá tốc độ tăng trưởng hay giảm đi của các hoạt động tài chính của doanh nghiệp.

- So sánh giữa số thực tế kỳ phân tích với số kỳ kế hoạch để xác định mức phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ kế hoạch trong mọi mặt của hoạt động tài chính.

- So sánh giữa số liệu của doanh nghiệp với số liệu của ngành nhằm đánh giá tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp tốt hay xấu, khả quan hay không khả quan.

ØCác kỹ thuật so sánh bao gồm:

- So sánh bằng số tuyệt đối: là kết quả của phép trừ giữa trị số của kỳ phân tích so với kỳ gốc của các chỉ tiêu kinh tế, kết quả so sánh biểu hiện khối lượng quy mô của các hiện tượng kinh tế.

- So sánh bằng số tương đối: là kết quả của phép chia, giữa trị số của kỳ phân tích so với kỳ gốc của các chỉ tiêu kinh tế, kết quả so sánh biểu hiện kết cấu, mối quan hệ, tốc độ phát triển, mức phổ biến của các hiện tượng kinh tế.

- So sánh bằng số bình quân: số bình quân là dạng đặc biệt của số tuyệt đối, biểu hiện tính chất đăc trưng chung về mặt số lượng, nhằm phản ánh đặc điểm chung của một đơn vị, một bộ phận, hay một tổng thể chung có cùng một tính chất.

ØỨng dụng kỹ thuật cơ bản của phương pháp so sánh (Nguyễn Năng Phúc, 2008):

- So sánh theo chiều ngang: Phương pháp đối chiếu, so sánh tình hình biến động cả về số tuyệt đối và số tương đối trên từng chỉ tiêu, từng khoản mục của từng báo cáo tài chính. Thực chất là phân tích sự biến động về quy mô.

- So sánh theo chiều dọc: Phương pháp sử dụng các tỷ lệ, các hệ số thể hiện mối tương quan giữa các chỉ tiêu trên từng báo cáo tài chính hoặc giữa các báo cáo tài chính trong hệ thống báo cáo tài chính. Thực chất là phân tích biến động về cơ cấu.

- So sánh xác định xu hướng và tính chất liên hệ giữa các chỉ tiêu: Các chỉ tiêu riêng biệt hay các chỉ tiêu tổng cộng trên báo cáo tài chính được xem xét trong mối liên hệ với các chỉ tiêu phản ánh quy mô chung và chúng có thể được xem xét trong nhiều kỳ để phản ánh rõ hơn xu hướng phát triển của các hiện tượng, kinh tế - tài chính.

Một phần của tài liệu KT04017_NguyenThiHuyenNga_KT (Trang 31 - 33)