(1)Nhu cầu cấp bách đối với Việt Nam là tăng cường hơn nữa tính công khai và cung cấp những thông tin đáng tin cậy, đặc biệt là về các ngân hàng và doanh nghiệp Việt Nam nhằm hạn chế nguy cơ thất bại của chính phủ và thị trường.
Xuất phát từ hệ thống kế toán thiếu nhất quán và không đày đủ của Việt Nam trong những năm trước đây nên thiếu các số liệu đáng tin cậy để đánh giá thực trạng kinh doanh lỗ lãi và tình hình tài chính của các doanh nghiệp nhà nước. Việc tăng cường hơn nữa tính công khai và có được những thông tin chính xác sẽ góp phần hạn chế rất nhiều tình trạng tham nhũng vốn là mối lo ngại ngày càng tăng của Đảng và Chính phủ bởi tham nhũng đã dẫn đến những khoản đầu tư chi phí cao và không bền vững ở các nước khủng hoảng.
(2)Hạn chế và phân bổ một cách thận trọng những khoản cho vay mới theo chỉ đạo của nhà nước đối với doanh nghiệp nhà nước trong lĩnh vực thương mại.
Chỉ nên dành khoản cho vay này cho những doanh nghiệp nhà nước đã chứng tỏ thực sự có lãi và ổn định. Việc cho vay vồn và đầu tư quá mức vào các doanh nghiệp nhà nước không hiệu quả sẽ dẫn tới thất bại của chính phủ, khi lên tới mức nguy hiểm thì sẽ đẩy lùi quá trình phát triển của đất nước. Như vậy, nhà nước nên tránh làm trầm trọng thêm tình trạng mất cân đối về tài chính hiện nay bằng các khoản nợ khó đòi tiếp theo.
(3) Cũng cần hết sức cắt giảm, hạn chế tối thiểu và giám sát chặt chẽ việc cho vay vốn dưới sự bảo lãnh của nhà nước. Để tránh mọi hiểu lầm trên thị trường về mức độ bảo hộ của nhà nước đối với các khoản đầu tư tư nhân, từ nước ngoài hay từ các nguồn khác, Nhà nước Việt Nam cần tuyên bố một cách công khai rộng rãi một chính sách rõ ràng và hết sức hạn chế bảo lãnh của nhà nước, dưới cả hình thức công khai và ngầm định. Nếu không sẽ có nguy cơ dẫn đến tình trạng nợ quá nhiều với các khoản đầu tư nước ngoài ở các cơ sở liên doanh của các doanh nghiệp nhà nước, xuất phát từ sự hiểu lầm về việc nhà nước sẵn sàng hay có khả năng hỗ trợ những khoản đầu tư đó trong trường hợp khó khăn về tài chính.
(4) Việc tiến tới xác lập một tỷ giá hối đoái của đồng tiền Việt Nam mang tính cạnh tranh hơn là một điều tất yếu nhằm thúc đẩy xuất khẩu, hạn chế sự tràn ngập của hàng hoá nhập khẩu rẻ tiền, khuyến khích việc lập kế hoạch tài chính hợp lý cho mọi khoản vay nước ngoài mới và tránh tình trạng kiệt quệ ngoại tệ nói chung. Vấn đề là phá giá đồng Việt Nam ở mức độ nào và tốc độ như thế nào cho phù hợp bối
cảnh biến động và mất ổn định tài chính trong khu vực, tránh du nhập sự mất ổn định đó vào Việt Nam. Việc phá giá đồng Việt Nam có thể làm tăng chi phí tính bằng tiền Việt Nam cho việc thanh toán cáckhoản nợ nước ngoài, nhưng nó cũng sẽ cải thiện mạnh mẽ tình hình xuất khẩu, kiềm chế nhập khẩu, tăng lòng tin ở các nhà đầu tư quốc tế, thúc đẩy việc tính toán hợp lý hơn đối với các khoản vay nợ nước ngoài mới và về tổng thể gia tăng khối lượng ngoại tệ và các nguồn khác cho việc thanh toán những khoản nợ hiện có.
(5)Tỷ lệ tích luỹ trong nước thấp ở Việt Nam khoảng 16% GNP vào năm 1998 cần tiếp tục tăng đáng kể lên tới trên 30% GNP để tránh lệ thuộc quá nhiều vào nguồn vốn nước ngoài, đặc biệt là vay nợ nước ngoài. Cần cải thiện môi trường tổng thể sao cho thuận lợi hơn, cải thiện khuôn khổ các biện pháp khuyến khích, phải có một chiến lược phát triển dựa trên xuất khẩu để tăng thu nhập. Nhà nước có vai trò quan trọng trong việc duy trì môi trường với lãi suất thực dương, đảm bảo về pháp lý cho tính toàn vẹn lâu dài của các quyền về tài sản và sở hữu của cải vật chất, điều chỉnh tỷ giá hối đoái và tỷ lệ lạm phát ở mức hợp lý để cho người gửi tiết kiệm yên tâm về giá trị lâu dài của đồng tiền, xây dựng hệ thống ngân hàng an toàn, lành mạnh
(6)Chiến lược phát triển dựa trên xuất khẩu với những ngành sản xuất hàng xuất khẩu có hàm lượng lao động cao là chiến lược phát triển tốt nhất cho Việt Nam. Cần phải khẩn trương và khôn khéo chuyển mạnh hơn theo hướng chiến lược phát triển dựa trên xuất khẩu thoát khỏi chính sách bảo hộ thay thế nhập khẩu, cả trên phương diện chính sách và hành động cụ thể. Tăng cường mở cửa đối với thương mại quốc tế kết hợp với mức độ mở cửa đối với tài chính quốc tế được quản lý chặt chẽ đảm bảo cho các nhà sản xuất Việt Nam nhập nguyên liệu cũng như các sản phẩm trung gian với giá cạnh tranh để hỗ trợ cho sự cạnh tranh trong xuất khẩu cũng như cần thiết cho việc duy trì và phát triển khả năng tiếp cận các thị trường xuất khẩu. Một tỷ giá hối đoái mới cạnh tranh, các chính sách khuyến khích xuất khẩu của nhà nước theo phương thức trung lập như đã được áp dụng ở các nước công nghiệp mới thành công trước đây và việc sử dụng hiệu quả hệ thống Mạng thông tin toàn cầu (World Wide Web) để thúc đẩy xuất khẩu hàng hoá và dịch vụ của Việt Nam là một chiến lược hiệu quả.
(7) Nhà nước cần tiếp tục chủ động và tích cực khuyến khích sự phát triển của khu vực ngoài quốc doanh nhiều hơn là hết sức cần thiết cho thành công của sự nghiệp phát triển ở Việt Nam. Ở các nước đã từng thành công trong và ngoài khu vực, phát triển và đang phát triển thì khu vực tư nhân là động lực chính cho sự tăng trưởng và phát triển bền vững. Điển hình là Trung Quốc, nhân tố tạo nên sự thành công của quốc gia này chính là những đặc khu kinh tế đi theo hướng xuất khẩu và khu vực tư nhân hoặc bán tư nhân, đặc biệt là các xí nghiệp hương trấn đầy năng động. Ở Việt Nam đòi hỏi phải có biện pháp cụ thể để hợp lý hoá các doanh nghiệp nhà nước nhằm giải phóng các nguồn lực cho khu vực ngoài quốc doanh, cải cách phát triển khu vực tài chính, thiết lập hệ thống thuế thu nhập hợp lý hơn, xây dựng hệ thống pháp lý và điều tiết quy định rõ ràng về việc đảm bảo tính toàn vẹn các quyền tài sản và sở hữu của cải vật chất cũng như quyền tự do sử dụng các tài sản cho mục đích thế chấp tăng cường khả năng tiếp cận các nguồn thông tin đáng tin cậy và bổ ích.
(8) Thực hiện những biện pháp cải cách cụ thể và phát triển ngành tài chính là cần thiết cho việc xây dựng chiến lược phát triển dựa trên xuất khẩu, cải cách khu vực tài chính, phát triển khu vực ngoài quốc doanh và cần thiết cho sự phát triển nông thông và xoá đói giảm nghèo bền vững. Việc xây dựng chiến lược phát triển theo định hướng xuất khẩu đòi hỏi phải tự do hoá thương mại kể cả tự do hoá nhập khẩu. Cải cách lĩnh vực ngân hàng và tài chính cũng phụ thuộc vào cải cách các doanh nghiệp nhà nước, các doanh nghiệp này lệ thuộc rất nhiều vào các khoản tín dụng ngân hàng do nhà nước chỉ đạo, hiện nay chất lượng đầu tư cho các doanh nghiệp nhà nước ngày càng trở nên đáng ngờ vực. Cuộc cải cách có hiệu quả đòi hỏi phải tiến hành cổ phần hoá nhiều doanh nghiệp nhà nước hơn nữa. Tiến hành tư nhân hoá tất cả các doanh nghiệp nhà nước trong lĩnh vực thương mại khi những doanh nghiệp này có lãi hay trước khi nó trở thành gánh nặng quốc gia.
(9) Hoàn thiện hơn công tác quản lý nợ nước ngoài xuất phát từ những bài học rút ra từ khu vực cũng như những khó khăn kéo dài của Việt Nam trong việc tôn trọng thư tín dụng, một phương tiện quan trọng để tạo thuận lợi cho thương mại quốc tế và sự nghiệp phát triển. Cần phải có thông tin có chất lượng hơn về tổng nợ nước ngoài, cả về số lượng và thời hạn trả nợ (kể cả DNNN và liên doanh), tạo cơ sở cho việc điều chỉnh chính sách góp phần ngăn chặn cuộc khủng hoảng về cán cân thanh toán trong tương lai. Cần có thông tin có chất lượng hơn về sự bảo lãnh của nhà nước đối với các khoản vay nợ trong nước và nước ngoài của hệ thống các ngân hàng và công ty, hay về bất cứ khoản nợ dự phòng nào khác có thể ảnh hưởng tới tình hình tài chính của nhà nước và cán cân thanh toán trong tương lai. Con số nợ nước ngoài ở mức khá lớn, theo số liệu năm 1998 chỉ riêng những khoản nợ tính bằng ngoại tệ mạnh đã vượt quá 35% GNP và 75% kim ngạch xuất khẩu năm 1996.
(10)Nhà nước thực hiện chế độ công khai hơn và trách nhiệm giải trình nghiêm túc hơn, phân bổ công bằng các chi phí cũng như thành quả của quá trình phát triển là rất quan trọng đối với việc giảm thiểu rủi ro dẫn đến tình trạng mất ổn định xã hội khi nền kinh tế gặp nhiều khó khăn. Điều này có thể đạt được thông qua sự phát triển cân đối hơn về mặt địa lý, tăng cường đầu tư cho sự nghiệp phát triển con người, hỗ trợ có hiệu quả hơn đối với công cuộc xoá đói giảm nghèo. Tăng cường tính công khai trong quy trình làm ngân sách và đầu tư công cộng của chính phủ, kết hợp với sự tham gia mạnh mẽ hơn của dân chúng vào quy trình này ở các cấp cơ sở, nâng cao hiệu quả và công bằng trong chi tiêu ngân sách nhà nước.
(11)Một “quĩ dự trữ xã hội” hay “quỹ phát triển con người” cần phải được xây dựng trong thời kì tốc độ tăng trưởng kinh tế tương đối cao nhằm trang trải cho hệ thống bảo trợ xã hội mạnh hơn khi nền kinh tế bị suy thoái. Vào thời gian khủng hoảng tài chính, nguồn kinh phí bổ sung hầu như khan hiếm hoặc thậm chí không có. Vì vậy, một quỹ dự trữ xã hội như vậy cần phải được tích luỹ chủ yếu trong thời gian nền kinh tế tương đối phát triển. Kinh phí cho việc xây dựng quỹ này có thể lấy từ nguồn thuế đánh vào các mặt hàng xa xỉ phẩm (và cũng có thể từ nguồn thu từ quá trình cổ phần hoá các doanh nghiệp nhà nước) và sử dụng cho mục đích trợ cấp thu nhập tạm thời cũng như đào tạo lại số lao động bị dôi ra.
(12)Đảm bảo ổn định trong khi thực hiện chính sách mở cửa: Xuất phát từ tất cả các kinh nghiệm rút ra từ khu vực, việc duy trì chính sách mở cửa ở mức độ đáng kể để tiếp nhận các cơ hội bên ngoài là hết sức căn bản để đạt được tốc độ phát triển nhanh chóng, bền vững. Trong bối cảnh hiện nay, các biện pháp tốt nhất để giữ vững sự ổn định về kinh tế – xã hội là: quản lý kinh tế tài chính đúng đắn bao gồm việc
điều chỉnh thường xuyên và có trật tự các biến số tài chính phù hợp sự thay đổi của tình hình, đa dạng hoá sự phát triển nói chung đặc biệt trong lĩnh vực xuất khẩu,
giảm thiểu mức độ lệ thuộc vào các khoản nợ nước ngoài ngắn hạn để giảm tới mức thấp nhất tính rủi ro trong các vấn đề thanh khoản hay của các dòng vốn đầu tư mang tính chất đầu cơ xuất phát từ các yếu tố bên ngoài, sự phân bổ công bằng các phí tổn cũng như thành quả của quá trình phát triển, bao gồm cả trong thời kì điều chỉnh về cơ cấu và tài chính.
www.TCDN45C.net.tfquangson107@vol.vnn.vn quangson107@vol.vnn.vn