Thoát vị bẹn được biết như chỗ phồng lên ở vùng bẹn, được ghi nhận từ thời kỳ đồ đá bởi người Ai Cập cổ đại và lưu lại trong bản viết tay của người Ai Cập. Năm 1500 trước Công Nguyên, người ta đã bắt đầu chẩn đoán được bệnh lý thoát vị bẹn. Vào thời kỳ Hippocrates, người ta đã đưa ra cách điều trị thoát vị bẹn bằng băng cố định đủ chặt từ bên ngoài [8], [45].
Nhà phẫu thuật Cellsus vào năm 25 sau Công Nguyên đã đưa ra cách điều trị bằng băng ép từ bên ngoài. Dải đeo được ra đời và áp dụng rộng rãi với mục đích chẹn và làm giảm thể tích khối thoát vị. Vấn đề phẫu thuật được đặt ra với những trường hợp đau, khối thoát vị trẻ ở người trẻ.
Đầu thế kỷ XIX, được coi là kỷ nguyên về giải phẫu học vùng bẹn, các tác giả nổi tiếng được biết đến trong thời kỳ này như: Camper (1801), Cooper (1804), Scarpa (1812), Hesselbach (1816), Cloquet (1817). Chính sự góp công của những nhà nghiên cứu này mà cấu trúc giải phẫu ống bẹn đã được mô tả một cách hoàn chỉnh tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà phẫu thuật triển khai và ứng dụng một số phương pháp điều trị phẫu thuật thoát vị bẹn mới.
Thế kỷ XIX với những tiến bộ về kỹ thuật vô cảm, cầm máu, sát khuẩn ngành ngoại khoa đã hình thành và phẫu thuật thoát vị bẹn cũng phát triển nhanh chóng. Năm 1871 ở Mỹ, Marcy là người đầu tiên công bố dùng chất sát khuẩn trong mổ thoát vị bẹn và nêu được tầm quan trọng của mạc ngang trong sửa chữa lỗ bẹn sâu. Vài năm sau đó, Marcy đã đề ra phương pháp đóng lại lỗ bẹn sâu trong điều trị bệnh lý thoát vị bẹn.
Đóng góp to lớn vào lĩnh vực phẫu thuật điều trị thoát vị bẹn là Eduardo Bassini, phẫu thuật viên người Ý (1884). Từ việc thực hiện nhiều loại phẫu thuật kinh điển khác nhau, ông đã nhìn nhận ra được các loại phẫu thuật trước đó có một thiếu sót lớn chưa khắc phục được là không bít ống bẹn bằng cách khâu lỗ bẹn sâu, nếu hiểu biết về sinh lý ống bẹn thì cần tái tạo lỗ bẹn sâu, lỗ bẹn nông, thành trước và thành sau ống bẹn. Năm 1889, ông đã thực hiện thành công trường hợp phẫu thuật đầu tiên với kỹ thuật tái tạo thành sau ống bẹn bằng cách khâu phía trên gồm 3 thành phần: cân cơ chéo bụng trong, cơ ngang bụng và mạc ngang với cấu trúc phía dưới gồm dây chằng bẹn và dải chậu mu, sau đó đặt thừng tinh dưới cân cơ chéo bụng ngoài. Kể từ đó phẫu thuật này được mang tên ông [8].
Năm 1945, Earle Shouldice ở Canada đã tiến hành cải tiến kỹ thuật Bassini thành một phương pháp phẫu thuật mới điều trị thoát vị bẹn mang tên ông gọi là phẫu thuật Shouldice. Phẫu thuật được thực hiện bằng cách không khâu chung 3 thành phần mạc ngang, cơ ngang bụng và cơ chéo bụng trong vào dây chằng bẹn mà tách ra thành 4 lớp riêng bằng mũi khâu vắt liên tục đi và về theo vạt chéo áo. Phương pháp này đã được áp dụng cho trên 200.000 trường
hợp thoát vị bẹn, đưa tỷ lệ tái phát giảm xuống 3,8%. Đây được xem là phương pháp phẫu thuật thành công và thông dụng nhất trong giai đoạn này.
Việc phát minh ra nhựa tổng hợp vào thập niên 50 như Nylon là chất liệu sử dụng làm mảnh ghép, các phẫu thuật viên bắt đầu ứng dụng vào điều trị thoát vị bẹn, người đầu tiên ứng dụng là Melick vào năm 1942.
Năm 1970 trong cuốn sách đầu tiên của mình, Lichtenstein mô tả việc dùng tấm lưới nhân tạo 3x8 cm để tăng cường chỗ phục hồi thành bụng trong thoát vị bẹn trực tiếp và gián tiếp. Ông đã nhận ra rằng sự căng tại đường khâu là nguyên nhân thất bại trong những trường hợp tạo hình thành bụng kiểu kinh điển, nếu loại bỏ được điều này, sẽ giải quyết được vấn đề tái phát. Năm 1986, ông đã giới thiệu kỹ thuật dùng tấm lưới polypropylene trong điều trị thoát vị bẹn. Ông dùng cho mọi thoát vị bẹn dù lớn hay nhỏ, phức tạp hay đơn giản và nhấn mạnh kỹ thuật của ông gồm 3 yếu tố: Gây tê tại chỗ, cho bệnh nhân hoạt động sớm và có thể xuất viện trong ngày. Năm 1992, nhóm của Lichtenstein tổng kết 3019 trường hợp thoát vị bẹn mổ từ 5 trung tâm khác nhau, cho thấy kết quả tỷ lệ tái phát là 0,2%. Ngày nay, phương pháp phẫu thuật sử dụng tấm lưới nhân tạo trong điều trị thoát vị bẹn trở nên phổ biến trên thế giới [4], [5], [21], [48], [113]. Ở nước ta, những năm gần đây, tại các bệnh viện lớn đã áp dụng kỹ thuật dùng tấm lưới nhân tạo để điều trị thoát vị bẹn với hai phương pháp: phẫu thuật mổ mở kinh điển và phẫu thuật nội soi [6], [10], [12], [16], [17], [20].
Thế kỷ thứ 20 chứng kiến sự phát triển vượt bậc về công nghệ trên thế giới. Cùng với sự phát triển của công nghệ máy tính, phẫu thuật nội soi trong điều trị thoát vị bẹn đã được ứng dụng.
Nhà phẫu thuật Ralph Ger đã lần đầu tiên báo cáo một trường hợp được đóng lại lỗ thoát vị qua nội soi trong quá trình phẫu thuật do một bệnh lý khác vào năm 1986. Ông đã dùng dụng cụ khâu nối Michel để cố định túi thoát vị với những tổ chức mô xung quanh nhằm mục đích dự phòng thoát vị tái phát. Kết quả phẫu thuật tốt đã động viên Ger tiếp tục nghiên cứu ứng dụng phẫu thuật trước tiên trên động vật, và sau đó là trên cơ thể người.
Một vài năm sau, vào năm 1989, một bác sĩ sản khoa là S.Bogojavalensky đã trình chiếu một đoạn phim cho thấy qua phẫu thuật nội soi ổ bụng ông đã
phẫu tích mở túi phúc mạc thoát vị, sau đó đóng lại chỗ yếu của cơ thành bụng với sự trợ giúp của một tấm lưới nhân tạo bằng polypropylene. [94]
Đầu những năm 1990 đã cho thấy một sự tăng nhanh về số lượng của các báo cáo cho thấy sự tiện dụng của phẫu thuật nội soi trong điều trị bệnh lý thoát vị bẹn [24], [33], [36], [42], [58], [60], [87], [97], [99], [103], [104], [114].
Trong khi những phẫu thuật đầu tiên liên quan đến việc sử dụng nút chặn hoặc miếng vá để điều trị thoát vị bẹn ít được phổ biến rộng rãi do tỷ lệ tái phát và nguy cơ dính ruột gây tắc ruột cao; thì sau đó những phương pháp xuyên thành bụng được sử dụng với việc cố định một tấm lưới lớn ở khoang trước phúc mạc bằng cách khâu hoặc bằng các dụng cụ cố định vào thành sau của ống bẹn được phổ biến và triển khai rộng khắp trên thế giới.
Phẫu thuật thử nghiệm đầu tiên được thực hiện bằng cách sử dụng một tấm lưới tổng hợp để tăng cường vào chỗ yếu của thành phúc mạc. Kỹ thuật này có tên gọi là IPOM (Intraperitoneal Onlay Mesh). Mặc dù đây là một kỹ thuật được đánh giá tương đối đơn giản, tuy nhiên kỹ thuật này không được chấp nhận nhiều do nguy cơ di chuyển của tấm nhân tạo vào trong ruột [99], [105].
Một phương pháp khác được ứng dụng bằng cách sử dụng đường mở phúc mạc hình chữ U ở vị trí phúc mạc thành trước, giải quyết túi thoát vị và đưa một tấm lưới vào vị trí khoang trước phúc mạc. Phương pháp này được biết đến với tên gọi là TAPP (TransAbdominal PrePeritoneal approach) được giới thiệu lần đầu tiên vào năm 1992 bởi nhà phẫu thuật Arregui và cộng sự [99].
Rất nhanh sau đó một số tác giả khác giới thiệu một phương pháp mới bằng cách sử dụng một tấm nhân tạo và đặt hoàn toàn ngoài phúc mạc, phương pháp này được biết đến với tên gọi là TEP (Totally ExtraPeritoneal repair), điển hình của phương pháp này là một số phẫu thuật viên như Jean-Louis Dulucq vào năm 1992, Ferzli và cộng sự vào năm 1992 và Barry Mac Kernan và Laws vào năm 1993. Với một số ưu điểm nổi trội, phương pháp này nhanh chóng được sử dụng và phổ biến cho nhiều phẫu thuật viên khác trên toàn thế giới [29], [61].
Nhiều ý kiến thảo luận cũng như nhiều hội nghị chuyên ngành được thực hiện để giới thiệu về những phương pháp phẫu thuật nội soi trong điều trị bệnh lý thoát vị bẹn trên khắp thế giới. Thật vậy, rất nhiều phẫu thuật viên trên toàn thế giới đã ngay lập tức bắt đầu thực hiện phẫu thuật trên bệnh nhân, ngược lại với nhiều kỹ thuật trong phẫu thuật phải được ứng dụng và thử nghiệm trên động vật, trước khi được thực hiện trên người.
Trong những nghiên cứu ban đầu được báo cáo bởi nhiều tác giả khác nhau cho thấy không có sự khác biệt rõ ràng về kết quả điều trị phẫu thuật giữa các phương pháp mổ mở như Shouldice hay Lichtenstein so với phẫu thuật nội soi [36], [38], [39], [55], [116]. Các nghiên cứu ban đầu cũng cho thấy không có sự khác biệt về kết quả giữa hai phẫu thuật nội soi xuyên phúc mạc và phẫu thuật nội soi ngoài phúc mạc trong điều trị thoát vị bẹn. [23], [27], [75], [79], [82], [105], [106], [107].
Tuy nhiên, khi số lượng bệnh nhân và số lượng báo cáo về phẫu thuật nội soi trong điều trị thoát vị bẹn ngày càng nhiều, với kết quả là sự giảm đau sau mổ tốt, hồi phục vận động sớm cũng như việc trở lại với công việc hàng ngày của bệnh nhân sớm đã cho thấy sự khác biệt rõ ràng hơn về kết quả sau mổ của phẫu thuật nội soi so với các phẫu thuật khác. Chính những sự thuận lợi này đã làm cho những nhược điểm đã được ghi nhận ở giai đoạn đầu như nguy cơ tổn thương thần kinh hay giá thành phẫu thuật cao trở nên không còn là vấn đề quan trọng cần tranh cãi. Ở giai đoạn sau, rất nhiều phẫu thuật viên tiến hành phẫu thuật điều trị thoát vị bẹn theo kỹ thuật TEP với lý do không có nguy cơ gây ra dính ruột trong ổ bụng cũng
như nguy cơ gây tổn thương các tạng trong ổ bụng. Nghiên cứu của tác giả Jean- Louis Dulucq và cộng sự [37] đánh giá từ 3.100 trường hợp mổ thoát vị bẹn bằng phẫu thuật nội soi ngoài phúc mạc trong thời gian 15 năm cho thấy tính ưu điểm của phương pháp này so với các phương pháp khác, đặc biệt ở giai đoạn sau khi kỹ năng phẫu thuật thành thạo và trang thiết bị đầy đủ thì nguy cơ tai biến, biến chứng giảm rõ rệt, thời gian phẫu thuật cũng giảm một cách tương ứng. Nghiên cứu của M. Staarink và cộng sự [97] đánh giá 306 bệnh nhân được phẫu thuật nội soi ngoài phúc mạc với thời gian theo dõi 10 năm cho thấy đây là phương pháp điều trị có tính an toàn, hiệu quả cao và tỷ lệ tái phát chấp nhận được.
Hình 1.5. Phẫu tích túi thoát vị trực tiếp trong phẫu thuật TEP.
Tuy nhiên, cả hai kỹ thuật TAPP và TEP vẫn được tiếp tục sử dụng đồng thời cho đến thời điểm hiện tại và được xem như là một trong những phương pháp điều trị cơ bản trong điều trị thoát vị bẹn, cùng với kỹ thuật Lichtenstein.
Một loạt những nghiên cứu tiếp theo nhấn mạnh đến vấn đề kỹ thuật của phẫu thuật nội soi, rất nhiều phẫu thuật viên đi sâu nghiên cứu về kích cỡ tối ưu, cũng như cấu trúc của tấm lưới nhân tạo, việc cố định hay không cần cố định tấm nhân tạo, hoặc những dạng thử nghiệm mới của camera, trocar hoặc những dụng cụ phẫu thuật khác nhằm mục đích đánh giá tính hiệu quả của từng kỹ thuật phẫu thuật. Nghiên cứu của tác giả M. Ismail với 1.220 bệnh nhân thoát vị bẹn được phẫu thuật theo kỹ thuật TEP không cần cố định tấm nhân tạo cho thấy tính an toàn, hiệu quả và tỷ lệ tái phát thấp của kỹ thuật này [54]. Một số nghiên cứu của các tác giả khác so sánh giữa phẫu thuật nội soi và phẫu thuật mở, như tác giả Yesar El-Dhuwaib [39] nghiên cứu
trên số lượng lớn bệnh nhân (125.342 bệnh nhân) và theo dõi trong thời gian dài cho thấy rằng phẫu thuật nội soi có nhiều ưu điểm hơn so với phẫu thuật mở như ít đau sau mổ, thời gian hồi phục ngắn, thời gian trở lại làm việc sớm, cũng như có tính thẩm mỹ cao. Tuy nhiên, theo quan điểm của đa số tác giả thì phẫu thuật nội soi cần phải được thực hiện bởi một phẫu thuật viên có kinh nghiệm và được đào tạo bài bản [32], [38], [64], [66], [82], [83], [93].
Chính vì vậy, cho đến thời điểm hiện tại, phẫu thuật nội soi với tấm lưới nhân tạo đặt ở khoang tiền phúc mạc (TAPP hoặc TEP) được xem như là những phương pháp điều trị cơ bản cho những bệnh nhân trưởng thành thoát vị bẹn.