Liên quan đến vấn đề góp vốn của công ty TNHH một thành viên theo Luật DN
2014 còn tồn tại những vấn đề sau:
Thứ nhất, về tài sản góp vốn. Tại khoản 4 Điều 4 Luật DN quy định việc góp vốn có thể bằng nhiều loại tài sản như: “tiền Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng, giá trị quyền sử dụng đất, giá trị quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ, bí quyết kỹ thuật, các loại tài sản khác ghi trong điều lệ công ty”.
Thực tế cho thấy đối với DN nói chung và công ty TNHH một thành viên nói riêng, việc góp vốn bằng quyền sử dụng đất gặp nhiều hạn chế, vì Luật DN chỉ miễn lệ phí trước bạ mà không cho được miễn thuế nên khi góp vốn bằng quyền sử dụng đất người góp vốn vẫn mất thuế chuyển quyền sử dụng đất vào DN (Luật Thuế thu nhập cá nhân). Chính điều này hạn chế rất nhiều việc góp vốn bằng quyền sử dụng đất, theo đó đã ảnh hưởng đến khả năng đưa vốn và tài sản vào DN để khai thác.
Về việc định giá tài sản góp vốn hiện nay chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể việc định giá đối với một số tài sản đặc thù như quyền sở hữu trí tuệ. Việc định giá tài sản góp vốn chính xác sẽ góp phần quan trọng trong việc xác định vốn điều lệ của công ty trong suốt quá trình thành lập và hoạt động. Còn đối với chủ nợ công ty, việc định giá chính xác tài sản góp vốn sẽ đảm bảo được quyền lợi của các chủ nợ. Bởi vì tài sản khi được đem góp vốn sẽ thuộc sở hữu của công ty, nằm trong khối tài sản công ty và được dùng để đảm bảo cho các khoản nợ của công ty. Nếu tài sản được định giá cao hơn so với giá trị thực tế, các chủ nợ sẽ bị thiệt hại do giá trị tài sản đảm bảo không tương xứng với giá trị của nghĩa vụ mà công ty phải thực hiện.
Thứ hai, về thời hạn góp vốn: Khoản 1 Điều 65 quy định rất chung chung “Chủ sở hữu công ty có nghĩa vụ góp vốn đấy đủ và đúng hạn như đã cam kết” nhưng Khoản 3, Điều 6, Nghị định số 102/2010/NĐ-CP lại quy định “Chủ sở hữu công ty TNHH một thành viên góp vốn vào DN là không được quá 36 tháng kể từ ngày công
ty được cấp đăng ký kinh doanh”. Thời hạn này khác với công ty cổ phần là 90 ngày và của công ty TNHH từ 2 thành viên trở lên, trong trường hợp “thay đổi thành viên thì có thể lên đến 72 tháng”. Với 3 mốc góp vốn không có sự thống nhất giữa các công ty và đặc biệt là việc quy định thời hạn góp vốn quá dài như vậy đã dẫn đến thực trạng hiện nay là công ty TNHH một thành viên được thành lập rất nhiều, nhưng hoạt động thì lại rất kém vì không có vốn, cũng từ đó phát sinh nhiều vấn đề tranh chấp nhưng hậu quả pháp lý là không có tài sản để bảo đảm thực hiện các nghĩa vụ. Mặt khác, việc góp vốn lại không được thể hiện cụ thể trên Giấy chứng nhận đăng ký DN nên các đối tác làm ăn, các bạn hàng của nhau đều không thể biết được số vốn của DN, có DN ghi vốn điều lệ hàng trăm tỷ nhưng thực tế DN không có đồng nào, đây là nguyên nhân dẫn đến phát sinh sự yếu kém của DN và tiềm ẩn rủi ro, tranh chấp. Trên thực tế đã có không ít công ty TNHH không trung thực trong việc góp vốn bằng cách lợi dụng kẽ hở để khai khống, khai ảo vốn điều lệ, tham gia các dự án, giao dịch có giá trị lớn, gây hậu quả nghiêm trọng.