yêu cầu ổn định thấm của công trình.
9. Thiết kế quan trắc và yêu cầu lắp đặt thiết bị quan trắc 9.1 Thiết kế quan trắc
Khi thiết kế đập đất cấp I đến cấp III và đập có chiều cao trên 15 m, phải bố trí thiết bị quan trắc tại công trình trong quá trình thi công và trong thời kỳ quản lý khai thác, về tình trạng công trình và nền của chúng nhằm các mục đích sau:
- Kiểm nghiệm tính phù hợp của đồ án thiết kế để kịp thời sửa đổi bổ sung thiết kế trong quá trình thi công và phục vụ quản lý thi công góp phần đảm bảo chất lượng thi công;
- Kiểm nghiệm tính chính xác của thiết kế, tính thích nghi kỹ thuật mới, luận chứng vận hành an toàn liên tục của công trình, dự báo tính năng vận hành đập trong tương lai, dự báo nhu cầu xử lý duy tu, sửa chữa, nâng cấp công trình;
- Kiểm nghiệm chất lượng công trình, làm căn cứ pháp lý và cơ sở kỹ thuật làm rõ trách nhiệm khi công trình có sự cố;
- Phục vụ nghiên cứu khoa học, không ngừng nâng cao trình độ công nghệ xây dựng Đập.
Ở giai đoạn lập dự án đầu tư, cũng cần dự kiến kinh phí công tác quan trắc để đưa vào trong Tổng mức đầu tư, khoảng từ 0,2 % đến 0,5 % vốn hạng mục đập đất. Trong bước thiết kế kỹ thuật phải đề cập đầy đủ yêu cầu và nội dung quan trắc hoặc đấu thầu cung cấp và lắp đặt thiết bị. Trong bước bản vẽ thi công sẽ tiến hành thiết kế bố trí thiết bị cụ thể và lập quy trình quan trắc trong quy trình quản lý vận hành công trình do đơn vị tư vấn thiết kế lập và trình cấp có thẩm quyền duyệt. 9.2 Yêu cầu chung về thiết bị quan trắc
Thiết bị quan trắc cần đảm bảo nguyên tắc: hiệu quả, sử dụng, chính xác và kiên cố lâu bền, đồng thời phải hiện đại và hợp lý về kinh tế.
Những vấn đề có liên quan đến thiết kế, lắp đặt, sử dụng, chỉnh lý tài liệu... cần tham khảo các quy định có liên quan trong các tài liệu tiêu chuẩn, quy chuẩn chuyên ngành hiện hành về thiết kế bố trí các bị quan trắc công trình thủy lợi.