Vấn đề SKBV có liên quan mật thiết với ASXH. Trong bài “Công khai, minh bạch trong lĩnh vực ASXH” [71], tác giả Hoàng Thị Hường và Bùi Thị Hơn nêu vấn đề ASXH là một trong những vấn đề quan trọng trong chiến lược phát triển của mỗi quốc gia. Bảo đảm ngày càng tốt hơn ASXH luôn là một chủ trương, nhiệm vụ lớn, có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự ổn định về chính trị, kinh tế, xã hội và là chìa khóa để phát triển toàn diện và bền vững. Tác giả tập trung làm rõ khái niệm công khai, minh bạch trong lĩnh vực ASXH; phân tích, đánh giá thực trạng pháp luật về công khai, minh bạch trong lĩnh vực ASXH hiện nay; đề xuất giải pháp nhằm thúc đẩy thực hiện công khai, minh bạch trong lĩnh vực này.
1.1.3. Nghiên cứu kinh nghiệm về đảm bảo sinh kế bền vững chocác hộ nghèo các hộ nghèo
Bài “Livelihoods research: some conceptual and methodological issues” [101] (Nghiên cứu sinh kế: một số vấn đề về khái niệm và phương pháp luận) của Colin Murray (2001) đã đưa ra một đánh giá về các vấn đề khái niệm và phương pháp luận trong quá trình theo đuổi nghiên cứu sinh kế, đặc biệt là tham chiếu đến miền nam châu Phi. Các khuôn khổ điều tra khác nhau và có phần trùng lắp được vạch ra, tập trung vào ba câu hỏi gồm: Nghiên cứu thực nghiệm ở cấp độ vi mô liên quan đến phân tích các yếu tố cấu trúc, lịch sử và thể chế của bối cảnh vĩ mô như thế nào? Sự kết hợp của các phương pháp nào hiệu quả nhất cho phép chúng ta theo dõi quỹ đạo của sự thay đổi trong các sinh kế đa dạng theo thời gian? Các khung sinh kế được triển khai hữu ích nhất như thế nào để điều tra và hiểu các quá trình phân hóa, tích lũy và bần cùng hóa?
Nghiên cứu của PA Acosta: “The Philippines Sustainable Livelihood Program: Providing and Expanding Access to Employment and Livelihood
Opportunities” [130] (Chương trình sinh kế bền vững của Philippines: Cung cấp và mở rộng khả năng tiếp cận các cơ hội việc làm và sinh kế) thuộc Nhóm nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới, bằng thực nghiệm đã cho thấy Bộ Phúc lợi Xã hội và Phát triển Philippines đã đi đầu trong việc cung cấp các cơ hội cho các hoạt động tạo thu nhập / phát triển sinh kế thông qua việc thực hiện Chương trình SKBV từ năm 2011, với mục tiêu giảm nghèo và bất bình đẳng bằng cách tạo việc làm cho các hộ nghèo và bằng cách di chuyển các hộ gia đình dễ bị tổn thương cao có được SKBV và hướng tới sự ổn định kinh tế. Bài viết đã mô tả thiết kế và các quy trình cốt lõi của SKBV và phản ánh các cơ hội mà chương trình có để cải thiện và bổ sung cho các chương trình Bảo trợ xã hội khác nhằm tạo ra tác động đến phúc lợi của các hộ gia đình, đồng thời đưa ra các khuyến nghị để tối đa hóa tác động của nó.
Bài “Sensitivity of livelihood strategy to livelihood capital in mountain areas: Empirical analysis based on different settlements in the upper reaches of the Minjiang River, China” [138] (Mức độ nhạy cảm của chiến lược sinh kế đối với vốn sinh kế ở các vùng núi: Phân tích thực nghiệm dựa trên các khu định cư khác nhau ở thượng nguồn sông Minjiang, Trung Quốc) (2014). Đây là một nghiên cứu thực nghiệm, tác giả tập trung luận giải các tác động tiềm tàng của SKBV, phân chia việc giải quyết SKBV thành bốn loại: khu định cư trên núi cao, khu định cư bán sơn địa, khu định cư thung lũng sông và khu tái định cư và thực hiện phỏng vấn bán cấu trúc để chỉ ra rằng các chính sách về nguồn vốn tài chính và xã hội là chất xúc tác thúc đẩy các hoạt động phi nông nghiệp cơ sở đảm bảo SKBV của các hộ nghèo.
Bài “Targeted Poverty Alleviation and Households’ Livelihood Strategy in a Relation-Based Society: Evidence from Northeast China” [139](Mục tiêu giảm nghèo và chiến lược sinh kế của hộ gia đình trong một xã hội dựa trên mối quan hệ: Bằng chứng từ Đông Bắc Trung Quốc), (2021). Nhóm tác giả đã cho biết, mặc dù Trung Quốc đang trải qua quá trình chuyển đổi từ
xã hội dựa trên quan hệ sang xã hội dựa trên quy tắc, các mối quan hệ giữa những người quen biết vẫn đóng một vai trò quan trọng trong phân bổ nguồn lực, chẳng hạn phân bổ nguồn lực chính sách. Điều này đặc biệt đúng ở vùng nông thôn Trung Quốc, nơi phổ biến việc giảm nghèo có mục tiêu và cấu trúc xã hội dựa trên mối quan hệ vẫn chiếm ưu thế. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ các mối quan hệ ảnh hưởng như thế nào đến chiến lược SKBV của các hộ gia đình ở nông thôn Trung Quốc và các chính sách xóa đói giảm nghèo (XĐGN) đóng vai trò như thế nào. Công tác XĐGN được dựa trên mối quan hệ xã hội và khám phá cách các hộ gia đình phản ứng với chính sách trong bối cảnh cụ thể. Dựa vào nghiên cứu lý thuyết trên cơ sở và phương pháp tiếp cận SKBV, với các cuộc phỏng vấn sâu và quan sát thực địa từ ba ngôi làng nghèo ở Đông Bắc Trung Quốc đã cho thấy các mối quan hệ có tác động đáng kể đến chiến lược sinh kế của các hộ. Các loại mối quan hệ khiến các hộ lựa chọn chiến lược sinh kế duy trì hoặc phát triển, trong khi các mối quan hệ ảnh hưởng tới cách các chính sách giảm nghèo đến chiến lược sinh kế.
Cuốn: “Nghiên cứu các mô hình giảm nghèo của các đối tác quốc tế ở Việt Nam” [78] (2015), của nhóm tác giả thuộc Dự án Nghiên cứu và Phân tích Dự án Hỗ trợ giảm nghèo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (Việt Nam). Các tác giả đã lựa chọn 3 dự án để nghiên cứu sâu gồm dự án “Mô hình sinh kế dựa vào chuỗi giá trị” của tổ chức Oxfam, mô hình tiết kiệm tín dụng của tổ chức Cứu trợ trẻ em Nhật Bản (SCJ) và mô hình giảm nghèo dựa vào phát triển kinh doanh nhóm du lịch cộng đồng của tổ chức Lao động quốc tế (ILO). Tập trung làm rõ phương pháp tiếp cận, quy trình triển khai và kết quả tác động của từng dự án của các đối tác quốc tế tài trợ trong những bối cảnh khác nhau. Đặc biệt đã chú trọng vào đặc điểm tình trạng đói nghèo ở mỗi vùng miền có đặc tính và các phương pháp tiếp cận khác nhau. Phân tích việc thực thi các dự án chú ý tính tự chủ của địa phương, sự tham gia của người dân và lựa chọn đối tác triển khai phù hợp. Kết quả nghiên cứu chỉ ra
rằng, mô hình của các tổ chức quốc tế thành công hơn bởi họ tuân thủ các nguyên tắc của lý thuyết kinh tế, xây dựng động lực tham gia của các bên và trao quyền tự quyết cho người dân. Các mô hình quốc tế cũng triển khai theo hướng nhỏ, chậm chắc và chú trọng về nâng cao năng lực so với các chương trình đại trà nhanh và thiếu kiểm tra đánh giá của nhà nước. Từ đó, rút ra những bài học kinh nghiệm thành công của các chương trình giảm nghèo của của các tổ chức quốc tế nhằm gợi ý việc cân nhắc lựa chọn các mô hình có quy mô tương đương của chương trình giảm nghèo quốc gia thời gian tới.
Báo cáo “Nhân rộng mô hình giảm nghèo tại các cộng đồng dân tộc thiểu số ở Việt Nam” [80] của Tổ chức OXFAM (2013) nghiên cứu chỉ ra rằng không gian văn hóa - xã hội truyền thống của các cộng đồng dân tộc thiểu số tại Việt Nam đã bị thu hẹp hoặc biến dạng đáng kể. Sự tiếp xúc với không gian bên ngoài ngày càng rộng mở đặt các cộng đồng dân tộc thiểu số vào một hoàn cảnh mới đầy thách thức và cũng không ít cơ hội. Trong bối cảnh đó, một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số đã vươn lên thoát nghèo. Tuy nhiên, các bằng chứng thu thập được trong nghiên cứu “mô hình giảm nghèo” của Oxfam và AAV (2013) ủng hộ mạnh mẽ cho giả thuyết “chiến lược sinh kế của hộ gia đình dựa trên phát huy các thế mạnh nội sinh cũng như tận dụng các cơ hội từ bên ngoài, trong đó có vai trò quan trọng của các yếu tố xã hội ở cấp cộng đồng, đã tạo nên các “mô hình giảm nghèo” (“điểm sáng”) ở vùng dân tộc thiểu số”.
Báo cáo “Mô hình giảm nghèo tại một số cộng đồng dân tộc thiểu số ở Việt Nam - Nghiên cứu trường hợp tại Hà Giang, Nghệ An và Đăk Nông”
[81] (2013) của Nhóm nghiên cứu ActionAid Quốc tế tại Việt Nam (AAV) và Oxfam được tổ chức thực hiện từ năm 2007 - 2013. Các tác giả áp dụng cách tiếp cận “điểm sáng” (“positive deviance”) trong phân tích các “mô hình giảm nghèo”, nhằm tìm hiểu những yếu tố dẫn đến những hộ gia đình và cộng đồng dân tộc thiểu số điển hình có kết quả giảm nghèo, cải thiện đời sống tốt hơn
các hộ gia đình và cộng đồng khác trong cùng bối cảnh. Từ đó, chỉ ra vai trò của các yếu tố xã hội và chiến lược sinh kế đối với mô hình giảm nghèo thành công tại các cộng đồng dân tộc thiểu số.
Nhóm Chương trình tài trợ các dự án nhỏ của Quỹ môi trường toàn cầu với cuốn “Cải thiện sinh kế gắn với bảo vệ và phát triển rừng - Thực tế và khuyến nghị chính sách” (2017) [85], đã nghiên cứu đưa ra một số khuyến nghị chính sách cho cải thiện sinh kế gắn với bảo vệ và phát triển rừng bền vững. Đối tượng hưởng thụ chính sách chủ yếu là người dân, hộ gia đình và cộng đồng địa phương, cộng đồng dân tộc thiểu số, được giao rừng, khoán bảo vệ rừng, thuê rừng và môi trường rừng; có đời sống gắn bó, phụ thuộc vào rừng, đặc biệt là rừng tự nhiên. Bài viết là làm rõ thực chất và thực tế của việc gắn kết “tài sản sinh kế” với “tài sản rừng”, đưa ra những dẫn liệu và phân tích kinh nghiệm ở trong và ngoài nước về việc gắn kết sinh kế với bảo vệ và phát triển rừng. Tác giả nêu gợi ý cách giải “bài toán gắn kết sinh kế với bảo vệ và phát triển rừng” bằng con đường chính sách và nêu khuyến nghị Chính phủ với mong muốn bảo đảm thu nhập từ rừng cho người dân và cộng đồng, duy trì và nâng cao chất lượng và giá trị của rừng trên mảnh đất của chính họ.
Đề tài khoa học cấp bộ: “Nghiên cứu bài học kinh nghiệm thoát nghèo của một số xã đặc biệt khó khăn” [82], TS Nguyễn Anh Phong đã hệ thống hóa cơ sở lý luận và thực tiễn về giảm nghèo và thoát nghèo ở các xã đặc biệt khó khăn; chỉ ra 3 cách tiếp cận về giảm nghèo gồm: giảm nghèo dựa vào tăng trưởng nông nghiệp, giảm nghèo dựa vào tạo việc làm ở khu vực phi chính thức và giảm nghèo thông qua hỗ trợ phát triển các mô hình thị trường phù hợp. Nghiên cứu kinh nghiệm giảm nghèo ở một số quốc gia trên thế gới, rút ra các bài học kinh nghiệm có thể áp dụng vào các xã đặc biệt khó khăn ở Việt Nam. Đề xuất bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách và giải pháp nhằm thoát nghèo bền vững ở các xã đặc biệt khó khăn trên cơ sở nghiên cứu, tổng kết các bài học kinh nghiệm thoát nghèo ở một số xã đặc biệt khó khăn.
Bài viết “Đảng lãnh đạo công cuộc xóa đói, giảm nghèo” (2020) [90], PGS.TS Trần Quốc Toản. Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam, trong đó khẳng định, XĐGN là một chủ trương lớn, xuyên suốt của Đảng cộng sản Việt Nam qua nhiều nhiệm kỳ, với những nội dung và giải pháp thích hợp trong từng giai đoạn, và cho đến nay. Giải quyết vấn đề này đã được đặt lên tầm tương quan với chính sách phát triển kinh tế. Phân tích những giải pháp và kết quả đạt được, chỉ ra những hạn chế, bất cập trong công cuộc XĐGN qua 35 năm đổi mới và đề xuất định hướng công tác XĐGN ở Việt Nam trong giai đoạn mới.