2.3.1. Hệ thống sông hồ, đầm lầy
Ngoại trừ vùng núi nhỏ ở cực tây bắc cao trung bình 1000m, cao nhất là đỉnh Haltiatunturi 1328m, Phần Lan chủ yếu là vùng thấp, chỉ cao hơn mực
nước biển trung bình 180m. Sông ngòi Phần Lan tương đối ngắn và nông. Sông dài nhất là sông Kemijoki, bắt nguồn từ đông bắc Phần Lan, gần biên giới Nga, chảy về phía tây nam ra vịnh Bothnia. Sông chính khác là sông Muonio, bắt nguồn từ cực tây bắc Phần Lan, chảy về phía nam ra vịnh Bothnia hình thành một phần biên giới với Thụy Điển. Và sông Oulujoki bắt nguồn từ trung tâm Phần Lan, chảy về phía tây, ra vịnh Bothnia. Sông quan trọng về thủy điện nhất của Phần Lan là sông Kemijoki, ở phía bắc Phần Lan và lưu vực sông Oulujoki ở trung tâm Phần Lan.
2.3.2. Tài nguyên rừng
Khoảng ¾ diện tích Phần Lan được bao phủ bởi rừng, và như chúng ta đã học về Norrland của Thụy Điển, vì mùa hè ở Phần Lan ngắn ngủi nên cây mọc chậm. Điều này có
nghĩa là có thời gian ngắn để làm mùa. Ở các quần đảo phía tây nam, thời gian tăng trưởng của cây trồng trung bình 180 ngày. Ở phía nam và trung tâm Phần Lan, thời gian tăng trưởng của cây trồng trung bình 140 – 175 ngày và ở Lapland là 100 – 145 ngày.
Rừng Phần Lan đa số là cây thường xanh quanh năm, chủ yếu là loài tùng bách (thông chiếm 45%). Ngoài ra là vân sam, sồi, cây du, cây tần bì, xuất hiện phần lớn ở phía tây nam. Phổ biến nhất là bulo, phủ đầy 20% diện tích rừng Phần Lan. Rừng cũng là nơi có nhiều động vật hoang dã như nai, hươu, mèo rừng, chồn gulo, chó sói. Thực vật, động vật hoang dã và môi trường sống của chúng từ lâu đã được quan tâm chăm sóc ở Phần Lan.
2.3.3. Các miền địa hình Vùng đất thấp duyên hải
Vùng đất trải rộng dọc biển của vịnh Phần Lan và vịnh Bothnia. Bờ biển thấp, có nhiều đá, và bị cắt xẻ sâu bởi các vịnh và lạch nhỏ. Đa số các thành phố chính của Phần Lan và các vùng canh tác đều nằm dọc vùng đồng bằng duyên hải này. Về phía tây nam biển Baltic là quần đảo Ahvenanmaa, gồm 6.500 đảo. Chỉ 80 đảo có người ở.
Vùng nội địa Phần Lan là các khu rừng rậm, nhiều sông ngòi, hồ, đầm. Các trầm tích băng hà gọi là đồi hình rắn gồm cát, sỏi, và tảng lăn hình thành các dãy đất thấp ngang dọc qua lãnh thổ. Các dãy đồi đá này từ lâu hình thành các con đường giao thông xuyên qua hàng ngàn hồ bao phủ Phần Lan. Các trầm tích này cũng ngăn cản dòng chảy của sông tạo thành nhiều thác ghềnh giúp Phần Lan có nguồn thủy điện phong phú.
Vùng hồ
Ước tính Phần Lan có 60.000 hồ. Phần lớn nằm ở trung tâm và nam Phần Lan. Sông ngòi và kênh rạch đã nối các hồ lại với nhau thành mạng lưới đường thủy lan toả phức tạp, có nhiều rừng rậm rải rác và đầy các hồ đầm. Trong số các hồ này, quan trọng là hồ Saimaa, một phần của hệ thống hồ mở rộng ở đông nam. Hệ thống này hình thành đường thủy quan trọng cho việc thả nổi các đẵn gỗ tới nhà máy và chuyên chở hàng hóa. Các hồ quan trọng khác là Inarijarvi và Paijanne.
Vùng núi phía bắc
Chủ yếu nằm ở phía bắc của đường vòng cực, đất xấu và là vùng thưa dân nhất của Phần Lan. Xa về phía bắc là miền lãnh nguyên có nhiều đầm lầy. Haltiatunturi, đỉnh cao nhất ở cực tây bắc gần biên giới với Na Uy, cao 1328m.
2.3.4. Không khí
Năm 2018, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) xếp hạng Phần Lan là nước có không khí sạch nhất thế giới. Không khí ở Khu trung tâm Helsinki và các nơi khác của Phần Lan được đánh giá sạch, theo tiêu chuẩn của châu Âu. Mật độ PM10 hàng ngày chưa từng vượt quá giới hạn cho phép.
Theo Pia Anttila - Viện Khí tượng Phần Lan, Phần Lan nằm ở vị trí tương đối xa so với các thành phố lớn của châu Âu, do đó lượng khí thải từ việc vận chuyển trong phạm vi dài vẫn còn thấp. Hơn nữa, chỉ có một thành phố lớn ở Phần Lan là Helsinki – và thậm chí chất lượng không khí ở đây cũng rất đáng ngưỡng mộ. Không có quá nhiều dân và ít xe hơi, thay vào đó mọi người ưa chuộng sử dụng các phương tiện công cộng và xe điện. Hơn nữa, Phần Lan có hệ thống quản lý chặt chẽ để cắt giảm đáng kể khí thải công nghiệp. Chính phủ cũng đưa ra các quy định liên quan đến môi trường nghiêm ngặt, họ đầu tư vào năng lượng tái tạo, bảo vệ rừng và hồ. Đặc biệt, một xã hội văn minh với ý thức sống chan hòa với thiên nhiên, cân bằng giữa sử dụng và tái tạo là điều vô cùng trân quý, làm nên môi trường trong sạch tại quốc gia này.