CHỦ THỂ CỦA NÔNG DÂN TRONG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
1.3.1. Điều kiện kinh tế - xã hội trong và ngoài nước
Qua 30 năm thực hiện sự nghiệp đổi mới đất nước, đồng thời với những thời cơ và thuận lợi của quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng trong bối cảnh Việt Nam là thành viên của WTO, khi cộng đồng ASEAN được thành lập, Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà Việt Nam là thành viên được thông qua,… đang tạo động lực quan trọng cho phát triển KT - XH của đất nước nói chung và XDNTM nói riêng. Riêng đối với lĩnh vực sản xuất nông nghiệp và đời sống của nông dân cũng chịu nhiều tác động tích cực. Trước hết, thị trường xuất khẩu nông sản và thủy sản ngày
càng rộng lớn, đa dạng, tạo cơ hội cho nông dân mở rộng đầu tư sản xuất và hạn chế rủi ro do không phải lệ thuộc vào một vài thị trường nhất định. Đồng thời, nông dân có nhiều cơ hội để trao đổi học tập kinh nghiệm, có điều kiện tiếp cận quá trình chuyển giao, ứng dụng khoa học và công nghệ (đặc biệt là công nghệ sinh học và công nghệ sau thu hoạch) vào quá trình sản xuất, làm gia tăng năng suất và chất lượng nông sản, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường. Mặt khác, khi nông dân tham gia vào thị trường thế giới, bước đầu giúp nông dân dần xóa bỏ tư duy sản xuất manh mún nhỏ lẻ, hướng đến nền sản xuất qui mô lớn đồng thời nắm bắt những quy định của pháp luật theo thông lệ quốc tế.
Tuy nhiên, những khó khăn, thách thức từ các xu thế của thời đại là không nhỏ, có ảnh hưởng đáng kể đến việc phát huy vai trò chủ thể của nông dân trong XDNTM. Đó là áp lực từ xu hướng kết tinh hàm lượng tri thức ngày càng cao vào quá trình sản xuất trong khi trình độ của nông dân nước ta còn nhiều hạn chế; yêu cầu tuân thủ nghiêm ngặt các quy định, tiêu chuẩn, quy chuẩn và luật pháp quốc tế nhưng nông dân nước ta vẫn còn thói quen, tập quán sản xuất nông nghiệp lạc hậu, tùy tiện,… Mặt khác, việc hình thành nền kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế của nước ta còn non trẻ, các doanh nghiệp chưa có nhiều kinh nghiệm, hệ thống pháp luật chưa hoàn thiện, ý thức chấp hành pháp luật trong sản xuất kinh doanh chưa cao, mối liên kết và cộng đồng trách nhiệm giữa các chủ thể thông qua liên kết “Bốn nhà” chưa thật bền vững mà trong mối liên kết đó thì nông dân luôn là người bị thua thiệt. Trong điều kiện như thế, vai trò chủ thể của nông dân khó có thể được phát huy có hiệu quả.
1.3.2. Hệ thống chính trị cơ sở
Để xây dựng HTCT cơ sở trong sạch, vững mạnh toàn diện chắc chắn không là điều đơn giản và do đó đòi hỏi phải có sự phấn đấu, nỗ lực và quyết tâm cao. Trong những năm qua, nhất là từ khi thực hiện Chỉ thị 03/CT-TW
của Bộ Chính trị ngày 14/5/2011 tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh thật sự đang có sức lan tỏa mạnh mẽ trong cán bộ, đảng viên. Theo đó, từng HTCT cơ sở đang rất chú trọng đến ba trụ cột: thứ nhất, công tác quy hoạch cán bộ từ việc đào tạo, bồi dưỡng đến đề bạt, bổ nhiệm cán bộ một cách khách quan đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của địa phương được quan tâm; thứ hai, công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng gắn với tự phê bình và phê bình trên tinh thần thẳng thắn, trung thực, trách nhiệm được tăng cường; thứ ba, công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, sự suy thoái về mặt đạo đức lối sống, thái độ quan liêu, hách dịch, xa rời quần chúng được đẩy mạnh.
Những chuyển biến tích cực của HTCT đang có sự tác động mạnh mẽ đến các phong trào của quần chúng nhân dân. Hệ thống chính trị đang thực sự đóng vai trò đầu tàu, dẫn dắt, định hướng nông dân trong XDNTM, vì như chủ nghĩa Mác đã từng khẳng định: một mình nông dân không có khả năng làm cách mạng. Sự đồng thuận và quyết tâm của cả HTCT trong XDNTM thể hiện thông qua sự chỉ đạo quyết liệt, kịp thời của các cấp ủy Đảng, của người đứng đầu; là sự nêu cao tinh thần trách nhiệm của cán bộ, đảng viên luôn đồng hành và chia sẻ cùng nông dân. Một khi cả HTCT thực hiện tốt vai trò của mình (vai trò chủ đạo của cấp ủy xã, vai trò chủ lực của chính quyền xã, vai trò chủ trì của mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể CT - XH) trong XDNTM thật sự là chỗ dựa tinh thần quan trọng, là động lực to lớn cho nông dân. Riêng Hội Nông dân Việt Nam với tư cách là đoàn thể CT - XH được tổ chức bộ máy theo hệ thống bốn cấp, có gần 10 triệu hội viên đang cho thấy đây là một tổ chức rộng lớn, mạnh mẽ trong HTCT nước ta. Thực tế trong những năm qua, Hội Nông dân các cấp với vai trò, chức năng, nhiệm vụ của mình luôn quan tâm, chăm lo xây dựng giai cấp nông dân ngày một lớn mạnh. Từ việc tuyên truyền, vận động
nông dân tham gia xây dựng và phát triển kinh tế hợp tác, HTX nông thôn đến hỗ trợ nông dân vay vốn và hướng dẫn sử dụng vốn vay có hiệu quả trong sản xuất kinh doanh; từ việc phối hợp với doanh nghiệp, nhà khoa học, các bộ ngành có liên quan giúp nông dân mua vật tư, máy nông nghiệp theo phương thức trả chậm đến việc hỗ trợ nông dân trong ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật phục vụ sản xuất và đời sống; từ việc vận động nông dân tích cực tham gia xây dựng kết cấu hạ tầng KT - XH đến các phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, xây dựng gia đình văn hóa, làng xã văn hóa gắn với thực hiện quy chế dân chủ cơ sở,… Chính vai trò cầu nối, dẫn dắt của Hội Nông dân đã giúp các chủ thể nông dân có cơ hội tự khẳng định mình.
Như vậy, những đóng góp, chăm lo của cả HTCT đối với nông dân thông qua phong trào XDNTM là to lớn. Từ đây đã có tác động lan tỏa mạnh mẽ đến nông dân, từng lúc làm cho vai trò chủ thể của nông dân, với tất cả sức mạnh và tiềm năng sẵn có, được phát huy ngày một tốt hơn.
Hơn nữa, việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở ngày càng đi vào thực chất và có hiệu quả là cơ sở quan trọng để củng cố niềm tin trong nhân dân càng cho thấy “Nhân dân làm chủ là yếu tố trung tâm của mối quan hệ giữa Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ, bởi vì mọi hoạt động của Đảng và Nhà nước đều từ nhân dân và vì nhân dân” [56, tr.272]. Mối quan hệ tốt đẹp giữa chính quyền với nhân dân, trong đó chính quyền trọng dân và vì dân, dân tin tưởng vào chính quyền sẽ tạo nên sức mạnh tổng hợp để đưa chủ trương, nghị quyết, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước đi vào cuộc sống và cụ thể hóa thành các phong trào hành động cách mạng.
Tuy nhiên, HTCT cơ sở ở nước ta hiện nay vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế, bất cập. Những biểu hiện như quan liêu, tham nhũng, vi phạm dân chủ vẫn đang diễn ra. Quy chế dân chủ cơ sở, Pháp lệnh dân chủ ở xã, phường, thị
trấn tuy có triển khai thực hiện nhưng còn thiếu sự chỉ đạo thường xuyên. Đáng chú ý “Quyền làm chủ của nhân dân ở nhiều nơi, nhiều lĩnh vực còn bị vi phạm. Có lúc, có nơi, việc thực hiện dân chủ còn hạn chế hoặc mang tính hình thức” [17, tr.168]. Thậm chí một số địa phương, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng yếu kém, đặc biệt một bộ phận cán bộ lãnh đạo có biểu hiện độc đoán chuyên quyền, ức hiếp quần chúng chưa được khắc phục.
Việc XDNTM đang bị lạm dụng với nhiều vấn đề tiêu cực xảy ra, tình trạng lạm thu chưa được khắc phục thậm chí là điều ám ảnh với nhiều nông dân. Những mặt trái trong XDNTM hiện nay đang làm cho đời sống của nông dân ở một số địa phương đã nghèo lại càng nghèo hơn, đã khổ lại càng khổ hơn. Trong khi đó, vai trò, trách nhiệm và hiệu quả hoạt động của Hội Nông dân ở một số nơi chưa như mong muốn. Không ít tổ chức Hội Nông dân cấp xã chưa thể hiện tính năng động, còn hành chính hóa; chưa đổi mới cả nội dung, hình thức và phương pháp trong công tác vận động nông dân; vai trò của Hội trong lãnh đạo, tập hợp nông dân XDNTM chưa được thể hiện rõ nét, cụ thể, chỉ mới dừng lại ở tính chất phong trào mà chưa đi vào chiều sâu.
Xây dựng NTM có liên hệ mật thiết đến nguồn nhân lực vì suy cho cùng XDNTM có thành công hay không là do con người quyết định. Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay vấn đề nguồn nhân lực ở địa bàn nông thôn nước ta còn nhiều khó khăn, hạn chế. Nguồn nhân lực ở đây, theo chúng tôi, được tiếp cận ở ba góc độ: nguồn nhân lực trong dân cư nông thôn, nguồn nhân lực trong xã hội và nguồn nhân lực trong HTCT. Riêng đối với nguồn nhân lực trong HTCT phục vụ cho XDNTM còn có những bất cập. Tuy Ban Chỉ đạo XDNTM có được thành lập xuyên suốt trên toàn hệ thống, nhưng trên thực tế tại đơn vị cấp xã hiện nay số lượng cán bộ chuyên trách về XDNTM còn ít so với tính chất, yêu cầu, nhiệm vụ XDNTM đang đặt ra. Hơn nữa, năng lực và tâm huyết của đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận và chuyên trách về XDNTM chưa thật tốt. Điều này thể hiện qua mức độ sâu sát
nắm bắt tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nông dân để kịp thời định hướng, hướng dẫn, hỗ trợ hay tham mưu, đề xuất cho các cơ quan chức năng nghiên cứu tháo gỡ chưa cao, chưa làm tốt vai trò là cầu nối giữa HTCT với nông dân. Những hạn chế, yếu kém, bất cập trong HTCT ở cơ sở làm cho lòng tin và tình cảm của nông dân ít nhiều bị giảm sút. Một khi sự mất lòng tin, sự hoài nghi và cả sự không hài lòng gia tăng sẽ là tỷ lệ nghịch đối với việc phát huy vai trò chủ thể của nông dân trong XDNTM.
1.3.3. Các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn
Xuất phát từ vị trí, vai trò và tầm quan trọng của vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn đối với quá trình phát triển KT - XH của đất nước, trong những năm qua Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều chủ trương, nghị quyết thể hiện sự quan tâm sâu sắc đến vấn đề “Tam nông” và tạo được sự đồng thuận cao trong nhân dân. Hội nghị lần thứ Bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa X năm 2008, đã ban hành Nghị quyết số 26-NQ/TW về nông nghiệp, nông thôn và nông dân được xem như là bước ngoặt cho sự ra đời chủ trương XDNTM. Trong đó, Đảng ta đã tổng kết những thành tựu đạt được, đồng thời chỉ ra những hạn chế, khó khăn, bất cập; xác định rõ hơn về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của tam nông:
Nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vị trí chiến lược trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, là cơ sở và lực lượng quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội bền vững, giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo an ninh, quốc phòng; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và bảo vệ môi trường sinh thái của đất nước… Các vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn phải được giải quyết đồng bộ, gắn với quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước… Trong mối quan hệ mật thiết
giữa nông nghiệp, nông dân và nông thôn, nông dân là chủ thể của quá trình phát triển [13, tr.123-124].
Ngày 30/12/2008, Ban Bí thư ban hành quyết định số 205-QĐ/TW thành lập Ban chỉ đạo thí điểm chương trình NTM với mục tiêu xây dựng mô hình thực tế NTM thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH làm cơ sở tổng kết chương trình để nhân rộng ra toàn quốc. Với mục tiêu này, Ban chỉ đạo chọn 11 xã đại diện cho các vùng kinh tế - văn hóa - xã hội trong cả nước làm thí điểm; chọn 5 huyện và 5 tỉnh trong cả nước làm điểm để XDNTM cấp huyện và cấp tỉnh.
Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng tiếp tục khẳng định:
Xây dựng, phát huy vai trò của giai cấp nông dân, chủ thể của quá trình phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới. Hỗ trợ, khuyến khích nông dân học nghề, chuyển dịch cơ cấu lao động, tiếp nhận và ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ, tạo điều kiện thuận lợi để nông dân chuyển sang làm công nghiệp và dịch vụ. Nâng cao năng suất lao động trong nông nghiệp, mở rộng và nâng cao chất lượng cung ứng các dịch vụ cơ bản về điện, nước sạch, y tế, giáo dục, thông tin…, cải thiện chất lượng cuộc sống của dân cư nông thôn; thực hiện có hiệu quả, bền vững công cuộc xóa đói, giảm nghèo, làm giàu hợp pháp [17, tr.161].
Trên cơ sở của các văn kiện, nghị quyết của Đảng, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các quyết định có liên quan về nông nghiệp, nông thôn, nông dân như: Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 16/4/2009 về việc ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về NTM [46]; Quyết định số 800/QĐ-TTg ngày 04/6/2010 ban hành Chương trình mục tiêu quốc gia về XDNTM giai đoạn 2010 - 2020 [48]; Quyết định số 342/QĐ-TTg ngày 20/2/2013 về sửa đổi một số tiêu chí trong Bộ tiêu chí quốc gia về NTM [50]; Quyết định số
1980/QĐ-TTg ngày 17/10/2016 về việc ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020 (gọi tắt là Bộ tiêu chí xã) [51];... Đây là những văn bản quy phạm pháp luật tiếp tục cụ thể hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về vấn đề nông nghiệp, nông thôn và nông dân; là cơ sở pháp lý quan trọng, cần thiết, có tính định hướng để triển khai đồng bộ và rộng khắp trên phạm vi toàn quốc.
Ngoài ra, liên quan đến XDNTM, Chính phủ đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách thể hiện sự quan tâm đến nông dân, người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số vùng nông thôn như: Chương trình 135 về phát triển KT - XH ở các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc và miền núi theo Quyết định số 135/1998/QĐ-TTg ngày 31/7/1998 của Thủ tướng Chính phủ; Quyết định 134/2004/QĐ-TTg ngày 20/7/2004 của Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ đất sản xuất, nhà ở, đất ở và nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo; Quyết định số 74/2008/QĐ-TTg ngày 09/6/2008 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ giải quyết đất ở, đất sản xuất và giải quyết việc làm cho đồng bào Khmer nghèo, đời sống khó khăn vùng ĐBSCL giai đoạn 2008 - 2010; Quyết định 167/2008/QĐ-TTg ngày 12/12/2008 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở; Nghị quyết số 30/A/2008/NQ-CP ngày 27/12/2008 của Chính phủ về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo trên phạm vi cả nước; Quyết định số 102/QĐ-TTg ngày 07/8/2009 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người dân thuộc diện hộ nghèo ở vùng khó khăn;…
Việc quan tâm, chăm lo của Đảng và Nhà nước đối với nông dân trên tất cả các mặt của đời sống thông qua chương trình XDNTM là rất cần thiết,