Ngành ngân hàng năm 2013 nhìn chung vẫn còn nhiều sóng gió. Nhưng so với năm trước, tình hình hệ thống ngân hàng đã được cải thiện đáng kể.
Thời gian qua, dù lãi suất huy động liên tục giảm mạnh và không phải lúc nào cũng “kịch trần”, cụ thể NHNN đã giảm 2% các mức lãi suất điều hành; giảm 3%/năm lãi suất cho vay ngắn hạn với lĩnh vực ưu tiên; giảm 1% lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi và từ cuối tháng 6 cho phép các tổ chức tín dụng (TCTD) tự ấn định lãi suất huy động kỳ hạn từ 6 tháng trở lên nhưng người dân vẫn tiếp tục gửi tiền vào với kỳ hạn dài bởi đây vẫn là kênh đầu tư an toàn và hiệu quả nhất so với các kênh đầu tư khác hiện nay. Tính đến cuối tháng 12/2013, tiền gửi VND của dân cư vẫn tăng 15,61%. Các giải pháp tín dụng tiếp tục được điều hành linh hoạt hơn theo hướng “tái tạo” đường cong lãi suất, mở rộng tín dụng đi đôi với an toàn hoạt động của TCTD, phù hợp với mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ, đồng thời tiếp tục thực hiện các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý. Nhờ đó, cuối tháng 12/2013, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống gần sát mục tiêu 12%.
Cùng với điều chỉnh nhanh lãi suất, NHNN cũng sử dụng các công cụ cung tiền hợp lý như thị trưởng mở, mua vào ngoại tệ… và tốc độ tăng trưởng tín dụng khớp với mục tiêu đề ra (khoảng 12%) nên đã kiểm soát lạm phát khá thành công ở mức 6,04% - mức tăng thấp nhất trong vòng 10 năm trở lại đây.
Dấu ấn quan trọng của ngành ngân hàng năm qua là sự ra đời của công ty quản lý tài sản của các TCTD (VAMC). Sau thời gian dài chuẩn bị, ngày 9/7/2013, VAMC được thành lập, ngày 26/7/2013 NHNN tổ chức ra mắt VAMC và ngày 1/10/2013 VAMC bắt tay vào mua món nợ xấu đầu tiên của Agribank.
VAMC ban đầu mua nợ xấu bằng trái phiếu đặc biệt. Trái phiếu này được TCTD mang lên NHNN vay với lãi suất tái cấp vốn thấp hơn 2% so với lãi suất tái cấp vốn do NHNN quy định tại từng thời điểm. TCTD được vay tái cấp vốn tối đa bằng 70% giá trị trái phiếu đặc biệt.
Bên cạnh sự ra đời của VAMC, các TCTD cũng đẩy mạnh tự giải quyết nợ xấu bằng nguồn dự phòng, tái cơ cấu nợ theo Quyết định 780, đến nay tỷ lệ nợ xấu đã giảm còn 4,55% trên tổng dư nợ, từ mức 4,73% vào tháng 10. Tốc độ tăng nợ xấu cũng đã chậm lại, chỉ còn 2,2%/tháng, thay vì 3,91%/tháng trong năm 2012.
Việc xử lý nợ qua VAMC cũng đã có những tiến triển nhất định. Tính đến ngày 24/12, VAMC đã mua được gần 32.000 tỷ đồng dư nợ gốc của gần 30 TCTD. Dự kiến, năm 2014 VAMC sẽ mua khoảng 100-150 nghìn tỷ đồng. Nhờ nỗ lực của Chính phủ, NHNN cũng như sự quyết liệt của từng TCTD trong việc xử lý nợ xấu, nên tỷ lệ nợ xấu đã giảm mạnh từ mức 8,86% tổng dư nợ cuối năm 2012 xuống còn 4,55% đến tháng 11/2013
Quá trình tái cơ cấu ngân hàng đã đạt được những kết quả ban đầu đáng khích lệ
theo đúng mục tiêu đã được Chính phủ cũng như NHNN xác định. Tuy nhiên, dù nhìn vào các con số thì có thể thấy rằng nợ xấu đang giảm đi nhưng mức độ giảm thực tế ra sao thì vẫn chưa thể đánh giá được, bởi việc xử lý nợ xấu phụ thuộc nhiều vào các điều kiện kinh tế vĩ mô và thị trường, trong khi tiêu thụ hàng hoá còn chậm, năng lực tài chính
và khả năng trả nợ của doanh nghiệp còn thấp. Thị trường BĐS chậm phục hồi, TTTC trì trệ càng gây khó khăn cho việc bán, xử lý TSBĐ tiền vay để thu hồi nợ. Trong khi đó các giải pháp điều hành kinh tế vĩ mô, tháo gỡ khó khăn cho SXKD, hỗ trợ thị trường BĐS luôn có độ trễ và cần phải có thời gian phát huy tác dụng. Đã vậy, các giải pháp xử lý nợ xấu lại chưa được triển khai đồng bộ mà chủ yếu vẫn là TCTD tự xử lý nợ xấu nên đã làm giảm mức độ lành mạnh tài chính, hiệu quả kinh doanh của TCTD trong ngắn hạn. Cơ chế, chính sách xử lý TSBĐ còn nhiều rất vướng mắc, phức tạp, chậm được khắc phục, hoàn thiện để tạo điều kiện thuận lợi cho xử lý nợ xấu.
Bên cạnh đó, hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A) trong lĩnh vực ngân hàng diễn ra sôi động.
WesternBank sáp nhập với PVFC thành PvcomBank; nhóm nhà đầu tư mới mua 85% cổ phần của TrustBank và đổi tên thành Ngân hàng Xây dựng Việt Nam; UOB của Singapore chính thức tìm hiểu GPBank và có thể mua đứt ngân hàng này; HDBank mua công ty tài chính SGVF của Pháp và sáp nhập DaiABank vào HDBank, nhiều ngân hàng đang tìm nhà đầu tư nước ngoài để bán cổ phần như Sacombank, HDBank, MB, ABBank, SouthernBank…
Tháng 5/2013 gói 30.000 tỷ đồng cho vay hỗ trợ nhà ở mới ra đời. Gói này được kỳ vọng sẽ giải cứu thị trường bất động sản. Tuy nhiên, thay cho dự báo giải ngân 15.000 - 17.000 tỷ đồng ngay trong năm 2013, sau 6 tháng số tiền giải ngân chiếm chưa tới 2%, khiến gói này được báo giới đánh giá thất bại trong năm 2013. Cái khó, chính là điều kiện cho vay được “siết” khá chặt, quy trình quản lý còn quá chặt chẽ, từ chỗ xác nhận về diện tích nhà ở, thu nhập vào diện được vay vốn... cộng thêm nhiều ngân hàng không nhiệt tình lắm với việc giải ngân này bởi khá nhiều doanh nghiệp bất động sản muốn vay không còn khả năng trả nợ.
Bên cạnh việc cơ cấu cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng vẫn còn nhiều yếu tố bất cập xuất hiện trong thời gian qua. Viện KSND tối cao đã “điểm danh” 10 đại án tham nhũng, trong đó có 8 đại án liên quan tới lĩnh vực ngân hàng và đang được đưa ra xét xử.
Vụ đại án tham nhũng tại Công ty cho thuê tài chính II thuộc Agribank (ALC II) làm thất thoát gần 532 tỷ đồng của Nhà nước được xét xử hồi tháng 11 với 2 án tử hình. Vụ Huỳnh Thị Huyền Như và 22 đồng phạm chiếm đoạt hơn 4.900 tỷ đồng, vụ bầu Kiên cùng 6 đồng phạm gây thiệt hại gần 1.700 tỷ đồng.
Bên cạnh xét xử các đại án, Cơ quan điều tra Bộ công an cũng đã bắt giữ hàng loạt các cán bộ ngân hàng vì chiếm đoạt tài sản, lừa đảo, lợi dụng tín nhiệm… Điển hình như bắt lãnh đạo chi nhánh của các ngân hàng ABBank, VDB, LienVietPostBank, Vietcombank, Sacombank… vì liên quan đến công ty Phương Nam (cựu chủ tịch Phương Nam bỏ trốn sang Mỹ để loại khoản nợ hơn 1.500 tỷ đồng) hay một loạt cán bộ của Agribank vì làm giả hồ sơ, làm chứng từ khống chiếm đoạt tài sản…
Việc các ngân hàng thay đổi nhân sự cấp cao là bình thường nhưng năm 2013 sự thay đổi này lại diễn ra như một làn sóng ồ ạt.
Điển hình là VIB thay 2 Tổng giám đốc chỉ trong 3 tháng (nếu tính cả Quyền tổng giám đốc thì thay đổi 3 lần); SCB, NamABank cũng thay Tổng giám đốc; Eximbank thay Tổng giám đốc và một loạt nhân sự cấp cao khác sau khi nguyên Tổng giám đốc được bổ nhiệm làm Phó chủ nhiệm UBGSTCQG; TrustBank thay đổi HĐQT; Vietcombank có tổng giám đốc mới sau khi tổng giám đốc cũ lên làm phó Thống đốc; Techcombank thay CEO ngoại bằng một Tổng giám đốc nội…
Ngoài ra, làn sóng cắt giảm nhân sự cấp thấp và cấp trung cũng diễn ra ồ ạt. Trong năm, ACB cắt giảm hơn 1.000 nhân sự, riêng quý 3 là hơn 700 người; Maritimebank tuyên bố giảm hơn 1.400 nhân sự; Eximbank có kế hoạch giảm 1.000 nhân sự; SHB giảm hơn 300 người; Vietcombank giảm gần 200 nhân viên; nhiều ngân hàng thay nhân sự không làm được việc bằng những người mới có trình độ nghiệp vụ tốt…Cùng với giảm nhân sự, năm 2013 nhiều ngân hàng cũng cắt giảm lương của nhân viên từ 10 – 20% để tiết giảm chi phí hoạt động.
Nền kinh tế khó khăn, hàng tồn kho cao nên doanh nghiệp hạn chế vay vốn ngân hàng, các doanh nghiệp không tiếp cận được vốn do điều kiện vay không đáp ứng thì hoạt
động sa sút, phá sản buộc các ngân hàng phải giảm lãi suất cho vay khiến chênh lệch lãi suất huy động và cho vay giảm xuống, tăng trưởng tín dụng thấp, giải quyết nợ xấu tăng cao và trích lập dự phòng đầy đủ trong bối cảnh nợ xấu của các ngân hàng đều tăng khiến cho lợi nhuận của ngân hàng tiếp tục lao dốc, có đến 17% tổ chức tín dụng lỗ trong năm 2013.