0
Tải bản đầy đủ (.pdf) (66 trang)

Các vấn đề xã hội của người nghèo, hộ nghèo

Một phần của tài liệu GIÁO TRÌNH CÔNG TÁC XÃ HỘI VỚI NGƯỜI NGHÈO (Trang 58 -61 )

2. Những vấn đề cơ bản và nhu cầu của hộ nghèo, người nghèo 1 Nhu cầu của người nghèo, hộ nghèo

2.2. Các vấn đề xã hội của người nghèo, hộ nghèo

2.2.1. Nguy cơ dễ bị tổn thương

Ở những người nghèo, nguy cơ dễ bị tổn thương là nhân tố luôn đi kèm với sự khốn cùng về vật chất và con người. Vậy nguy cơ dễ bị tổn thương là gì? Nó chính là nguy cơ mà người nghèo phải đối mặt với nhiều loại rủi ro như bị ngược đãi, đánh đập, thiên tai, bị thôi việc, phải nghỉ học... Nói cách khác, những rủi ro mà người nghèo phải đối mặt do tình trạng nghèo hèn của họ chính là nguyên nhân khiến họ rất dễ bị tổn thương. Những người nghèo do tài sản ít, thu nhập thấp, họ chỉ có thể trang trải hạn chế, tối thiểu các nhu cầu thiết yếu nhất của cuộc sống. Vì vậy, khi rủi ro xảy ra họ rất dễ bị tổn thương và rất khó vượt qua được các cú sốc có hại, những cú sốc mang tính tạm thời mà những người có nhiều tài sản hơn dễ dàng vượt qua được. Do thu nhập thấp, người nghèo có rất ít khả năng tiếp cận với các cơ hội tăng trưởng kinh tế, vì thế họ thường phải bỏ thêm các chi phí không đáng có hoặc giảm thu nhập. ở các hộ nghèo, khi có rủi ro xảy ra như mất cắp hay có người bị ốm đau thì họ dễ bị rơi vào tình trạng khủng hoảng, làm đảo lộn cuộc sống của cả gia đình mà một thời gian lâu sau mới có thể phục hồi được. Cũng có

59

khi việc khắc phục những rủi ro trong ngắn hạn có thể làm trầm trọng thêm sự khốn cùng của họ trong dài hạn. Chẳng hạn, ví dụ trên, do thiếu tài sản nên để chạy chữa cho một người bị ốm, gia đình đã buộc phải quyết định cho một đứa con nghỉ học hay họ phải bán trâu, bò, ngựa... những phương tiện lao động cần thiết của gia đình. Cũng có thể người bệnh thì không khỏi được còn gia đình từ cảnh khá giả rơi vào cảnh khốn cùng. Như vậy, nếu có thêm một vài sự kiện nghiêm trọng nữa xảy ra thì sự suy sụp đến cùng kiệt là điều khó tránh khỏi với người nghèo.

Dù ở khía cạnh nào, người nghèo luôn là những người dễ bị tổn thương nhất trong khủng hoảng kinh tế. Những đánh giá nhanh về tác động xã hội của cuộc khủng hoảng tài chính thực hiện vào tháng 2 và tháng 4/2009 đã chỉ ra rằng, những người lao động di cư trong nước và ngoài nước, những người lao động không đúng chuyên môn, những lao động có chuyên môn kỹ thuật thấp, và các doanh nghiệp hộ gia đình… là những đối tượng đã gặp nhiều thiệt thòi và bất lợi trong khủng hoảng. Lao động xuất khẩu và lao động di cư thiếu việc làm, kém thu nhập, và chịu rủi ro xã hội cao hơn trước. Kéo theo tình trạng này là sự bất an về mặt tâm lý - xã hội đối với gia đình họ. Điều này có nguyên nhân ở hệ thống an sinh xã hội. An sinh xã hội ở Việt Nam thường bị đánh giá là kém, kém xa so với nhiều nước khác, kể cả các nước trong khu vực.

Nguy cơ dễ bị tổn thương đã tạo nên một tâm lý chung của người nghèo là sợ phải đối mặt với rủi ro, vì vậy họ luôn né tránh với những vấn đề mang tính rủi ro cao, kể cả khi điều đó có thể đem lại nhiều lợi ích cho họ nếu thành công (ví dụ đầu tư vào giống lúa mới, áp dụng phương thức sản xuất mới...) chính điều này đã làm họ sống tách biệt với xã hội bị cô lập dần với guồng quay của thị trường và do vậy cuộc sống của họ càng trở nên bần cùng hơn.

Hiện nay, ở Việt Nam, số người nghèo ở nông thôn chiếm gần 90% tổng số hộ nghèo của cả nước. Tỷ lệ hộ nghèo ở khu vực miền núi cao hơn từ 1,7 đến 2 lần tỷ lệ hộ nghèo bình quân chung. Tỷ lệ nghèo ở nông thôn cao gấp 2 lần ở thành thị. Trên thực tế, vùng nhiều người nghèo đều là những vùng khó khăn (điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, hạ tầng thấp kém, sản xuất manh mún, nhỏ lẻ) hoặc các khu dân cư tái định cư để nhường chỗ cho những công trình lớn… và ở những nơi đó, dân trí thường là thấp. Những người ở vùng này, khi di cư lao động vào đô thị, khu công nghiệp, họ luôn gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí bất trắc, rủi ro cả về cuộc sống và cả về việc làm. Kết cục là thu nhập nhận được bao giờ cũng thấp hơn mức trung bình. Những vùng có tốc độ giảm nghèo nhanh, cũng là những vùng có tỷ lệ

60

hộ nghèo cao - giảm nghèo nhanh và tái nghèo cũng nhanh. Đối với người nghèo, chỉ một may mắn trong công ăn việc làm cũng có thể giúp họ thoát nghèo; khi vừa thoát nghèo, chỉ một rủi ro không quá nghiêm trọng trong lao động, trong đời sống… cũng có thể khiến họ rơi vào tình trạng tái nghèo. Do vậy, nguy cơ dễ bị tổn thương là nguy cơ dễ thấy nhất ở người nghèo.

2.2.2. Không có tiếng nói và quyền lực

Những người nghèo thường bị đối xử không công bằng, bị gạt ra ngoài lề xã hội do vậy họ thường không có tiếng nói quyết định trong các công việc chung của cộng đồng cũng như các công việc liên quan đến chính bản thân họ. Trong cuộc sống những người nghèo chịu nhiều bất công do sự phân biệt đối xử, chịu sự thô bạo, nhục mạ, họ bị tước đi những quyền mà những người bình thường khác nghiễm nhiên được hưởng. Người nghèo luôn cảm thấy bị sống phụ thuộc, luôn nơm nớp lo sợ mọi thứ, trở nên tự ti, không kiểm soát được cuộc sống của mình. Đó chính là kết quả mà nguyên nhân không có tiếng nói và quyền lực đem lại. Nhiều người nghèo nói họ chẳng được gọi đi họp vì nhà ở xa, khi nào phải đi lao động thì mới được gọi tới. Kể cả khi họ tham gia được các cuộc họp của cộng đồng thì họ cũng không thể quyết định được vấn đề gì dù rằng vấn đề đó liên quan đến lợi ích của chính họ.

2.2.3. Nguy cơ mắc vào các tệ nạn xã hội

Do người nghèo thiếu thốn đủ mọi thứ, thiếu tài sản, thiếu điều kiện để thỏa mãn nhu cầu của bản thân, thiếu kỹ năng xã hội nên người nghèo cũng dễ sinh ra các thói hư, tật xấu, mắc vào các tệ nạn xã hội. Theo nhiều thống kê, nhiều thanh thiếu niên vi phạm pháp luật, mắc vào các tệ nạn cờ bạc, rượu chè, nghiện hút là con em trong các hộ nghèo. Những thanh niên này thường bỏ học sớm, chơi bời lêu lổng hoặc phải tham gia lao động sớm.

Phân hóa giàu nghèo góp phần tạo sự đa dạng trong các hình mẫu lối sống. Sự phát triển của lối sống tiêu dùng xa hoa, lãng phí trong bộ phận dân cư khá giả có ảnh hưởng xấu tới các nhóm dân cư khác. Đặc biệt một số bộ phận gia đình mới phất lên ( nhờ gặp may, hoặc do kế thừa...) sử dụng tiền theo lối sống buông thả, bất chấp các chuẩn mực giá trị, đạo đức, hoặc không quan tâm đến con cái, để chúng hư hỏng với cuộc sống xa đoạ, đồi truỵ mà không biết. Đây là một trong những nguồn gốc của tệ nạn ma tuý xã hội mại dâm...và tình trạng tội phạm gia tăng như hiện nay. Và chính sự tiêu xài hoang phí này cũng làm ảnh hưởng tới những người nghèo, hoặc những ngưòi thuộc tầng lớp trung lưu. Những người

61

nghèo thì họ cảm thấy không còn gì để mất vì vậy họ hành động không như xã hội mong đợi là ăn cắp, trung gian trong những con đường buôn lậu, vận chuyển ma tuý, bán dâm... nhằm mục đích giàu lên nhanh chóng, còn người khá giả, trung lưu dựa trên cơ sở sẵn có của mình (của cải, vốn,mối quan hệ...) moắc ngoặc với nhau làm ăn phi pháp.

2.2.4. Một số vấn đề khác

+ Vấn đề thứ nhất: Thiếu thốn về vật chất như không có nhà ở, không có việc làm thu nhập không ổn định, không đảm bảo nhu cầu tối thiểu của cuộc sống;

+ Vấn đề thứ hai: Thiếu cơ hội tiếp cận với giáo dục, dạy nghề và học tập các kỹ năng sống;

+ Vấn đề thứ ba: Chưa đủ khả năng đảm đương vai trò xã hội;

+ Vấn đề thứ tư: Có vấn đề về sức khỏe;

+ Vấn đề thứ năm: Thiếu kiến thức, kỹ năng quản lý gia đình và nuôi dạy con cái;

+ Vấn đề thứ sáu: Sống trong tình trạng bất hòa, mâu thuẫn, bạo lực;

+ Vấn đề thứ bảy: Không có sự hỗ trợ từ người thân, họ hàng, các tổ chức cộng đồng và hệ thống khác...

Một phần của tài liệu GIÁO TRÌNH CÔNG TÁC XÃ HỘI VỚI NGƯỜI NGHÈO (Trang 58 -61 )

×