MỘT SỐ NĂM GẦN ĐÂY
Cho đến nay, đã chín năm kể từ ngày Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 có hiệu lực. Chín năm thi hành, Luật Hôn nhân và gia đình Việt Nam cùng với các văn bản hướng dẫn đã phát huy được khá nhiều tác dụng quan trọng trong việc xây dựng, củng cố gia đình xã hội chủ nghĩa; giữ gìn và phát huy những phong tục, tập quán, đạo đức tốt đẹp của dân tộc; góp phần xóa bỏ, hạn chế những tập quán lạc hậu của đồng bào dân tộc thiểu số. Chế định kết hôn theo Luật Hôn nhân và gia đình Việt Nam đang ngày càng được xây dựng hoàn thiện hơn, góp phần hình thành nên gia đình tiến bộ, hòa thuận, hạnh phúc và bền vững. Tuy nhiên, bên cạnh đó không tránh khỏi việc những quy định của pháp luật về vấn đề kết hôn vẫn chưa được áp dụng triệt để. Một phần xuất phát từ một nguyên nhân chủ quan, phần vì khách quan như trình độ dân trí thấp, ý thức pháp luật kém, mặt trái của nền kinh tế thị trường... nên các hiện tượng như: nam nữ chung sống với nhau như vợ chồng không đăng ký kết hôn; kết hôn vi phạm điều kiện kết hôn... vẫn diễn ra trên thực tế.
Qua chín năm thi hành Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 tình trạng kết hôn vi phạm các quy định của pháp luật về việc kết hôn được thể hiện cụ thể như sau:
-Tình trạng kết hôn trước tuổi luật định diễn ra ở nhiều địa phương: Đây là một vấn đề rất nhức nhối, diễn ra nhiều ở các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc ít người. Tại nhiều nơi có đồng bào dân tộc sinh sống, họ vẫn duy trì thói quen kết hôn khi phụ nữ 15 - 16 tuổi thậm chí
có nơi mới 13 tuổi. Theo số liệu điều tra của Vụ gia đình (Ủy ban Dân số -
Gia đình và trẻ em) cho thấy, hiện nay trong cả nước có đến 15 tỉnh, thành phố có trên 1% trẻ em ở độ tuổi từ 14-16 đã có vợ chồng. Một số tỉnh có "tỷ lệ trẻ em tảo hôn cao như Hà Giang 5,72%, Cao Bằng 5,1%, Lào Cai 2,7%, Sơn La 2,6%, Quảng Trị 2,4%, Bạc Liêu 2,1%". Riêng Sơn La, "theo thống kê của Sở Tư pháp Sơn La, trong năm 2007 và 6 tháng đầu năm 2008, tại 10 huyện miền núi của tỉnh, đã có hơn 500 trường hợp vi phạm Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000, kết hôn chưa đủ tuổi" [56].
Tình trạng kết hôn sớm như vậy do rất nhiều yếu tố mà chủ yếu là do phong tục tập quán dân tộc của địa phương đó. Nhiều địa phương có tâm lý muốn có con đàn cháu đông, đồng thời có thêm lao động cho gia đình. Một mặt khác do trình độ học vấn của người dân vùng dân tộc còn thấp, sự hiểu biết về pháp luật và tiếp cận thông tin đại chúng còn khó khăn… một mặt tình trạng quản lý, thực thi pháp luật ở đây còn lỏng lẻo, chưa kiên quyết trong việc quản lý đăng ký kết hôn nên dẫn đến việc tảo hôn diễn ra còn khá nhiều ở các khu vực dân tộc, miền núi…
Tại các xã vùng biên, vấn đề tảo hôn là một thực tế, thậm chí có nơi, nó trở thành bệnh "thâm căn cố đế" ở địa phương vùng biên giới. Chẳng hạn như ở xã Mỹ Quý Tây, huyện Đức Huệ, tỉnh Long An, (tiếp giáp vùng biên giới với Campuchia), việc tảo hôn diễn ra không phải là chuyện xa lạ, thậm chí chính quyền địa phương còn bất lực trước việc xử lý tình trạng tảo hôn tại địa phương này. Ngày 21/7/2008, chính quyền địa phương nhận được tin từ mẹ cháu T (một trường hợp kết hôn khi mới học lớp 8) rằng bố cháu đang làm
"đám phạt" (một loại hình thay cho hình thức cưới ở địa phương này) thì Ủy ban nhân dân cùng các ban ngành đoàn thể xã Mỹ Quý Tây đã có mặt tại nhà bố cháu T để lập biên bản thì vấp phải sự phản ứng mạnh mẽ của bố cháu vì cho rằng gia đình chỉ tổ chức giỗ cho anh trai mình. Thậm chí khi chính quyền yêu cầu gia đình đưa cháu T đi giám định tại cơ sở y tế thì gia đình cũng không đồng ý. Sở dĩ xảy ra chuyện này cũng một phần do chính quyền
địa phương đã chưa thật sự mạnh tay trong việc xử lý, một phần nằm ở chính sự thiếu hiểu biết của các bậc làm cha làm mẹ. Có người còn nói: "Ngoài đời nó đã 17 tuổi nhưng trong giấy mới bước qua tuổi 15. Tui cũng nói với cha ruột của nó nếu hai đứa nó đồng tình thương nhau thì cho cưới hay phạt vạ tôi cũng chấp nhận". Nếu chính quyền và các bậc làm cha làm mẹ mà cứ như vậy, thiết nghĩ vấn đề tảo hôn tại các xã vùng biên sẽ không bao giờ dứt điểm được.
Chính vì kết hôn không đủ độ tuổi dẫn đến đa phần các đám cưới đó đều không đăng ký tại Ủy ban nhân dân. "Tình trạng này rất phổ biến ở các tỉnh phía Bắc như: Sơn La, Lai Châu, điển hình là Cao Bằng 80% các cặp vợ chồng lấy nhau không đăng ký kết hôn. Các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên (Kom Tum, Đắc Lắc) cũng vậy" [18].
Khi tiến hành điều tra tại Nghệ An, thống kê cho thấy hơn 3.000 trường hợp không đăng ký kết hôn trong đó có tỷ lệ lớn là các cặp vợ chồng nhí chưa đến tuổi trưởng thành. Khi được hỏi về vấn đề đó, nhiều người đã trả lời: "Ta lấy vợ cho ta chứ có mần chi mô mà phải đăng ký. Thích thì ta lấy, còn không thì thôi". Thậm chí khi cán bộ hỏi về việc không may nhà nước có hỏi đến thì làm thế nào, họ đã rất vô tư trả lời: "Cái đó ta có hai gia đình lo cả rồi, chẳng cần đến chính quyền, mà như ta đây có mấy khi xảy ra chuyện đâu… Chính sách Nhà nước lo, không liên quan đến việc đăng ký kết hôn, nếu không được đi học, ở nhà giúp gia đình làm rẫy" [25].
Xuất phát từ việc làm không ý thức đó mà con số trẻ em ngoài giá thú tăng lên không chỉ ở vùng sâu, vùng xa mà ở ngay cả thủ đô. Theo báo cáo của Sở Tư pháp Hà Nội, trong vòng 3 năm từ 2005 đến 2007, con số đăng ký
khai sinh cho con có cha mẹ chưa đăng ký kết hôn hoặc không đủ điều kiện đăng ký kết hôn là 2968 trường hợp.
Bảng 3.1: Số lượng trẻ đăng ký khai sinh có cha mẹ chưa hoặc không đủ điều kiện đăng ký kết hôn tại Hà Nội
Năm 2005 2006 2007
Trong 2.968 trường hợp trẻ em đăng ký khai sinh tại Hà Nội bao gồm cả con trong giá thú nhưng cha mẹ không đăng ký kết hôn và con ngoài giá thú. Một phần tình trạng này là do cha mẹ của trẻ chung sống với nhau nhưng lại không đăng ký kết hôn, một phần do hiện nay xuất hiện những người phụ nữ sống độc thân, sinh con mà không lập gia đình… nên càng ngày tỷ lệ trẻ em khai sinh ngoài giá thú càng có chiều hướng gia tăng.
Có những địa phương việc không đăng ký kết hôn còn là vì họ phải cưới chạy vào năm đẹp nên vội vàng cưới ngay cả khi cô dâu chú rể chưa đến tuổi đăng ký kết hôn. Điển hình là ở Hưng Yên, "hiện tượng cưới "chạy" để kịp sinh con năm Đinh Hợi bất chấp việc vi phạm pháp luật về điều kiện kết hôn. Nhiều cặp vợ chồng đã "nợ"đăng ký kết hôn do các cô dâu, chú rể chưa đến tuổi nhưng vẫn kết hôn để kịp sinh con trong năm Đinh Hợi" [28].
Nhiều trường hợp khi kết hôn, cô dâu còn chưa đủ tuổi kết hôn, thậm chí có trường hợp mới 14, 15 tuổi. Sự thiếu hiểu biết, vô trách nhiệm của các bên đã khiến nhiều trường hợp dù là tự nguyện kết hôn những vẫn vi phạm pháp luật về Hôn nhân và gia đình, thậm chí phạm tội hình sự dẫn đến đi tù.
Ngày 20/10/2008, Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao Thành phố Hồ Chí Minh đã y án sơ thẩm bản án của Tòa án nhân dân tỉnh Bình Phước, xử 3 năm tù cho hưởng án treo đối với Nguyễn Kim Định, 26 tuổi, người xã Bù Nho, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước về tội "giao cấu với trẻ em". Người bị hại cũng đồng thời là vợ của Định và trước đây đã được tổ chức cưới hỏi đàng hoàng. Tuy nhiên vào thời điểm 2 bên cưới nhau, vợ của Định mới 16 tuổi. Quá trình chung sống, hai bên có mâu thuẫn và chính người vợ kiện người chồng vì kết hôn với trẻ vị thành niên [70].Trường hợp này hiện nay không phải là hiếm. Thực trạng đang cảnh báo các bạn nam lập gia đình phải chú ý đến tuổi tác người vợ, chú ý tuân thủ pháp luật nếu không hậu quả đáng tiếc sẽ xảy ra.
- Tình trạng nam nữ chung sống như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn.
Đây là hiện tượng đã và đang ngày càng có xu hướng tồn tại nhiều hơn ở Việt Nam. Trước đây, khi Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 chưa có hiệu lực thi hành thì hiện tượng này diễn ra phổ biến nhưng chủ yếu là tại các vùng miền núi, vùng sâu, xa…. Theo báo cáo tổng kết 8 năm thực hiện Luật Hôn nhân và gia đình năm 1986: ở các tỉnh miền núi tỷ lệ nam nữ chung sống như vợ chồng không đăng ký kết hôn rất cao "Lào Cai 90% các cặp vợ chồng dân tộc Dao và Hmông kết hôn không có đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền; Hà Tây, An Giang, Tiền Giang tỉ lệ chung sống không đăng ký kết hôn chiếm 50% số vụ kết hôn" [57]. Khi Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 có hiệu lực thi hành, việc hạn chế tình trạng trên cũng không đem lại kết quả như mong muốn. Theo báo cáo tổng kết năm 2007 của tỉnh Nghệ
An "tỷ lệ hôn nhân không có đăng ký chiếm 60% trong tổng số gia đình" [57].
Năm 2006, Sở Tư pháp Điện Biên rà soát 35.022 cặp hôn nhân thực tế, phát hiện 8.000 cặp không đăng ký kết hôn hoặc không đủ điều kiện đăng ký kết hôn theo
luật định…Cũng thời gian đó, thống kê tỷ lệ đăng ký kết hôn ở tỉnh Điện Biên là trên 81%, có huyện thấp đến mức ngạc nhiên, như Tuần Giáo 54,3 %; Mường Nhé 79,3% (hai xã Mường Toong và Chung Chải của Mường Nhé có trên 600 cặp chưa đăng ký kết hôn mà đã có vài mặt con với nhau) [20]. Gần đây nhất, theo điều tra quy mô lớn về gia đình Việt Nam thực hiện tại 64 tỉnh thành, vừa được công bố ngày 26/6, thì tỷ lệ các cặp vợ chồng không đăng ký kết hôn chiếm đến 28%.
Nghị định số 35/2000-QH10 và Nghị định số 77/2001/NĐ-CP quy
định rõ thủ tục đăng ký kết hôn đối với trường hợp nam nữ chung sống như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn. Nhưng trên thực tế khó thực hiện triệt để và đồng nhất. Ví dụ: Tiền Giang có gần 53.300 cặp vợ chồng chưa đăng ký kết hôn. Sở Tư pháp đã vận động nhiều năm mới có hơn 32.000 cặp vợ chồng đăng ký theo Luật định. Chỉ thị số 02/2003/CT-BTP ngày 14 tháng 7 năm 2003 của Bộ Tư pháp về việc đăng ký kết hôn cho các trường hợp sống chung như vợ chồng từ ngày 03/01/1987 đến 01/01/2001 đặt ra mục tiêu phải hoàn
thành việc đăng ký kết hôn cho các cặp nam nữ chung sống như vợ chồng không đăng ký kết hôn trên cả nước vào ngày 31/07/2004. Nhưng đến ngày 17/07/2004 theo rà soát của các địa phương trên cả nước có khoảng 300.000 cặp vợ chồng chung sống như vợ chồng không đăng ký thuộc diện "bắt buộc"
phải đăng ký. Theo báo cáo của các địa phương thì đến thời điểm tổng kết chỉ hoàn thành đăng ký kết hôn cho khoảng 70% số đối tượng đã rà soát, còn lại 30% đối tượng chưa đăng ký kết hôn trên thực tế. Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Định, Ninh Thuận, Tây Ninh, Long An... đạt 90% (cụ thể Bình Định có khoảng 26.721 cặp; Ninh Thuận có 10.016 cặp, Tây Ninh 1.220 cặp, Bình Phước 1.179 cặp....); Thừa Thiên - Huế, Nghệ An đạt khoảng 60%, Quảng Trị, Bình Thuận, Hà Tĩnh đạt khoảng 30%; Sơn La, Hà Giang chỉ đạt 5% [4].
Từ sau khi Luật Hôn nhân và gia đình có hiệu lực vào năm 2000, Nhà nước đã quy định, kể từ năm 2001, nam nữ sống chung với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn thì không được pháp luật công nhận là vợ chồng. Tuy nhiên, theo điều tra quy mô lớn đầu tiên về gia đình Việt Nam thực hiện tại 64 tỉnh thành (được công bố ngày 26/6/2008) thì tỷ lệ các cặp vợ chồng không đăng ký kết hôn chiếm 28%. Với những cặp có đăng ký kết hôn thì cũng gần 14% đăng ký sau khi cưới. Theo Báo cáo số 120/BC-UBND của tỉnh Quảng Nam ngày 20/10/2008 về kết quả thực hiện Hiệp định về quy chế biên giới Việt Nam - Lào và quan hệ hợp tác giữa hai tỉnh Quảng Nam - Sê Kông năm 2008 thì có 20 cặp vợ chồng Việt -Lào kết hôn không giá thú đang sinh sống tại khu vực biên giới tỉnh Quảng Nam [52]. Mặc dù số lượng kết hôn không đăng ký hiện nay không còn là nhiều nhưng ở những vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa… thì vẫn còn là phổ biến.
Bên cạnh đó, tình trạng sống chung như vợ chồng - "sống thử" đặc biệt ở những thành phố, tỉnh thành lớn, ở những thanh niên đang ngày càng nhiều. Nhiều sinh viên ra thành phố trọ học "góp gạo thổi cơm chung" đang trở thành một mốt, một chuyện "bình thường ở phố huyện". Dưới góc nhìn của nhiều nhà xã hội, văn hóa, chuyện "sống thử" này đang là một vấn đề có
nhiều ý kiến khác nhau. Tuy nhiên, theo ý kiến của Viện trưởng Viện Sức khỏe Sinh sản và Gia đình-Nguyễn Thị Hoài Đức -thì việc "sống thử" "chưa đăng ký kết hôn, chưa có sự ràng buộc về pháp luật, trách nhiệm thì người ta có thể dễ dàng bỏ nhau, hậu quả thì vô cùng nặng nề"…
- Tình trạng kết hôn do bị lừa dối, cưỡng ép hoặc vì mục đích xuất cảnh... còn tồn tại đặc biệt là hiện tượng "kết hôn giả" giữa anh em, chú cháu với mục đích xuất cảnh, nhập hộ khẩu nước ngoài diễn ra khá phổ biến ở nước ta nhất là trong giai đoạn hiện nay.
Chị Trần Thị Minh Thu kết hôn với chú ruột là Trần Quốc Trọng là người Anh gốc Việt. Chị Thu muốn xuất cảnh và nhập cảnh quốc tịch Anh, theo pháp luật Anh thì chị Thu phải kết hôn người quốc tịch Anh. Do vậy mà chị Thu "kết hôn giả" với chú ruột của mình để được nhập quốc tịch. Trường hợp này kết hôn đã vi phạm điều cấm của pháp luật. Tuy cuộc kết hôn này không vì mục đích chung sống lâu dài nhưng đã vi phạm điều cấm của Luật Hôn nhân và gia đình Việt Nam làm ảnh hưởng đến đạo đức và truyền thống hôn nhân gia đình Việt Nam ta. Do đó, khi bị phát hiện và có yêu cầu, Tòa án sẽ hủy việc kết hôn trái pháp luật, đồng thời tùy từng mức độ có thể bị xử phạt hành chính nhằm thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật.
Hiện nay, việc kết hôn giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài diễn ra ngày càng tăng. Trong "hai năm qua, có trên 31.800 phụ nữ Việt Nam kết hôn với người nước ngoài" (theo báo Hạnh phúc gia đình). Trong số đó, tuy không phải tất cả đều là các vụ "kết hôn giả" nhưng tình trạng "kết hôn giả"đi nước ngoài cũng không ít. Riêng ở các xã Phú Thuận, Phú Hải, thị trấn