1.3.1. Điều kiện kinh tế xã hội của địa phương
Tốc độ tăng trưởng kinh tế- xã hội của địa phương phản ánh khả năng tiêu dùng và đầu tư, vì vậy nếu tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, đời sống của người lao động dần được cải thiện; việc sản xuất, hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp được thuận lợi, người sử dụng lao động cũng sẵn sàng tham gia BHXH cho người lao động, từ đó làm giảm tình trạng trốn tránh tham gia BHXH. Xã hội phát triển,
kinh tế tăng cao và bền vững chứng tỏ nhiều người lao động có thu nhập cao thông qua quá trình lao động, sản xuất và là điều kiện đầu tiên để người lao động có cơ hội tham gia BHXH bắt buộc. Hơn nữa, khi đời sống kinh tế cao thì nhận thức của NLĐ cũng được nâng cao, ngoài những việc ý thức đảm bảo cuộc sống hàng ngày cho bản thân và gia đình, họ mong muốn có khoản BHXH khi không may gặp các rủi ro xã hội cũng như đảm bảo cuộc sống khi về già, khi: ốm đau, tai nạn lao động
- bệnh nghề nghiệp,tử tuất, thất nghiệp khiến cho họ bị mất hoặc bị giảm thu nhập của bản thân. Tất cả những yếu tố trên tác động làm tăng thu BHXH. Nền kinh tế suy thoái và một thị trường lao động không cân bằng với cung lớn hơn cầu cũng là một nguyên nhân. Khi số lượng công việc không nhiều, vì vị trí công việc đã có được, người lao động không thể bày tỏ thái độ phản ứng đối với hành vi vi phạm đóng góp BHXH. Nếu họ trình báo về người sử dụng lao động của mình thì họ có thể sẽ mất việc và trở thành thất nghiệp. Khả năng tìm kiếm việc làm của người lao động hạn chế càng dễ dàng cho người sử dụng lao động vi phạm tuân thủ đóng góp.
1.3.2. Nhân tố thuộc về cơ quan quản lý BHXH
- Ở các nước có tỷ lệ tuân thủ thấp, quy trình và thủ tục đăng ký BHXH, quy trình thu BHXH, cho đến quy trình xét hưởng chi trả BHXH bị đánh giá còn rườm rà, làm tăng chi phí tuân thủ cho các đối tượng tham gia. Bởi vậy, tâm lý của các đối tượng tham gia và cả người được hưởng không thoải mái, từ đó không muốn tham gia.
- Việc thanh tra kiểm tra BHXH chưa hiệu quả chưa kiểm soát hết lượng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc là nguyên nhân khác khiến cho tình trạng tuân thủ đóng góp BHXH kém. Một mặt có thể là do lực lượng thanh tra quá mỏng so với số lượng đối tượng tham gia nên không thể thực hiện thanh tra kiểm tra thường xuyên. Từ đó cơ quan BHXH không kiểm soát hết tình trạng vi phạm. Mặt khác có thể là do tư cách đạo đức của thanh tra viên. Họ có thể dễ dàng bị mua chuộc và thông đồng với người sử dụng lao động để vi phạm pháp luật.
- Trong quá trình quản lý đối tượng tham gia, nếu cơ quan BHXH không giữ mối quan hệ chặt chẽ với các tổ chức như công đoàn, cơ quan quản lý lao động, các
cơ quan liên quan đến việc cấp giấy phép hoạt động cho các doanh nghiệp,… thì mức độ tuân thủ đóng góp của các đối tượng này sẽ bị giảm đi.
- Trong mọi lĩnh vực, con người là yếu tố quyết định sự thành bại. Trong công tác quản lý thu BHXH, con người có năng lực, trình độ, khả năng tư duy và có đạo đức nghề nghiệp là yếu tố tác động chủ yếu đến hiệu quả của công tác thu BHXH. Chuyên viên quản lý thu Bảo hiểm xã hội hàng ngày phải xử lý các nghiệp vụ phát sinh trên phần mềm do đơn vị gửi đến, do đó đòi hỏi phải được tuyển chọn cẩn trọng, được đào tạo bài bản, được bố trí hợp lý và phải đảm bảo một số tiêu chuẩn sau:
+ Phải có kiến thức kinh tế và xã hội, nắm vững luật pháp (về Lao động, BHXH, BHYT...), nắm vững chuyên môn; chịu khó đi sâu, đi sát đơn vị; am hiểu lĩnh vực hoạt động kinh doanh, nắm chắc tình hình sử dụng lao động của doanh nghiệp trên địa bàn quản lý.
+ Phải có đạo đức, trung thực và trách nhiệm nghề nghiệp cao. + Giao tiếp tốt, có bản lĩnh.
1.3.3. Nhóm nhân tố thuộc về doanh nghiệp
Khả năng về tài chính của đối tượng tham gia BHXH có ảnh hưởng tới khả năng đóng BHXH. Môi trường kinh doanh của các doanh nghiệp cùng với các thay đổi trong chính sách phát triển kinh tế có ảnh hưởng không nhỏ đến khả năng của người SDLĐ trong việc tham gia BHXH đầy đủ cho NLĐ. Lạm phát cao và tình trạng căng thẳng tài chính của doanh nghiệp có thể làm cho họ có thêm động cơ trốn đóng.