II- HẠN CHẾ, YẾU KÉM
4. Thực hiện các đột phá chiến lược còn chậm; việc tạo nền tảng để đến năm 2020 đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo
đến năm 2020 đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại chưa đạt mục tiêu đề ra
Thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa vẫn chưa đồng bộ, đầy đủ để bảo đảm thị trường vận hành thông suốt, hiệu quả, chưa thực sự đáp ứng yêu cầu thúc đẩy nền kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập. Thị trường chưa là cơ sở, căn cứ để huy động và phân bổ các nguồn lực phát triển trong một số lĩnh vực. Nhiều quy định pháp luật, cơ chế, chính sách còn chồng chéo, thiếu chặt chẽ, chưa ổn định. Thực thi pháp luật chưa hiệu quả, chấp hành pháp luật có nơi chưa nghiêm, việc giám sát chưa chặt chẽ, chi phí tuân thủ pháp luật còn cao. Thiết chế pháp lý bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của doanh nghiệp trong kinh doanh yếu, tăng rủi ro cho doanh nghiệp. Pháp luật về sở hữu và quyền tài sản, bảo đảm quyền tự do kinh doanh còn hạn chế; hiệu quả giải quyết tranh chấp, xử lý vi phạm chưa cao. Một số thị trường chậm phát triển, vận hành còn nhiều vướng mắc, nhất là thị trường quyền sử dụng đất và thị trường khoa học, công nghệ.
Công tác cải cách hành chính trong một số lĩnh vực vẫn chưa thực chất; hiệu lực, hiệu quả của bộ máy hành chính và phân cấp, phân quyền cải thiện còn chậm; còn tình trạng đùn đẩy công việc, trách nhiệm… Thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh trên một số lĩnh vực còn chồng chéo, rườm rà,
phức tạp. Môi trường đầu tư kinh doanh chưa thực sự thông thoáng, an toàn, lành mạnh. Kết quả cải cách hành chính chưa đồng đều giữa các bộ, ngành, địa phương.
Chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao chưa đáp ứng yêu cầu phát triển. Hiệu quả giáo dục và đào tạo còn hạn chế, nặng về lý thuyết, nhẹ về thực hành, chưa quan tâm đúng mức các kỹ năng xã hội, kỹ năng sống, kỹ năng sáng tạo, khả năng tự học… Cơ cấu đào tạo chưa thực sự gắn với nhu cầu của thị trường và chưa đáp ứng kịp thời cho Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Nguồn nhân lực chất lượng cao tăng chậm, chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu của người sử dụng lao động; thiếu nhân lực chất lượng cao ở nhiều lĩnh vực, ngành nghề. Đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục có nơi còn thiếu, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển. Chưa gắn kết chặt chẽ, toàn diện giữa phát triển nguồn nhân lực với phát triển, ứng dụng khoa học, công nghệ.
Hệ thống kết cấu hạ tầng còn hạn chế, chưa theo kịp yêu cầu phát triển, chất lượng chưa cao, chưa bảo đảm tính đồng bộ, ảnh hưởng đến hiệu quả khai thác, vận hành. Kết cấu hạ tầng giao thông chưa đồng bộ, tính kết nối giữa các loại hình vận tải chưa cao. Đầu tư mới tập trung chủ yếu vào lĩnh vực đường bộ, chưa quan tâm đúng mức đến đường sắt, đường thuỷ. Đến năm 2020 có khoảng 1.400 km đường cao tốc, chưa đạt mục tiêu đề ra. Hạ tầng năng lượng còn thiếu tính đồng bộ, kết nối và truyền tải điện tại một số khu vực chưa đáp ứng yêu cầu, chưa có cơ chế để tư nhân tham gia đầu tư phát triển truyền tải điện; một số dự án điện quan trọng chậm tiến độ, việc phát triển năng lượng tái tạo và năng lượng thay thế còn bất cập. Việc đầu tư các công trình hạ tầng ứng phó với biến đổi khí hậu còn chậm. Hạ tầng công nghệ thông tin ở một số địa phương chưa đồng bộ, nhất là vùng sâu, vùng xa. Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quốc gia cho phát triển chính phủ điện tử triển khai chậm và bảo đảm an toàn an ninh thông tin chưa cao. Hạ tầng đô thị kém chất lượng, thiếu đồng bộ, chưa theo kịp sự gia tăng dân số và sự phát triển của đô thị. Hạ tầng cung cấp các dịch vụ xã hội cơ bản ở cả thành thị và nông thôn, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn thiếu và chất lượng chưa cao. Hạ tầng văn hoá, xã hội phát triển chưa đồng bộ; chất lượng, hiệu quả chưa cao.
Về tạo nền tảng đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại: Nhiều tiêu chí để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành
nước công nghiệp theo hướng hiện đại dự kiến không đạt, như GDP bình quân đầu người, giá trị gia tăng công nghiệp chế biến, chế tạo bình quân đầu người,
tỉ trọng nông nghiệp trong GDP, tỉ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội, tỉ lệ đô thị hoá, chỉ số phát triển con người, chỉ số bất bình đẳng thu nhập, tỉ lệ lao động qua đào tạo, tỉ lệ dân số sử dụng nước sạch...