Điều 41. Chế độ ăn, ở của người bị tạm giữ, người bị tạm giam
1. Người bị tạm giữ, người bị tạm giam được bảo đảm tiêu chuẩn định lượng về gạo, rau, thịt, cá, đường, muối, nước mắm, bột ngọt, chất đốt. Ngày lễ, tết theo quy định của pháp luật, người bị tạm giữ, người bị tạm giam được ăn thêm nhưng mức ăn không quá năm lần tiêu chuẩn ăn ngày thường.
Căn cứ yêu cầu bảo đảm sức khỏe của người bị tạm giữ, người bị tạm giam, Chính phủ quy định cụ thể định mức ăn phù hợp với điều kiện kinh tế, ngân sách và biến động giá cả thị trường. Thủ trưởng cơ sở giam, giữ có thể
quyết định hoán đổi định lượng ăn cho phù hợp với thực tế để bảo đảm cho người bị tạm giữ, người bị tạm giam ăn hết tiêu chuẩn.
2. Ngoài tiêu chuẩn ăn quy định tại khoản 1 Điều này, người bị tạm giữ, người bị tạm giam được sử dụng quà, tiền của mình để ăn thêm nhưng không được quá hai lần định lượng trong 01 tháng cho mỗi người bị tạm giữ, người bị tạm giam.
3. Người bị tạm giữ, người bị tạm giam được bảo đảm ăn, uống vệ sinh. Bếp ăn cho người bị tạm giữ, người bị tạm giam được cấp các dụng cụ cần thiết cho việc nấu ăn, đun nước uống và chia đồ ăn cho người bị tạm giữ, người bị tạm giam theo khẩu phần tiêu chuẩn.
4. Người bị tạm giữ ở trong buồng giữ, người bị tạm giam ở trong buồng tạm giam theo quy định tại các khoản 2, 3, 4 Điều 23 của Luật này. Chỗ nằm tối thiểu của mỗi người là 02 mét vuông (m2).
5. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.
Điều 42. Chế độ mặc và tư trang của người bị tạm giữ, người bị tạm giam
1. Người bị tạm giữ, người bị tạm giam được mượn quần áo, khăn mặt, chăn, chiếu, màn, dép để sử dụng trong thời gian bị tạm giữ, bị tạm giam. Người bị tạm giữ, người bị tạm giam là nữ được cấp thêm đồ dùng cần thiết cho vệ sinh của phụ nữ.
2. Người bị tạm giữ, người bị tạm giam phải mặc quần áo theo mẫu thống nhất do cơ sở giam, giữ cho mượn khi tham gia các hoạt động điều tra, truy tố, xét xử.
3. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.
Điều 43. Chế độ nhận thư, tiền, đồ vật của người bị tạm giữ, người bị tạm giam
1. Người bị tạm giữ, người bị tạm giam được nhận thư, tiền mặt, đồ vật, trừ đồ vật thuộc danh mục cấm. Đối với tiền mặt, người bị tạm giữ, người bị tạm giam phải gửi lưu ký ở cơ sở giam, giữ. Việc quản lý, sử dụng đồ vật, tiền mặt của người bị tạm giữ, người bị tạm giam được thực hiện theo quy định của Luật này.
2. Người bị tạm giữ, người bị tạm giam được nhận tiền mặt, đồ vật do thân nhân gửi hai lần trong 01 tháng. Cơ sở giam, giữ có trách nhiệm tiếp nhận tiền mặt, đồ vật mà thân nhân của người bị tạm giữ, người bị tạm giam gửi cho họ và bóc mở, kiểm tra và xử lý theo quy định của pháp luật. Người bị tạm giữ, người bị tạm giam chỉ được gửi và nhận thư khi được cơ quan đang thụ lý vụ án cho phép. Thư phải để mở và qua sự kiểm tra của Thủ trưởng cơ sở giam, giữ.
Điều 44. Chế độ khám, chữa bệnh đối với người bị tạm giữ, người bị tạm giam
1. Người bị tạm giữ, người bị tạm giam bị ốm đau, bệnh tật, thương tích được cán bộ y tế của cơ sở giam, giữ khám và điều trị.
2. Trường hợp người bị tạm giữ, người bị tạm giam bị ốm, bệnh tật, thương tích nặng vượt quá khả năng khám và điều trị của cán bộ y tế cơ sở giam, giữ thì Thủ trưởng cơ sở giam, giữ thông báo với cơ quan đang thụ lý vụ án, đồng thời làm các thủ tục chuyển họ đến cơ sở y tế ở ngoài để điều trị và tổ chức canh giữ họ. Chi phí khám và chữa bệnh do cơ sở giam, giữ thanh toán với cơ sở y tế đó.
3. Đối với người bị tạm giữ, người bị tạm giam nghi bị mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình thì Thủ trưởng cơ sở giam, giữ phải yêu cầu cơ quan đang thụ lý vụ án trưng cầu giám định pháp y tâm thần. Khi có quyết định áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh của cơ quan có thẩm quyền, cơ quan đang thụ lý vụ án phối hợp với cơ sở giam, giữ đưa người bị tạm giữ, người bị tạm giam đến cơ sở chữa bệnh.
4. Bộ Y tế và Bộ Công an, Bộ Quốc phòng tổ chức, hướng dẫn các cơ sở y tế thực hiện việc khám, chữa bệnh tại các cơ sở giam, giữ và tổ chức các phòng điều trị riêng tại các bệnh việc hoặc cơ sở y tế khác để tiếp nhận điều trị bệnh nhân là người bị tạm giữ, người bị tạm giam. Thủ trưởng cơ sở giam, giữ bố trí cán bộ, chiến sĩ quản lý chặt chẽ người bị tạm giữ, người bị tạm giam trong thời gian điều trị ở cơ sở y tế ở ngoài cơ sở giam, giữ.
Điều 45. Chế độ giải trí cho người bị tạm giữ, người bị tạm giam
1. Cơ sở giam, giữ được trang bị hệ thống truyền thanh. Trung bình 20 người bị giam, giữ được cấp một số báo Nhân dân hoặc báo địa phương. Thủ
trưởng cơ sở giam, giữ tổ chức cho người bị tạm giữ, người bị tạm giam nghe Đài phát thanh tiếng nói Việt Nam, Đài phát thanh hoặc truyền thanh địa phương, đọc báo Nhân dân hoặc báo địa phương. Nếu có điều kiện thì tổ chức cho người bị giam, giữ xem một số chương trình truyền hình Trung ương và địa phương.
2. Người nước ngoài bị tạm giữ, người bị tạm giam tại cơ sở giam, giữ được nhận sách, báo bằng tiếng nước họ mang quốc tịch khi được cơ quan thụ lý vụ án cho phép.
Điều 46. Chế độ thưởng, kỷ luật đối với người bị tạm giữ, người bị tạm giam
1. Người bị tạm giam chờ xét xử, chấp hành tốt nội quy cơ sở giam, giữ có thể được xét tăng gấp đôi số lần gặp gỡ thân nhân và tăng gấp đôi số lần được gửi và nhận thư, nhận quà.
2. Người bị tạm giữ có hành vi vi phạm nội quy, quy chế của cơ sở giam, giữ thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý bằng một trong các hình thức sau:
a) Cảnh cáo;
b) Phạt cùm chân. Thời gian phạt cùm chân do Thủ trưởng cơ sở giam, giữ quyết định nhưng không quá 03 ngày đối với mỗi lần phạt.
3. Người bị tạm giam có hành vi vi phạm nội quy, quy chế của cơ sở giam, giữ thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý bằng một trong các hình thức kỷ luật sau:
a) Cảnh cáo;
b) Phạt giam riêng ở buồng kỷ luật từ 03 đến 12 ngày. Người bị phạt giam ở buồng kỷ luật có thể bị cùm chân. Thời gian bị cùm chân do Thủ trưởng cơ sở giam, giữ quyết định, nhưng không quá 10 ngày.
4. Người bị tạm giữ, người bị tạm giam vi phạm nội quy nhiều lần thì có thể bị hạn chế gặp thân nhân, gửi và nhận thư, nhận quà; đang trong thời gian bị kỷ luật không được gửi và nhận thư, nhận quà, không được gặp thân nhân cho đến khi họ chấp hành tốt nội quy, quy chế cơ sở giam, giữ.
5. Việc thi hành kỷ luật đối với người bị tạm giữ, người bị tạm giam vi phạm nội quy, quy chế do Thủ trưởng cơ sở giam, giữ quyết định bằng văn bản. Quyết định phải ghi rõ lý do và hình thức kỷ luật. Biên bản về việc vi phạm và quyết định hình thức kỷ luật được đưa vào hồ sơ của người đó.
Điều 47. Chế độ ăn, ở đối với người đã có quyết định thi hành án đang chờ chuyển đến nơi chấp hành án phạt tù
Trong thời gian chờ chuyển đến nơi chấp hành án phạt tù, người bị kết án phạt tù đã có quyết định thi hành án được hưởng chế độ ăn, ở như đối với phạm nhân.
Điều 48. Chế độ đối với người bị tạm giữ, người bị tạm giam là người nước ngoài
Chế độ đối với người bị tạm giữ, người bị tạm giam là người nước ngoài được áp dụng theo quy định của Luật này, trừ trường hợp điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc tham gia có quy định khác.
Chương VII