COVID-19 khắc sâu mâu thuẫn giáo phái tại Trung Đông

Một phần của tài liệu BCA057 (Trang 30 - 33)

TTXVN (Cairo) - Theo phóng viên TTXVN tại Cairo, chủng mới của virus Corona (SARS-CoV-2) gây ra đại dịch viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) đang lan rộng trên khắp Trung Đông, tạo ra những sức ép to lớn đối với dịch vụ y tế công cộng và làm trầm

trọng thêm những căng thẳng giữa hai dòng Hồi giáo trong khu vực. Ban đầu, hầu hết các trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 ở khu vực này đều có nguồn gốc từ thành phố linh thiêng Qom ở Iran, nơi nổi tiếng với những tín đồ Hồi giáo dòng Shi’ite và thu hút những người hành hương sùng đạo từ khắp nơi trên thế giới.

Giới chức Iran đã đặt ra một số giả thuyết về nguyên nhân vì sao virus SARS-CoV- 2 xuất hiện tại thành phố Qom. Họ cho rằng dịch bệnh bắt nguồn từ nhóm sinh viên Hồi giáo Trung Quốc tham dự các cuộc hội thảo tôn giáo ở thành phố này hoặc từ những công nhân Trung Quốc đang xây dựng tuyến đường sắt cao tốc. Tuy nhiên, không thể phủ nhận thực tế là một khi dịch bệnh COVID-19 xâm nhập vào Qom, dịch bệnh đã lây lan nhanh chóng tại thành phố có khoảng 1,2 triệu dân này. Chính phủ Iran công bố về 2 trường hợp tử vong do mắc COVID-19 tại Qom ngày 19/2 vừa qua, đánh dấu lần đầu tiên họ thừa nhận virus SARS-CoV-2 đã xuất hiện ở nước này. Đến ngày 27/2 vừa qua, các trường hợp mắc COVID-19 được ghi nhận tại 24/31 tỉnh, thành của Iran. Cho đến nay, Iran đã ghi nhận hơn 27.000 ca mắc COVID-19 và hơn 2.000 trường hợp tử vong, trong đó có cả quan chức chính phủ. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã cảnh báo số người mắc COVID-19 thực sự ở Iran có thể cao hơn nhiều so với dữ liệu chính thức.

Theo bài bình luận trên tạp chí Foreign Affairs, Chính quyền của Tổng thống Iran Hassan Rouhani đã chậm chạp trong công tác ứng phó với COVID-19, khước từ những lời kêu gọi kiểm dịch trên diện rộng và hạn chế đi lại, đồng thời hạ thấp quy mô của cuộc khủng hoảng do dịch bệnh gây ra. Sau nhiều tuần do dự, ngày 16/3 vừa qua, Tổng thống Rouhani đã ra lệnh đóng cửa nhiều đền thờ Hồi giáo quan trọng trên cả nước. Đây được coi là quyết định chưa từng có tiền lệ ở Iran, nơi các đền thờ thường được mở cửa 24 giờ/ngày. Tuy nhiên, quyết định này đã vấp phải sự phản đối dữ dội từ các giáo sĩ Hồi giáo và những người Iran bảo thủ. Mỗi năm, hàng triệu người hành hương dòng Hồi giáo Shi’ite từ khắp nơi trên thế giới đều đến thăm các đền thờ ở Iran, Iraq và Syria. Trong những ngày đầu của COVID-19, các ngôi đền này đã trở thành những ổ dịch lớn, lây nhiễm trong chính những người hành hương, đặc biệt là những người có bệnh nền hoặc người già, sau đó lây lan ra khắp khu vực.

Ngày 21/2 vừa qua, Liban xác nhận trường hợp đầu tiên mắc COVID-19 là một phụ nữ 45 tuổi trở về từ thành phố Qom. Ngày 24/2, các chính phủ Iraq, Bahrain, Oman và Kuwait công bố các trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 đầu tiên. Đến ngày 2/3 vừa qua, Qatar và Saudi Arabia cũng đã ghi nhận các trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 mới. Một điểm chung là các ca nhiễm SARS-CoV-2 ở 6 quốc gia này đều quay trở về nước từ Iran.

Mặc dù COVID-19 khởi phát từ Trung Quốc nhưng cách Iran xử lý sự bùng phát của dịch bệnh này khiến nước Cộng hòa Hồi giáo nhanh chóng trở thành mục tiêu của sự chỉ trích. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tuyên bố Washington quan ngại sâu sắc trước những báo cáo cho rằng Iran đang che giấu thông tin về tỉ lệ lây nhiễm SARS-CoV-2 trong nước. Trong khi đó, Tướng Kenneth McKenzie, Tư lệnh Bộ Chỉ huy Trung tâm Mỹ, cảnh báo sự bùng phát của COVID-19 có thể khiến Tehran trở nên nguy hiểm hơn trước. Các nước láng giềng Iran cũng nhanh chóng đổ lỗi cho nước Cộng hòa Hồi giáo này. Bộ

trưởng Nội vụ Bahrain, Tướng Rashid bin Abdullah al-Khalifa, cáo buộc Iran có hành vi "tấn công sinh học" khi che đậy sự bùng phát của dịch bệnh và không đóng dấu hộ chiếu của du khách Bahrain khi trở về nước. Trên tài khoản Twitter chính thức của Bộ Ngoại giao Saudi Arabia, họ lên án Iran đã gây ra mối đe dọa sức khỏe nguy hiểm đối với con người. Trong khi đó, truyền thông Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất (UAE) đổ lỗi rằng tất cả các trường hợp mắc COVID-19 trong khu vực đều có liên quan đến Iran, cho dù thực tế ca nhiễm SARS-CoV-2 đầu tiên ở UAE là một du khách Trung Quốc đến từ Vũ Hán.

Những năm gần đây, Saudi Arabia và Bahrain đã thực hiện các hành vi trấn áp mạnh mẽ nhằm vào những nhà bất đồng chính kiến theo dòng Hồi giáo Shi'ite, vốn luôn bị kỳ thị và bị coi là "vết nhơ" trong cộng đồng Hồi giáo Sunni, đồng thời bị nghi ngờ là trung thành với Iran. Cuộc khủng hoảng COVID-19 dường như càng làm khắc sâu định kiến và phân biệt đối xử chống dòng Hồi giáo Shi'ite. Sau khi các trường hợp mắc COVID-19 đầu tiên ở Saudi Arabia được phát hiện ở miền Đông Qatif, nơi có đa số người theo dòng Hồi giáo Shi’ite, khu vực này ngay lập tức bị kiểm dịch, đồng thời Bộ Y tế Saudi Arabia kêu gọi những người đã tới Iran nhanh chóng khai báo với chính quyền. Hàng chục người Saudi Arabia đã đáp lại yêu cầu của Bộ Y tế, thừa nhận họ đã đến Iran. Sau khi các trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 tại Saudi Arabia gia tăng, không ít người dân đã lên mạng xã hội gọi những người vừa trở về từ Iran là phản quốc và đòi xử tử những người này. Trong khi đó, Bahrain bắt đầu sử dụng cuộc khủng hoảng COVID-19 như một cái cớ để theo dõi các phong trào của cộng đồng Shi’ite cũng như yêu cầu những người trở về từ Iran nhanh chóng liên lạc với đường dây nóng.

Tại Liban, quốc gia vốn đã chìm trong khủng hoảng chính trị và kinh tế, COVID-19 càng làm trầm trọng thêm những căng thẳng chính trị và giáo phái. Lực lượng chính trị và quân sự mạnh nhất của nước này là phong trào Hezbollah có mối quan hệ chặt chẽ với Iran. Sự hỗ trợ của Iran dành cho Hezbollah đang bị chỉ trích gay gắt và các đảng phái đối thủ đã chính trị hóa COVID-19, sử dụng đại dịch này như một cái cớ để chỉ trích ảnh hưởng của Iran ở Liban. Bộ trưởng Y tế Liban đã công khai ủng hộ phong trào Hezbollah trong bối cảnh xuất hiện các cuộc biểu tình chống chính phủ trong thời gian vừa qua. Nhiều người Liban lo ngại quy mô của đại dịch COVID-19 lớn hơn nhiều so với những gì Chính phủ Liban thừa nhận.

Mối quan hệ kinh tế và quân sự của Iran còn được thể hiện rõ ở Yemen và Syria. Sau nhiều năm chiến tranh tàn phá, nếu COVID-19 bùng phát ở những nước này thì điều đó thực sự sẽ trở thành thảm họa. Từ khía cạnh an ninh và nhân đạo, cuộc khủng hoảng do COVID-19 sẽ biến chuyển những mâu thuẫn giáo phái tại Trung Đông trở nên phức tạp hơn nữa./.

Một phần của tài liệu BCA057 (Trang 30 - 33)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(33 trang)
w