- Đánh giá về quản lý, sử dụng Quỹ:
8. Về bảo vệ quyền lợi của người sử dụng dịch vụ viễn thông
a) Trong thời gian vừa qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã triển khai thực hiện việc quy định rõ các nội dung đăng ký, lưu giữ và sử dụng thông tin thuê bao. Doanh nghiệp viễn thông có trách nhiệm xây dựng hệ thống kỹ thuật, cơ sở dữ liệu để thu thập, lưu giữ, quản lý thông tin thuê bao theo quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông và cung cấp thông tin thuê bao và kết nối cơ sở dữ liệu thông tin thuê bao theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền. Thông tin thuê bao chỉ được sử dụng cho các mục đích: (i) Phục vụ công tác bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội; (ii) Phục vụ công tác quản lý nhà nước về viễn thông; (iii) Phục vụ hoạt động quản lý nghiệp vụ, khai thác mạng và cung cấp dịch vụ viễn thông của doanh nghiệp viễn thông,….
Bộ Thông tin và Truyền thông đã tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định số 49/2017/NĐ-CP sửa đổi bổ sung Nghị định số 25/2011/NĐ-CP trong đó:
- Quy định rõ việc giao kết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung chỉ được thực hiện tại các điểm cung cấp dịch vụ viễn thông gồm các điểm lưu động/cố định của doanh nghiệp viễn thông, điểm cung cấp dịch vụ viễn thông ủy quyền.
- Quy định quy trình đăng ký thông tin thuê bao, cung cấp dịch vụ viễn thông (CCDVVT): Điểm CCDVVT nhận giấy tờ, thu thập thông tin thuê bao (TTTB) (chụp ảnh chân dung người đến giao dịch, nhập liệu số giấy tờ,…) vào cơ sở dữ liệu (CSDL) tập trung của doanh nghiệp viễn thông; Điểm CCDVVT giao SIM cho khách hàng; Doanh nghiệp viễn thông (DNVT) kiểm tra thông tin thuê bao, nếu đáp ứng đúng, đủ theo quy định thì mới kích hoạt dịch vụ.
- Bổ sung các chế tài xử lý với các vi phạm trong hoạt động đăng ký, quản lý thông tin thuê bao.
Trong quá trình triển khai Nghị định 49/2017/NĐ-CP cũng như các văn bản chỉ đạo, điều hành của Chính phủ; Bộ Thông tin và Truyền thông đã chỉ đạo các cơ quan chuyên ngành (Thanh tra Bộ, Cục Viễn thông, các Sở TTTT…) tiến hành thanh kiểm tra, đôn đốc các doanh nghiệp viễn thông triển khai nhiều biện pháp xử lý tình trạng SIM kích hoạt sẵn. Các kết quả đạt được trong công tác xử lý SIM rác đã được Ủy ban Khoa học công nghệ và Môi trường của Quốc hội ghi nhận.
b) Triển khai dịch vụ MNP để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng: Để thúc đẩy cạnh tranh và bảo đảm quyền lợi người sử dụng dịch vụ thông tin di động, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành cơ chế chính sách về dịch vụ chuyển mạng giữ nguyên số (Thông tư số 35/2017/TT-BTTTT ngày 23/11/2017 quy định về việc chuyển mạng viễn thông di động mặt đất giữ nguyên số). Dịch vụ chuyển mạng giữ nguyên số thuê bao (MNP) được ra mắt tại Việt Nam từ giữa tháng 11/2018. Sau 2 năm triển khai dịch vụ chuyển mạng giữ nguyên số tại Việt Nam, hơn 2,7 triệu thuê bao đăng ký, gần 2 triệu thuê bao đã chuyển mạng; Tỷ lệ chuyển mạng thành công đạt gần 93%. Tình trạng nhà mạng ngăn cấm thuê bao chuyển mạng đã bị xử lý và giảm đi triệt để. Việc đưa vào vận hành dịch vụ chuyển mạng giữ nguyên số thuê bao cũng tạo ra môi trường cạnh tranh, từ đó thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp viễn thông. Nhờ vậy, người dùng di động được hưởng lợi bởi chất lượng dịch vụ được nâng cao, giá cước giảm và xuất hiện thêm nhiều tiện tích mới.
c) Doanh nghiệp viễn thông chỉ được ngừng kinh doanh một phần hoặc toàn bộ dịch vụ viễn thông nếu đáp ứng bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người sử dụng dịch vụ viễn thông theo hợp đồng sử dụng dịch vụ viễn thông đã giao kết.
Trường hợp ngừng kinh doanh dịch vụ nhưng không chấm dứt hoạt động phải bảo đảm cung cấp cho người sử dụng dịch vụ viễn thông các dịch vụ viễn thông thay thế, hoặc chuyển người sử dụng dịch vụ sang sử dụng dịch vụ viễn thông tương ứng của doanh nghiệp viễn thông khác, hoặc thỏa thuận bồi thường cho người sử dụng dịch vụ. Trường hợp ngừng kinh doanh dịch vụ do chấm dứt hoạt động, trong phương án tổ chức lại hoặc phương án phá sản, giải thể doanh nghiệp phải có biện pháp bảo đảm tiếp tục duy trì việc cung cấp dịch vụ viễn thông cho người sử dụng.
Hiện nay, Cục Viễn thông và Cục Tin học hóa đang phối hợp làm việc với Cục Cảnh sát đăng ký, quản lý cư trú và dữ liệu quốc gia về dân cư – Bộ Công an để lên kế hoạch kết nối vào cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ công tác đảm bảo độ chính xác của thông tin thuê bao.
Việc thực thi các quy định nêu trên đã giúp bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng dịch vụ viễn thông và thuê bao viễn thông, giúp nâng cao trách nhiệm của doanh nghiệp khi hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực viễn thông và góp phần ổn định kinh tế - xã hội.