QUẢN LÝ CÔNG TÁC AN TOÀN MỎ LỘ THIÊN

Một phần của tài liệu QCVN 04 2009-BCT (Trang 97 - 100)

Điều 100. Tổ chức quản lý công tác an toàn mỏ

Để công tác an toàn mỏ hoạt động có hiệu quả, đảm bảo theo đúng quy định văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, các đơn vị xây dựng và hoạt động khai thác, các mỏ lộ thiên phải thực hiện công việc chính như sau:

1. Thành lập bộ phận kỹ thuật an toàn mỏ và giao cho cán bộ chuyên trách công tác an toàn dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Giám đốc điều hành mỏ; chức năng, nhiệm vụ công tác an toàn do Giám đốc mỏ phân công.

2. Xây dựng nội quy, quy chế quản lý công tác an toàn và bảo hộ lao động. 3. Xây dựng quy trình, biện pháp an toàn, vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ, phòng chống bão lụt, chống sét và quản lý theo dõi việc kiểm định, cấp giấy phép sử dụng đối với các đối tượng có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động.

4. Xây dựng kế hoạch an toàn - bảo hộ lao động hàng năm và phối hợp đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện trong toàn mỏ.

5. Phổ biến các chế độ, chính sách, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật an toàn và vệ sinh lao động của Nhà nước hiện hành; các nội quy, quy chế về an toàn - bảo hộ lao động của ngành, của mỏ đến người lao động.

6. Tổ chức các hoạt động tuyên truyền về công tác an toàn, vệ sinh lao động và theo dõi, giám sát việc thực hiện.

7. Tổ chức huấn luyện định kỳ về công tác an toàn - bảo hộ lao động cho người lao động.

Hướng dẫn an toàn cho khách đến thăm quan, thực tập và làm việc tại mỏ. 8. Tổ chức đo đạc quan trắc các yếu tố độc hại trong môi trường lao động, theo dõi tình hình bệnh tật, tai nạn lao động, đề xuất với chủ mỏ các biện pháp quản lý, chăm sóc bảo vệ sức khoẻ, an toàn cho người lao động.

9. Tổ chức điều tra và thống kê các vụ tai nạn lao động, sự cố xảy ra ở mỏ; phối hợp các bộ phận liên quan đề xuất các giải pháp khắc phục.

10. Kiểm tra việc chấp hành các chế độ, quy định về bảo hộ lao động; tiêu chuẩn kỹ thuật an toàn, vệ sinh lao động trong phạm vi của mỏ và đề xuất các biện pháp khắc phục.

11. Tổng hợp và báo cáo với chủ mỏ giải quyết kịp thời các kiến nghị hoặc đề xuất về công tác an toàn- bảo hộ lao động của mỏ; và các kết luận, kiến nghị của các đoàn thanh kiểm tra.

Điều 101. Kiểm tra về an toàn - bảo hộ lao động

Trong quá trình sản xuất, các đơn vị hoạt động khai thác mỏ lộ thiên phải tổ chức định kỳ (hoặc đột xuất) kiểm tra công tác an toàn-bảo hộ lao động theo quy định hiện hành nhằm phát hiện kịp thời các thiếu sót về công tác an toàn, vệ sinh lao động và những biện pháp khắc phục, xử lý sai phạm .

Điều 102. Thống kê, báo cáo sự cố - tai nạn lao động.

1. Các vụ tai nạn lao động, sự cố đều phải được thống kê và báo cáo lên cấp trên theo quy định của pháp luật và các văn bản quy phạm pháp quy hiện hành (Thông tư liên tịch số 14/2005/TTLT-BLĐTBXH-BYT-TLĐLĐVN ngày 08 tháng 03 năm 2005 hướng dẫn về thống kê báo cáo tai nạn lao động).

2. Những vụ tai nạn lao động chết người, tai nạn nặng, sự cố nghiêm trọng đều phải được điều tra xác định nguyên nhân, đề ra biện pháp phòng ngừa tai nạn lao động tái diễn, xác định sai phạm của những người có liên quan và xử lý nghiêm người có sai phạm (Thông tư liên tịch số 14/2005/TTLT-BLĐTBXH-BYT-TLĐLĐVN ngày 08 tháng 03 năm 2005 ).

Điều 103. Công tác nghiên cứu khoa học, áp dụng kỹ thuật an toàn.

1. Để đảm bảo an toàn cho người, thiết bị và bảo vệ môi trường không được mua, nhập hoặc chuyển giao công nghệ, thiết bị quá cũ, lạc hậu hoặc có nguy cơ không đảm bảo an toàn và gây ô nhiễm môi trường đối với mỏ trong quá trình khai thác, vận chuyển hoặc chế biến khoáng sản.

2. Công tác nghiên cứu khoa học, áp dụng kỹ thuật an toàn, được hiểu bao gồm: Đề tài nghiên cứu khoa học và công nghệ, dự án sản xuất thực nghiệm, chuyển giao công nghệ, áp dụng tiến bộ kỹ thuật, xây dựng biên soạn tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật an toàn, quy trình kỹ thuật,...;

Các mỏ và các đơn vị hoạt động khai thác khoáng sản cần phải tiến hành nghiên cứu khoa học, đầu tư các dự án chuyển giao công nghệ, áp dụng tiến bộ kỹ thuật an toàn mới để nâng cao chất lượng sản phẩm, hiệu quả sản xuất kinh doanh và bảo đảm an toàn lao động.

3. Những đề tài nghiên cứu khoa học, dự án sản xuất thực nghiệm, chuyển giao công nghệ, áp dụng tiến bộ kỹ thuật an toàn thuộc lĩnh vực trọng điểm, ưu tiên được xem xét và hỗ trợ sử dụng nguồn vốn Ngân sách Nhà nước hoặc vốn Nghiên cứu khoa học công nghệ tập trung của Ngành chủ quan (Tập đoàn hoặc Tổng công ty,..) thì phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

4. Kế hoạch nghiên cứu khoa học, áp dụng tiến bộ kỹ thuật an toàn của mỏ hàng năm hoặc dài hạn (nhiều năm) phải do các bộ phận quản lý kỹ thuật an toàn mỏ, phối hợp các bộ phận liên quan xây dựng, đề xuất và phải được Giám đốc mỏ phê duyệt;

5. Các nội dung chủ yếu của kế hoạch nghiên cứu khoa học, áp dụng tiến bộ kỹ thuật bao gồm:

a) Nghiên cứu khoa học, dự án sản xuất thực nghiệm, chuyển giao công nghệ kỹ thuật an toàn của mỏ; Trong những nội dung nghiên cứu, dự án phải phân ra phần của mỏ tự làm, phần hợp tác các cơ quan thực hiện và phần tư vấn của cơ quan trong và ngoài nước;

b) Kế hoạch áp dụng công nghệ, tiến bộ khoa học kỹ thuật mới hoặc triển khai ứng dụng các kết quả nghiên cứu;

c) Kế hoạch xây dựng biên soạn các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật an toàn, định mức, quy trình kỹ thuật liên quan công tác kỹ thuật an toàn của mỏ;

d) Kế hoạch hướng dẫn, tuyên truyền, tập huấn và các biện pháp kỹ thuật an toàn cần thiết mỏ phải đưa vào áp dụng nhằm mang lại hiệu quả kinh tế - kỹ thuật và đảm bảo an toàn.

6. Công tác lập kế hoạch nghiên cứu khoa học, áp dụng tiến bộ kỹ thuật an toàn của mỏ (tại khoản 5 của Điều 103 của Quy chuẩn này) và công việc triển khai thực hiện các nội dung nghiên cứu khoa học được thực hiện theo hướng dẫn qui định của Luật Khoa học và Công nghệ và các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành.

7. Khi kết thúc đề tài nghiên cứu khoa học, dự án sản xuất thực nghiệm, chuyển giao công nghệ, áp dụng tiến bộ kỹ thuật an toàn và xây dựng biên soạn tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy trình kỹ thuật an toàn,..Mỏ phải tiến hành tổ chức đánh giá, nghiệm thu kết quả của các đề tài, dự án và đặc biệt khuyến khích, ưu tiên, chú trọng đến lĩnh vực tăng cường mức độ an toàn cho người, thiết bị và bảo vệ môi trường của mỏ.

Chương XII TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 104. Các đối tượng được quy định tại khoản 2 Điều 1 và các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức, cá nhân có liên quan phải thực hiện nghiêm chỉnh theo đúng các quy định của Quy chuẩn này.

Điều 105. Trong quá trình thực hiện nếu có vấn đề vướng mắc, các cơ quan, tổ chức, cá nhân kịp thời phản ảnh về Bộ Công Thương để nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung.

Điều 106. Trong trường hợp các văn bản, quy phạm pháp luật viện dẫn trong Quy chuẩn này có sự thay đổi, bổ sung hoặc thay thế thì việc thực hiện phải theo quy định của văn bản, quy phạm pháp luật hiện hành.

Điều 107. Tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định của Quy chuẩn này, tuỳ theo tính chất, mức độ và hậu quả do các hành vi vi phạm gây ra sẽ bị xử lý, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bồi thường, truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật hiện hành./.

Một phần của tài liệu QCVN 04 2009-BCT (Trang 97 - 100)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(103 trang)
w