Hình hay Phương Mỹ Chi, Thiện Nhân và chuyện “cắt lúa non”.

Một phần của tài liệu Tiểu luận bình luận cuối kỳ chọn khảo sát các bài bình luận xuất hiện trên tuần việt nam của báo điện tử vietnamnet (Trang 25 - 28)

II- Còn với cộng đồng xã hội VN, đang có một quyền “không thể im lặng”-

hình hay Phương Mỹ Chi, Thiện Nhân và chuyện “cắt lúa non”.

Phương Mỹ Chi, Thiện Nhân và chuyện 'cắt lúa non'

Sự nâng niu và vun trồng các tài năng nghệ thuật nhí rất quan trọng để trong tương lai, VN có những nghệ sĩ tài năng trưởng thành.

Khi các cuộc thi tài năng kết thúc cũng là lúc các quán quân tí hon đứng trước hào quang của việc gia nhập Showbiz. Những em bé vô danh, hồn nhiên ngày nào bỗng trở thành "ngôi sao" và có thu nhập cao bất ngờ.

Hàng loạt các công ty, bầu sô sẽ lao vào đặt vấn đề ký hợp đồng quản lý hoạt động của các em. Tuy nhiên vấn đề đặt ra là những tài năng nhí này rồi sẽ được vun trồng hay "cắt lúa non"?

Băn khoăn vì cuộc "đổi đời"

Phương Mỹ Chi, Quang Anh, Thiện Nhân, Ngọc Duy... là những cái tên đang trở thành quen thuộc. Không ít bé trong số các ngôi sao nhí này có gia cảnh khó khăn, thu nhập thất thường. Chính vì vậy, giải thưởng, tiền chạy show, quà cáp do sự ưu ái của các ca sĩ nhận là huấn luyện viên, từ fan hâm mộ của các bé bỗng trở thành cơ hội đổi đời.

Ví như gia đình cô bé bán chè Phương Mỹ Chi sau khi đăng quang có thể thêm tiền mua nhà mới, mẹ cô bỏ luôn cả gánh chè để đi theo phục vụ con. Lịch chạy show của Phương Mỹ Chi, mặc dù được coi là chỉ nhận vào cuối tuần nhưng cũng đều đều, từ HN, ra TPHCM, đi tỉnh, thậm chí có cả những chuyến xuất ngoại.

Dù muốn hay không, Phương Mỹ Chi cũng vẫn là một "tấm gương" có thể tác động ít nhiều đến gia đình những tài năng nhí khác. Ngay sau khi đăng quang, từ một làng quê nghèo ở Bình Định, Thiện Nhân cũng lập tức được gia đình đưa vào Sài Gòn, chuẩn bị cho một tương lai mới.

Ánh hào quang và tiền bạc của showbiz thực sự có sức hấp dẫn mạnh. Để kiếm tiền, những tài năng nhí có thể được mời đi biểu diễn từ sân khấu lớn cho chí phòng trà, đám cưới, v.v...

Bởi vậy, trên các diễn đàn mạng vẫn đang có cuộc tranh cãi xung quanh câu chuyện này. Một phía quan điểm cho rằng các ngôi sao nhí ngay sau khi đăng quang cần tích cực chạy show kiếm tiền cho gia đình và bản thân, vì cơ hội kiếm tiền thì hiếm, học hành là chuyện cả đời. Bên còn lại cho rằng cần chăm sóc các em cẩn thận để trở thành tài năng bền vững thay vì lao vào kiếm đồng tiền trước mắt.

Hai tài năng nhí Phương Mỹ Chi và Thiện Nhân

Nhớ lại năm 1960, thế giới lên cơn sốt vì giọng hát thần đồng của Robetino, ca sĩ nhí người Italia. Cậu bé 13 tuổi con nhà nghèo này được phát hiện bởi ông bầu Volmer Sorensen. Cậu được đưa sang Đan Mạch, quê hương của ông bầu và hát trên truyền hình, rồi ký hàng loạt các hợp đồng ghi âm, quay phim, chụp ảnh.

Chỉ trong vài tháng, cả thế giới biết tên của cậu bé và cậu đi lưu diễn khắp châu Âu, xuất hiện cùng với các ca sĩ hàng đầu thế giới... Nhưng chỉ một năm sau, 14 tuổi, do biểu diễn không ngừng, hát hết sức lực, kiếm được nhiều tiền hơn bao giờ hết nên Robertino đã vĩnh viễn mất đi giọng Tenor trong trẻo, dễ thương. Cậu phải phẫu thuật và về nước....

Sự biến mất của giọng hát tuyệt vời ấy khiến nhiều nhà quản lý âm nhạc trên thế giới sau này cảnh giác trước hành động "cắt lúa non". Nhiều người quyết tâm đầu tư lâu dài hơn cho các tài năng nhí và gạt bỏ tiền bạc ra khỏi mối quan tâm của các em.

Chẳng hạn, Libera là dàn đồng ca nhí với các em từ 7-16 tuổi tại London cực kỳ nổi tiếng. Nhà quản lý của dàn đồng ca này là một tổ chức có sứ mệnh đào tạo các ca sĩ sau khi tìm kiếm các tài năng từ tuổi nhỏ. Và những thành viên của tổ chức này lại chủ yếu là cha mẹ của các em. Họ đồng lòng với việc Libera hoạt động phi lợi nhuận.

Chính vì vậy, Libera vẫn đảm bảo rằng 40 thành viên của mình không gián đoạn trong học hành, đồng thời vẫn phát huy tài năng. Dàn đồng ca này được mời tham gia vào những chương trình âm nhạc lớn của thế giới và cho ra những Album tuyệt hay. Khi trưởng thành, những thành viên xuất sắc nhất có thể tiếp tục con đường thành ca sĩ chuyên nghiệp. Số còn lại thì đi học và trở thành những người bình thường, các ca sĩ nghiệp dư.

Ngay tại Việt Nam, sử dụng mô hình ca hát phi lợi nhuận và tập trung phát triển tài năng này, có giáo sư Nguyễn Lân Tuất với Đội Sơn Ca Hà Nội đã từng vang danh một thời. Thành lập năm 1957, nhóm có các ca sĩ nhí nữ là Diệu Thúy, Kim Oanh, Bích Liên, Anh Đào, Lê Trâm, Thúy Mai, Vũ Dậu và Thanh Huyền. Sau này hầu hết trong số họ đã trở thành trụ cột của nền tân nhạc VN như thạc sĩ Diệu Thúy, chủ nhiệm khoa thanh nhạc, Nhạc viện Hà Nội, NSND Thanh Huyền, nghệ sĩ ưu tú Bích Liên, Vũ Dậu, v.v...

Nghệ thuật thị trường cũng cần đào tạo bài bản, đầu tư lâu dài

Hwang Min Woo, cậu bé thường được gọi là tiểu Psy chính là ngôi sao nhí mà công ty JM Entertainment phát hiện ra từ một kỳ thi tài năng. Sau đó, cậu và các ngôi sao nhí khác được công ty này đưa vào đào tạo. Theo ông Lee Jung Min, quản lý của tiểu Psy: Các em sống trong một ký túc xá, học hành và tuân thủ chương trình đào tạo với nhiều loại hình nghệ thuật để giúp bộc lộ thiên hướng. Ngày nào các em cũng phải dành ra từ 3-4 giờ để học hát và nhảy.

Để phát triển lâu dài, tiểu Psy được công ty lên kế hoạch phát triển tỉ mỉ. Như các sao nhí Kbiz khác, em cũng có cả một ekip xây dựng chiến lược, phát triển hình ảnh, lo quảng cáo, truyền thông và tìm hiểu thị trường nước ngoài. Tất cả chi phí do công ty chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, nếu sau 3-4 năm, căn cứ vào sự phát triển của từng sao nhí mà công ty sẽ quyết định đào tạo các em trở thành nghệ sĩ chuyên nghiệp hay dừng lại.

Cách làm khá phổ biến này tại Hàn Quốc, cho thấy muốn làm nghệ thuật thị trường cũng cần phải đầu tư và đào tạo bài bản, nhất là với các ngôi sao nhí, có môi trường xung quanh chứa đựng nhiều hấp dẫn và cả rủi ro.

Trong khi Việt Nam còn thiếu những công ty quản lý nghệ thuật bài bản như vậy, thì sự rực rỡ lâu dài hay vụt tắt của từng ngôi sao vẫn do gia đình của từng bé quyết định phần lớn. Việc Quang Anh đã được gia đình quyết định cho ôn thi và thi đậu vào Nhạc viện quốc gia mới đây đã chứng tỏ tầm nhìn trong việc chăm sóc tài năng bền vững và lâu dài. Ngọc Duy, Tri Giao và Hữu Đại đã được cha mẹ cho theo học tại trường nhạc của Thanh Bùi.

Sự nâng niu và vun trồng các tài năng nghệ thuật nhí này rất quan trọng để trong tương lai, VN có những nghệ sĩ tài năng trưởng thành.

Nguyễn Anh Thi

Một phần của tài liệu Tiểu luận bình luận cuối kỳ chọn khảo sát các bài bình luận xuất hiện trên tuần việt nam của báo điện tử vietnamnet (Trang 25 - 28)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(33 trang)
w