Trong nghiên cứu của chúng tôi, tỷ lệ đạt kết quả phẫu thuật tốt trong nhóm có khoảng cách hai góc trong mắt < 35mm là 50%, ở nhóm khoảng cách hai góc trong mắt 35 - 40 mm là 6,5% và 0% ở nhóm có khoảng cách hai góc trong mắt > 40mm. Ngược lại, tỷ lệ đạt kết quả phẫu thuật kém trong nhóm có khoảng cách hai góc trong mắt < 35mm là 6,2%, ở nhóm khoảng cách hai góc trong mắt 35 - 40mm là 29% và 66,7% ở nhóm có khoảng cách hai góc trong mắt > 40mm. Sự khác biệt có ý nghĩa thống kê với p < 0,05. Như vậy, có mối liên quan giữa kết quả phẫu thuật và khoảng cách hai góc trong mắt. Khoảng cách hai góc trong mắt càng nhỏ, kết quả phẫu thuật càng tốt.
Để phẫu thuật chỉnh hai góc mắt xa nhau, một số tác giả sử dụng phương pháp xuyên chỉ thép qua mũi và cho rằng tạo hình góc trong theo kỹ
thuật Mustarde và xuyên chỉ thép qua mũi đạt hiệu quả cao nhất trong điều trị hai góc mắt xa nhau, đặc biệt ở những thể nặng.13,17 Trong nghiên cứu của tác giả Mandal và cộng sự (2017) trên 16 bệnh nhân được tạo hình góc trong theo kỹ thuật Mustarde và xuyên chỉ Prolene 1/0 qua mũi, ban đầu khoảng cách hai góc trong giảm được 8mm hoặc hơn, nhưng mô mềm có xu hướng co kéo về vị trí cũ. 115 Độ dài khe mi sau đó được tăng cường bởi tạo hình góc ngoài ở thì 2 và tăng thêm được 4mm, mặc dù sau đó cũng có sự suy giảm nhẹ. Với kỹ thuật phối hợp này, độ dài khe mi trung bình tăng đáng kể khoảng 7mm. Tác giả nhận định rằng xuyên chỉ qua mũi mang đến sự co kéo của dây chằng mi trong tốt hơn và giảm khoảng cách hai góc trong mắt nhiều hơn. Tuy nhiên, những bệnh nhân có sống mũi dẹt không phải là chỉ định tốt cho kỹ thuật này và các nguy cơ tiềm ẩn của kỹ thuật khoan xương và luồn chỉ qua mũi bao gồm nhiễm trùng và chảy máu… cần được tính đến khi lập kế hoạch phẫu thuật ở bệnh nhân HKM-SM-NQN. Tác giả Li (2009) đưa ra nhận xét với những bệnh nhân sụp mi nặng và tỷ lệ khoảng cách hai góc trong / độ dài khe mi > 1,8 nên sử dụng phẫu thuật hai thì.12
4.3.5. Mối liên quan giữa kết quả phẫu thuật với mức độ nếp quạt ngược
Trong nghiên cứu của chúng tôi, tỷ lệ kết quả phẫu thuật tốt đạt cao nhất (55,6%) ở nhóm có nếp quạt ngược độ 2, đạt 22,8% ở nhóm có nếp quạt ngược độ 3, nhóm có nếp quạt ngược độ 4 không trường hợp nào đạt kết quả phẫu thuật tốt. Sự khác biệt có ý nghĩa thống kê với p < 0,05. Như vậy, có mối liên quan giữa kết quả phẫu thuật và mức độ nặng của nếp quạt. Tuy nhiên, ở nhóm có nếp quạt ngược độ 1, có 2/4 mắt (50%) đạt kết quả phẫu thuật tốt và 2/4 (50%) đạt kết quả phẫu thuật kém. Điều này có thể do số lượng mắt có nếp quạt ngược độ 1 trong nghiên cứu còn ít. Tuy nhiên, cũng có thể nghĩ đến: mức độ sụp mi, độ dài khe mi, khoảng cách hai góc trong
mắt trước phẫu thuật đóng vai trò lớn hơn, ảnh hưởng nhiều hơn đến kết quả phẫu thuật so với mức độ nặng của nếp quạt ngược khi bệnh nhân được phẫu thuật một thì theo quy trình nghiên cứu. Thực tế trong nghiên cứu của chúng tôi, khi đánh giá riêng lẻ sự cải thiện của mức độ nếp quạt ngược sau mổ, 100% các trường hợp đều hết nếp quạt ngược ngay sau phẫu thuật (bảng 3.24). Tuy nhiên, những trường hợp có nếp quạt ngược mức độ nặng cũng thường đi kèm với hẹp khe mi và sụp mi mức độ nặng. Chính mức độ nặng của tình trạng hẹp khe mi và sụp mi mới là nhân tố chính ảnh hưởng đến kết quả phẫu thuật chung.