Hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp luôn gắn liền với mối quan hệ chi phí, khối lượng, lợi nhuận. Hiểu và vận dụng tốt mối quan hệ này để ra quyết định hoạt động sản xuất kinh doanh có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc tồn tại và phát triển của doanh nghiệp.
Sau khi phân loại chi phí thành chi phí biến đổi và chi phí cố định thì kế toán quản trị sử dụng khái niệm “Lãi góp” để phân tích chi phí - khối lượng - lợi nhuận.
Nghiên cứu mối quan hệ chi phí - khối lượng - lợi nhuận là một biện pháp hữu ích giúp nhà quản trị DN lựa chọn ra quyết định như: xác định sản lượng sản xuất, sản lượng SP tiêu thụ, lựa chọn dây chuyền sản xuất, giá bán SP, chiến lược khuyến mại. Việc nghiên cứu này thực chất là phân tích mối quan hệ để tìm ra liên kết thích hợp nhất giữa chi phí biến đổi, chi phí cố định, sản lượng, giá bán, doanh số, kết cấu hàng bán và lợi nhuận, để tạo nên các khái niệm cơ bản trong mối quan hệ chi phí - khối lượng - lợi nhuận.
Để hiểu được mối quan hệ này trước tiên chúng ta phải hiểu được một số nội dung cơ bản: Lãi góp (hay "Số dư đảm phí", "Lãi trên biến phí") là phần chênh lệch giữa doanh thu và chi phí biến đổi, cách phân tích này giúp cho các nhà quản trị doanh nghiệp thấy trong khoảng thời gian ngắn hạn, doanh nghiệp muốn tối đa hoá lợi nhuận thì phải tối đa hoá lãi góp, hay biết được độ lớn của đòn bẩy kinh doanh, kết cấu chi phí giữa chi phí biến đổi và chi phí cố định như thế nào là hợp lý nhất.Trong quá trình phân tích mối quan hệ chi phí khối lượng lợi nhuận ta sử dụng các khái niệm cơ bản sau:
Lãi góp đơn vị SP = Giá bán đơn vị SP - chi phí biến đổi đơn vị SP Tổng lãi góp = Tổng doanh thu - Tổng chi phí biến đổi (1)
=Lãi góp đơn vị SP x số lượng sản phẩm tiêu thụ (2)
=chí phí cố định + lợi nhuận (3)
=Tổng doanh thu x tỷ lệ lãi góp (4)
Trong đó: Tỷ lệ lãi góp đơn vị SP = lãi góp đơn vị SP /Giá bán đơn vị SP Tỷ lệ lãi góp = Tổng lãi góp/Tổng doanh thu
Từ đó ta có phương trình:
Tổng Lợi nhuận = Tổng lãi góp - Tổng Chi phí cố định (I)
=Tổng doanh thu x tỷ lệ lãi góp - Tổng CPCĐ (II)
Dựa vào các phương trình trên ta thấy mối quan hệ giữa lãi góp, lãi góp đơn vị sản phẩm, tỷ lệ lãi góp, tỷ lệ lãi góp đơn vị sản phẩm, lợi nhuận, doanh
thu, chi phí cố định từ đó phân tích các phương án kinh doanh. Tuỳ theo các thông tin được cung cấp mà có thể dùng phương trình (I) hoặc phương trình (II) để khai thác quyết định phương án kinh doanh sao cho phù hợp.
Nếu thông tin cho phép tiếp cận với lãi góp đơn vị sản phẩm, số lượng sản phẩm thì ta sử dụng phương trình (I) để phân tích.
Nếu yếu tố cung cấp thông tin là doanh thu và tỷ lệ lãi góp thì ta sử dụng phương trình (II).
Dựa vào phương trình (I) và (II), muốn tối đa hoá lợi nhuận cần tối đa hoá lãi góp. Kết quả từng phương án được xác định theo các trường hợp sau:
Trường hợp chi phí cố định không thay đổi, tổng lãi góp tăng (giảm) bao nhiêu thì lợi nhuận sẽ tăng (giảm) bấy nhiêu.
Trường hợp CPCĐ thay đổi thì phần chênh lệch thay đổi giữa tổng lãi góp với phần thay đổi của CPCĐ sẽ cho kết quả lợi nhuận là tăng hay giảm
Chênh lệch lợi nhuận = Chênh lệch lãi góp – chênh lệch chi phí cố định