Đó là thời gian dòng người kìn kìn từ các con ngõ túa ra đường. Người đến cơ quan, giao hàng; người tiện đường đưa con đi học, tạt vào chỗ nào đó ăn sáng rồi đến cơ quan. Ngày nào chả ngột ngạt vậy. Khẩn làm nhiệm vụ vứt túi rác sinh hoạt của gia đình trên đường đưa con đi học, rồi đến chỗ làm. Là người công giáo, anh luôn gương mẫu trong chuyện bỏ rác đúng nới quy định. Hôm
nay, như thường lệ anh xách túi rác đeo vào xe máy nhưng quên bỏ vào thùng rác ngay đầu ngõ. Đầu óc ong ong nghĩ vẩn vơ chuyện nọ xọ chuyện kia. Cậu con trai học mẫu giáo ngồi sau bíu chặt tay vào người anh. Sao lòng nôn nao quá thế.
Xe di chuyển chậm. Một số người sốt ruột nghển cổ nhìn phía trên không hiểu vì chuyện gì mà tắc, lại còn rút điện thoại ra chụp ảnh, số khác nhìn vào túi to tướng lổn nhổn anh còn đeo ở xe. Quên khuấy vứt rác rồi. Nhếch nhác quá. Khẩn tự nhủ, sẽ đi chậm và quan sát bên mé phải đường, tiện thì tống khứ túi rác xuống. Đường quá đông và quá nhiều ánh mắt. Không tìm ra chỗ. “Thôi để cho thằng cu vào trường đã”. Anh nhủ vậy và đến cổng trường của con vẫn chưa tìm thấy chỗ để bỏ túi rác. Không thể mang rác cùng với cậu con vào trường rồi trao con cho cô giáo. Ngượng chết. Cô giáo sẽ đánh giá bố đứa trẻ lôi thôi. Hay là để tạm ở cổng trường vậy. Lúc quay ra sẽ mang đi. Loay hoay gỡ túi rác, vừa đặt chạm đất thì ông bảo vệ quát: “Này anh, không để được ở đấy đâu. Anh mang ra chỗ khác mà bỏ”. Khẩn nhăn nhó nhìn lên: “Em không định bỏ ở đây. Chỉ gửi tạm, đưa con vào quay ra là cầm đi ngay”. Ông bảo vệ miễn cưỡng coi đó là lời đề nghị. Lúc Khẩn gửi con, quay ra vẫn thấy ông bảo vệ đứng trước túi rác và chờ. Khẩn xách đeo vào xe.
Phố sá tứ phía đông. Nhiều gương mặt nhễ nhại vì nắng và lo toan trong mưu sinh. Khẩn bấm bụng không biết có gã nào như mình, quên bỏ rác tại khu tập trung gần nhà. Anh nhẩm thầm mình có quá lạc lõng không khi phải làm cái việc của phụ nữ. Ngày trước anh lấy được vợ bây giờ là nhờ mỗi chiều tối thường giữ thói quen đổ rác. Sau này cưới nhau, vợ anh nói yêu chồng là vì thấy anh giữ thói quen ấy mỗi khi nghe tiếng kẻng keng keng. Đôi ba lần Khẩn nghe ở đâu đó nói người đàn ông chịu đi đổ rác cũng sẽ là người sẵn sàng chìa vai gánh vác chia sẻ cùng vợ trong chặng đường dài hôn nhân vốn không bao giờ đẹp như chiếc nhẫn đính hôn đeo vào ngón tay. Anh bỗng phì cười. Lý do giản đơn và buồn cười. Không biết triết lý lấy ở đâu ra. Ngày giáo xứ tổ chức lễ cưới cho vợ chồng anh, Khẩn thấy mình may mắn. Từ nhỏ sống có đức tin và sốt sắng, noi gương những anh chị đi trước, biết hoán cải lúc sai trái, giữ lề luật nhà Chúa mọi nẻo đường. Khi ra phố cuộc sống ồ ạt thúc vào anh biết bao áp lực, thành thử nhiều lúc chênh chao như ngọn tre gặp gió lớn.
Rồi anh chợt thấy đau ở bụng. Mỗi lúc áp lực hoặc nghĩ ngợi bụng anh thường căng lên. Hôm nay là ngày phải trả lời anh Tùng, có giúp anh ấy hạ bệ Hải phó phòng để anh này không ngóc đầu lên được. Cả Hải và Tùng đều là cấp phó. Khẩn chơi với cả hai nhưng chỉ một trong hai được lựa chọn làm trưởng
phòng. Hai người nhưng chỉ một ghế. Người ta bảo chức tước nhỏ như con thỏ nhưng ai nấy đâm bổ vào, chuyện thành to như con voi. Anh Hải sống tình nghĩa điềm đạm và thực lòng xứng đáng hơn Tùng cả mặt tài năng và cách ứng xử. Nhưng anh Tùng lại có ơn xin việc cho vợ Khẩn. Tùng cũng hứa cho Khẩn tham gia vào một số công trình béo bở có tiền và xác lập thêm uy tín. Tham gia làm công trình ấy cũng sẽ giúp Khẩn thêm mối quan hệ dẫn anh đến với nhiều khoản danh lợi kếch xù. Đường đi nước bước của Tùng hào sảng và quyết đoán. Nên đổ một “đòn” cho Hải, để anh ta đừng ngo ngoe nữa, và phục vụ anh Tùng. Thế là hơn. Mấy đêm rồi anh trốn vợ tâm sự với rượu và nhâm nhi ý nghĩ đấy. Nên và không nên. Lựa chọn giữa tình nghĩa và danh lợi luôn khó khăn. Sự đấu tranh gìn giữ khí tiết và phẩm giá với đồng tiền bao giờ cũng gây đau đớn cho kẻ còn lòng tự trọng. Mưu ma chước quỷ Khẩn nghĩ cả rồi. Phải hạ Hải. Cách bài binh bố trận ra sao cũng được phác ra. Chỉ cần bản thân đưa ra quyết định.
***
Túi rác vẫn treo ở xe cùng ý nghĩ của Khẩn. Bực mình! Anh nhìn phía bên kia đường, cách một dòng kênh nhỏ nước đen ngòm có thùng bỏ rác. Phải sang bên đó thôi. À mà chết, muốn tiếp cận chiếc thùng rác đó phải đi ngược chiều chừng trăm mét. Khẩn lựa cách sang. Được nửa đường thì sự xuất hiện của chú cảnh sát giao thông mặc áo vàng với cây gậy phân luồng nặng nề nhễ nhại làm nhiệm vụ khiến tay ga lỏng ra.
Không được rồi, anh khựng lại, cố tình đi chẳng may chú ấy bắt dừng lại thì sao. Cuộc gặp chớp nhoáng với anh Tùng sẽ chậm và chẳng thể thống nhất là có nên thực hiện kế hoạch hạ uy tín của anh Hải hay không. Dòng người vẫn lao đi. Khẩn lúi húi quay ngược, hòa vào dòng người tấp nập lao lên phía trước.
Dừng ở một ngã tư lớn với hơn chín mươi giây đèn đỏ đếm ngược, Khẩn nhận được tin Tùng. Anh ta đang sốt ruột. “Chú đâu rồi? Ý chú thế nào?”.
Thì còn thế nào nữa. Tôi đang rối bời lên đây. Khẩn nhủ. Đúng là khó. Đặt điều cho người khác hay nâng tầm quan trọng lên để hạ bệ một người cũng lỗi nghĩa với Chúa. Cả tuần vừa qua, Khẩn nghĩ tới lời Mẹ Têrêsa: “Nếu chúng ta không có hòa bình, đó là vì chúng ta đã quên rằng chúng ta thuộc về nhau”. Quả thật, ngay cả với một cơ quan nhỏ thôi, vì lợi lộc cá nhân, đã làm triệt tiêu không khí hòa bình rồi.
Tối qua Tùng gọi điện, ập vào tai Khẩn những lời ngon ngọt phân tích lợi hại một khi anh ta lên chức. Khẩn ù tai vâng dạ bảo em đang cân nhắc. Đây là việc tế nhị. “Chú không được lần khần. Cân nhắc nhiều dễ hỏng việc đấy”.
“Vâng, sáng sau em đến cơ quan sớm trả lời anh”. Khẩn hứa. Giờ Khẩn vẫn bị ách ở đây, với một túi rác đang bốc mủi khẳm. Chốc chốc một người đi đường đánh về phía anh và túi rác ánh mắt khó hiểu. Đừng có cười, tôi là người có học, tôi sẽ không vứt rác bừa bãi.
Chợt phía bên có người gọi.
- Này, này, anh Khẩn, gì mà đăm chiêu thế? Có bọc gì to thế này?
Là cô bạn của em gái, cũng trên đường đi làm. Cái cô có nụ cười tươi thích đùa suýt nữa Khẩn yêu.
- Anh đến cơ quan. Túi rác ý mà. Tìm chỗ mà vứt cũng khó. - Chỗ anh không có thùng chứa à?
- Quên nên đưa con đi học cũng tha đi luôn. Giờ khó đây.
Cô gái nở một nụ cười tươi chào anh, rảnh a lô em cà phê nhé, rồi rẽ vào con phố bên trái. Anh gật cười chào lại. Hành trình của Khẩn chừng hơn cây số nữa. Cơ quan gần đấy mà cũng thật xa xôi. Tối qua bí bức quá, anh tâm sự chuyện này với vợ. Lúc này chờ đèn đỏ, anh rút điện thoại xem tin nhắn. Là của vợ. “Anh cân nhắc kỹ nhé. Đừng để sau này hoán cải cũng chẳng kịp”. Khó xử quá. Cô vợ vẫn bảo anh phải bảo vệ người có tài năng, ủng hộ người có tài năng để anh ta cống hiến, vì cái chung. Khẩn có uy tín trong cơ quan, dù chưa đội chức tước. Anh nói nhiều đồng nghiệp khác nghe. Thậm chí giám đốc, trưởng phòng cũ chuẩn bị thuyên chuyển công tác coi lời nói anh trọng lượng. Bầu anh Hải vào chức đó thì thật với lòng mình, đúng giá trị đạo đức mà cụ thân sinh Khẩn truyền dạy. Đói cho sạch rách cho thơm. Phải đứng về phía lẽ phải. Nhưng đi kèm điều đó sẽ mất nhiều thứ, vuột mất cơ hội giàu có. Còn phò tá Tùng được lợi nhiều. Biết làm sao bây giờ? Nghĩ lại hôm đó vì bị kích động, lại bực tức sẵn đã xổ một chuỗi trong đó nói kháy anh Hải mấy điều, trước mặt khá nhiều người. Mặt anh ấy tím lại. Mình cũng đã giáng đòn rồi. Bây giờ chờ xem thế nào đã.
***
Lên phố lớn, trung tâm thật khó tìm ra một chỗ nào đó trút bỏ túi rác. Ném vào gốc cây ư? Không. Vào một con hẻm nào đó, hay một điểm dừng xe buýt, hoặc ngay lề đường? Không thể, chỗ nào cũng sạch sẽ, làm sao có thể vô tâm vứt một bọc rác tầm thường thế này ra không gian kia. Khẩn chạy qua bờ hồ, cũng không tìm thấy chỗ trút, trừ phi dừng xe đi tận vào khuôn viên vườn hoa. Mà điều đó anh không muốn. Bực thật, trút túi rác thôi cũng khó khăn. Đành
chạy thẳng về cơ quan. Mồ hôi nhễ nhại dính dớp. Khẩn miên man nghĩ, chạy thẳng vào giữa sân thì Tùng gọi điện. Vâng em đến rồi. Em lên ngay đây. Bọc rác theo xe anh xuống hẳn tầng hầm. Nó nằm đợi ở xe, dưới hầm.
Khẩn chạy đến phòng anh Tùng. Cửa khép. Gõ ba tiếng. Người bên trong nói mời vào. Anh đẩy cửa. Có cả giám đốc đợi sẵn. Giám đốc thân từ lâu nâng đỡ Tùng. Tất nhiên giám đốc cũng quý và trân trọng tài năng của Hải. Ông từng hỏi ý kiến Khẩn giữa hai người nên chọn ai. Lúc đó anh phân tích theo đúng những gì bản thân nghĩ. Hải được việc cơ quan, chuyên môn. Tùng phóng túng, giao du rộng và biết nịnh. Giám đốc gật gù khen anh tinh đời nhưng từ chối thổ lộ sẽ chọn ai. Bình thường người có quyền cất nhắc chọn ai mang lợi đến cho mình. Vậy Tùng ngồi vào ghế đó chứ còn ai. Người ta có thể từ chối nói lời tha thứ chứ khó cưỡng lại lợi lộc. Giám đốc chờ ở đây chắc muốn nghe ý kiến Khẩn.
Chưa được hớp nước nào giám đốc đã hỏi: “Thế nào? Chú suy nghĩ kỹ chưa?”. Đây là điều trên đường đi Khẩn đã nghĩ. Câu hỏi cần đáp án ngay. Anh đã làm bài toán này hơn một tháng nay. Cả hai người đàn ông đối diện chờ câu trả lời. Khẩn quay mặt đi. Tim đập chân run. Anh thấy hồi hộp thật sự. Yêu cầu của giám đốc là khơi ra chuyện cũ của Hải từ cách đây một năm về việc làm thất thoát hơn năm trăm triệu đồng trong tổ chức nghiên cứu đề tài ô nhiễm, đồng thời nâng cao mức độ nghiêm trọng về chuyện Hải đi nước ngoài hai lần có bàn về một dự án riêng. Thật ra cả hai vấn đề đều nhỏ. Thất thoát tiền ô nhiễm thì giám đốc cũng liên quan. Còn có “ăn mảnh” dự án riêng thì chưa đủ căn cứ. Nay phải bồi thêm sự nghiêm trọng để buộc tội Hải, khiến mọi người đồng tình dừng lại xem xét và cắt nhắc Tùng lên. Ý các anh là vậy ư? Khẩn hỏi lại. Cả hai gật.
Họ nhận thấy sự lưỡng lự nơi Khẩn. Tùng đổ mồ hôi. Giám đốc bồi thêm: “Chú sáng suốt hiểu chuyện. Chú phải vì anh em và bản thân”. Máu trong người Khẩn thật sự đang rất nóng. Tùng tỏ vẻ sốt ruột: “Vì chú có tiếng nói và cuộc họp còn có cấp trên nữa. Nếu chú không ra mặt thì ngay cả giám đốc cũng không giúp được anh”. Sự cấp tập của Tùng khiến Khẩn ngỡ ngàng. Chẳng lẽ chức trưởng phòng quan trọng đến thế sao?
Khẩn nhớ lời vợ. Đừng để sau này hoán cải cũng chẳng kịp. Anh chán cuộc sống nhạt nhẽo quá. Anh chịu Phép rửa tội, được Chúa ban cho muối. Anh muốn làm muối thế gian và chia cho người khác nữa. Anh bỗng thấy ân hận vì mình từng hiềm khích những người khác. Khi hiềm khích người khác, là anh đã tự làm mình nhạt đi.
“Em xin phép hai anh, em tự thấy mình không xứng đáng được hai anh tin tưởng. Em thật khó nghĩ. Làm theo những gì các anh bảo, em thấy là mình vu oan cho anh Hải. Thôi em xin phép không nói”. Giọng Khẩn dõng dạc.
Nói xong anh xin phép ra ngoài. Cuộc họp diễn ra nặng nề. Khẩn không có ý kiến gì. Giám đốc vẫn quyết tâm bảo vệ Tùng và muốn cất nhắc anh. Còn đa phần cấp trên dự họp và một số cán bộ có thâm niên lại quý và ủng hộ Hải. Nên cân nhắc ai sẽ do ban giám đốc cùng họp với cán bộ cao hơn để quyết định vào ngày mai. Tùng hằm hằm nhìn Khẩn. Giám đốc có lẽ cũng hận anh. Khẩn không dám ngẩng cao đầu. Sau đây mình phải đối mặt với nhiều cơn bão, anh bấm bụng, nhưng anh thấy mình đã không hèn. Thêm một lần nữa anh thấy mình đã không làm phai vị muối trong lòng. Anh tự bảo, mình là người có đức tin.
Cuối buổi họp, Khẩn mau chóng di chuyển xuống tầng hầm để xe. Lòng nóng ran nhưng lại như thể vừa trút được gánh nặng. Anh phi xe máy ra khỏi cổng cơ quan với túi rác vẫn còn từ ban sáng. Đến một ngã tư anh rẽ lên vỉa hè, tống túi rác của mình vào thùng rác công cộng. Tự nhiên thấy lòng thanh thản, nhẹ bẫng. Anh nói với túi rác: “Cuối cùng cũng bỏ được mày”.
Mã số: 17-023