TTXVN (Pretoria) - Trang mạng mg.co.za ngày 6/3 có bài phân tích của nhà nghiên cứu cao cấp Fazlin Fransman thuộc Viện Nghiên cứu Moja (Nam Phi) cung cấp thêm góc độ về cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung mà tiêu điểm hiện nay là công ty Huawei của Trung Quốc. Quan điểm này cũng tương tự như lập luận các học giả Trung Quốc hay sử dụng để bác bỏ các cáo buộc “thực dân mới” hoặc “bẫy nợ” đối với cường quốc châu Á này.
Theo bài viết, để hiểu mức độ ảnh hưởng của Huawei đối với thông tin, truyền thông và công nghệ ở châu Phi, cần xem xét khoản đầu tư khổng lồ của hãng này ở châu lục.
Tháng 1/2018, tại Diễn đàn Đổi mới sáng tạo toàn cầu (CES) 2018 ở Las Vegas (Mỹ), mặc dù có nhiều sản phẩm được giới thiệu và đánh giá, vẫn còn câu chuyện không được công bố rộng rãi trên các phương tiện truyền thông chính thống phương Tây. Đó là sự tiếc nuối của Chủ tịch Huawei Consumer Business tại Mỹ Richard Yu về việc hãng này đã không đạt được thỏa thuận với các nhà khai thác di động nước chủ nhà để kịp thời ra mắt các thiết bị mới tại CES 2018.
Những tuyên bố của Richard Yu được đưa ra trong bối cảnh phức tạp. Các phương tiện truyền thông cho rằng Quốc hội Mỹ đã gây áp lực với các nhà khai thác di động để họ không làm ăn với gã khổng lồ viễn thông Trung Quốc, vì vậy, điện thoại thông minh Huawei không được bất kỳ nhà khai thác di động lớn nào của Mỹ giới thiệu.
Lời đồn đoán trên có thể được giải thích theo 2 cách hoàn toàn khác nhau. Năm 2012, Ủy ban tình báo Hạ viện Mỹ đã thông báo với chính phủ nước này rằng Huawei là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia Mỹ, mặc dù ủy ban này không công khai bất kỳ bằng chứng nào. Tuy nhiên, khuyến cáo trên đã được sử dụng làm cơ sở để tạo ra phản ứng tiêu cực về Huawei, gạt ra ngoài lề và ngăn chặn công ty này thiết lập quan hệ đối tác thực sự với các nhà khai thác mạng ở Mỹ.
Quan điểm khác ít phổ biến hơn và ít được các phương tiện truyền thông chính thống phương Tây đề cập liên quan đến sự tăng trưởng và mở rộng của Huawei. Mặc dù thương hiệu này quen thuộc với nhiều người với mảng điện thoại thông minh, Huawei đang phát triển công nghệ trong một loạt lĩnh vực khác, từ dịch vụ đám mây, trí tuệ nhân tạo cho đến công nghệ 5G. Bất chấp tranh cãi ngày càng gay gắt về việc sử dụng thiết bị viễn thông Huawei gây ra rủi ro về bảo mật và sự chấm dứt hoạt động kinh doanh ở một số nước, thậm chí cả việc mới đây Canada đã bắt giữ bà Mạnh Vãn Châu, Giám đốc tài chính kiêm Phó Chủ tịch Huawei, tập đoàn này vẫn tiếp tục phát triển ổn định trên toàn cầu.
Dữ liệu từ các công ty nghiên cứu thị trường cho thấy quý II/2018, Huawei vượt qua Apple trở thành nhà cung cấp điện thoại thông minh lớn thứ hai thế giới. Nhiều người cho rằng việc ngăn chặn Huawei xâm nhập thị trường Mỹ là việc làm có chủ ý nhằm duy trì ưu thế của Apple, cả thị trường nội địa và quốc tế. Một số người cho rằng đó là nỗ lực của Mỹ nhằm giành lại thị phần từ đối thủ cạnh tranh đang phát triển, bởi đối thủ này đã và đang miệt mài sản xuất công nghệ có chất lượng với giá thành rẻ hơn.
Rõ ràng là ở chừng mực nào đó, Mỹ đã thành công trong việc thuyết phục các đồng minh ngừng hợp tác với Huawei, đặc biệt là việc gạt bỏ thiết bị 5G của Huawei trên phạm vi quốc tế.
Tại Pháp, nhà cung cấp viễn thông Orange đã quyết định không sử dụng các sản phẩm của Huawei trong hệ thống mạng 5G cốt lõi và Deutsche Telekom, Đức đã thông báo hãng này đang cân nhắc liệu có nên mua thiết bị của Huawei hay không.
Chính quyền Đài Loan cũng đã cấm các sản phẩm của Huawei bởi quan ngại rằng gã khổng lồ công nghệ có thể cài đặt các cửa hậu trong ở những sản phẩm thương mại theo yêu cầu của Chính phủ Trung Quốc. Trước đó, Australia đã thông báo nước này sẽ cấm các nhà mạng trong nước mua thiết bị 5G từ Huawei, cũng như từ các công ty viễn thông khác của Trung Quốc.
Ngoài các quốc gia kể trên, một loạt nước khác như Anh, Canada, Séc, Na Uy và Nhật Bản đang đánh giá lại mối quan hệ với Huawei.
Với động thái rõ ràng nhằm tăng cường tấn công vào Huawei, các công tố viên Mỹ đã mở cuộc điều tra dựa trên những cáo buộc rằng Huawei đã đánh cắp sở hữu trí tuệ từ các công ty Mỹ.
Dù không cung cấp bất kỳ bằng chứng nào cho thấy Huawei đã thiết lập các cửa hậu trong các sản phẩm của hãng, các quan chức Mỹ đã cảnh báo rằng việc cho phép công ty này của Trung Quốc tham gia vào quá trình thiết lập các mạng 5G có thể gây ra rủi ro về bảo mật khôn lường, nhất là do mối quan hệ giữa Đảng Cộng sản Trung Quốc và các công ty công nghệ của nước này.
Những cáo buộc trên được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc về thương mại, sở hữu trí tuệ và địa chính trị đang ngày một gia tăng.
Lịch sử lặp lại
Ngoài ra, với cáo buộc Huawei đang bán thiết bị cho Iran, dẫn đến vụ bắt giữ bà Mạnh Vãn Châu, càng làm chồng chất thêm tâm lý tiêu cực đang hiện diện khắp trên các phương tiện truyền thông chính thống phương Tây.
Trước đây, Mỹ đã từng sử dụng biện pháp này. Năm 2017, sau khi Bộ Thương mại Mỹ cấm các công ty làm ăn với ZTE vì công ty này bán thiết bị cho Iran, ZTE tuyên bố công ty viễn thông Trung Quốc này sẽ tạm ngừng hoạt động.
Tuy nhiên, với việc ZTE chấp nhận một số hình phạt, bao gồm khoản tiền 900 triệu USD (ngoài khoản tiền phạt 1 tỷ USD trước đó), thay thế toàn bộ ban lãnh đạo và chuyên viên cao cấp của hãng, cũng như cho phép nhóm điều phối viên của Mỹ giám sát việc ZTE tuân thủ luật thương mại Mỹ, đối thủ của Trung Quốc mới đồng ý rỡ bỏ lệnh cấm.
Tuy nhiên, Mỹ dường như đang có quan điểm cứng rắn hơn đối với Huawei, bởi trước đó, mặc dù khả năng trong tầm tay, Mỹ không hề bắt giữ bất kỳ giám đốc điều hành nào của ZTE.
Hơn nữa, nhiều người đã có lý khi nghi ngờ các hành động đơn phương của Mỹ đối với Huawei, cũng như việc Mỹ đang buộc các công ty Trung Quốc phải tuân thủ các biện pháp trừng phạt đối với Iran vốn không được Chính phủ Trung Quốc đồng ý.
Sự hiện diện của Huawei tại châu Phi
Năm 1998, Huawei bắt đầu triển khai các hoạt động tại khu vực Nam Sahara châu Phi bằng việc thiết lập các cơ sở ở Kenya. Với sự hiện diện tại hơn 40 quốc gia châu Phi, Huawei là một trong 3 công ty viễn thông lớn nhất trên lục địa.
Ở châu Phi, Huawei đã vươn đến tầm rất ít các thương hiệu khác của Trung Quốc đạt được - xóa bỏ những nhận thức tiêu cực và định kiến về hoạt động kinh doanh của Trung Quốc trên lục địa. Qua hơn 30 năm hoạt động, Huawei đã có được danh tiếng vững chắc, sự thâm nhập sâu vào thị trường các nước châu Phi. Đây là kết quả của 3 chiến lược cốt lõi: giá cả chiến lược, xây dựng mối quan hệ với một loạt những bên liên quan và sử dụng lao động địa phương.
Đầu tư xã hội
Ở châu Phi, Huawei đã góp phần tạo ra những thay đổi cơ bản về phương thức kết nối và giải trí của người dân.
Công ty này cam kết đáp ứng các nhu cầu của người tiêu dùng và hỗ trợ các nước châu lục hiện thực hóa các chiến lược phát triển quốc gia. Cam kết này thể hiện ở cả sản phẩm, các chương trình dài hạn và được cả chính phủ và người tiêu dùng châu Phi tín nhiệm.
Năm 2018, Bộ trưởng Bưu chính-Viễn thông Nam Phi Siyabonga Cwele (nay là Bộ trưởng Nội vụ), trao cho Huawei giải thưởng xuất sắc vì đóng góp cho lĩnh vực công nghệ thông tin tại nước này.
Thông qua quan hệ đối tác với các nhà cung cấp mạng và chính quyền địa phương, Huawei đã thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng ở một số quốc gia và tiến hành thử nghiệm thiết lập khu vực phủ sóng 5G ngoài trời đầu tiên ở châu Phi.
Ngoài việc xuất phát từ yêu cầu cải thiện cơ sở hạ tầng để phục vụ kinh doanh, Huawei đã gắn trách nhiệm xã hội của hãng với các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc, coi nhiệm vụ thu hẹp khoảng cách về kỹ thuật số là một trong những sứ mệnh đặt ra. Một trong những đầu tư xã hội của Huawei là bộ liên lạc di động được thiết kế để các cơ quan cứu trợ thiên tai có thể sử dụng trong trường hợp khẩn cấp. Chỉ mất 15 phút chuẩn bị, hệ thống liên lạc này đã nằm gọn trong chiếc ba lô có kích thước tiêu chuẩn.
Huawei đã đầu tư hơn 5 triệu USD xây dựng trung tâm đổi mới sáng tạo và trải nghiệm ở châu Phi. Ngoài ra, công ty cũng hợp tác với 160 trường đại học trên khắp thế giới, mới đây nhất là với Đại học Công nghệ Tshwane (Nam Phi) để đào tạo sinh viên và cấp giấy chứng nhận của hãng.
Huawei tái đầu tư 10% doanh thu vào nghiên cứu và phát triển, trong đó có cả các trung tâm đổi mới sáng tạo trên toàn thế giới. Hiện Huawei đang đưa vào hoạt động 7 trung tâm loại này và sẽ tiếp tục triển khai thêm 3 trung tâm khác.
Chiến tranh thương mại
Mặc dù phần lớn các phân tích về cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung xoay quanh vấn đề thuế quan, một trong những điểm chính của “chiến trường” vẫn sẽ là sự đối xử của Mỹ với các công ty Trung Quốc, cụ thể hơn là Huawei. Đó là các biện pháp hạn chế xuất
nhập khẩu, bắt giữ và tiến hành điều tra. Có lẽ cả một “kế hoạch tác chiến” lớn hơn nhiều đang được triển khai, trong đó ngành công nghệ thông tin là tiêu điểm.
Thế giới đang lao vào cuộc chiến tranh lạnh về công nghệ, trong đó các chính phủ sẽ phải lựa chọn giữa việc làm ăn với các công ty công nghệ của Trung Quốc hoặc của Mỹ. Dù nhiều quan chức trong chính quyền Trump đã viện dẫn các cáo buộc liên quan đến hoạt động gián điệp, nhưng hiện họ chưa đưa ra bất kỳ bằng chứng nào.
Tuy nhiên, nếu chiến tranh lạnh về công nghệ vươn tới điểm buộc phải có sự lựa chọn giữa các mạng Internet và công nghệ của Trung Quốc hoặc Mỹ, thì châu Phi đã đưa ra sự lựa chọn riêng. Sự bùng nổ công nghệ và Internet hiện nay ở lục địa Đen có đóng góp đáng kể từ sự đầu tư của các công ty công nghệ Trung Quốc và cũng như việc cung cấp các linh kiện chất lượng, giá cả phải chăng.