Ấn Độ, Trung Quốc và nhân tố Mỹ: Quân bài đối trọng then chốt của Trump TTXVN (orfonline.org) - Trong chiến dịch tranh cử Mỹ năm 2000, cố vấn của George W. Bush, bà Condoleezza Rice, từng viết rằng Mỹ cần theo dõi sát sao Ấn Độ, “một nhân tố đã nằm trong các tính toán của Trung Quốc, và cũng nên nằm trong những dự định của Mỹ”.
Đằng sau quan điểm này là cả một câu chuyện dài. Sau khi Liên bang Xôviết sụp đổ, những tín hiệu sớm nhất cho thấy một cường quốc đang nổi bắt đầu xuất hiện trong cuộc khủng hoảng tài chính châu Á những năm 1990. Trong khi nhiều đồng tiền và các thị trường cổ phiếu sụp đổ, đồng nhân dân tệ (NDT) vẫn đứng vững. Trung Quốc đã viện trợ tới hơn 4 tỷ USD cho Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), trong khi Mỹ tỏ ra chần chừ. Đầu những năm 2000, khi Trung Quốc bắt đầu tăng trưởng mạnh, Mỹ bắt đầu nghĩ đến việc “tận dụng” Ấn Độ - một nền dân chủ - làm đối trọng với một Trung Quốc cộng sản.
Hai thập kỷ qua đã chứng kiến sự trỗi dậy của những cường quốc chính trị, kinh tế và quân sự tham vọng nhất ở châu Á. Ấn Độ và Trung Quốc, từ hai quốc gia với xung đột biên giới những năm 1960, trở thành hai cường quốc hạt nhân cạnh tranh giành ảnh hưởng ở các vùng lân cận dù vẫn cố gắng kiềm chế xung đột quân sự trực diện.
Dưới thời Tập Cận Bình, Trung Quốc đã trở thành quốc gia hung hăng và quyết đoán nhất mà Mỹ phải đối mặt, sau sự tan rã của Liên bang Xôviết. Không giống Liên Xô, Trung Quốc theo đuổi chủ nghĩa đế quốc kinh tế, đe dọa nền kinh tế toàn cầu do Mỹ lãnh đạo. Bên cạnh đó, Trung Quốc còn mâu thuẫn với một loạt các quốc gia về vấn đề lãnh thổ. Thái độ quyết đoán của Trung Quốc đối với các quốc gia này, trong đó có cả những đối tác của Mỹ như Nhật Bản, Ấn Độ và Philippines, đã và đang thách thức quyền bá chủ của Mỹ.
Liệu những ảnh hưởng từ dịch COVID-19 có chia rẽ thế giới thành 2 chiến tuyến? Liệu giai đoạn hậu COVID-19 có chứng kiến một nước Mỹ đóng vai trò chủ động hơn trong mối quan hệ Ấn - Trung không chỉ bởi việc Washington xem New Delhi là một đối trọng với Trung Quốc trong khu vực, mà còn nhìn nhận đây là cơ hội để triệt tiêu mối đe
dọa ngày càng lớn với lợi ích của Mỹ trong khu vực. Hơn bao giờ hết, Mỹ rõ ràng đã nhận thấy vai trò lớn hơn của Ấn Độ trong tương lai.
Xung đột giữa Ấn Độ và Trung Quốc năm 2017 phần nào đã phản ánh lòng tin ngày càng lớn của Mỹ vào khả năng ứng phó với Trung Quốc của New Delhi. Trong khi Trung Quốc không ngừng có những hành động thù địch và cản trở tiềm năng cải thiện quan hệ, niềm tin của Mỹ vào vai trò khu vực mở rộng của Ấn Độ cũng trở nên rõ ràng hơn. Sau sự kiện Doklam 2017 là các cuộc gặp của Nhóm Bộ Tứ, gồm Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản và Australia; là việc ký kết Thỏa thuận Tương thích Thông tin Liên lạc và An ninh (COMCASA); và là các hải trình trên Biển Hoa Nam (Biển Đông) có sự tham gia của Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản và Philippines. Những đụng độ mới tại Đường Kiểm soát Thực tế (LAC) càng giúp Ấn Độ có thể quyết đoán hơn trong việc lựa chọn bạn bè và đối tác.
Trung Quốc gây hấn với Ấn Độ tại vùng biên giới ở thời điểm uy tín toàn cầu của quốc gia này sụt giảm tới mức báo động. Trớ trêu là những sự kiện ấy cũng diễn ra ngay trong bối cảnh Mỹ tin rằng Ấn Độ giờ đây đã có đủ năng lực và quyết tâm đóng vai trò đồng minh năng động hơn trong khu vực.
Tổng thống Mỹ Donald Trump gần đây tuyên bố ông muốn mở rộng hơn nữa nhóm G7, với những “ứng cử viên” tiềm năng như Ấn Độ, Nga, Australia và Hàn Quốc. Động thái này thực chất cũng là nhằm vào Trung Quốc.
Ấn Độ đang ở trong một bối cảnh châu Á đầy phức tạp. Dịch COVID-19 đã đẩy Trung Quốc tới trước một tương lai bất ổn và khó đoán. Nguy cơ Mỹ tăng cường ủng hộ Ấn Độ có thể sẽ khiến Trung Quốc phải tính đến việc để ngỏ các cuộc đàm phán với quốc gia Nam Á này.
Trong thế giới hậu đại dịch, “giấc mơ Mỹ” tại châu Á sẽ đưa Washington xích lại gần Ấn Độ hơn. Cựu Ngoại trưởng Mỹ Condoleezza Rice từng nói vào năm 2000: “Ấn Độ chưa phải là một siêu cường, nhưng họ có tiềm năng”. Và giờ, Ấn Độ đang chứng minh rằng họ xứng đáng ở vị thế đồng hành cùng Mỹ và đối trọng “Rồng” Trung Quốc.