I. Tổng quan chung về vùng Đông Bắc
3. Đánh giá khái quát về thực trạng kinh tế – Xã hội vùng Đông Bắc
Trong những năm gần đây nền kinh tế của vùng Đông Bắc đã có những nét khởi sắc đặc biệt ở một số tỉnh thực hiện mô hình khu kinh tế cửa khẩu được áp dụng một số các chính sách ưu đãi. Đời sống nhân dân được cải thiện một cách nhanh chóng, an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội cơ bản được giữ vững. Tuy nhiên nền kinh tế vùng Đông Bắc còn tồn tại nhiều mặt yếu kém cần được giải quyết và khắc phục.
Điểm xuất phát còn đang ở mức thấp. Tổng GDP toàn vùng hiện chỉ bằng khoảng 7,5% so với cả nước. Nhịp độ tăng trưởng GDP thấp kéo dài trong nhiều năm. Từ năm 1991 đến 1994 nhịp độ tăng trưởng GDP đạt khoảng 5,9% năm là thấp so với cả nước (7,9% năm). Từ 1994 đến nay nhịp độ tăng trưởng GDP đạt 6,7%, nhịp độ tăng trưởng đã cao hơn rất nhiều nhưng vẫn ở mức thấp hơn so với cả nước. Trong khi đó dân số vẫn tăng khoảng 2% nên GDP bình quân đang ở mức thấp hơn so với mức trung bình của cả nước. Tỉ suất hàng hoá thấp, sản phẩm hàng hoá còn ít cả về chủng loại và khối lượng, hầu hết là những sản phẩm hàng hoá thông thường, chất lượng không cao và khả năng cạnh tranh của nhiều sản phẩm còn kém. Tuy nhiên có những sản phẩm hàng hoá chiếm tỉ trọng lớn trong cả nước như chè, hồi, quế, sơn, than, apatít và phân lân, giấy.
GDP bình quân đầu người đă thấp nhưng lại không đồng đều giữa các khu vực và tầng lớp dân cư. GDP/người của nhân khẩu nông nghiệp chỉ bằng khoảng 62% mức trung bình của toàn vùng.
Cơ cấu kinh tế chuyển dịch còn chậm, nông- lâm nghiệp còn chiếm tỉ trọng lớn. Công nghiệp tuy có những nơi được phát triển sớm, chủ yếu là công nghiệp khai khoáng và chế biến nông- lâm sản, nhưng nhìn chung ở phần lớn lãnh thổ của Đông Bắc công nghiệp chưa phát triển. Năm 2004 công nghiệp mới thu hút 10,5% lao động xã hội và đóng góp 18% GDP của vùng. Trình độ trang thiết bị kỹ thuật thấp, sản phẩm công nghiệp mới còn ít, chất lượng còn chưa cao nên mặc dù có ý nghĩa quan trọng đối với đóng góp thu ngân sách Nhà nước nhưng vai trò công nghiệp chưa lớn, nhất là chưa khai thác các tiềm năng về thị trường, về khoáng sản cũng như lợi thế khác biệt của vùng để phát triển kinh tế.
Các ngành dịch vụ nhất là dịch vụ ở khu vục nông thôn chưa phát triển và hiệu quả thấp. Du lịch có tiềm năng lớn nhưng phát triển chậm và còn nặng về khai thác tự nhiên cho nên hiệu quả thấp. Thương nghiệp nhất là thương mại biên giới có phát triển khá hơn nhưng vẫn còn nhỏ bé.
Thương nghiệp hoạt động chưa rộng khắp, giao lưu kinh tế còn hạn chế, nhiều khu vực ở Đông Bắc đang thiếu vắng dịch vụ thương nghiệp.
Ngoài ra, do vùng Đông Bắc là vùng đồi núi có địa hình cao so với mặt nước biển và bị chia cắt bởi nhiều dãy núi và sông suối đồng thời điều kiện khí hậu phân dị, chính điều này đã tác động làm cho phát triển theo lãnh thổ có sự chênh lệch lớn. Do đó sẽ tạo ra sự phức tạp trong quản lý và việc phát triển cơ sở hạ tầng cũng gặp nhiều khó khăn.