3. Những nghiên cứu thực nghiệm về vấn đề sử dụng công cụ phái sinh tại Việt Nam:
3.1.2. Những rào cản trong việc sử dụng và phát triển công cụ phái sinh tại Việt Nam:
Việt Nam:
Theo kết quả điều tra thể hiện ở hình 4, nguyên nhân khiến doanh nghiệp không thực hiện sản phẩm phái sinh hay gặp khó khăn trong sử dụng công cụ phái sinh ta có thể thấy nguyên nhân chính là do tâm lý các doanh nghiệp, chưa có sự am hiểu và nhận thức đầy đủ về sản phẩm phái sinh cũng như những bất cập trong khung pháp lý, cùng với một số nguyên nhân khác như sau:
Tâm lý của doanh nghiệp khi sử dụng công phái sinh:
Các rủi ro kinh doanh ngày càng gia tăng khiến cho các doanh nghiệp Việt Nam thực sự gặp phải những thách thức khó khăn sau những phấn khích ban đầu lúc Việt Nam trở thành thành viên của WTO. Các loại rủi ro mà doanh nghiệp hiện nay lo ngại nhất chính là lãi suất và tỷ giá. Nhưng một thực tế đáng ngạc nhiên là hầu như các doanh nghiệp chưa thực sự làm gì để đối phó với các rủi ro này. Phải chăng một phần là do tâm lý ỷ lại? Chính sách bảo hộ ngầm của nhà nước như việc để cho tỷ giá USD/VNĐ và lãi suất cơ bản của tiền đồng Việt Nam liên tục ổn định trong nhiều năm đã khiến cho các doanh nghiệp hoàn toàn không chú ý tới phòng ngừa rủi ro tỷ giá và lãi suất.
Các giao dịch phái sinh trong ngân hàng như swaps, forward, future, option…chính là những công cụ được cấp phép sử dụng tại Việt Nam nhưng số doanh nghiệp dám sử dụng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Việc sử dụng các công cụ chống rủi ro tài chính tại Việt Nam đang gặp rất nhiều khó khăn và vướng phải sự ngập ngừng e ngại của doanh nghiệp. Chủ yếu là do doanh nghiệp chần chừ, không hiểu và không biết.
Theo ông Phạm Hồng Hải – Giám đốc Kinh doanh ngoại tệ và vốn – Ngân hàng HSBC, kể từ khi những hợp đồng phái sinh đầu tiên được ký vào năm 1997 – 1998, đến nay thị trường phái sinh tại Việt Nam chưa nhúc nhích được bao nhiêu. “ Những doanh nghiệp thường xuyên có các dự án tính bằng vài trăm triệu USD và chỉ với những biến động nhỏ của thị trường tiền tệ, họ sẽ chịu những tổn thất không nhỏ về vốn. Tuy nhiên,
hầu hết các doanh nghiệp trên đều “ thổ lộ ” rằng, biết là sẽ gặp rủi ro nhưng do công ty họ chưa có chính sách nên họ không dám làm”
Một cản trở với nghiệp vụ phái sinh, đó là văn hoá trách nhiệm trong các doanh nghiệp. Ví dụ, một doanh nghiệp nếu biết có rủi ro lãi suất và đang vay tiền với lãi suất thả nổi, trong điều kiện lãi suất đang tăng lên mạnh, nếu họ quyết định hoán đổi chuyển sang lãi suất cố định và đỡ thiệt hại hơn nhiều. Nhưng họ sợ rằng nếu họ quyết định hoán đổi nếu chẳng may sang năm lãi suất sẽ xuống, lúc đó trách nhiệm lại đổ lên đầu người đã thay đổi chính sách. “ Nếu trong doanh nghiệp vẫn còn cái văn hoá “ chì chiết ” những người dám làm cái mới, thì sẽ không ai dám làm hết ”, ông Hải nhận định.
Môi trường chính sách:
Về phương diện chính sách luôn được xem là câu chuyện dài kỳ. Vẫn còn tồn tại những lực cản đối với nghiệp vụ phái sinh. Đặc biệt là trong quy định về thuế chưa rõ ràng. Ví dụ như việc đánh thuế nhà thầu với nghiệp vụ hoán đổi giữa hai đồng tiền hiện chưa rõ. Cách tính thuế này đang là một khó khăn bởi ngân hàng và doanh nghiệp sẽ không biết số thuế mình phải nộp là bao nhiêu, vì lãi suất thả nổi chạy liên tục theo từng ngày. Ở các nước khác thì lại không đánh thuế với sản phẩm phái sinh vì đó mới là công cụ phòng ngừa rủi ro cho doanh nghiệp chứ không phải một kênh kinh doanh của ngân hàng. Ngoài ra nhà nước ta chưa có một chính sách cụ thể nào khuyến khích các doanh nghiệp sử dụng sản phẩm phái sinh. Cũng có lẽ là các nhà hoạch định chính sách lo sợ cho mặt trái của các công cụ phòng ngừa rủi ro nên đã không cho phép chúng phát huy hết công năng đúng với bản chất vốn có của công cụ này. Như doanh nghiệp thực hiện một yêu cầu phi lý khi thực hiện nghiệp vụ swap là phải xuất trình các hoá đơn chứng từ hợp lý - một quy định đã gây không ít khó khăn cho doanh nghiệp. Những nguyên nhân làm cho doanh nghiệp không chủ động quản lý được các chi phí đầu vào có lẽ cũng bắt nguồn từ những quy định bất hợp lý này.
Hạch toán kế toán:
Ở nước ta chưa có các quy định về hạch toán kế toán đối với các giao dịch và phí phải trả cho việc sử dụng sản phẩm phái sinh. Đặc biệt, hệ thống Chuẩn mực kế toán Việt Nam còn chưa có các chuẩn mực tương đồng với các Chuẩn mực kế toán quốc tế về công cụ tài chính. Chính việc thiếu vắng những tiêu chuẩn kế toán chất lượng cao để ghi nhận,
đánh giá giá trị công cụ tài chính nói chung và công cụ tài chính phái sinh nói riêng đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc xác định kết quả tài chính và việc quản trị rủi ro trong doanh nghiệp. Đồng thời các cơ quan giám sát tài chính, ngân hàng, chứng khoán cũng không có được những thông tin đầy đủ, trung thực để giám sát thị trường chung, giám sát an toàn hoạt động của tổ chức tài chính.
Một số nguyên nhân khác:
Các tổ chức tài chính, đặc biệt là các ngân hàng thương mại với nguồn nhân lực hạn chế, hệ thống thông tin quản lý chưa phát triển, đối tác mua bán công cụ phái sinh với các ngân hàng thương mại là các doanh nghiệp lại hạn chế. Do đó các tổ chức tài chính cũng chưa có nhu cầu, cũng chưa chủ động phát triển và cung ứng các sản phẩm, dịch vụ về công cụ tài chính phái sinh.
Kinh nghiệm thực tế về sản phẩm phái sinh còn yếu kém: sản phẩm phái sinh là một loại sản phẩm tài chính khá mới mẻ ở Việt Nam điều này dẫn đến một thực trạng đang tồn tại ở nước ta là việc đào tạo về sản phẩm phái sinh còn thiếu trầm trọng, những chuyên gia đào tạo về sản phẩm phái sinh, các đơn vị cung cấp cũng như đơn vị tham gia thực hiện sản phẩm phái sinh còn rất ít ỏi. Vì vậy, số chuyên gia có cơ hội tiếp cận với thực tiễn ứng dụng sản phẩm phái sinh ở Việt Nam là rất hạn chế.
Chi phí giao dịch có liên quan tới việc mua – bán – giao dịch công cụ phái sinh còn cao.
Các chi phí này bao gồm như: Chi phí tìm kiếm thông tin, chi phí thương lượng với đối tác, chi phí để điều chỉnh trạng thái nhằm thích nghi với điều kiện mới của thị trường, chi phí thực hiện, giám sát… Đây cũng là một hạn chế cho doanh nghiệp sử dụng sản phẩm phái sinh. Tuy nhiên điều này là vì nhiều đối tượng sử dụng công cụ phái sinh nhằm kỳ vọng tạo ra lợi nhuận hay nhằm mục đích đầu cơ chứ không nhắm vào phòng ngừa rủi ro. Họ hoàn toàn không nghĩ sử dụng sản phẩm phái sinh sẽ tạo cho họ một cảm giác an toàn và yên tâm, chủ động trong các kế hoạch kinh doanh hay ước tính chi phí một cách chính xác hơn.
Nhân sự có năng lực chuyên môn về sản phẩm phái sinh còn thiếu: điều này đã gây cản trở cho doanh nghiệp khi muốn sử dụng công cụ phái sinh nhằm hạn chế rủi ro.
Thậm chí khi họ biết rõ những nguy cơ ảnh hưởng xấu tới việc kinh doanh như thay đổi lãi suất hay tỷ giá, họ biết họ cần phải sử dụng sản phẩm phái sinh, tuy nhiên, không có nguồn nhân sự nào có thể bảo đảm cho việc thực hiện điều này.
Việc tiếp cận các thông tin liên quan tới sản phẩm phái sinh đối với doanh nghiệp là không dễ dàng. Một phần là do sản phẩm phái sinh bản thân nó đã mang tính chất khó hiểu, đòi hỏi phải có trình độ chuyên môn, lại thêm sự hạn chế trong việc am hiểu về công cụ tài chính phái sinh của các doanh nghiệp, cộng thêm sự không đầy đủ của các hướng dẫn về sản phẩm phái sinh của các tổ chức của các tổ chức cung cấp sản phẩm phái sinh.