Các khoản thu nhập của Ngân hàng Thương mại

Một phần của tài liệu Kế toán thu nhập - chi phí và xác định kết quả kinh doanh tại ngân hàng NHNo&PTNT (AgriBank) Chi nhánh số 7 tỉnh Thanh Hoá, thực trạng và giải pháp (Trang 29 - 30)

III. Kết quả hoạt động kinh doanh của Ngân hàng Thương mại

2.Các khoản thu nhập của Ngân hàng Thương mại

Các khoản thu nhập của Ngân hàng Thương mại được xác định trên cơ sở nghiệp vụ kinh doanh tiền tệ như: nghiệp vụ tín dụng, kinh doanh ngoại tệ, kim khí, đá quý, nghiệp vụ đầu tư liên doanh, đại lí uỷ thác, nghiệp vụ thanh toán không dùng tiền mặt ... và các hoạt động nghiệp vụ khác. Nội dung các khoản thu nhập của Ngân hàng cũng rất phong phú, mỗi loại nghiệp vụ đem lại cho Ngân hàng nguồn thu nhập khác nhau. Bao gồm:

* Thu từ nghiệp vụ tín dụng (thu lãi cho vay)

Nguồn thu từ hoạt động tín dụng luôn chiếm một tỷ lệ lớn trong tổng thu nghiệp vụ Ngân hàng. ở Việt nam thu từ nghiệp vụ này chiếm trên 70% tổng thu nghiệp vụ Ngân hàng. ảnh hưởng đến các khoản thu nhập từ thu lãi cho vay chủ yếu là lãi suất cho vay. Cùng với sự phát triển của nền kinh tế, các hình thức tín dụng ngày càng đa dạng nhằm thoả mãn yêu cầu về vốn cho nền kinh tế, thu hút nhiều khách hàng tạo điều kiện tăng lợi nhuận cho Ngân hàng Thương mại.

* Thu từ nghiệp vụ đầu tư liên doanh liên kết, kinh doanh chứng khoán

Đây là hoạt động đem lại nguồn thu lớn thứ hai sau thu lãi cho vay và là một trong các khoản thu mới của hệ thống Ngân hàng. Do thị trường chứng khoán nước ta chưa phát triển nên nguồn thu này chủ yếu là từ hoạt động đầu tư liên doanh liên kết còn nguồn thu gián tiếp thông qua mua bán chứng khoán còn hạn chế.

* Thu lãi tiền gửi (tiền gửi tại Ngân hàng Nhà nước, các TCTD khác)

Nguồn thu này thường rất nhỏ, do mục đích chính của các khoản tiền gửi này không phải là hưởng lãi mà là để tham gia các hoạt động thanh toán, dự trữ bắt buộc theo quy định của Ngân hàng Nhà nước và bảo toàn vốn.

* Thu nhập từ nghiệp vụ kinh doanh ngoại tệ.

Các Ngân hàng Thương mại nếu được phép của Ngân hàng Nhà nước có thể tham gia mua bán, chuyển đổi ngoại tệ, mở tài khoản tiền gửi bằng ngoại tệ, làm các dịch vụ thanh toán quốc tế ... Những hoạt động này có thể đem lại thu nhập cho Ngân hàng như: lãi cho vay ngoại tệ, thu từ hoạt động kinh doanh ngoại tệ, phí thanh toán ... Việc phát triển nghiệp vụ này không những làm tăng thu nhập cho Ngân hàng

mà còn tạo điều kiện cho dịch vụ thanh toán quốc tế được thuận lợi nhanh chóng góp phần mở rộng quan hệ Thương mại quốc tế.

* Thu từ hoạt động dịch vụ, lệ phí hoa hồng

Đây là nguồn thu tốn ít vốn nhất của Ngân hàng, hiện nay nguồn thu này của các Ngân hàng Thương mại nước ta còn rất nhỏ, người ta ước tính rằng đối với các Ngân hàng Thương mại trên thế giới nguồn thu này chiếm từ 40 - 60% tổng thu nhập của Ngân hàng. Các Ngân hàng Thương mại Việt nam cần phải có biện pháp tăng cường nguồn thu này.

* Các khoản thu khác

Ngoài các khoản thu trên các Ngân hàng Thương mại còn có các khoản thu phát sinh trong quá trình hoạt động như:Thu phạt quá số dư, thu lãi phạt nợ quá hạn, thu bất thường...

Các nghiệp vụ kinh doanh của Ngân hàng Thương mại có mối quan hệ với nhau, do vậy các khoản thu nhập gắn với từng nghiệp vụ cũng có mối quan hệ tương tự, mặc dù chúng có tính độc lập tương đối.

Tăng các khoản thu nhập của Ngân hàng trong mối quan hệ với chi phí mới là yếu tố quan trọng để tăng lợi nhuận .

Một phần của tài liệu Kế toán thu nhập - chi phí và xác định kết quả kinh doanh tại ngân hàng NHNo&PTNT (AgriBank) Chi nhánh số 7 tỉnh Thanh Hoá, thực trạng và giải pháp (Trang 29 - 30)