VII. Khuyến nghị chính sách
6. Theo đuổi định hướng cải cách mạnh mẽ trong chiến lược 10 năm 2011-2020 : Chính phủ Việt Nam đang soạn thảo chiến lược kinh tế xã hội
năm 2011-2020: Chính phủ Việt Nam đang soạn thảo chiến lược kinh tế xã hội 10 năm cho giai đoạn 2010-2020. Để thành công, chiến lược của Việt Nam trong giai đoạn này phải tập trung cao độ để đi theo con đường phát triển của các nước Đông Á. Khi thực hiện những chính sách cần thiết để duy trì tăng trưởng và đạt được một mức độ công bằng chấp nhận được, chính phủ Việt Nam sẽ có thể bẻ lái nền kinh tế đi theo hướng của các nước Đông Á, đồng thời tránh khỏi “cạm bẫy” của các nước Đông Nam Á. Những thay đổi cần thiết hoàn toàn có tính khả thi và nằm trong tầm với của chính phủ. Tuy nhiên, thay đổi không hề dễ dàng. Nếu như những cơ hội hiện tại được tận dụng chỉ để biện minh cho sự thụ động và bất động trong chính sách thì trong tương lai, Việt Nam sẽ khó có lại những cơ hội vàng như hiện nay, đồng thời cũng không đáp ứng được kỳ vọng chính đáng của nhân dân về sự phát triển của đất nước.
6. Công bằng
1. Cải thiện chất lượng giáo dục: Thất bại của giáo dục đại học (và thậm chí của giáo dục cơ sở và phổ thông) trên thực tế được “giải quyết” bằng cách các gia đình khá giả tự thân vận động để đưa con em mình ra nước ngoài du học. Thế nhưng đây không thể là giải pháp cho một đất nước với gần 90 triệu dân. Để đảm bảo công bằng về cơ hội học tập và phát triển cho mọi người, hệ thống giáo dục trong nước phải được cải thiện một cách cơ bản. Dường như đang tồn tại một sự đánh đổi giữa số lượng học sinh nhập học ngày càng đông với chất lượng giáo dục ngày càng xuống cấp. Với cấu trúc dân số như hiện nay, lượng học sinh đến tuổi đi học ở các cấp trong thời gian tới sẽ tương đối ổn định, và do đó hệ thống giáo dục có cơ hội để tăng cường chất lượng mà không phải chịu sức ép quá tải. Điều này sẽ tạo cơ hội cho con em của những gia đình bình thường cạnh tranh với những gia đình khá giả hơn.
2. Cải thiện chất lượng y tế: Tỷ lệ tự trang trải chi phí y tế của người Việt Nam
cao hơn so với người dân ở các nước trong khu vực. Hệ thống y tế của Việt Nam hiện nay đã bị “tư nhân hóa” theo nghĩa nhiều bác sĩ kiếm sống bằng cách kê những đơn thuốc hay thậm chí tiến hành những phẫu thuật không cần thiết. Chi phí y tế và không có thu nhập khi gia đình có người ốm là nguyên nhân quan trọng nhất đẩy các hộ ở mức cận nghèo xuống dưới ngưỡng nghèo. Bảo hiểm y tế “tự nguyện” vừa không hấp dẫn với người tham gia bảo hiểm, vừa không bền vững về mặt tài chính đối với các tổ chức cung ứng dịch vụ bảo hiểm. Nhà nước phải dành ưu tiên cao nhất cho việc cung cấp đủ y, bác sĩ, các thiết bị y tế và nguồn tài chính cần thiết cho các trung tâm y tế ở cấp cơ sở. Các bệnh viện và phòng khám phải được theo dõi và điều tiết bởi cả nhà nước và các hiệp hội nghề nghiệp. Nhà nước cũng phải áp dụng các tiêu chuẩn y tế cao hơn.