Sự hình thành của các tập đoàn kinh tế

Một phần của tài liệu Tài liệu Lựa chọn thành công ppt (Trang 40 - 41)

IV. Việt Nam: Đôn gÁ hay Đông Nam Á?

3. Các công ty có tính cạnh tranh quốc tế

3.1. Sự hình thành của các tập đoàn kinh tế

Vào đầu những năm 1990, thất vọng trước kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp công nghiệp nhà nước, chính phủ đã cố gắng tìm mọi cách nhằm làm cho khu vực này trở nên năng động hơn. Để thực hiện mục tiêu này, từ năm 1994, chính phủ đã tập hợp các DN công nghiệp nhà nước để hình thành nên các doanh nghiệp lớn hơn, gọi là các tổng công ty (TCT) 90 và 91 - tiền thân của các tập đoàn kinh tế nhà nước sau này. Ý đồ của chính sách này là với quy mô lớn hơn, các TCT có thể tận dụng lợi thế kinh tế theo quy mô, phát triển thương hiệu cũng như khai thác các lợi thế khác. Mô hình tham khảo cho các TCT là các keiretsu của Nhật Bản (như Mitsubishi, Mitsui v.v.) và chaebol của Hàn Quốc (như Sam sung, Daewoo, Kumho v.v.). Điều khác biệt quan trọng nhất giữa mô hình TCT của Việt Nam với mô hình chaehol của Hàn Quốc là, tất cả các chaebol đều buộc phải trở nên có tính cạnh tranh quốc tế trong vòng một vài năm, rồi sau đó phải xuất khẩu được một tỷ lệ nhất định sản lượng của mình. Mặc dù các chaebol này được nhà nước trợ cấp rất nhiều trong thời kỳ đầu, nhưng những khoản trợ cấp này sẽ giảm dần và biến mất hoàn toàn trong những năm sau đó. Ngược lại, các TCT của Việt Nam được xây dựng để thay thế hàng nhập khẩu, và do vậy luôn nhận được sự bảo hộ và trợ giúp của chính phủ, ngay cả khi chúng thua lỗ và không thể xuất khẩu. Nói một cách ngắn gọn, có thể coi các TCT như một hình thức kiểm soát và theo dõi các doanh nghiệp thành viên một cách hành chính. Mô hình TCT, vì vậy, rất gần gũi với hệ thống kế hoạch hóa tập trung trong đó các doanh nghiệp hầu như không có quyền tự chủ - vốn là một điều kiện tiên quyết để tạo nên một tập đoàn thực thụ.

Trong mấy năm trở lại đây, chính phủ ngày càng nhận thức rõ về sự thất bại của mô hình TCT và đi đến quyết định phải cải cách những TCT này. Một trong những chính sách chủ yếu để thực hiện nhiệm vụ này là kế hoạch xây dựng 19 tập đoàn nhà nước (TĐNN) - hậu duệ của 18 TCT 91 và TCT Kinh doanh và Đầu tư vốn Nhà nước (SCIC) - nắm giữ vị thế gần như độc quyền ở nhiều ngành công nghiệp nặng. Một nguyên nhân nữa, có lẽ còn quan trọng hơn, của việc hình thành các TĐNN vào thời điểm này là do sự kiện Việt Nam gia nhập WTO. Chính phủ lo ngại rằng các DNNN sẽ không thể cạnh tranh trong khuôn khổ “luật chơi” của WTO, và do vậy đã quyết định đẩy nhanh tiến độ thành lập các TĐNN để có thể cạnh tranh với các DN lớn của nước ngoài.

Có nhiều lý do để nghi ngờ rằng các TĐNN này sẽ không thể tự chuyển hóa mình để trở thành những DN cạnh tranh quốc tế. Nguyên nhân quan trọng nhất là cấu trúc của các tập đoàn này rất giống với các TCT trước đây, đồng thời những TCT này đã có 12 năm để chứng minh rằng chúng không thể thành công trong hoạt động xuất khẩu và cải thiện kết quả kinh doanh của mình. Trừ Sing- ga-po ra thì hình như không có nước nào khác trên thế giới đã từng thành công trong việc sử dụng DNNN như một phương tiện chủ yếu để xây dựng nên các DN cạnh tranh quốc tế. Có vẻ như Việt Nam, vì nhiều lý do khác nhau, sẽ không thể lặp lại thành tích này của Sing-ga-po.

Thế nhưng, ngay cả khi gạt sang bên một thực tế là các tập đoàn này đều là những DNNN, thì vẫn có nhiều lý do để nghi ngờ về khả năng các tập đoàn này một ngày nào đó sẽ trở thành những công ty lớn mạnh. Có thể nói những người ủng hộ mô hình TĐNN đã hiểu nhầm kinh nghiệm của các tập đoàn trên thế giới. Chẳng hạn như, việc dựng lên các tập đoàn lớn một cách duy ý chí không phải là một công thức phổ quát để hình thành nên những doanh nghiệp công nghiệp thành công trên thế giới, nhất là khi quyết định này không do các doanh nghiệp tư nhân thực hiện và được điều chỉnh bởi hệ thống luật pháp và thể chế tốt.

Để kết luận, chính sách hình thành nên các TĐNN về thực chất là một sự kết hợp giữa cơ chế “phòng thử” và mục tiêu tiếp tục duy trì kiểm soát của nhà nước trong lĩnh vực công nghiệp. Nếu quả thực là như vậy thì những TĐNN này sẽ không thể giúp Việt Nam xây dựng nên một nền công nghiệp nặng có tính cạnh tranh.

Một phần của tài liệu Tài liệu Lựa chọn thành công ppt (Trang 40 - 41)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(73 trang)
w