1. Thời kì đầu thế kỉ XV
1.1. Lăng vua Lê Thái Tổ
1.1.1 Phong thủy
- Ngày 22 tháng 8 nhuận năm Thuận Thiên thứ 6, tức năm Quý Sửu, Thái tổ Cao Hoàng đế băng hà. Cùng năm ấy ngày 23 tháng 10 táng ở Vĩnh Lăng, Lam Sơn.
- Vĩnh Lăng được xây dựng trên một dải đất bằng phẳng ở chân núi Dầu phía Nam, cách thành Bắc điện Lam Kinh 50m, nằm trên tuyến trục Bắc - Nam giữa núi Dầu và núi Chúa, tạo thành thế hậu chẩm Bắc Sơn, tiền án Nam Sơn. Bên trái có núi Phú Lâm và núi Hổ; bên phải có núi Hướng và núi Hàm Rồng tạo thành hai cánh tay ngai với thế long chầu hổ phục; phía chính diện của Vĩnh Lăng, cách trên 1.000m là dòng sông Chu uốn cong hình vành khuyên, ôm lấy mặt tiền Vĩnh Lăng, chiều dòng chảy từ phải sang trái tạo thành thế tụ tuỷ. Theo cách nhìn tinh tế của nhiều người am hiểu thuyết phong thuỷ xưa và nay thì Vĩnh Lăng được chọn đặt ở một thế đất đẹp, có vượng khí tốt tươi, núi sông kỳ tú, là điểm huyệt quan trọng và thần diệu nhất trong khu sơn lăng Lam Sơn.
1.1.2 Kiến trúc
- Kết cấu lăng mộ ở Lam Kinh nhìn chung giống nhau, gồm 3 phần chính: mộ, đường thần đạo chạy chính giữa khu mộ và hai bên thần đạo có tượng quan hầu cùng các con vật bằng đá đứng chầu. Các nhóm tượng này là những tác phẩm chạm khắc tinh xảo mang ý nghĩa linh thiêng, canh gác lăng mộ và hầu hạ linh hồn người đã chết.
- Bố cục và phong cách mai táng của Vĩnh Lăng đơn giản nhưng tôn nghiêm, tự nhiên mà trang nhã. Lăng đắp đất hình lập phương, xung quanh trước kia xây chèn bằng loại gạch thường, bị sụt lở do sự xâm thực phá huỷ của thảo mộc, nay xây thêm bằng đá đục ở bên ngoài, có cạnh 4,4 m cao 1m.
Trước lăng có hai hàng tượng người và tượng các con giống tạc bằng đá, dựng ở đây để trấn trạch, nghĩa là làm cho khu lăng luôn luôn được yên lành, không bị tà ma quấy nhiễu và cũng là để tôn lên quang cảnh tôn nghiêm kính cẩn của lăng tẩm vua chúa.
- Đứng đầu hai hàng tượng, ở vị trí gần lăng là hai pho tượng quan hầu, bên trái là quan văn, bên phải là quan võ. Đây là cách sắp đặt theo phép bố trí quan chức thời vua Lê Thái Tổ, đặt hai chức quan đại thần đứng hàng đầu triều gồm quan Thị Trung bộc xạ trông coi việc then chốt về chính trị và quan Thái Uý nắm giữ quyền tối cao trong quân đội.
- Kế tiếp hàng tượng quan hầu là tượng bốn đôi con giống đối nhau theo thứ tự hai sư tử, hai ngựa, hai tê giác, hai hổ. Trước lăng 70cm có một hương án bằng đá để đặt bát hương và lễ vật. Giữa hai hàng tượng chầu vào là một lối đi rộng 20,35 m gọi là thần đạo.
- Đặc trưng nghệ thuật ở các tượng người và con giống ở đây khác biệt so với những tượng trong các lăng khác ở Lam Sơn và nhiều nơi khác.
- Niên đại của các tượng này đã được xác minh là chế tác từ năm mai táng vua Lê Thái Tổ (1433). Tượng có thân hình nhỏ bé, phong cách dân gian, ngựa không thắng yên, tê giác không bành, hổ ngồi hiền từ, sư tử cách điệu như hình lợn rừng.
Nhìn toàn cảnh lăng Lê Thái Tổ thật là giản dị, gần gũi mà tôn nghiêm, trang trọng.
- Hai hàng tượng quan hầu và thú (sư tử, voi, ngựa, hổ) đối xứng nhau quan trục Thần đạo. Đặc trưng nghệ thuật tạo tác các tượng người và con giống có sự khác biệt so với các lăng mộ khác, với kích thước nhỏ bé, mang đậm phong cách dân gian như: ngựa không thắng yên, tê giác không bành, hổ ngồi hiện từ, sư tử cách điệu rất gần gũi với lợn rừng . Qua đó nhận thấy rất rõ truyền thống điêu khắc của thời Trần còn được bảo lưu sang thời Lê sơ. Đó là phong cách tạo tượng tròn, chân thực song cũng rất trang trọng, nghiêm cẩn ở nơi thờ cúng thiêng liêng. Phong cách này chỉ có ở Vĩnh Lăng, ở các lăng mộ sau đã mang sắc thái khác và hoàn toàn biến mất ở các lăng mộ thời Lê - Trịnh (thế kỷ 17 -18).
1.2 Bia Vĩnh Lăng
Bia Vĩnh Văng là một phần quan trọng của lăng mộ Lê Thái Tổ, nằm ở phía tây nam, cách khu lăng mộ khoảng 300m, liền kề với hồ Tây - là "não" của điện miếu Lam Kinh
1.2.1 Kiến trúc
- Vĩnh Lăng (Lăng Lê Thái Tổ) bố trí trong một khoảng không gian rộng lớn. Nền dựng bia xây trên đỉnh một gò đất rộng, cao thoai thoải, mặt tiền của bia nhìn về hướng nam, cùng hướng với lăng. Bia làm bằng đá trầm tích biển nguyên khối cao 2,79 m, rộng 1,94 m, dầy 0,27 m, đặt trên lưng một con rùa cỡ lớn cũng làm bằng đá trầm tích biển nguyên khối, có chiều dài 3,46 m; rộng 1,94 m; cao 0,9 m. Trên thân rùa còn lưu lại nhiều dấu vết rõ nét vỏ áo các loài nhuyễn thể sống trong nước biển như trai, sò, ốc… . Chất liệu bia và rùa làm bằng loại đá xanh đen mịn. Dáng rùa khá đồng nhất, điển hình cho giai đoạn nghệ thuật thời Lê Sơ: đầu rùa to mập, ngẩng cao, mõm hơi ngắn, có hai răng, mắt lồi to, chân ngắn, có năm móng và hai đường viền nổi quanh mai
- Rùa đội bia ở đây mỗi bàn chân có 6 móng, dường như là để tượng trưng cho sáu năm làm vua của Lê Thái Tổ. Tuy nhiên, ở mỗi bàn chân có
một móng bị khoét khuyết, có lẽ là để tượng trưng cho việc Lê Thái Tổ làm vua 6 năm nhưng không tròn vì vua mất ngày 22 tháng 8 là chưa hết năm. Lại có giả thiết cho rằng: Xưa kia vì muốn giúp An Dương Vương chống giặc ngoại xâm nên rùa thần đã cho An Dương Vương móng làm nỏ thần nên móng út của rùa bị khuyết là vì thế.
1.2.2 Nội dung bia Vĩnh Lăng
Văn bia là một kiệt tác văn chương Nguyễn Trãi soạn vào tháng 10 năm 1433.
Dịch nghĩa văn bia:
Năm Thuận Thiên thứ Sáu, năm Quý Sửu, tháng tám nhuận, ngày 22, Thái Tổ Cao Hoàng đế chầu trời. Cùng năm ấy tháng 10, ngày 23, táng ở Vĩnh Lăng tại Lam Sơn.
Vua họ Lê, tên là Lợi.
Tằng tổ của vua huý là Hối, người phủ Thanh Hóa. Một ngày kia đi chơi Lam Sơn, thấy có đàn quạ bay lượn quanh ở dưới chân núi Lam, như vẻ đông người tụ họp, cho rằng chỗ này là đất tốt, liền dời nhà đến ở. Được ba năm thì thành sản nghiệp. Con cháu ngày một đông, tôi tớ ngày một nhiều. Việc dựng nước, mở đất, thực gây nền từ đó. Từ bấy giờ làm chủ một miền.
Tổ của vua Huý là Đinh, nối dõi nghiệp nhà, theo chí người trước, bộ hạ đến hơn nghìn người.
Tổ mẫu của Vua họ Nguyễn, rất có đức hạnh, sinh được hai con trai, con trưởng là Tùng, con thứ là Khoáng, tức là thân phụ của Vua. Người vui vẻ, dễ dãi, hiền lành, thích làm việc thiện, mến đãi khách. Đối với dân, cõi láng giềng cũng coi như người một nhà, cho nên người ta chẳng ai là không cảm ơn mà phục nghĩa.
Thân mẫu của Vua họ Trịnh, huý là Thương, chăm đạo đàn bà, cửa nhà hòa vui, gia đạo thêm thịnh. Sinh ba con trai, trưởng là Học, thứ là Trừ, út là Vua.
Người con trai trưởng được cha truyền nghiệp, không may mất sớm. Vua vâng thừa nghiệp của ông cha, một lòng kính cẩn. Tuy gặp thời loạn lớn, mà chí càng thêm bền. Giấu mình ở Lam Sơn làm nghề cày cấy. Vì giận quân giặc cường bạo nên càng chuyên tâm về các sách lược thao, dốc hết của nhà khoản đãi tân khách.
Năm Mậu Tuất dấy hưng nghĩa binh đóng trên sông Lạc Thuỷ. Trước sau hơn 20 trận, đều đặt mai phục, dùng kỳ binh, tránh mũi nhọn, thừa chỗ hư, lấy ít địch nhiều, lấy yếu chống mạnh.
Năm Bính Ngọ, đánh ở Ninh Động đại thắng liền tiến vây Đông Đô. Năm Đinh Mùi, giặc gửi viện binh, An Viễn hầu Liễu Thăng đem mười vạn quân do Quảng Tây tiến, Kiềm Quốc công là Mộc Thạnh đem năm vạn quân do Vân Nam tiến. Một trận Chi Lăng Liễu Thăng nộp đầu, chém quân
giặc hơn mấy vạn tên, bắt sống bọn Hoàng Phúc, Thôi Tụ hơn ba trăm người và hơn vạn binh sĩ. Sắc mệnh và binh phù bắt được của Liễu Thăng gửi đến quân Vân Nam, Mộc Thạnh trông thấy nhân đêm chạy trốn, giặc bị chém đầu và bị bắt sống không biết bao nhiêu mà kể.
Bấy giờ trấn thủ thành Đông Quan là bọn Thành Sơn hầu Vương Thông trước đó đã cùng quân ta giảng hòa mà chưa xong, đến đây, xin ra thề ở trên sông Nhị, những thành trì trấn thủ các xứ đều mở cửa ra hàng. Những quân giặc bắt và những quân đầu hàng có đến mười vạn người, đều tha cho về cả. Đường thuỷ thì cấp cho hơn năm trăm thuyền. Đường bộ thì cấp cho lương ăn và ngựa. Răn cấm quân sĩ (của ta) không xâm phạm mảy may (đến quân giặc). Hai nước từ đấy giao hảo, Bắc Nam vô sự. Mường Lễ và Ai Lao dần vào bản đồ, Chiêm Thành và Chà Và vượt biển đến cống.
Vua thức khuya dạy sớm sáu năm mà trong nước thịnh trị, đến nay băng.
Thuận Thiên năm thứ sáu. Quý Sửu, tháng mười, ngày tốt.
Vĩnh Lộc đại phu Nhập nội Hành khiển trị tam quân sự thần Nguyễn Trãi vâng soạn.
1.2.3 Nghệ thuật trang trí
- Hoa văn trang trí trên bia và niên đại được xác định cụ thể vào năm Thuận Thiên thứ sáu tức là năm Quý Sửu (1433). Trán bia trang trí một hình vuông, trong hình vuông trang trí một hình tròn biểu trưng cho trời đất. Giữa hình vuông và hình tròn khắc áng vân mây cách điệu tinh tế, chính giữa khắc một đầu rồng nhìn thẳng, thân rồng uốn khúc uyển chuyển quanh hình mặt trời, biểu trưng là Thiên tử do sự giao hoà của trời đất sinh ra. ở cánh cung hai bên của hình vuông và hình tròn khắc hai hình rồng vươn mình đối nhau chầu vào, cùng một phong cách. Trên nền, trang trí loáng thoáng hình áng mây; đường diềm hai bên của bia tính từ đỉnh xuống đến đáy bia, mỗi bên trang trí 9 hoa văn hình nửa lá đề, trong mỗi nửa lá đề có khắc hình một con rồng uốn mình theo lá, đầu vươn lên trên nối tiếp nhau. Khoảng không nền nửa lá đề chạm hình hoa cúc dây với nghệ thuật tinh sảo. Dưới đế bia được trang trí những hình người đang ngồi niệm phật trên các hoa văn hình sóng nước.
- Tiêu đề của bia có 5 chữ, được khắc theo lối chữ Triện, văn bia được khắc theo lối chữ Chân gồm có 3 phần chính ghi lại thân thế, sự nghiệp và công trạng của vua Lê Thái Tổ. Phong cách chạm khắc hình lá đề biểu trưng cho phong cách nghệ thuật trang trí trong các ngôi chùa thờ Phật. Nội dung văn bia do Vinh Lộc đại phu nhập nội hành khiển tri tam quán sự Nguyễn Trãi phụng soạn.
Bia Vĩnh lăng chính là một công trình văn hoá đặc sắc của chúng ta.
Có thể nói, bia Vĩnh Lăng là một công trình mỹ thuật điêu khắc đá độc đáo, tiêu biểu và quý giá về nhiều lĩnh vực và có ý nghĩa to lớn trong kho tàng văn hóa Việt Nam thời hậu Lê. Bia Vĩnh Lăng cũng là một cứ liệu lịch sử quý về lịch sử, văn hóa, mỹ thuật, điêu khắc góp phần quan trọng việc tuyên truyền, giáo dục lòng yêu nước, tự hào dân tộc cho các thế hệ sau này.
Để bảo vệ bia, năm 1960 Bộ Văn hóa đã cho dựng nhà che bia, đến năm 1961, nhà che bia được hoàn thành để kịp cho việc xếp hạng di tích quốc gia đợt đầu cùng với các di tích Đền Hùng, Cổ Loa… Vào những năm 1965- 1966, lúc này cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc của giặc Mỹ đang trong giai đoạn ác liệt. Máy bay Mỹ liên tục bắn phá tại các điểm gần khu vực của di tích Lam Kinh như: phà Mục Sơn, đập Bái Thượng, san bay Sao Vàng… Để tránh sự phá hoại của chiến trạnh, nhân dân ta lúc bấy giờ đã phải đóng cọc xung quanh và đan phên nứa, bọc cót quây quanh nhà bia rồi đổ cát lên đến mái nhà che bia để bảo vệ bia khỏi trúng bom. Sau này khi cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc của giặc Mỹ kết thúc, phần bảo vệ mới được tháo dỡ và bỏ cát đi, lúc này do lâu ngày nên các cột nhà che bị hư hỏng nặng. Năm 1995 nhà che bia được trùng tu lớn lại một lần nữa, hiện tại nhà che bia gồm có 2 tầng mái (8 mái); 16 hàng cột, mỗi góc 4 cột. Mái nhà che bia được làm uốn cong theo kiểu thức kiến trúc, mỹ thuật thời Lê.
2. Giai đoạn cuối thế kỉ XV
2.2. Lăng vua Lê Hiến Tông
2.2.1 Vị trí
Lăng trong khu di tích Lam Sơn (còn gọi là khu di tích Lam Kinh) thuộc xã Xuân Lam, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hoá. Lăng có tên gọi Dụ Lăng, thờ Lê Hiến Tông. Lê Hiến Tông là con cả của vua Lê Thánh Tông và Trường Lạc thái hậu Nguyễn Thị Ngọc Huyên, ở ngôi vua từ 1498-1504, niên hiệu Cảnh Thống.
2.2.2 Kiến trúc
Trong lăng có bia Đại Việt Lam Sơn Dụ lăng bi (1504) ghi rõ sự nghiệp vua Lê Hiến Tông. Kích thước bia thuộc loại lớn, trán bia chạm 3 rồng, diềm bia chạm 18 rồng. Thứ tự tượng đá ở đây so với lăng khác ở Lam Sơn có thay đổi, theo thứ tự từ trong ra là người, ngựa, voi, tê giác. Đường nét các tượng chạm trổ tinh vi, phức tạp.
Dụ Lăng (1504) của Lê Hiến Tông nằm phía bên phải điện Lam Kinh, cách điện chừng 500m về hướng Tây Bắc. Bố cục mặt bằng và cấu trúc của lăng cũng giống Vĩnh Lăng của Lê Thái Tổ nhưng kích thước nhỏ hơn. Lăng không có tường xây bao bọc. Các tượng đá dọc thần đạo bị gãy mất một số. Thứ tự các tượng cũng thay đổi, từ mộ ra có các tượng quan hầu, ngựa, voi, lân và tê giác. Bia đá phía trước thần đạo vẫn còn, hình dáng, kích thước và
chạm khắc trang trí gần gũi với bia ở Chiêu Lăng (lăng Lê Thánh Tông). Di vật điêu khắc ở Dụ Lăng còn tương đối đầy đủ, kích thước có sự khác biệt so với các lăng trước. Các tượng thú cao từ 0,45m đến 0,75m, dài 0,65m đến 0,85m. Quan hầu kích thước nhỏ bé nhưng chạm khắc rất công phu. Triều phục đường nếp rõ ràng, cân đai khít chặt vào lưng,đường nét mềm mại, chải chuốt quán xuyến bề mặt pho tượng. Tượng ngựa đạt đến độ hoàn chỉnh. Các chi tiết bờm, yên, đuôi, khăn phủ, tua ria đều gia công hoàn chỉnh từng chi tiết. Tượng voi kích thước nhỏ, đầu cúi, gỗ trán cao, lưng phủ tấm che gần hết phần bụng. Tượng lân đường nét hoa văn tạo dáng mạnh mẽ khiến hình thể rất dữ tợn. Tượng tê giác cao 0,45m, dài 0,70m, đầu nhỏ, có sừng, mõm dài, nhọn, có răng nanh, lưng phủ khăn trên cơ thể được kiến trúc đơn giản. Với những biến chuyển nhỏ về tạo hình kỹ thuật như trên, có thể coi những tác phẩm của Dụ lăng đã kết thúc tiến trình thô sơ và chậm chạp của điêu khắc Lam Kinh và mở ra một thời kì điêu khắc mới, chi tiết hơn, kĩ thuật hơn.
2.2.3 Bia Dụ Lăng
Bia Dụ Lăng dựng trên điểm cao của gò núi phía Tây Nam Dụ Lăng, cách Dụ Lăng 80m. Bia là một tấm đá nguyên khối dựng trên lưng một con rùa đá lớn, có kích thước rộng 1,90m, cao 2,78m, dày 27cm. Rùa dài 2,64m, rộng 1,83m, cao 67cm. Nội dung văn bia do các ông Nguyễn Nhân Thiếp; Phạm Thịnh; Thu Thiện Thiếu Doãn; Trình Chí Sâm; Bùi Sĩ Nho; Vũ Văn Thao; Phạm Bảo vâng mệnh soạn.