II. Những giải pháp cụ thể.
6. Đổi mới về quản lý, tổ chức DNNN
6.1. Sự cần thiết
Các vướng mắc trong cải cách cơ chế quản lý, tổ chức doanh nghiệp hiện nay đang là rào cản rất lớn làm chậm quá trình sắp xếp, đổi mới, quản lý DNNN. Tính cấp thiết của việc giải quyết vấn đề này là không phải bàn cãi. Bài viết sẽ đi sâu vào các giải pháp tháo gỡ thực trạng trên.
6.2. Giải pháp
Giải pháp cơ bản hiện nay vẫn là tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước và của cơ quan chủ sở hữu đối với DNNN bao gồm :
*Xác định rõ chức năng quản lý Nhà nước đối với DNNN.
Chức năng quản lý nhà nước đối với DNNN là: xây dựng, hoàn thiện khung pháp lý và ban hành chính sách, cơ chế quản lý đối với doanh nghiệp hoạt động kinh doanh và hoạt động công ích; xây dựng quy hoạch và đào tạo đội ngũ cán bộ cốt cán cho DNNN; thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật , chế độ, quy định của Nhà nước tại doanh nghiệp.
Kiên quyết chấm dứt tình trạng cơ quan hành chính Nhà nước can thiệp trực tiếp, cụ thể vào hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; phân định rõ quyền quản lý hành chính kinh doanh của doanh nghiệp. Cơ quan quản lý Nhà nước căn cứ vào quy định của pháp luật và yêu cầu quản lý mà ban hành đồng bộ hệ thống văn bản pháp quy để thực hiện chức năng quản lý Nhà nước đối với doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, trong đó có DNNN.
*Phân định rõ quyền của các cơ quan nhà nước thực hiện chức năng chủ sở hữu đối với DNNN.
Chính phủ thống nhất quản lý và tổ chức thực hiện các quyền của chủ sở hữu đối với DNNN.
Chủ sở hữu có quyền: thành lập, sáp nhập, chia tách, chuyển đổi sở hữu, giải thể doanh nghiệp; ban hành điều lệ mẫu tổ chức hoạt động của doanh nghiệp. Bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật các chức danh quản lý chủ chốt. Quyết định mục tiêu, nhiệm vụ, chiến lược phát triển và kế hoạch trung, dài hạn của doanh nghiệp. Phê duyệt các dự án đầu tư. Quy định nguyên tắc phân phối lợi nhuận sau thuế. Kiểm tra, giám sát thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ Nhà nước giao và hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.
Chính phủ uỷ quyền cho các bộ, phân cấp cụ thể cho uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, hội đồng quản trị tổng công ty nhà nước thực hiện quyền chủ sở hữu của Nhà nước phù hợp với các loại hình doanh nghiệp có vốn nhà nước, bảo đảm ở đâu có vốn của Nhà nước thì phải có tổ chức hoặc cá nhân được giap quyền đại diện Nhà nước làm chủ sở hữu trực tiếp với nhiệm vụ, quyền hạn, quyền lợi và trách nhiệm rõ ràng, không phân biệt doanh nghiệp nhà nước do Trung ương hay địa phương quản lý.
*Đào tạo và sử dụng cán bộ quản lý DNNN.
Chính phủ quy dịnh tiêu chuẩn cán bộ quản lý chủ cốt của doanh nghiệp nhà nước; chỉ đạo xây dựng hệ thống đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giám đốc doanh nghiệp.
Chính phủ quy định chế độ đãi ngộ và chế độ trách nhiệm đối với những cán bộ quản lý DNNN theo hướng khuyến khích thoả đáng về vật chất và tinh thần căn cứ mức độ đóng góp vào kết quả hoạt động của doanh nghiệp; đồng thời có chế tài phù hợp với từng loại hình DNNN để xử lý những cán bộ quản lý doanh nghiệp hoạt động kém hiệu quả do nguyên nhân chủ quan.
*Tổ chức đội ngũ lao động trong DNNN.
Để DNNN chứng tỏ tính ưu việt của mình, nhằm dần trở thành nền tảng của chế độ kinh tế mới, ngoài yếu tố cán bộ quản lý phải khơi dậy được sức mạnh của người lao động không phải theo ý nghĩa chỗ làm việc an toàn mà bằng cách gắn lợi ích của từng người lao động vào doanh nghiệp cũng như khuyến kích các tổ chức xã hội độc lập của họ như hội ngành nghề tổ chức Đảng, thanh niên, phụ nữ, công đoàn .v.v. Đây là một lĩnh vực rất phức tạp. Bởi nếu không phát huy được khả năng lao động sáng tạo của người lao động thì tính XHCN trong các DNNN bằng không. Vì vậy, để những người lao động làm việc theo tư thế của người XHCN cần phải cải tổ hoạt động của các đoàn thể xã hội, Công đoàn, đoàn thanh niên, hội phụ nữ. Làm cho người lao động có tác phong của những người cộng sản chính là góp phần thực hiện định hướng XHCN trong xã hôị hiện nay.
* Công ty hoá DNNN
Ngày 14/9/2001, Chính phủ đã ban hành nghị định 63/2001/NĐ-CP về việc chuyển đổi doanh nghiệp của Nhà nước, của tổ chức chính trị, của tổ chức chính trị- xã hội thành công ty TNHH một thành viên (công ty hoá). Có thể giải thích đơn giản đây là việc chuyển các DNNN sang hoạt động theo Luật doanh nghiệp, khiến cho các doanh nghiệp này trở thành các thực thể pháp lý độc lập, chịu trách về hoạt động của mình trong giới hạn vốn điều lệ của công ty. Đồng thời, Nghị định quy định rõ về phân công, phân cấp trong quan hệ quản lý nhằm xác định quyền và trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu, của hội đồng quản trị và tổng giám đốc công ty. Doanh nghiệp sau khi chuyển đổi chỉ có một tổ chức là chủ sở hữu hoặc được uỷ quyền là đại diện chủ sở hữu. Chủ sở hữu và tổ chức được uỷ quyền là đại diện chủ sở hữu có quyền và nghĩa vụ được giảm thiểu tối đa so với cơ quan chủ quản theo kiểu cũ, không can thiệp sâu vào quản lý kinh doanh, tách bạch giữa chủ sở hữu và người quản lý doanh nghiệp. Việc phân cấp trên đã mở rộng quyền cho các công ty, tạo ra sự năng động, tự chủ, sáng tạo cho các doanh nghiệp trong hoạt động kinh doanh.