Các đặc điểm lâm sàng

Một phần của tài liệu Nghiên cứu điều trị ung thư biểu mô tế bào vẩy vùng đầu cổ giai đoạn III, IV (m0) bằng hóa xạ trị tuần tự (Trang 86 - 88)

4.1. Một số đặc điểm các BN nghiên cứu

4.1.5. Các đặc điểm lâm sàng

Trong 115 BN được nghiên cứu, vị trí họng miệng chiếm tỷ lệ cao nhất với 54 BN (47%), tiếp theo là hạ họng 31 BN (27%), khoang miệng 17 BN (14,8%) và thanh quản 13 BN (11,2%). Tỷ lệ các vị trí bị bệnh này cũng phù hợp với chỉ định điều trị, vì ở vị trí khoang miệng và thanh quản sẽ có chỉ định đầu tiên là phẫu thuật triệt căn (nếu có thể). Kết quả này cũng không khác nhiều so với các thử nghiệm khác. Các vị trí khoang miệng, họng miệng, hạ họng và thanh quản của các nghiên cứu lần lượt là 8%, 47%, 12%, 32% (S0216, Adelstein (2010) [12]; 13%, 34%, 23%, 30% (Hitt (2005)) [52]; 17,5%, 46,4%, 28,7%, 7,2% (TAX 323 (2007)) [104]; 15%, 53%, 14%, 17% (TAX 324 (2007)) [80]. Qua các nghiên cứu, chúng tôi thấy chỉ định hóa xạ kết hợp chủ yếu dành cho UT họng miệng ngay cả khi ở giai đoạn sớm hơn vì sự phức tạp của cuộc phẫu thuật và chăm sóc hậu phẫu cũng như chất lượng cuộc sống sau điều trị, còn phẫu trị trước được chỉ định với UT thanh quản và khoang miệng (tỷ lệ ở các nghiên cứu này đếu thấp hơn).

Khi đánh giá phân loại u nguyên phát và hạch vùng, trong nghiên cứu của chúng tôi không có BN nào ở giai đoạn T1, tương tự với các nghiên cứu khác với chỉ định hóa xạ triệt căn. Tuy nhiên, trong thử nghiệm TAX 324 vẫn có 22% giai đoạn T1, T2 vì họ có chỉ định hóa xạ tuần tự với cả ý định bảo tồn cơ quan (33% BN) [80]. Số các BN còn lại với tỷ lệ T2, T3, T4 lần lượt là 11,3; 29,6 và 59,1%; và tỷ lệ N1, N2, N3 lần lượt là 33,1; 31,3 và 13%. Điều này hoàn toàn phù hợp với lý do không có chỉ định phẫu thuật là không thể mổ được hoặc không mổ triệt căn được. Qua nghiên cứu, tỷ lệ giai đoạn N0 của chúng tôi là 22,6%, kết quả của N.T. Tùng (2011) nghiên cứu trên BN UT

thanh quản có tỷ lệ giai đoạn N0 là 28,3% [8], tác giả L.V. Quảng (2012) còn có tỷ lệ N0 cao hơn trên các BN UT lưỡi giai đoạn III, IV (M0) là 45,3% [6]. Các kết quả nghiên cứu trong nước cao hơn với các nghiên cứu khác, như của Vermorken (2007) là 14,4% [104], của Posner (2007) là 14,4% [80], của Adelstein (2010) là 12,2% [12], của Paccagnella (2010) là 12% [71] phải chăng do việc khám lâm sàng cũng như các phương tiện chẩn đoán hình ảnh chưa đầy đủ (PET/CT) nên phân loại giai đoạn N đôi khi chưa hoàn toàn chính xác so với thực tế bệnh, có thể bỏ sót một số trường hợp di căn hạch ẩn. Hiện nay, trên thế giới và ở một số cơ sở UT lớn trong nước, các thầy thuốc đã tiến hành sinh thiết hạch cửa (hạch lính gác, sentinal node biopsy) với các trường hợp UT vú, UT đầu cổ, u hắc tố ác tính ở giai đoạn u nguyên phát sớm mà chưa thấy di căn hạch trên lâm sàng để tránh bỏ sót tổn thương, từ đó có phương pháp điều trị hợp lý và hiệu quả hơn [62].

Điều dễ hiểu khi kết quả nghiên cứu này có 35 BN giai đoạn III (30,4%) và 80 BN giai đoạn IV (69,6%) vì đây là nghiên cứu chọn mẫu có chủ đích, BN không mổ được và chưa di căn xa. Kết quả này cũng tương tự nghiên cứu của L.V. Quảng (2012) trên các BN UT lưỡi với 27,4% giai đoạn III và 72,6% giai đoạn IV [6]. Tỷ lệ giai đoạn III trong nghiên cứu còn cao hơn nhiều so với các thử nghiệm hóa xạ tuần tự ngoài nước, có lẽ do kỹ thuật trong và sau phẫu trị của họ có điều kiện tốt hơn chúng ta. Mặt khác, thực tế tại Việt Nam việc xác định phẫu thuật triệt căn cũng là sự tính toán kỹ lưỡng không những đối với thầy thuốc mà cả về phía người bệnh, họ không dám đương đầu với những nguy cơ khi phẫu trị ở giai đoạn bệnh của họ.

Về phân độ mô học của 115 BN trong nghiên cứu, mặc dù tiêu chuẩn lựa chọn là SCC vùng đầu cổ, nhưng phân độ cũng có sự tương đồng với các nghiên cứu gần đây, với 10,4% SCC độ 1; 12,2% SCC độ 3 và có tới 77,4% (89 BN) có SCC độ 2; tương tự nghiên cứu của N.T.Tùng (2011) [8],

L.V.Quảng (2012) [6] hay của T.T.T.Hương (2006) [3]. Tác giả Pruegsanusak (2012) nghiên cứu trên 1186 BN UTĐC tại Thái Lan cũng cho thấy tỷ lệ SCC độ 1 và SCC độ 2 chiếm đa số, tuy nhiên cũng có 331 BN không rõ phân loại, có thể đây là nghiên cứu trong tất cả UTĐC [82]. Tại nghiên cứu này, các kết quả phân độ mô học đều được các thầy thuốc có kinh nghiệm tại Bệnh viện K đọc và một số đã được thẩm định lại nên đạt độ tin cậy cao. Sự biệt hóa của các tế bào biểu mô vẩy tỷ lệ nghịch với phát triển bệnh, do đó giải thích tỷ lệ biệt hóa vừa và cao chiếm đa số trong các nghiên cứu ở các BN UT giai đoạn III, IV.

100% BN trong nghiên cứu có chỉ số toàn trạng (P.S) là 0 và 1, đây là tiêu chuẩn bắt buộc khi lựa chọn BN nghiên cứu vì quá trình kéo dài thời gian điều trị liên tục (trên 6 tháng), cùng với các hóa chất mạnh sẽ ảnh hưởng rất nhiều tới chất lượng điều trị nếu thể trạng, sức khỏe người bệnh không cho phép. Nhưng cũng có tới 97/115 BN có P.S là 1 trước điều trị (phải chăng do giai đoạn, do tới viện muộn). Đối với nghiên cứu của tác giả N.T.Tùng (2011) còn lựa chọn 100% có chỉ số P.S trước điều trị là 0 [8] càng minh chứng cho việc đương đầu với các khó khăn khi điều trị hóa xạ kết hợp đối với người bệnh. Ngay đối với các thử nghiệm ngẫu nhiên có đối chứng trên thế giới, số BN có P.S là 2 chiếm tỷ lệ rất thấp mặc dù có thể tuổi người bệnh cao. Ví dụ thử nghiệm TAX 323 chỉ có 1 BN (0,6%) nhóm hóa trị tấn công TCF có P.S là 2 [104].

Một phần của tài liệu Nghiên cứu điều trị ung thư biểu mô tế bào vẩy vùng đầu cổ giai đoạn III, IV (m0) bằng hóa xạ trị tuần tự (Trang 86 - 88)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(129 trang)
w