Quan niệm của I.Kant về thiên tài

Một phần của tài liệu Những tư tưởng mỹ học cơ bản của i kant (Trang 63 - 67)

MỘT SỐ NỘI DUNG CƠ BẢN TRONG MỸ HỌC I .KANT

2.4Quan niệm của I.Kant về thiên tài

Khi phân tích về bản chất của nghệ thuật, I.Kant phân biệt rạch ròi ranh giới giữa nghệ thuật với thủ công: nghệ thuật là trò chơi, là hoạt động tự do, là công việc hứng thú tự nó. Còn nghề thủ công là hoạt động sinh lợi, lao động có hiệu quả, có mục đích, mang tính thực dụng, ít nhiều có tính cưỡng bức.

Tác phẩm “Phê phán khả năng phán đoán” của I.Kant còn nghiên cứu việc thưởng thức và sáng tạo nghệ thuật. Trong tác phẩm này, I.Kant đã phân tích sự khác biệt giữa tự nhiên – cái vận động và tiến hóa với nghệ thuật – cái phải tạo ra một cái mới thông qua lý tính và ý chí tự do. Ở đây các giá trị mà Kant hằng theo đuổi về hạnh phúc được thể hiện một cách mạnh mẽ. Theo ông, “Sự nghiệp của văn hóa nghệ thuật là công việc theo đuổi mục đích vươn ra khỏi tự nhiên, chuyển vào trạng thái đạo đức. Đạo đức nâng tình cảm lên trên tính tất yếu tự nhiên. Sáng tác nghệ thuật khác với bản năng tự nhiên của con ong làm tổ là ở tính mục đích, tính dự kiến và tính hình thức đã được dự kiến” [8, 28].

Sáng tác nghệ thuật không chỉ khác biệt với các hoạt động tự nhiên, các hoạt động bản năng sinh vật mà nó còn thống nhất với các hoạt động khoa học. Ngoài ra cũng trong tác phẩm này, I.Kant đã phân xuất tri thức khoa học với chất lượng nghệ thuật, đồng thời gắn bó chất lượng nghệ thuật với tri thức khoa học, tri thức khảo cổ, tri thức lịch sử, ngôn ngữ và toàn bộ nền văn hóa

Cùng với việc phân xuất hoạt động nghệ thuật với khoa học là sự phân xuất giữa nghệ thuật đích thực và nghệ thuật tự do, không ràng buộc. Nghệ thuật được nhìn nhận là một trò chơi, khác với nghề thủ công mang rõ tính thực dụng, tính sinh lợi, là lao động có hiệu quả, lao động cưỡng bức. Theo I.Kant giữa nghệ thuật và nghề thủ công chỉ cần phân biệt ở một đặc trưng

nghệ thuật – trò chơi, nghề thủ công – lao động là đủ.

Tương tự, I.Kant đưa ra nhận định về nghệ thuật. Nghệ thuật khác với công nghệ, nếu công nghệ nhằm mục tiêu thương mại và những lợi ích vật chất thì nghệ thuật chỉ nhằm niềm vui thỏa tinh thần. Nghệ thuật cũng khác với khoa học: Một bên là những tri thức có quy cũ và được diễn tả bằng những quan niệm rõ ràng, nên dễ dàng mang giảng dạy. Ngược lại, nghệ thuật không dựa trên những quan niệm rõ ràng của trí năng nên không thể trực tiếp truyền đạt cho người khác. Nếu Niutơn có thể trình bày tất cả những khám phá khoa học của ông, và chúng ta có thể học với ông để hiểu biết tất cả những gì ông biết về cơ học và vật lý. Trong khi đó thì những thi hào Homère “không sao trình bày cho ta biết những câu rất phong phú về hồn thơ và rất sâu về tư tưởng đã xuất và kết đọng trong đầu óc ông ta thế nào, bởi vì chính ông ta cũng không biết nó xảy ra thế nào cho nên ông không thể dạy ta được” [8, 129].

Cổ nhân vẫn nói “thơ do thiên phú”. Thi ca thuộc loại thiên tài chứ không do học hỏi mà thành tài như trường hợp các khoa học. Theo đó, nghệ thuật được coi là lĩnh vực của thiên tài, không có thiên tài, không trở thành nhà mỹ thuật được. Nếu hội họa chỉ là in lại một cảnh của thiên nhiên thì không đáng gọi là hội họa mà chỉ là công việc của chiếc máy ảnh thôi. Cho nên thiên tài không tuân theo những luật lệ có sẵn nhưng chính mình là luật cho mình: “Thiên tài đích thân tạo ra luật cho nghệ thuật” [8, 127]. Nói vậy không có nghĩa là thiên tài không cần học hỏi gì, I.Kant viết “có những tâm trí phù phiếm tưởng mình là thiên tài non trẻ, nên họ đã vội chút bỏ tất cả những gì là học tập ở nhà trường. Họ tưởng muốn biểu diễn thì nên dùng thứ ngựa thả cương hơn là thứ ngựa đã được tập dượt ở trường đua. Thực ra, thiên tài chỉ mang lại một chất liệu phong phú cho mỹ thuật thôi. Muốn cho chất liệu này có một mô hình thì thiên tài cũng phải đi học ở trường. Khi những ai nói quyết họ là thiên tài, nhất là lại nói về những cái

mà lý trí phải thẩm định tỉ mỉ thì họ quả là lố bịch” [8, 130].

Đối lập nhận thức khoa học và sáng tạo nghệ thuật, ông cho rằng nhà khoa học có thể rất có tài, có thể rất vĩ đại trong những phát minh khoa học của mình. Và những người bình thường có trí tuệ có thể hiểu được những thành tựu khoa học đó. Dù là vĩ đại thì nhà khoa học chỉ có thể là nhân tài. Do đó quá trình nghệ thuật khác với nghiên cứu khoa học, bởi vì: “trong khoa học người phát minh vĩ đại nhất và người bắt chước chuyên cần chỉ khác nhau về trình độ” còn quy tắc nghệ thuật chìm trong các sáng tạo của tác phẩm và không thể bắt chước được. Thiên tài nghệ thuật tạo ra các khuôn mẫu không thể giải thích về mặt khoa học. Nó tự nhiên trong suốt như cái đẹp thuần túy vậy. Thiên tài nghệ thuật, một mặt là tưởng tượng tự do vô hạn mặt khác lại bị quy luật ức chế; một mặt sáng tạo không phụ thuộc vào mục đích, mặt khác các sản phẩm lại thể hiện tính phù hợp mục đích. Đối với I.Kant, dù mọi vật hình thức thẩm mỹ như thế nào, nhưng thông qua thiên tài thì mọi thứ đều có linh hồn và phải đẹp. Vì thế, thiên tài chính là chủ thể sáng tạo, cái đẹp của nghệ thuật khi đã thông qua sáng tạo nghệ thuật của thiên tài thì bao giờ cũng đẹp. Thiên tài là một tài năng tự nhiên, bẩm sinh; chất lượng nghệ thuật và sức tưởng tượng khẳng định thiên tài; còn hứng thú tạo ra hình thức nghệ thuật.

Nghệ thuật là hoạt động tự do của thiên tài khắc phục sự phân cách tất định và tự do, giữa tự nhiên và nghĩa vụ đạo đức, là sự thống nhất cao nhất giữa tính tất yếu mù quáng của tự nhiên và sự tự do của con người. Dấu hiệu của thiên tài là tính độc đáo. Là năng lực tạo ra tác phẩm kiểu mẫu, tạo ra những quy tắc nghệ thuật hoàn toàn mới. Năng lực ấy vượt ra khỏi phạm vi của hiểu biết con người.

Như vậy, trong nghệ thuật mới có thiên tài. Thiên tài là người hiểu biết sâu rộng không ai có thể bắt chước được và nghệ thuật là một trò chơi, là sự bắt chước phản ứng hiện thực như trò chơi của thiên tài. Nghệ thuật

không có một sự ràng buộc nào hết. Nó là một hoạt động mang tính trò chơi kết hợp hài hòa giữa lí trí và tưởng tượng. Nghệ thuật còn là hoạt động mà con người có thể thay đổi những hoạch định, tính toán trước đó. Và con người có thể làm tất cả để nhận thức được thế giới đang hiện hữu.

Một phần của tài liệu Những tư tưởng mỹ học cơ bản của i kant (Trang 63 - 67)