Với những kết quả dự báo được từ mô hình mạng thần kinh đã cho thấy tình trạng lạm phát trong năm 2012 đang có xu hướng dịu đi và giảm dần trong thời gian tới, tuy nhiên để có thể thực hiện được những điều này đòi hỏi cần phải có sự quyết đoán từ những nhà điều hành chính sách. Lạm phát ở nước ta bắt đầu bùng nổ kể từ cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2007 cùng với việc gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), việc nước ta tiếp tục triển khai sâu rộng các cam kết trong WTO, Khu vực mậu dịch tự do ASEAN và ASEAN+, tạo ra những cơ hội to lớn cho thu hút đầu tư và phát triển xuất khẩu, nhưng cũng đặt ra những thách thức gay gắt đối với sức cạnh tranh của nền kinh tế đang trong quá trình chuyển đổi và khả năng phản ứng chính sách, phản ứng thị trường trước những diễn biến phức tạp của thị trường. Giá lương thực, thực phẩm, giá dầu thô, giá một số nguyên vật liệu trên thị trường quốc tế và lạm phát có thể tăng cao tại nhiều quốc gia, cả phát triển, cũng như đang phát triển và mới nổi; khả năng tiếp tục đậm hơn xu hướng bảo hộ kỹ thuật các thị trường xuất khẩu quốc tế quan trọng của Việt Nam... Suy cho cùng, nguyên nhân sâu xa của lạm phát trong nền kinh tế Việt Nam bắt nguồn từ mô hình tăng trưởng kinh tế dựa trên chiều rộng, gia tăng vốn đầu tư nhưng không thật sự hiệu quả. Trong suốt giai đoạn nghiên cứu, lạm phát Việt Nam liên tục tăng cao và đến nay vẫn ở mức đáng báo động, gây sức ép rất lớn đến đời sống người dân cũng như sự phát triển
kinh tế. Chính phủ đã thực hiện hàng loạt các giải pháp nhằm kiềm chế sự tăng tốc của lạm phát. Chẳng hạn như các giải pháp thắt chặt tiền tệ và tài khóa được tiến hành trong năm 2008 và năm 2011 với chủ trương giới hạn tăng trưởng tín dụng và cắt giảm các dự án đầu tư công kém hiệu quả. Tuy nhiên, việc đánh giá hiệu quả của các chính sách này cần phải có thời gian vì độ trễ của chúng.
Với mục tiêu ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, những nhà điều hành chính sách cần kiên định thực hiện các mục tiêu đã đề ra và duy trì tăng trưởng phù hợp với tình hình vĩ mô của nền kinh tế. Ưu tiên của Việt Nam trong năm 2012 là kiềm chế lạm phát dưới 10%, các năm sau thấp hơn, đến năm 2015 lạm phát khoảng 5 đến 7%. Trong bối cảnh với các áp lực lạm phát còn khá đậm như kể trên thì rõ ràng đây là mục tiêu cần thiết, nhưng không dễ đạt được, do đó cần phải có thêm những giải pháp hiệu quả để có thể điều hành tốt tình hình vĩ mô của nền kinh tế chẳng hạn như tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng và linh hoạt theo tín hiệu thị trường; kết hợp hài hòa giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa để bảo đảm tăng tổng phương tiện thanh toán và tăng dư nợ tín dụng hằng năm không vượt quá mức đề ra trong Nghị quyết 11. Tăng cường quản lý nhà nước về giá; xử lý nghiêm khắc các hành vi tăng giá bất hợp lý, nhất là đối với các nguyên vật liệu quan trọng và các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu; công khai, minh bạch và tăng cường cơ chế thị trường đối với giá các hàng xăng dầu, điện và những mặt hàng nhạy cảm khác chưa có cạnh tranh thị trường đầy đủ. Kiểm soát chặt chẽ hơn việc nhập khẩu các mặt hàng không khuyến khích để giảm nhập siêu và cải thiện cán cân thanh toán. Ðẩy mạnh xuất khẩu, tăng hàm lượng nội địa và giá trị gia tăng của sản phẩm. Cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh và mở rộng thị trường; bảo đảm đủ vốn, đủ ngoại tệ với lãi suất hợp lý cho sản xuất các ngành hàng, các sản phẩm trọng điểm mà thị trường trong nước và xuất khẩu đang có nhu cầu lớn. Thực hiện chính sách tài khóa chặt chẽ, giảm sâu hơn bội chi ngân sách; tăng cường tiết kiệm chi thường xuyên; rà soát, sắp xếp lại danh mục đầu tư công, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn và chuyển một phần đầu tư nhà nước sang đầu tư từ các nguồn vốn khác. Ngoài ra, để chính sách tiền tệ và tỷ giá được độc lập, một đề nghị cần thiết là sự độc lập về mặt tổ chức của Ngân hàng trung ương. Với cơ cấu chính trị của Việt Nam hiện nay, Ngân hàng trung ương trực thuộc Chính phủ nên chính sách tiền tệ nhiều khả năng bị lệ thuộc vào mục tiêu của chính sách tài khóa, và điều này có thể cản trở mục tiêu chính
của Ngân hàng trung ương là quản lý giá cả tổng quát trong nền kinh tế. Chính vì vậy, việc sửa đổi cơ cấu quản lý là rất cần thiết.