Sản xuất lúa theo mô hình sản xuất “3 giảm, 3 tăng” ( Giảm lượng giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; tăng năng suất, chất lượng, sản lượng) đang được nông dân Bình Thuận thực hiện hiệu quả trong trong vụ sản xuất hè thu và vụ mùa năm nay.
Một hécta sản xuất theo mô hình này không những nhà nông quản lý được tình hình dịch bệnh, mà còn thu nhập cao hơn sản xuất lúa truyền thống từ 2-3 triệu đồng/ha.
Các xã Hàm Chính, Hàm Thắng, Hàm Trí … (Hàm Thuận Bắc) là những xã thuần nông, lúa là cây trồng chủ yếu, mỗi năm sản xuất từ 2 đến 3 vụ/năm. Sản xuất theo tập quán, nông dân thường gieo dày, bởi quan niệm gieo càng dày, càng cho nhiều cây và thu hoạch nhiều hơn so với gieo thưa, ít cây, ít hạt.
Theo đó, bà con gieo giống dày, bình quân 25-30 kg lúa giống trên một sào ruộng, kèm theo là phải đầu tư nhiều phân, thuốc trừ sâu, công chăm sóc,… Năng suất bình quân cũng chỉ đạt khoảng 40-45 tạ/ha nếu chăm sóc tốt, không bị dịch bệnh. Nhưng hiệu quả thì ngược lại so với sản xuất theo mô hình “3 giảm, 3 tăng” như hiện nay.
Lúc đầu sản xuất thí điểm theo mô hình "3 giảm, 3 tăng", được hỗ trợ giống, vật tư và cán bộ chuyên môn hướng dẫn kỹ thuật, nhưng không được mấy người hưởng ứng. Từ khi có những đám ruộng đối chứng của Trung tâm, Trạm khuyến nông tỉnh và huyện tổ chức thực hiện để chuyển giao kỹ thuật cho nông dân.
Một số hộ nông dân tham gia gieo lúa bằng công cụ sạ hàng, lượng sử dụng giống từ 12-15kg lúa giống/sào, giảm hơn 50% về khâu giống. Với ưu điểm gieo thưa, quá trình cây lúa phát triển nông dân dễ phát hiện được sâu rầy và công tác phòng, trừ sâu rầy kịp thời hơn, giảm được từ 50 đến 70kg phân bón và giảm từ 500.000 - 700.000 đồng chi phí dùng thuốc trừ sâu, bảo vệ thực vật trên một ha lúa.
Một nông dân xã Hàm Thắng cho biết: Sản lượng lúa vụ này trên một ha canh tác ước thu hoạch khoảng 6 tấn, năng suất tăng so với cách sản xuất lúa truyền thống trước đây từ 1,5 - 2 tấn/ha, chất lượng lúa được nâng lên, ít có hạt lép, ít bị sâu bệnh... Đầu tư cho vụ này, anh giảm được khoảng 20 -30% chi phí về giống, lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và công phun xịt thuốc. Trừ chi phí, vụ lúa này, anh lãi được hơn 10 triệu đồng.
Huyện Hàm Thuận Bắc, từ vài chục ha làm điểm ban đầu, hiện nay nhiều bà con nông dân trong huyện đã tích cực tham gia mô hình sản xuất lúa “3 giảm, 3 tăng'' trên diện tích gần 1.500ha, sử dụng chủ yếu là giống lúa xác nhận ML48, chi phí thấp, hiệu quả cao.
Huyện cũng đã chuyển giao 10 công cụ sạ hàng, 3 máy gặt xếp dãy, hỗ trợ lãi suất giúp nông dân vay tiền mua sắm phương tiện, công cụ sản xuất… đồng thời tập huấn chuyển giao kỹ thuật nhân rộng mô hình “3 giảm, 3 tăng” và sản xuất lúa giống cho bà con nông dân trong những vụ tới.