III. ĐÁNH GIÁ CÔNG TÁC ỔN ĐỊNH VÀ MỞ RỘNG THỊ TRƯỜNG CỦA CÔNG TY.
2. Những tồn tại chủ yếu.
Bên cạnh những thành công đã gặt hái được, thì trong công tác ổn định và mở rộng thị trường tiêu thụ của Công ty còn gặp những tồn tại chính sau:
+ Khối lượng tiêu thụ tại các thị trường Miền Trung và Miền Nam có tăng, nhưng lượng tăng không đáng kể. Nếu so sánh giữa 2 năm thì lượng tăng còn giảm. Điều đó cho thấy công tác mở rộng thị trường theo khu vực địa lý của Công ty chưa đạt hiệu quả. Công ty chỉ mới ổn định được các thị trường truyền thống chứ chưa mở rộng tiêu thụ ra các thị trường mới.
Bên cạnh đó, cần xem xét thị trường tiêu thụ nước ngoài. Các sản phẩm xuất khẩu sang các nước khác còn chiếm tỷ trọng rất khiêm tốn. Nếu có xuất khẩu thì sản phẩm của Công ty mới chỉ dám len chân vào các thị trường như Mông Cổ, Campuchia, Trung Quốc… Công ty chưa chú trọng đến các thị trường lớn có sức mua ổn định như thị trường ASEAN, thị trường EU, thị trường Hoa Kỳ..
+ Về sản phẩm : Sản phẩm của Công ty trong những năm gần đây khá đa dạng nhưng vẫn còn thiếu những sản phẩm đặc thù thoả mãn ngày càng phong phú nhu cầu của khách hàng trên các đoạn thị trường khác nhau. Sản phẩm của Công ty chủ yếu là các sản phẩm bình dân đến trung bình, chỉ phục vụ nhu cầu cho tập khách hàng có thu nhập vừa và thấp. Chưa có các sản phẩm thuộc dòng cao cấp để phục vụ nhu cầu cho tập khách hàng có thu nhập cao mà tập khách hàng này có xu hướng trung thành với các sản phẩm mà mình đã chọn.
Chất lượng sản phẩm đã được Công ty chú trọng, song sản phẩm của Công ty vẫn chưa có sức cạnh tranh mạnh so với các đối thủ có tầm cỡ như Kinh Đô, Tràng An, HaiHa-Kotobuky. Sản phẩm của Công ty chưa có ấn tượng rõ nét với người tiêu dùng, hãy dùng một ví dụ: Khi nhắc đến Kinh Đô là nhắc đến dòng sản phẩm cao cấp, chỉ có những người có thu nhập cao mới là khách hàng thường xuyên của Kinh Đô. Nhắc đến Công ty bánh kẹo Tràng An là nhắc đến sản phẩm kẹo cốm, nhắc đến Hai Ha Kotobuky là nhắc đến Bánh tươi, bim bim. Còn Công ty Cổ phần bánh kẹo Hải Hà thì chưa có sản phẩm nào đặc trưng ghi dấu thương hiệu của Công ty.
+ Máy móc thiết bị dây chuyền sản xuất của Công ty chưa phát huy hết công suất, đặc biệt là vào thòi gian quý II, III trong năm, nhiều dây chuềyn sản xuất phải ngừng hoạt động do nhu cầu tiêu thụ sản phẩm vào thời gian này giảm mạnh.
+ Số lượng đại lý của Công ty tương đối lớn song phân bố không đều. Tại khu vực thương trường phía Bắc, tập trung nhiều ở Hà Nội, Hải Phòng nhưng lại bỏ trống ở các thị trường khác. Tại khu vực thị trường miền Trung tập trung ở Nghệ An, Thanh Hoá mặc dù miền Trung còn có rất nhiều tỉnh, vùng miền khác nhưng Công ty cũng không thiết lập hệ thống kênh phân phối ở đó. Còn tại thị trường miền Nam thì tình trạng phân bố không đều càng thể hiện rõ. Tại thành phố Hồ Chí Minh, Công ty có 7 đại lý mà tổng số đại lý tại thị trường miền Nam là 18 đại lý.
Tất cả những điều trên cho thấy Công ty chưa có sự quan tâm đúng mức đến hiệu quả của mạng lưới phân phối đối với công tác ổn định và mở rộng thị trường, nhất là việc thâm nhập vào thị trường mới.
Mặt khác với số lượng đại lý lớn, tràn lan gây khó khăn cho việc giám sát, giữa các đại lý có sự cạnh tranh gay gắt về giá, về các chính sách ưu đãi của Công ty, từ đó tạo nên sự không hiệu quả trong hoạt động tiêu thụ của các đại lý. + Hiện nay, có rất nhiều Công ty bánh kẹo phía Nam đã mở rộng các chi nhánh và đại lý tại phía Bắc ( như Công ty bánh kẹo Biên Hoà, Công ty đường Quảng Ngãi..) khiến cho thị phần của Công ty sụt giảm. Trong khi đó, Công ty lại chưa chú trọng đến việc mở chi nhánh tại khu vực miền Trung và miền Nam. Sản phẩm của các đối thủ cạnh tranh lại phong phú, đa dạng hơn, thoả mãn cả nhu cầu tiêu dùng của người miền Bắc.