Các vùng thích hợp phát triển nuôi cá tra ở ĐBSCL

Một phần của tài liệu dự án quy hoạch phát triển sản xuất và tiêu thụ cá tra vùng đồng bằng sông cửu long đến năm 2010 và đinh hướng đến 2020 (Trang 30 - 32)

Với những lợi thế về điều kiện tự nhiên như: địa hình, địa chất, chế độ thủy văn, nguồn nước, các thông số môi trường nước phù hợp,…vùng ĐBSCL dần đã khẳng định được thương hiệu sản phẩm cá tra trên thế giới. Dựa trên cơ sở đó sắp xếp các vùng nuôi cá tra để làm tiêu chí cho việc đánh giá chất lượng thịt cá thông qua các yếu tố môi trường, nguồn nước và làm tiền đề cho việc bố trí phân cấp vùng quy hoạch theo các cấp độ vùng đất tối ưu để phát triển nuôi cá tra.

(1). Nuôi cá tra ao trên cồn, bãi (vùng nuôi thích hợp cấp 1)

Vị trí các cù lao, cồn bãi thường nằm kẹp giữa các con sông lớn, nơi đây có cường độ trao đổi nước cao, có điều kiện môi trường tốt cho vào ao nuôi cá tra. Hiện tại những cồn bãi trong vùng rất hấp dẫn các nhà đầu tư. Mô hình nuôi này mới được áp dụng vài năm gần đây ở các tỉnh An Giang, Cần Thơ và Đồng Tháp. Hiện nay các nhà đầu tư phát triển nuôi lan rộng đến các tỉnh Vĩnh Long, Trà Vinh và hầu hết các cồn bãi trong vùng.

Diện tích các ao nuôi trên cồn thường rất lớn, dao động từ 3.000-10.000m2, tập trung trong khoảng từ 6.000-8.000m2. Các ao nuôi có độ sâu trung bình từ 3-5m, cá biệt có nơi ao được đào sâu đến 6-7m. Nuôi cá tra cồn, bãi bồi sẽ tận dụng được nguồn nước lên xuống của thủy triều để thay nước cho ao nuôi mà không cần dùng máy bơm để cấp hay thoát nước. Mỗi ao nuôi thường có 1 cống hở có kích thước từ 2-4m để vừa cấp và thoát nước.

Một năm sản xuất 2 vụ (mỗi vụ 6 tháng, vụ 1 bắt đầu từ tháng 12 năm trước đến tháng 5 năm sau và vụ 2 bắt đầu từ tháng 6 đến tháng 12).

Mật độ cá thả từ 30-50 con/m2, tùy theo cỡ giống (nếu cỡ 1,2cm thì thả mật độ cao, nếu giống cỡ 2,5cm thì thả mật độ thấp).

Nước thay hàng ngày theo thủy triều, đảm bảo nước trong ao không quá ô nhiễm để cá sinh trưởng và phát triển. 100% các ao nuôi hiện nay không có ao lắng và ao xử lý nước cấp và nước thải, nước thay ra đổ trực tiếp ra sông.

Hiện nay người nuôi chỉ sử dụng thức ăn công nghiệp nên hạn chế được nhân công, giảm thiểu khối lượng chất thải rắn đổ ra môi trường; cân đối thành phần dinh dưỡng, nâng cao chất lượng thịt cá.

Năng suất nuôi thường đạt rất cao dao động từ 200 - 400tấn/ha/vụ, sau 6 tháng nuôi cỡ cá thu hoạch đạt 1,0-1,2kg/con. Cá tra nuôi ở mô hình này thường cho sản phẩm thịt cá trắng, đáp ứng yêu cầu nguyên liệu cho các nhà máy chế biến xuất khẩu sang các thị trường khó tính.

(2). Nuôi cá tra đăng quầng (vùng nuôi thích hợp cấp 2)

Nuôi đăng quầng thường ở những con sông nhánh tốc độ dòng chảy thấp, hoặc nằm khuất trong các khúc quanh của các con sông. Hiện nay mô hình này còn phát triển nuôi giữa 2 cồn, bãi có dòng chảy vừa phải, chắn đăng lưới nối 2 cồn theo hướng chảy dòng sông. Mô hình nuôi đăng quầng xuất hiện ở hầu hết các tỉnh nằm dọc sông Tiền và sông Hậu.

Vùng nuôi đăng quầng thường nằm ở đuôi các cồn, bãi, khoảng cách giữa các đăng quầng thường 200m. Nơi sâu nhất của đăng quầng (phía ngoài khoảng 4 m khi nước lên và 3m khi nước xuống). Năm 2005, diện tích nuôi đăng quầng ở các tỉnh không lớn, khoảng 62 ha, trong đó An Giang 45ha và Đồng Tháp 17ha. Trung bình mỗi đăng khoảng 10.000m2.

Chi phí xây dựng đăng quầng thấp hơn so với đào ao, không phải đầu tư cống bọng, máy bơm nước,… .

Nuôi đăng quầng phải sử dụng các loại giống có kích cỡ lớn (2,5-3,0cm), do đó một năm có thể sản xuất được 2 vụ. Mật độ thả giống dao động từ 25-35 con/m2, tùy theo điều kiện cụ thể của các hộ nuôi.

Giai đoạn đầu (1997- 2004) sử dụng chủ yếu là thức ăn tự chế biến (80%), bao gồm các loại cá tươi, bột cá, bột ngô,…, thức ăn công nghiệp được ít hộ sử dụng do giá thành sản xuất cao hơn thức ăn tự chế biến. Đến thời điểm hiện nay hầu hết diện tích nuôi sử dụng thức ăn công nghiệp.

Năng suất nuôi đăng quầng trung bình từ 100-250tấn/ha/vụ; cá thu hoạch có kích cỡ từ 1,0-1,2kg/con. Cá được tiêu thụ cho các cơ sở chế biến để phục vụ chế biến xuất khẩu.

(3). Nuôi cá tra ao ven các sông lớn (vùng nuôi thích nghi cấp 2) và ven các sông nhánh, kênh trục (vùng nuôi thích nghi cấp 3)

Đối với mô hình nuôi cá tra ao ven các tuyến sông lớn (sông Tiền, sông Hậu), các ao nuôi thường được bố trí cặp các sông để thuận tiện cho việc cấp thoát nước, vận chuyển hàng hóa và tiêu thụ sản phẩm. Các ao nuôi có diện tích phổ biến dao động từ 2.000-7.000m2; độ sâu ao nuôi từ 3-5m, trung bình 4m. Tùy thuộc vào điều kiện địa hình, cỡ giống thả, giá cả thị trường...vùng nuôi này trung bình mỗi năm từ 1,5-2 vụ nuôi. Tùy vị trí khác nhau mà ao được bố trí 1 cống thoát nước và 01 cống cấp nước, hoặc sử dụng máy bơm để cấp nước. Thường nước cấp, thoát tự động theo sự lên xuống của thủy triều, có nhiều vùng nước cấp bằng máy bơm. Công suất máy bơm lớn nhỏ tùy thuộc vào diện tích ao nuôi, trung bình 15cv/máy bơm. Mật độ thả nuôi dao động trong khoảng 20-30 con/m2, tùy thuộc vào hình thức sản xuất và cỡ giống thả (nếu giống lớn thì thả mật độ thấp hơn và ngược lại). Giống thả thường có kích thước từ 1,2cm (giống nhỏ) hoặc 2,5cm (giống lớn). Thời gian nuôi từ 5-7 tháng cũng tùy thuộc vào điều kiện chăm sóc và cỡ giống thả nuôi. Cỡ cá thu hoạch đạt 0,9-1,1kg/con; năng suất nuôi từ 80-200 tấn/ha/vụ.

Đối với mô hình nuôi cá ao ven các sông nhánh, kênh trục thường nằm sâu trong nội đồng nên khả năng trao đổi nước hạn chế. Các ao nuôi thường được đào gần các sông, kênh này; diện tích ao dao động từ 1.000-5.000m2, độ sâu ao dao động từ 2-4m, trung bình 3m. Mật độ và thời vụ thả nuôi giống như nuôi cá tra ở vùng 2. Năng suất nuôi từ 50-150 tấn/ha/vụ.

Thức ăn công nghiệp được sử dụng trong suốt quá trình nuôi, hệ số chuyển đổi thức ăn (FCR = 1,4 -1,6). Tỉ lệ thức ăn cho cá giảm dần so với trọng lượng cá trong ao.

Chế độ thay nước thay đổi theo thời gian nuôi, do mật độ nuôi quá lớn nên môi trường nước trong ao rất nhanh bị nhiễm bẩn. Tỷ lệ nước thay và tần suất thay nước trong ao cũng tăng dần theo thời gian nuôi. Giai đoạn đầu (mới thả cá) 5-7 ngày thay nước một lần, thay 15% nước trong ao nuôi, đến cuối vụ tỉ lệ thay nước là 30% lượng nước trong ao và mỗi ngày thay nước một lần.

(4). Nuôi cá tra lồng bè

Các bè nuôi thường tập trung thành cụm khoảng 4-5 lồng dọc các con sông lớn. Mỗi cụm cách nhau từ 70-150m; kích thước lồng nuôi dao động từ 50-500m3, tập trung trong khoảng 200-300m3/lồng. Các lồng nuôi được thiết kế bằng khung sắt, xung quanh bao bằng lưới inox. Độ sâu của bè nuôi từ 3-5m, cách đáy khoảng 0,5-1,0m.

Bè nuôi được vệ sinh định kỳ trong thời gian nuôi, sau 3-5 năm thì đưa lên khỏi mặt nước để gia công và sửa chữa lại.

Cá giống thả có kích thước lớn (2,5-3,5cm), được cung cấp từ các cơ sở sản xuất nhân tạo. Mật độ giống thả dao động trong khoảng 15-20 con/m3, tùy thuộc vào điều kiện chăm sóc của các hộ nuôi.

Trong những năm đầu, thức ăn sử dụng chủ yếu là tự tạo (85%), cá tạp, bột cá, bột ngô, phụ gia,… được chế biến ngay tại bè dạng viên để cho cá ăn. Hiện nay loại hình nuôi lồng bè chỉ sử dụng thức ăn công nghiệp.

Năng suất cá nuôi trong bè dao động từ 32-140kg/m3, tùy theo mật độ nuôi. Thời gian nuôi cá lồng bè từ 5-7 tháng/vụ. Kích cỡ cá thương phẩm dao động từ 1,0-1,2kg/con. Tình hình nuôi cá tra lồng bè hiện nay gặp nhiều khó khăn do suất đầu tư cao, hiệu quả kinh tế thấp hoặc thua lỗ. Xu thế nuôi cá tra lồng bè các tỉnh sẽ không còn nữa. Trong quy hoạch sẽ không quy hoạch phát triển lồng bè.

(5). Các bệnh thường gặp trên cá tra

Tình trạng dịch bệnh diễn ra phức tạp, đặc biệt trong những năm gần đây. Hiện tượng ô nhiễm môi trường, chất lượng giống đang có xu hướng giảm do thoái hóa,… dẫn đến dịch bệnh phát sinh ở nhiều khu vực nuôi trong vùng.

Các loại bệnh thường gặp là bệnh gan-thận-mủ, bệnh đốm đỏ, nhiễm ký sinh trùng nguyên nhân gây ra bởi vi khuẩn và các ký sinh trùng sống bám.

Công tác phòng trị bệnh gặp nhiều khó khăn do mật độ nuôi cao, thường xảy ra nhanh và lây lan trên diện rộng. Dịch bệnh đã ảnh hưởng rất lớn đến kết quả sản xuất và hiệu quả kinh tế của người nuôi. Công tác phòng trị chưa theo kịp với diễn biến thực tế sản xuất.

Một phần của tài liệu dự án quy hoạch phát triển sản xuất và tiêu thụ cá tra vùng đồng bằng sông cửu long đến năm 2010 và đinh hướng đến 2020 (Trang 30 - 32)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(109 trang)
w