3.2.1. Mở đầu
GPRS là một bước chuẩn bị về cơ sở hạ tầng kỹ thuật để tiến lên W-CDMA với việc đưa chuyển mạch gói vào mạng. Mạng W-CDMA sử dụng lại rất nhiều phần tử của GPRS.
GPRS hỗ trợ dịch vụ số liệu tốc độ cao cho GSM. Một MS trong mạng GPRS có thể truy nhập đến nhiều khe thời gian. GPRS khác với HSCSD ở chỗ nhiều người dùng có thể sử dụng chung một tài nguyên vô tuyến, vì thế hiệu suất sử dụng tài nguyên vô tuyến rất cao. Một MS ở chế độ GPRS chỉ dành được tài nguyên vô tuyến khi nó có số liệu cần phát. Một người dùng GPRS có thể sử dụng đến 8 khe thời gian để đạt được tốc độ lên đến hơn 100Kbps. Về mặt lý thuyết, GPRS có thể cung cấp tối đa là 171,2Kbps ở giao diện vô tuyến qua 8 kênh 21,4Kbps (sử dụng mã CS-4). Ở trong các mạng thực tế do cần phải dành một phần dung lượng cho việc hiệu chỉnh
---
lỗi trên đường truyền vô tuyến nên tốc độ cực đại chỉ cao hơn 100Kbps với tốc độ khả thi vào khoảng 40Kbps đến 50Kbps.
Giao diện vô tuyến của GPRS được xây dựng trên cùng nền tảng như giao diện vô tuyến của GSM cùng sóng mang vô tuyến độ rộng băng 200KHz và 8 khe thời gian. Như vậy cả dịch vụ chuyển mạch kênh và chuyển mạch gói đều có thể sử dụng cùng sóng mang. Tuy nhiên mạng đường trục của GPRS được thiết kế sao cho nó không phụ thuộc vào giao diện vô tuyến. Ngoài ra mã hóa kênh trong GPRS cũng hơi khác so với mã hóa kênh của GSM. GPRS định nghĩa một số sơ đồ mã hóa kênh khác nhau. Sơ đồ mã hóa kênh thường được sử dụng nhất cho việc truyền số liệu là Sơ đồ mã hóa 2 (CS-2:Code Schema 2). Mã hóa CS-2 cho phép một khe thời gian có thể mang số liệu ở tốc độ 13,4Kbps.
Mạng GPRS là một mạng số liệu gói được xây dựng trên cơ sở cấu trúc mạng GSM hiện tại, cộng thêm một số phần tử mới. Vì lúc đầu GSM được thiết kế cho chuyển mạch kênh nên việc đưa chuyển mạch gói vào đòi hỏi phải bổ sung thêm thiết bị cho mạng. GPRS là một bước phát triển kịp thời đáp ứng nhu cầu trao đổi dữ liệu ngày càng cao và là sự chuyển tiếp hợp lý giữa thông tin di động thế hệ 2 và thông tin di động thế hệ 3.