Những vấn đề chung về thuế TTĐB

Một phần của tài liệu Tài liệu Ôn thi CPA 2009 môn Thuế và quản lý thuế nâng cao docx (Trang 37 - 38)

3. Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB)

3.1. Những vấn đề chung về thuế TTĐB

3.1.1. Khái niệm

Thuế TTĐB là một loại thuế gián thu đánh vào một số hàng hoá, dịch vụ nằm trong danh mục Nhà nước quy định cần điều tiết sản xuất hoặc tiêu dùng. Thuế TTĐB được cấu thành trong giá bán hàng hoá, dịch vụ do người tiêu dùng chịu khi mua hàng hoá, dịch vụ.

Thuế TTĐB thường có ở hầu hết các quốc gia vì đây là một loại thuế rất có hiệu quả bởi số thu rất cao, rất dễ thu, việc đánh thuế thường nhận được sự đồng thuận rất cao của công chúng. Tuỳ thuộc vào điều kiện cụ thể về kinh tế xã hội, phong tục tập quán, chính sách tiêu dùng, yêu cầu động viên ngân sách, khả năng quản lý, giám sát mà mỗi nước có những quy định riêng về danh mục mặt hàng chịu thuế, mức thuế suất, phương thức tổ chức quản lý thu.

Nhiều nước áp dụng thuế TTĐB đánh vào nhiều mặt hàng hoá hoặc dịch vụ, để người dân dễ hiểu, tiện lợi trong tuyên truyền, giải thích cũng như để xây dựng các quy trình thủ tục quản lý hiện đại người ta thường dùng ngay tên của mặt hàng bị đánh thuế để làm tên gọi, ví dụ: thuế xăng dầu, thuế thuốc lá, thuế rượu, thuế bia... Qua thống kê từ thực tiễn các nước cho thấy thuế TTĐB thường được đánh vào các nhóm hàng hoá, dịch vụ sau đây:

(i) Nhóm hàng hoá, dịch vụ có hại cho sức khoẻ cộng đồng (rượu, thuốc hút). (ii) Nhóm hàng hoá, dịch vụ mà người sử dụng chúng thuộc lớp người có thu nhập cao, nhà nước cần điều tiết (ô tô, tàu bay cá nhân, du thuyền, mỹ phẩm cao cấp, dịch vụ làm đẹp...).

(iii) Nhóm hàng hoá, dịch vụ thuộc danh mục độc quyền nhà nước hoặc nhà nước cần kiểm soát đặc biệt.

(iv) Hàng hoá thuộc danh mục cần định hướng để thực hiện chính sách quốc gia về năng lượng, tài nguyên thiên nhiên (xăng dầu, sản phẩm khai khoáng...).

(v) Hàng hoá, dịch vụ mà việc tiêu dùng chúng có thể ảnh hưởng tiêu cực đến thuần phong, mỹ tục, trật tự xã hội (bài lá, cá độ, mát xa...).

Ở nước ta, thuế TTĐB được Quốc hội khoá IX ban hành Luật và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/10/1990 và đã qua nhiều lần sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình phát triển kinh tế xã hội của đất nước trong từng thời kỳ. Trong đó những lần sửa đổi quan trọng vào các năm 1998, 2003 và 2006. Thực hiện chương trình xây dựng Luật của Quốc hội năm 2008, Luật thuế TTĐB số 27/2008/QH12 đã được Quốc hội thông qua vào ngày 14/11/2008, có hiệu lực thi hành kể từ 01/01/2009. Sau khi Chính phủ ban hành Nghị định số 26/2009/NĐ-CP ngày 16/3/2009 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, Bộ Tài chính ban hành Thông tư hướng dẫn số 64/2009/TT-BTC ngày 27/3/2009.

3.1.2. Vị trí, vai trò của Thuế TTĐB

- Thuế TTĐB là một sắc thuế có hiệu suất cao, là công cụ đảm bảo nguồn thu quan trọng của ngân sách nhà nước.

- Thông qua việc điều tiết cao đối với một số hàng hoá, dịch vụ đặc biệt, thuế TTĐB góp phần động viên một phần thu nhập của các đối tượng có thu nhập cao vào NSNN, góp phần đảm bảo công bằng xã hội.

- Thuế TTĐB còn là một công cụ quản lý vĩ mô của Nhà nước trong việc hướng dẫn sản xuất, hướng dẫn tiêu dùng.

Một phần của tài liệu Tài liệu Ôn thi CPA 2009 môn Thuế và quản lý thuế nâng cao docx (Trang 37 - 38)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(130 trang)